16/11/2014
120-121
Sa di K.A. hôm nay cũng có mặt trong đại lễ quan trọng này, có vẻ như “chú tiểu” còn lúng túng trong cách mặc y ca sa, Sư Th. và một vị Sư Miến trẻ đã hướng dẫn Sư K.A. bài học đầu tiên đó.
Một Sư Miến trẻ cũng hoan hỉ trợ giúp cho vị Sa di K.A.
Thiện Nam tín Nữ bắt đầu tề tựu trong thiền đường, ngoài những Phật tử là cư dân địa phương, hôm nay còn có những Phật tử Thái, Việt từ Mỹ và Sài gòn qua tham dự, đặc biệt một du khách người Úc mà chúng tôi gặp trên đường đi vào rừng hôm 01-11 cũng có mặt. Tất cả đều lộ vẻ vui tươi trong đại lễ Dâng Y này.
Những Phật tử Miến đang tiếp sức cùng nhà chùa trong ngày làm lễ.
Các tín nữ thì trang trí những “vật cúng” đặc biệt của riêng dân tộc Miến mà tôi chưa từng thấy, đó là những thanh tre mỏng manh mang những mẫu vật màu trắng hoặc nhiều màu sắc, rất ngộ nghĩnh, tôi tạm gọi là “cành bông” .
Có 4 “cành” lớn treo lủng lẳng những tua, bông nhiều màu, sẽ được gắn trên vĩ trên đan dựng phía trước bàn Phật.
Các Phật tử hôm nay ăn mặc rất đẹp.
Anh bạn Zaw Min vừa dẫn đoàn khách từ Hoa kỳ mới sang.
Những “cành” mang “bông” trắng có thêm gói nếp rang, là “vật phẩm” cúng Phật mà sau đó các Sư sẽ tung về phía kim thân Phật tổ như 1 nghi thức dâng thức ăn cho Phật…Những cành này sẽ được các Sư cung kính dâng ngang trán như khi nguyện hương, trong lúc cùng nhau đọc kinh làm lễ.
Nếp rang là vật phẩm cúng trong buổi lễ An vị Phật.
Các thiện nam thì lo trang trí bàn Phật và sắp xếp chỗ ngồi cho các Sư,
vài người đảm nhận việc ghi chép tiền và phẩm vật do bá tánh dâng cúng, tất cả sẽ được phân bổ ra theo số Sư hiện diện. Phẩm vật cúng dường sẽ đi kèm với bộ Y ca sa, được một số Phật tử đại diện, dâng lên các Sư sau khi bài thuyết pháp của một vị cao tăng kết thúc.
Ban tiếp nhận là những Phật tử người địa phương vào làm công quả.
4 cành “bông” nhiều màu gắn đều trên khung tre trước bàn Phật
Bên ngoài thiện tín và các Sư tiếp tục đến, mọi người phụ tiếp nhau để buổi lễ được chu toàn, do số lượng người đến dự lễ đông nên các bàn ăn phải dọn thêm trong nhà khách phụ, diện tích cũng tương đương.
Các Sư khách mời đến khá đông, hoặc đứng bên ngoài ngắm cảnh, trò chuyện hoặc tụ họp dưới chân Đức Phật trong nhà Sima Kiết giới…
Sa di K.A. trò chuyện cùng vị Sư Miến Điện.
Chúng tôi cũng đã sẳn sàng, lần đầu tiên chứng kiến một sinh hoạt văn hóa tôn giáo quan trọng, một nghi thức truyền thống Phật giáo hệ phái Theravada…
Theo Sư H. nhân dịp Lễ Dâng Y, có sự hiện diện của quí Sư khách mời, Thiền viện cũng sẽ làm Lễ An vị tượng Phật cẩm thạch trắng vừa tạc.
Mọi người tề tựu đông đủ trong thiền đường, 2 Sư mới là Sư Dhama Nanda và Sư K.A. chưa đủ chuẩn để thụ y nên ngồi phía dưới, trên bục cao ngay trước bàn Phật, khoảng 20 vị Sư ngồi xổm ( không phải quì như các Sư theo Phật giáo Bắc tông), đôi bàn tay cung kính nâng trên trán cành “bông”trắng(tôi tạm gọi như thế vì không biết tên là gì), rồi bắt đầu đọc kinh cầu nguyện. Mọi người trong thiền đường lặng yên chắp tay thầm khấn theo.
Quí Sư thụ y lần lượt bước vào thiền đường.
Chỉ các Sư ngồi trên bục cao mới được thụ y, những Sư này đã hoàn tất 3 tháng nhập Hạ đúng theo giới luật.
Các Sư làm lễ An vị tượng Phật Thích ca tại thiền đường.
Sau cùng là Lễ Dâng y, quí Sư lần lượt được mời lại ngồi trên ghế, một Phật tử sẽ đến quì lạy trước khi dâng Y cà sa và vật phẩm cúng dường đúng theo nghi thức.
Y cà sa, theo tiếng Phạn là kasaya, không có nghĩa gì là áo, mà chỉ có nghĩa là “hoại sắc, bạc màu”, chiếc áo dành cho người đã vất bỏ mọi phiền não tham sân si, để đi vào con đường Phật pháp. Vì vậy, kiễu mẫu thật hết sức giản dị, khiêm tốn còn màu thì là một đơn sắc đặc trưng tạo sự kính trọng cho mọi người. Sự kính trọng ấy thực chất không phải là do áo, mà chính là do con người mặc áo ấy tạo nên, sau khi đã thấm nhuần lời dạy của Đức Phật.
Dâng y và thụ y chỉ là một biểu hiện của bố thí và chia sẻ. Cho nên, đại lễ dâng y cũng là dịp để bá tánh thể hiện lòng từ bi, bác ái hướng đến những tăng, ni vì chúng sinh mà sống đời khổ hạnh, chỉ cho chúng sinh con đường giải thoát muộn phiền, khổ đau.
Tùy theo phong tục, tùy theo hệ phái, Lễ Dâng y có khác nhau về nghi thức cũng như những hoạt động bên lề. Tại các tỉnh miền Tây có đông người Khmer, theo Phật giáo Nam tông, Lễ Dâng y được tổ chức như ngày hội, có cả múa hát truyền thống dân tộc(Dù kê) trong sân chùa kể về những sự tích tôn giáo xa xưa.
Hôm nay, lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến đại lễ Dâng y tại đất nước Miến Điện xa xôi, dĩ nhiên mang bản sắc riêng của nước này và xem đó như là một trong những hoạt động văn hóa thú vị.
Sau khi xong lễ An vị Phật, các Sư có phẩm trật cao được mời lên hàng ghế phía trước, các Sư còn lại thì ngồi tại chỗ. Một vị cao Tăng được kính mời đăng đàn thuyết pháp(dĩ nhiên bằng tiếng Miến). Bài thuyết pháp dài khoảng 40 phút thì chấm dứt.
Mọi người trong thiền đường cùng chắp tay nghe Sư thuyết pháp.
Các Ni Sư Miến Điện và bá tánh.
Tiếp theo là nghi thức “dâng y”, các Sư lần lượt từng người một, được mời lên ngồi trên chiếc ghế đặt chính giữa , phía trước hàng ghế các Sư đang ngồi, từng Phật tử đã được lập danh sách trước, đại diện, bước đến, cúi lạy Sư rồi bằng 2 tay, dâng y và vật phẩm cúng dường. Buổi lễ chấm dứt khi tất cả các Sư có mặt thụ y, ngoại trừ 2 Sư mới qui y, Dhama Nanda và K.A.
Cuối cùng mọi người di chuyển qua 2 nhà khách để dùng cơm trưa cùng với quí Sư.