6/7/2014
Phần 48,49
Biết tôi thích phiêu lưu, hay rong chơi đây đó, trong những lúc ngồi nhâm nhi cà phê cùng bạn bè mỗi sáng tại thành phố Long Xuyên, tôi luôn được gợi ý rằng nên đi thăm cầu sông Kwai nếu có dịp. Năm 2011, chúng tôi đã đến Thái Lan lần đầu, nhưng là tour được set up bởi công ty lữ hành, mọi điểm đến đều đã nằm trong kế hoạch, rất sít sao, nên không thể xé lẻ đi riêng, dự kiến ấy không thực hiện được; lần này thì thật dễ dàng, bởi chẳng phải ràng buộc với ai .
The Death Railway, đã từng được người Anh khảo sát từ đầu thế kỷ XX, nhưng quá khó để thực hiện, vì vượt qua một vùng địa hình phức tạp và bị chia cắt bởi rất nhiều sông, suối…giữa núi rừng hoang vắng.
Nhưng, do nhu cầu phục vụ chiến tranh, người Nhật quyết chí xây dựng con đường chiến lược dài 415km này bằng mọi giá. Khởi công vào ngày 22 tháng 6 năm 1942 từ 2 đầu Thái Lan và Miến Điện, đến ngày 17 tháng 10 năm 1943, 2 đoạn đường gặp nhau tại km 18 phía Nam đèo Ba Chùa ở Konkuita (Kaeng Khoi Tha), quận Sangkhla Buri, Kanchanaburi. Nhiều cây cầu quan trọng được xây dựng để vượt qua những con sông cạn hay băng ngang các hẻm núi cheo leo.
Ngoại trừ cầu sông Kwai, tất cả các cây cầu còn lại đều không làm bằng thép mà là bằng bê tông hoặc là những cầu gỗ chắc chắn, vốn không thiếu tại chốn rừng già hoang vu này, như:
• Cầu gỗ 90 mét qua sông Songkalia,tại km 294 + 418
• Cầu gỗ 56 mét qua sông Mekaza,tại km 319 + 798
• Cầu gỗ 75 mét qua sông Zamithi,tại km 329 + 678
• Cầu bê tông 50 mét qua sông Apalong,tại km 333 + 258.20
• Cầu gỗ 60 mét qua sông Anakui,tại km 369 + 839.

Ảnh tư liệu từ internet, “hình ảnh cầu sông Kwai” .

Ảnh tư liệu từ internet, “hình ảnh cầu sông Kwai” trên phim.
Chiếc cầu mang số hiệu 277,vượt qua sông Kwae Yai, chính là chiếc cầu thép huyền thoại trên sông Kwai, mà hôm nay tôi được dịp đặt chân đến. Chiếc cầu hoàn thành vào tháng 6 năm 1943, phe Đồng Minh đã nhiều lần đánh phá, nhưng không thành công. Mãi đến ngày 2-4-1945, nhóm ném bom hạng nặng 458 thuộc phi đội ném bom AZON, Hoa kỳ mới phá hủy được cầu 277. Sau chiến tranh, cầu được phục hồi, riêng 2 nhịp thẳng ở giữa được làm tại Nhật và chính phủ Nhật đã tặng lại cho Thái Lan.
Toàn bộ chiếc cầu sắt có màu đen ánh thép, đặt trên 11 ụ bê tông vững chắc, hầm hố đúng chất sản phẩm của chiến tranh, cầu sông Kwai thật sự ấn tượng bởi cái vẻ ngoài góc cạnh giữa chốn “rừng thiêng nước độc”. Thực sự đấy chỉ là nói vui, bởi ngày nay, cái hoang sơ nguyên thủy làm sao có được khi hàng triệu du khách rủ nhau tìm đến, một hệ thống dịch vụ ăn theo đã phần nào làm mất đi cái hoang dại của núi rừng. Một cảnh quan náo nhiệt đầy màu sắc, một không khí tươi vui hớn hở của biết bao người khác nhau tiếng nói, làn da…đang làm nên một cầu sông Kwai năng động giữa núi rừng không còn hoang vắng.








Chắc chắn mọi người khi đến đây, ai cũng đều thú vị. Riêng tôi, bên cạnh cái thú vị, lại lâng lâng một niềm xúc động khó tả khi đặt những bước đầu tiên lên cái chứng tích chiến tranh đã có nhiều nỗi đau thương này!

Đưa bàn tay nhẹ chạm vào thành cầu thép lạnh, tôi chợt rợn người, như nghe thấy tiếng oan hồn rên xiết đâu đây. Rồi kịp thấy đó chỉ là cái cảm nhận hảo huyền, bởi có khi lúc này, bên kia làn ranh sinh-tử, những thanh niên chết trận, những tù binh chiến tranh và cả những người dân vô tội chết oan, đang bình yên trong một thế giới hòa bình, không hận thù, cùng với những người đã từng ra tay tàn ác với họ!
Cho nên, cái cảm nhận “rợn người” đã nhanh chóng tan theo những hình ảnh sinh động của dập dìu du khách, của sắc màu tươi vui, đang điểm tô cho cái chất thép lạnh lùng, đen đúa màu bi thảm chiến tranh.

Một hình ảnh khiến tôi và bà xã thích thú: một chàng Tây ba lô đang tươi cười hảnh diện bước đi mà trên lưng “lắc lẻo” một nhóc tì kháu khỉnh. Chắc chắn cậu nhóc chẳng quan tâm gì đến cái khung cảnh nhộn nhịp chung quanh, nhưng dường như lại rất ư thích thú bởi cái “nhịp nhàng” của chiếc ba lô trên lưng người cha, đang từng bước băng ngang cầu sông Kwai huyền thoại

Tươi vui đón nhận 1 shot.

Và bây giờ, giòng sông Kwae Yai, vẫn lặng lờ trôi xuyên qua những rừng cây xanh lá, nhưng không còn hoang vắng chốn đại ngàn, bởi trong không gian đầy ắp nói cười, đang vang rền tiếng động cơ nổ dòn của các thuyền công suất lớn, đưa du khách len lỏi thăm lại chốn rừng xanh nhiều bi tráng năm xưa.




Và bây giờ, trên những nhịp cầu huyền thoại, tôi không còn nhớ gì những hình ảnh đau lòng ở Bảo tàng chiến tranh. Thay vào đó là tiếng vĩ cầm ngân nga giai điệu bài “The Blue Danube” của Johann Strauss, đang được một nghệ sĩ “Cầu sông Kwai” độc tấu, như ca ngợi tình yêu thương, của những đôi lứa và của những ai đang đi lại trên chiếc cầu đã từng chứng kiến bao đau khổ này.


Cuối cùng chúng tôi cũng rời cầu sông Kwai, để tiếp tục cuộc hành trình đến với "Tuyến đường Ray Thần chết", để lại sau lưng cầu sông Kwai huyền thoại.


Theo chương trình, chúng tôi tiếp tục được đưa đến một nhà ga nhỏ trên tuyến đường sắt được mệnh danh là “Tử thần”. Người Thái thật khéo làm du lịch, cái tiêu đề “The Death railway” trong các tour đến cầu sông Kwai, chắc chắn gây sự tò mò cho du khách, dù rằng lúc bán tour họ chẳng hề ép khách phải tham gia. Hãy mua vé rẻ nhất có thể, rồi khi tới nơi, nếu thích thì mua thêm các sản phẩm phụ theo tour và tôi đã mua vé 450 baht, thay vì 550, nên đã phải mua thêm 2 vé 40 baht khi vào bảo tàng JEATH. Sắp tới, liệu chúng tôi có cần thiết phải tham gia chuyến tàu Thần chết? Thôi hãy đợi đấy, dù khi xem lại chương trình, thấy cũng hấp dẫn quá chừng, nhất là cái đoạn “ The most dangerous curving bridge”…, nó khiến mình cũng xiêu xiêu cái lòng!

Bảng chương trình tour “Cầu sông Kwai”.
11h20’ chúng tôi rời cầu sông Kwai. Sau 30 phút hành trình theo đường 323, chiếc Toyota 12 chỗ đưa chúng tôi đến 1 vùng quê hẻo lánh, thuộc Bản Kao, cách cầu sông Kwai chừng hơn 30km về phía Tây Bắc, tôi chắc rằng thời thế chiến thứ 2, nơi đây là rừng thiêng nước độc.



Mọi người xuống xe để nghe anh chàng HDV áo đỏ vui tính “dụ khị”: với giá vé 100 baht, quí vị sẽ được lên chuyến xe lửa Tử thần, tham dự cuộc hành trình xuyên qua con đường “chết chóc”, sẽ được ngắm giòng sông Kwae Noi và những quan cảnh đẹp dọc đường, nhất là sẽ tận hưởng cái cảm giác ghê sợ khi tàu vượt qua đoạn đường uốn quanh vách núi cheo leo, với đường ray đặt trên chiếc cầu hoàn toàn bằng gỗ, băng ngang khe núi sâu thẳm bên dưới. Du khách nào không tham gia, chúng tôi sẽ đưa ngay trở lại ga Tham Krasae, chờ tàu đến, để nhập đoàn đi tiếp!

Du lịch Thái đã móc túi du khách một cách nhẹ nhàng và lịch sự hết biết. Đã tới đây rồi mà không tiếp tục cuộc chơi sao? Đã rất tò mò về cái tên con đường quá ư ấn tượng mà không tham gia để trãi nghiệm, thì sao ăn ngon ngủ yên cho được? Lần lượt, 1, 2, 3 người,… thì cái tâm lý bầy đàn đã khiến không ai bảo ai, tất cả mọi người đều vui vẻ móc túi, đồng thời cũng móc luôn máy ảnh để chuẩn bị bắt lấy những khuôn hình ghi lại chuyến đi cùng “Thần chết” chắc là thú vị này!

Cuối cùng chiếc 12 chỗ đành chạy không trở về điểm hẹn, du khách lần lượt vượt qua khoảng trống để đến ngôi nhà ga vắng vẻ, trơ trọi giữa rừng hoang, ga Ban Kao.




Ga Bản Kao chỉ là một khối nhà dạng tiền chế, nằm giữa một vùng rừng thưa hoang vắng, có lẽ chỉ dành phục vụ cho các du khách tham gia chuyến tàu Thần chết này. Đây là nơi duy nhất để khách có thể ngồi trốn nắng trong khi chờ đợi chuyến tàu…không biết chừng nào mới đến. Gần quanh đó, chỉ toàn là những buội cây cỏ thấp, trống trơn, không nhà cửa, không người mua kẻ bán, như những sân ga khác, dù thật ra, đây cũng là tuyến đường sắt dân dụng bình thường. Và có lẽ rất nhiều người nơi đây đang thấy…chán!



Chán thật, đã gần 30 phút kể từ lúc xuống xe!
Riêng tôi, như mọi khi, tự thích nghi để tìm cái thú vị riêng mình, tôi vác máy ảnh, đi loanh quanh, nhờ thế tôi chợt thấy suýt nửa mình đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời…
Tôi sinh ra ở Sài gòn, nhưng từ thơ ấu đến trưởng thành thì sống ở miền Tây Nam bộ. Đất Cửu long ruộng đồng, sông nước, không có điều kiện cũng như không cần thiết để xây dựng đường sắt trong hệ thống giao thông. Cho nên, tôi không có cơ hội nôn nao chờ chuyến tàu sớm mai để trở về quê nhà sau những tháng ngày xa cách, hay bâng khuâng tại các sân ga trong sương chiều để đón chuyến tàu hoàng hôn đưa mình đến xứ xa. Nhưng vốn dĩ đã mang tính phiêu lưu từ nhỏ, hay vì thừa hưởng cái gen phiêu bồng của người cha thủy thủ tàu củi năm xưa, nên tôi luôn mê thích rong chơi lang bạt chốn giang hồ. Và hình tượng sân ga vắng buổi chiều tà hay con đường sắt song song chạy suốt về cuối nẻo mù sương, tăm tắp phía xa, đã từ lâu hiện diện trong tôi một cách lãng mạn đáng yêu. Cả tiếng còi tàu từng hồi rút lên, luôn làm tôi bâng khuâng mỗi khi nghĩ đến, cùng với nó là tiếng xìn xịt đều đều lúc chậm khi nhanh đã gây cho tôi cái cảm giác phiêu bồng từ lâu lắm trong cuộc đời! Bây giờ, tôi đang có dịp đợi chờ trên sân ga, một sân ga nhỏ giữa hoang vu rừng thưa vắng lặng, nếu không có mười mấy du khách đang ngồi đứng đợi chờ, thì cái cảm giác giang hồ lãng tử chắc phải làm tôi ngây ngất. Không sao, tôi cứ tìm những góc máy, chụp lấy ít files hình, để sau này xem lại, sẽ cảm nhận cái phiêu bồng thú vị …cho riêng ta!
Sau đây là những files ảnh “tự chụp” đã làm tôi ưng ý.


Túi hành trang và con đường sắt chạy về nơi vô định, chất “giang hồ” tràn ngập trong các tấm ảnh tự chụp, khiến tôi chợt nhớ đến bài thơ Giang hồ của nhà thơ vắn số, Phạm Hữu Quang, hội viên Hội VHNT Tỉnh An Giang.
...Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung…
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà!
Tôi quá thích bài thơ này, nên xin mượn 3 chữ để đặt tên ảnh, mong hương hồn nhà thơ…niệm tình thứ lỗi!



Và không ngờ, cái kiểu “lăn lóc” tự chụp của tôi khiến mọi người thích thú, gây nên 1 “phong trào” chụp ảnh trong lúc thời gian chờ tàu dài thường thượt như con đường “Thần chết” này.

