2/11/2014
112-113
Vật phẩm bố thí, không chỉ là thực phẩm mà tôi còn thấy có bó hoa nhỏ hái trong vườn nhà, thật đơn sơ nhưng chuẩn bị và cách cho thật trang trọng, nhìn cảnh này tôi rất xúc động! Bởi tôi nghĩ, chắc đây là sản phẩm tự tay cháu tìm kiếm lấy, dâng đến các Sư để cúng Phật trong chùa!
Khuôn mặt hiền hậu và cử chỉ tôn kính, cậu bé làm tôi xúc động biết bao!
Thêm một dĩa cơm mới nấu…
Cuối cùng các Sư quay trở lại chùa. Tôi còn nấn ná bên ngoài để tìm chụp thêm cảnh đẹp, kể cả lá, hoa, cây, cỏ…
Chúng tôi thật may mắn khi được rong chơi chuyến này, chắc chắn rằng không có một tour du lịch bán vé nào của các Công ty lại cung cấp cho chúng tôi những hình ảnh sinh động như vừa kể, lại còn lưu trú Kalaw để nhìn cảnh bình minh huyền ảo trên phố núi nhiều “hoang dã”, thật không thể nào quên được!
Kalaw thật lạnh và Kalaw cũng thật đẹp, đẹp từ làn khói mỏng thoảng xa trong cái thị trấn nhỏ, đến cả những giọt sương đọng ngọc trên lá trên hoa và trên cả các mạng nhện chằn chịt giăng mắc đầy cây…
Đúng thế, phải chăng do thấm nhuần lòng nhân ái của Đức Phật, hay vì không có thì giờ dọn dẹp, mà trong các vườn cây của những ngôi nhà dọc con phố núi, giăng mắc đầy tơ nhện trên cành, hàng trăm, hàng ngàn giọt sương đọng nước, dưới nắng mai như ngọc rắc giữa trời!
Khi bước vào dưới các tán cây sủng ướt sương đêm, chằn chịt mạng nhện với những “hung thần” đang im lìm rình chờ trên bẫy, tôi vừa thấy sự phong phú của thế giới côn trùng, cùng với những bạo tàn vì cuộc sống. Hình ảnh con nhện hùm cận cảnh mới thật đáng kinh hồn cho những kẻ không may, chung quanh là phần còn lại của những xác khô không chất sống. Con nhện thể hiện cái bản năng sinh tồn vốn có, để duy trì cuộc sống của mình, nó chỉ giăng bẫy là những mạng tơ mềm mỏng chết người, con mồi vô tình rơi vào nạp mạng, không truy sát ai và chắc là cũng vừa đủ để tồn tại theo qui luật cân bằng sinh thái. Chỉ có loài người, mang tiếng bậc cao, đủ suy tư để “mê lầm” trong ham muốn quá đáng, gây nên những đau khổ cho muôn loài.
Thiệt tình, từ ngày gặp lại Sư H. dưới tấm áo nâu sòng, chưa một lần tôi hỏi Sư về Phật pháp và Sư cũng chưa lần nào “giảng đạo” cho tôi phải thế này, thế kia. Kể cả việc xưng hô là “con” trước Sư cho phải phép, cái “tôi” của tôi cũng còn quá lớn để không thể tiện thốt nên lời. Nhưng chẳng sao, Sư có bao giờ bắt lỗi tôi đâu, mà lại còn hay nói giỡn y như hồi còn là…dân sự!
Tuy nhiên, có vài chuyện mà tôi cần phải nói, đơn cử 1 chuyện nhỏ sau đây. Vào năm 199x, ông bạn H. từ Mỹ về chơi, ghé nhà tôi, muỗi cứ nhè ông bạn Việt kiều mà chít, anh ta nói bộ mấy con muỗi này biết máu Việt kiều có bơ sửa sao mà bu lại quá xá, tay vừa dập chan chát, vừa cầm chiếc quạt quơ lia lịa…trong lúc chủ nhà đang ái ngại nhìn chiếc quạt máy nhỏ không đủ để “quét dọn” bọn muỗi mắc trong phòng.
Sau này, anh bạn H. xuất gia, trở về Việt Nam, trong chuyến đi thăm chùa của các Sư ở Rạch Giá, Hà Tiên, trên xe có muỗi bay vo ve, Sư chỉ lấy tay phe phấy đuổi, chợt 1 con bay đậu tay tôi, tôi đập cái chát, Sư chợt kêu “í” tức thì, nhưng chẳng hề nói 1 lời. Ngay lúc đó, tiếng “í” của sư chợt làm tôi như “thức tỉnh” vừa thấy mình làm một việc sát sinh, sự kiện mà đến nay tôi vẫn không quên được. Bởi vì chính nó đã dẫn tôi đến một suy nghĩ : mình thật vô tư khi giết 1 sinh vật vì nó là con vật “gớm ghiếc”, có khả năng gây đau, gây ngứa…và vì nó quá nhỏ bé, nhỏ bé đến độ …chẳng một chút động lòng khi mình giết nó đi; nhưng nếu nó lớn bằng con mèo, con chó…thì chắc mình không làm được. Và từ đó, tôi đã dần mất đi động tác đập muỗi, đập ruồi kiễu đó, chẳng khó khăn gì, vì tôi nghĩ 1, 2 con muỗi bị đập chết, chẳng làm bớt đi số lượng muỗi đang rình rập chung quanh, cho nên, biện pháp tốt nhất là …vô mùng hay thổi quạt máy cho mạnh. Cũng vậy, tôi không thể nào đuổi hết bầy kiến riện nhỏ xíu “ẩn cư” trong hang ổ ở góc kẹt bằng cách xịt thuốc hoặc thiêu đốt bằng lửa, vì chúng đã là một “xã hội” đang sống chung trong cộng đồng, giết hàng ngàn con đang chậm chạp bò trên con đường mòn cặp vách, chẳng ăn thua gì so với số lượng của chúng, mà khi nghĩ đến số hàng ngàn “sinh vật” bị thiêu chết trong chốc lát, thì nghĩ, đó chẳng khác nào hành động …diệt chủng! Từ đó, tôi không còn thấy “bị” quấy rầy bởi những con côn trùng nửa, tốt hơn hết, nên tránh chúng, đó là chuyện nhỏ và dễ làm nhất đối với kẻ phàm phu tục tử này.
Xin cảm ơn Sãi già!
Mãi lo quanh quẫn bên ngoài chùa, tôi quên mất rằng hôm nay Sư sẽ cho lên “Thủ đô” Taunggyi chơi, vì Sư phải “đi chợ” và làm một số việc trên đó. Thiệt là chúng tôi đang theo một chuyến du lịch không mua vé tuyệt vời, được đi nhiều nơi mà các công ty lữ hành không hề có.
Bà xã tôi hối hả gọi về nhanh để theo Sư đi chơi. 1 chiếc Toyota cá mập được thuê để chở 8 người gồm Sư H., Sư Th., Sư Dhamma Nanda, Anh A., Anh Ayunpa L., 2 vợ chồng tôi và Koto, cậu sinh viên Luật theo hộ giúp Sư.
Tài xế là một người Ấn Độ dễ thương, miệng luôn nhai trầu bỏm bẻm.
07h25’ khởi hành đi Taunggyi, là “thủ đô” của bang Shan, nằm về phía Đông và cách thị trấn Kalaw 70km. Thành phố này cao hơn Kalaw, với dân số trên 200.000 người, nhưng người Shan lại không chiếm đa số, mà là người Intha và Pa-O, vốn là những cư dân đầu tiên của bang.
Trên đường quê khi vừa ra khỏi thị trấn Kalaw.
Xe rời thị trấn trong cái nắng lạnh ban mai, chưa đủ để làm tan khối sương mù đang trùm lên khắp núi rừng.
Sau khoảng 15 phút, Sư H. cho dừng xe ở một thị trấn nhỏ, cách Kalaw chừng 12km, tên là Aungpan, chỉ là để mua một ít bánh kẹo kiễu như mè láo, bánh bía Sóc trăng vậy.
Tiệm này bán nhiều thứ bánh kẹo, dường như là đặc sản của địa phương, chắc là ngon lắm …
Trong lúc chờ đợi Sư H. mua bánh, tôi và bà xã lại lang thang ra ngoài chộp vài tấm ảnh để dành. Aungpan cũng là 1 thị trấn, thuộc quận (township) Kalaw, có một ngân hàng chắc vừa xây dựng sau thời đổi mới, đường sá còn nhỏ hẹp, nhà cửa phần lớn vẫn là gỗ, tôn…bình dị. Đặc biệt, những chiếc xe ngựa bắt đầu gây chú ý cho tôi, vì đó là phương tiện vận chuyển thô sơ đang hiện diện phổ biến trên vùng đất cao nguyên này. Không như những chiếc xe ngựa ở vùng 7 Núi An Giang, hoặc vài tỉnh Miền Trung, sử dụng bánh xe ô tô kềnh càng, nặng nề, ở đây, xe ngựa vẫn dùng bánh sắt, đường kính lớn tương tự bánh xe bò, có dán lốp cao su để giảm chấn, nên nhìn thấy có vẻ còn “nguyên thủy” lắm.
Đường phố chưa phát triển…
Thiệt là ...2 thái cực, cô gái trên trông mặt buồn ơi là buồn, còn 2 cô này thì vui ơi là vui!
Sư cho mọi người thưởng thức 2 thứ đặc sản Aungpan, bánh phồng tôm chay làm bằng bột đậu xanh và chuối sấy, hoàn toàn khác với chuối sấy của Việt Nam, tất cả đều…ngon “ấn tượng”! Tôi nói với Sư, phải ở đây lâu, tôi học 2 món này về Long xuyên mở xưởng sản xuất kiếm tiền đi …Myanmar nửa!
Tiếp tục lên đường, tôi chợt gặp một hình ảnh thật quen thuộc, tưởng như mình đang đâu đó tại thành phố Đà Lạt thân yêu, vì một vạt dã quì vàng nằm bên triền đồi dưới ngôi biệt thự mới.
Xe vừa ra khỏi thị trấn thì gặp lại những cánh rừng đầy sương phủ, dù bây giờ nắng đã lên cao. Khu vực này vẫn thuộc Quận Kalaw, đang trên đường leo dốc lên thủ phủ Taunggyi.
Chợt bên phía tay phải các cánh đồng hoa mè trổ vàng trên những ngọn đồi đầy sương phủ, đẹp …ngất ngây! Tôi nghĩ, nếu gặp lúc trời trong, các cánh đồng này sẽ còn…kinh hồn hơn nữa!
Xe tiếp tục lên cao trong sương và nắng sớm, tuy nhiên, đường không quá dốc bởi cao độ giữa Kalaw và Taunggyi không chênh lệch nhau mấy.
Thêm một ngôi chùa nửa chúng tôi được đi ngang, kể cả thiền viện Shwe Oo Min Dhammadayada thì đây là ngôi chùa thứ 71, khả năng đạt được 100 ngôi chùa là có thể .
09h10’ chúng tôi đi ngang một chợ quê tên Shwenyaung (tôi cũng không biết gọi là xã hay gì?), chợ họp trên khoảng đất trống ven đường…
Cuối cùng , chúng tôi cũng tới Taunggyi với hình ảnh đầu tiên là một doanh trại quân đội, có nhiều người dân đang ngồi phía trước, trang phục khá màu mè, hứa hẹn cho tôi những hình ảnh sặc sở, đặc trưng của rất nhiều dân tộc miền núi trên thế giới!