.
  Năng lượng sinh học
 
19/10/2014


NĂNG LƯỢNG SINH HỌC: KHÓ KHĂN VÀ TIẾN BỘ THẾ GIỚI

Trần Văn Đạt, Ph.D


Ngành nhiên liệu sinh học thế giới trải qua 3 thế hệ phát triển với nhiều bước tiến bộ quan trọng dù còn gặp khó khăn do kinh tế, vấn đề an ninh lương thực, môi trường và công nghệ sản xuất. Trong thế hệ thứ nhứt, sản xuất nhiên liệu sinh học xuất phát từ nông sản chứa tinh bột và hàm lượng đường cao, trong khi thế hệ thứ hai sử dụng chất mộc cellulose và bán mộc hemicellulose từ các cây không lương thực, các chất thải nông nghiệp và phế thải thành thị để chế tạo loại nhiên liệu này. Một số nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đang chú ý đến thế hệ thứ ba dùng tảo, vi tảo, nấm và vi khuẩn để sản xuất trực tiếp nhiên liệu sinh học có lợi ích kinh tế cao và môi trường sạch hơn. Họ đã đạt nhiều tiến bộ trong công nghệ sản xuất từ thế hệ này đến thế hệ khác, nâng cao hiệu năng, làm hạ giá thành, cung cấp nhiều cơ hội phát triển kinh tế và xã hội ở nhiều nước và giảm bớt ảnh hưởng môi trường dù chưa được hoàn thiện.

Gần đây sự thành công của công nghệ khai thác mỏ dầu diệp thạch (shale gas) sâu và dính chặt ở các tầng đá trong lòng đất của Mỹ đã cống hiến cho nhân loại nhiều hy vọng về nguồn trữ lượng dầu lớn có thể khai thác mà trước đây tưởng rằng không bao giờ dùng được. Công nghệ mới này có thể giúp một số nước có nền công nghiệp mạnh như Hoa Kỳ giải quyết nhu cầu năng lượng nội địa; nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến thay đổi khí hậu toàn cầu của loại nhiên liệu này vẫn còn là mối lo ngại của giới quan sát quốc tế, dù gần đây có những nổ lực hạn chế dùng than để kìm hãm nhiệt độ trái đất tăng lên trong tương lai.

Trong 2012, thế giới đã đầu tư 244 tỉ Mỹ kim cho ngành năng lượng tái tạo, trong đó Trung Quốc chiếm 24%, Mỹ 13%, Liên Âu (ngoài Đức) 12%, Đức 9% và số nước còn lại trên thế giới 41%, cho thấy mức độ quan tâm về năng lượng tiêu thụ của các nước này (13). Trong các năng lượng sạch sản xuất từ gió, mặt trời, nước, đại dương, địa nhiệt, sinh khối, khí hydro…, năng lượng sinh học tạo ra từ sinh khối tương đối dễ sản xuất với đầu tư ít tốn kém tại bất cứ nơi đâu, nhứt là các nước đang phát triển. Đó là một lọai năng lượng xanh, tái tạo, thân thiện môi trường và có khả năng thay thế cho các năng lượng khoáng hóa.

Thế giới hiện có khoảng 60 nước và lãnh thổ đang sử dụng năng lượng sinh học, nổi bật nhứt là Brazil sản xuất rượu ethanol từ cây mía (Hình1); Mỹ sản xuất ethanol từ bắp và dầu diesel từ đậu nành; Liên Âu sản xuất diesel từ cây cải dầu; Ấn Độ sản xuất ethanol từ cây mía và diesel sinh học từ cây dầu mè (Jatropha curcas, L.); Trung Quốc sản xuất ethanol từ bắp, mía; Malaysia dùng dầu cọ; Philippines dùng dầu dừa… Năm 2010, thế giới sản xuất nhiên liệu sinh học đạt đến 105 tỉ lít (28 tỉ gallons), chiếm 2,7% nhiên liệu vận chuyển. Hoa Kỳ và Brazil đứng hàng đầu chiếm 90% sản lượng toàn cầu. Liên Âu chiếm 53% sản lượng diesel sinh học thế giới (1). Tuy vậy, sự phát triển loại năng lượng sạch này đã và đang gặp một số khó khăn, đặc biệt từ mặt kinh tế, xã hội, môi trường, công nghệ và chính sách bất định của nhà nước.

image001image002

Hình 1: Cây xăng sinh học và mía ở Brazil (Internet)

  • Về mặt kinh tế: Các nước này, nhứt là Âu Mỹ đều ấn định chỉ tiêu sản xuất nhiên liệu sinh học, nhưng chưa có chính sách minh bạch. Chính phủ thường linh động thuế khóa và thay đổi theo thị trường. Khi khai thác dầu khí phát triển mạnh, giá thấp sự cạnh tranh của các loại nhiên liệu thay thế gặp khó khăn với hỗ trợ nhà nước. Ở Mỹ, ngoài giá xăng xuống thấp, hạn hán làm tăng giá đậu nành, bắp, nên các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học gặp nhiều bất ổn. Sự cắt giảm ngân sách của nước này gần đây đang đe dọa đến chương trình hỗ trợ của chính phủ đối với lãnh vực này.

Tại các nước đang phát triển, khả năng sản xuất nhiên liệu sinh học với quy mô lớn còn giới hạn, do nguồn cung cấp không ổn định vì phụ thuộc vào thời tiết mỗi năm. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất loại nhiên liệu này còn cao so với nhiên liệu truyền thống; do đó việc sử dụng nhiên liệu sinh học vào đời sống chưa phổ biến rộng rãi, tùy thuộc chủ yếu vào chính sách hỗ trợ nhà nước.

  • An ninh lương thực: Việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ các nguồn tinh bột hoặc các cây lương thực như bắp, đậu nành đang bị chỉ trích nặng nề từ các cơ quan lương nông quốc tế, do ảnh hưởng đến an ninh thực phẩm quốc gia và gây nên sức ép cạnh tranh với nguồn nước và đất trồng trọt.
  • Khả năng làm tăng khí thải: Một số chỉ trích sản xuất năng lượng sinh học như trồng bắp, đậu nành, mía… cũng tạo ra khí thải CO2 hoặc làm ô nhiểm môi trường khi dùng đến phân hóa học, thuốc sát trùng, hóa chất diệt cỏ… Các nghiên cứu cho thấy dù chất sinh khối sản xuất cùng số lượng CO2 như nhiên liệu khoáng chất, nhưng mỗi khi cây trồng mới mọc ra, CO2 được cây hấp thụ từ bầu không khí qua hiện tượng quang hợp. Cho nên, sự phóng thích khí CO2 thật sự là zero bất cứ khi nào cây được trồng cho nhu cầu năng lượng sinh học.
  • Công nghệ sản xuất năng lượng sinh học: Đến nay công nghệ sản xuất rượu ethanol từ chất mộc cellulose đã đạt tiến bộ đáng kể, nhưng chưa có bước đột phá từ chất lignocellulose hoặc bán mộc hemicellulose của thực vật để cải thiện hiệu suất và hạ giá thành. Có thể từ 5-10 năm nữa, công nghệ này mới được hoàn thiện và có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất và thương mại.

Công nghệ trích dầu từ các lớp đá sâu trong lòng đất là mối đe dọa lớn khác cho các công nghiệp phát triển năng lượng sạch thế giới trong tương lai, do làm hạ giá dầu khoáng hóa do luật cung cầu.

Trong thế kỷ qua, ngành nhiên liệu sinh học phát triển không ngừng, đã trải qua ba thế hệ sản xuất tùy trình độ tiến bộ của công nghệ và các trở ngại khó khăn thực tế (2, 3 và 5).

Trong thế hệ thứ nhứt, nhiên liệu sinh học được tạo ra dễ dàng từ biến đổi sinh khối thảo mộc có hàm lượng đường cao và chứa nhiều chất tinh bột như bắp, mía, sắn …, qua công đoạn lên men để sản xuất rượu ethanol dùng tạo ra các nhiên liệu sinh học lỏng (gasohol) phục vụ ngành chuyên chở (xe hơi, máy bay, tàu thủy, xe lữa…). Cây trồng có nhiều dầu được ép sản xuất dầu thực vật, cùng với mỡ động vật (cá tra, heo…) được trộn với rượu ethanol hoặc methanol và chất xúc tác để tạo ra dầu diesel sinh học và glycerine bằng chuyển hóa ester.

Ngoài ra, năng lượng sạch được sử dụng từ lâu dưới dạng khí sinh học ở miền quê, bằng cách ủ phân, rơm rạ, chất phế thải để lấy khí đốt. Khí sinh học là một loại khí hữu cơ gồm khí methane, CO2, hơi nước, N2, O2, H2S, CO,… Loại khí này được sản xuất từ quá trình thủy phân các sinh khối phế thải nông nghiệp, chủ yếu là cellulose, trong điều kiện yếm khí và xúc tác bởi nhiệt độ từ 20-40 ºC (1).

Thế hệ thứ hai: Sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ thứ nhứt bị chỉ trích làm ảnh hưởng đến nguồn an ninh lương thực thế giới, cạnh tranh sử dụng nước, đất, giá thành sản xuất cao và làm ô nhiễm môi trường; cho nên, các nhà khảo cứu năng lượng sinh học cố gắng trích năng lượng từ nguồn sinh khối lignocellulose (gồm có cellulose, hemicellulose và lignin) từ gỗ, cỏ dại, chất phế thải của các vụ mùa, gỗ rừng, các loại cây không sản xuất thực phẩm; do đó không còn cạnh tranh với các chương trình an ninh lương thực, trái lại còn giúp giảm bớt ô nhiễm và ổn định môi trường. Cho nên, nhiều công nghệ phát triển mạnh trong lãnh vực xử lý các chất thải nông nghiệp (rơm rạ, trấu, bã mía…), chất thải từ biến chế thực phẩm, chất thải rắn đô thị, chất thải rừng, cũng như các loại cỏ lớn nhanh… để sản xuất các loại năng lượng như nhiệt, điện, khí, phân bón, thức ăn gia súc…, qua quá trình sinh hóa hoặc nhiệt hóa tùy loại sinh khối và mục đích sử dụng.

Ngành khảo cứu đã thành công bành trướng rất nhanh để thu hồi nhiên liệu sinh học từ chất mộc cellulose của các loại bắp ôn đới, lúa miến ngọt (Sorghum bicolor), cỏ “voi” Miscanthus × giganteus (cây lai M. sinensisM. sacchariflorus), và switch grass (Panicum virgatum) gốc Bắc Mỹ, bằng quá trình thủy phân enzym (trước kia dùng acid thủy phân kém hiệu năng), với hiệu suất rất cao để chuyển hóa thành chất đường, được lên men để trở thành nhiên liệu ethanol. Chất mộc cellulose là một chuổi glucose, thành phần chính của sinh khối lignocellulose, nhưng không giống chất tinh bột là không tan trong nước. Hiệu quả trích nhiên liệu từ chất cellulose rất cao, độ 70% được chuyển hóa thành ethanol, khoảng 30 % còn lại ở các dạng protein đậm đặc dùng chế biến thức ăn gia súc, và lignin ở dạng bã được ép thành bánh làm nhiên liệu cho chưng cất ethanol. Một tấn rơm khô sản xuất 75 gallon ethanol, mỗi tấn cỏ voi khô cho ra 75-117 gallon ethanol-cellulosic. Một ha cây dừa cho 200 gallon, cây dầu cọ cho 500 gallon, bắp cho 300 gallon, nhưng trên 1ha cỏ voi cho tới 1.200 gallon ethanol. Nhờ đó, giá thành ethanol (từ cellulose) hạ xuống rất nhiều. Một gallon ethanol cellulosic của hãng Genencor chỉ có giá 0,1 – 0,2 USD; của hãng Novozymes Biotech 0,1 USD, giảm 30- 50 lần so với giá trước đây (trên dưới 5 USD). Bộ Năng lượng Mỹ đã tiên đoán đến năm 2020, nước này có thể sử dụng các nguồn nguyên liệu sinh học ít nhất là 30 % tổng nhiên liệu của hoạt động vận chuyển (4,5).

Gần đây, kỹ thuật tiền xử lý chất sinh khối cellulosic với ion lõng bằng chất muối thể lõng chứ không phải tinh thể ở nhiệt độ phòng trước khi phân giải. Kỹ thuật này không cần đến enzym đắc tiền, thu hoạch chất đường dễ dàng cho nhiên liệu sinh học và có thể tái sử dụng ion lõng (6).

Phương pháp trích năng lượng từ sinh khối lignocellulose bằng thủy phân enzym, lên men và chưng cất chưa được hữu hiệu và còn quá tốn kém. Gần đây các nhà khoa học đã thành công trong kết hợp sự thủy phân và lên men trong một quá trình được gọi là đường hóa và lên men cùng lúc, làm hạ thấp giá thành sản xuất. Còn một số kỹ thuật mới khác cũng đang được dùng tùy theo nguồn nguyên liệu, như kỹ thuật cùng đốt sinh khối với than hoặc khí; đây là công nghệ dễ sử dụng và có hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất nhiên liệu sinh học đại trà. Kỹ thuật thủy phân plasma, do sự hũy hoại và hiệu năng giảm thấp cho bất cứ loại chất phế thải nào, rất thích hợp cho xử lý chất thải nhiều nguy hiểm. Kỹ thuật khí hóa nước siêu tới hạn (Supercritical water gasification) là phương pháp rất hứa hẹn để sản xuất khí hydro từ chất sinh khối, đặc biệt với hàm lượng nước cao (7).

Các nhà khoa học cũng phân loại enzym được các vi khuẩn trong ruột con mối gỗ dùng phân hóa sinh khối lignocellulose một cách tự nhiên. Họ hy vọng làm giảm bớt chất lignin mà không làm cho cây dễ bị sâu bệnh tấn công (chất lignin có nhiệm vụ bảo vệ cây). Họ cũng tìm thấy vi khuẩn trong ruột hươu cao cổ có thể biến đổi chất cellulose dưới bất cứ dạng nào thành nhiên liệu butanol. Vi khuẩn trong phân của gấu Panda có thể tạo nhiên liệu sinh học từ cây tre. Ngoài ra, họ cũng đang tạo ra các loại enzym hữu hiệu, tương đối rẻ tiền để dùng trong công nghệ chế biến nhiên liệu sinh học (1, .

Dù tiến bộ như thế, hiện còn nhiều vấn đề cho sản xuất rượu ethanol từ lignocellulose, đặc biệt mức hiệu năng còn kém hơn sản xuất dầu khí và độ hòa tan trong nước cao làm xói mòn các ống dẫn dầu, động cơ. Cho nên, butanol sinh học, một loại rượu sản xuất từ lignocellulose, là một nguồn nhiên liệu sinh học mới có tiềm năng cao. Butanol được chế tạo từ tổng hợp chất khí từ sinh khối rồi dùng chất xúc tác với khuẩn Clostridium acetobutylicum chẳng hạn để biến đổi thành butanol. Bản đồ bộ gen – Genome của loại vi khuẩn này đã được hoàn tất sẳn sàng cho các công nghệ tiến bộ tương lai. Ngoài ra, khuẩn E. coli cũng được biết làm biến đổi gen để sản xuất butanol, nhưng năng suất nhiên liệu còn thấp hơn ethanol (3). Tuy vậy, các nhà khảo cứu tin tưởng rằng butanol sinh học sẽ là nguồn năng lượng thay thế bền vững trong tầm nhìn xa.

Nhiên liệu từ cây trồng C4 mới: Những loài cỏ đa niên C4 (các hợp chất trung gian đều chứa 4 nguyên tử carbon trong quá trình quang hợp, vì thế có tên gọi cây C4) như cỏ “voi” ôn đới (Miscanthus giganteus), lúa miến ngọt (sorghum bicolor), switch grass (Panicum virgatum)… (Hình 2) là những loài có tiềm năng lớn để sản xuất nhiều sinh khối cho thức ăn gia súc và nhiên liệu sinh học, do chu trình quang hợp hữu hiệu hơn so với loài thảo mộc C3, như cây lúa, lúa mì… có phân tử đường 3-carbon tồn tại trong chu trình quang hợp Calvin. Loài cây C4 có điểm bù CO2 thấp hơn thực vật C3, điểm bão hòa ánh sáng cao hơn thực vật C3, nhu cầu nước thấp hơn thực vật C3; do đó có năng suất sinh khối cao hơn thực vật C3 và chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt.

Chẳng hạn, cỏ voi Miscanthus × giganteus là loại cây C4 đa niên dùng ít nước, ít phân trên đất kém màu mỡ nhưng sản xuất nhiều sinh khối. Một hecta cỏ Miscanthus có thể sản xuất đến 44 tấn sinh khối và 7.166 gallons nhiên liệu ethanol trong khi bắp chỉ sản xuất 16,8 t/ha chất sinh khối và 1.667 gallon ethanol. Gỗ cây rừng là nguồn cung cấp nhiên liệu ethanol thấp nhứt, khoảng 8,8 tấn/ha chất sinh khối và chỉ 1.147 gallons ethanol (1).

Hiện nay, các nhà khoa học đã hoàn tất bản đồ genome cỏ switch grass, hứa hẹn mang lại nguồn năng lượng sinh học phục vụ nhu cầu con người hữu hiệu hơn (9). Tuy nhiên, loại cỏ này không phát triển mạnh trong vùng khí hậu lạnh, nên một số nhà khoa học Tây phương chú ý đến cây C3 như poplar và cây dương liễu. Đặc biệt họ đang nghiên cứu về vận tốc cây lớn nhanh, thân to, đâm nhánh, hóa chất vách tế bào (cell wall) và khả năng cạnh tranh với ánh sáng (3).

image003image004image005

Hình 2: Cỏ Miscanthus, switch grass và lúa miến ngọt (Internet)

Nhiên liệu từ công nghệ sinh học, genomics: Các nhà nghiên cứu và sản xuất đang áp dụng công nghệ sinh học tiến bộ để xử lý các nguồn nguyên liệu hiệu quả hơn qua phương pháp cấy, ghép tế bào, chuyển đổi gen, hoặc nuôi trồng được điều chỉnh bằng các yếu tố khác nhau để thay đổi cấu trúc các thành phần trong tế bào cây như lignin, mộc cellulose và bán mộc hemicellulose, nhằm tăng sinh khối trên diện tích nhỏ hơn trong thời gian ngắn hơn. Như trồng những siêu gỗ chuyển đổi gen, có sinh trưởng rất nhanh mà ngành lâm nghiệp thế giới đang áp dụng “…chỉ cần trồng trên 5% diện tích đất cần thiết gây lại rừng là đủ cung cấp một số gỗ cho 100% đòi hỏi diện tích đất rừng trước đây” (10).

Ngành nông nghiệp trong tương lai sẽ thay đổi quan trọng hơn nữa khi các nhà khảo cứu tìm ra các “bộ gen” cho năng suất cao của từng loại cây trồng. Các nhà nghiên cứu đang sử dụng công nghệ genomics để hiểu biết tốt hơn làm sao phục hồi tối đa năng lượng từ các nguồn năng lượng thay thế khác nhau, như sinh khối lignin-cellulose, tảo & vi tảo, nấm và vi khuẩn cyanobacteria. Ngoài ra, họ còn dùng đến công nghệ biến đổi gen đối với các loại enzym (chất xúc tác) để làm tối hảo phát triển các loại nhiên liệu sinh học vững bền thay thế các nhiên liệu từ chất khoáng hóa.

Thế hệ thứ ba: Do vấn đề trích năng lượng từ nguồn tinh bột, đường và sinh khối lignocellulosic, nhứt là từ chất bán mộc hemicellulose còn kém hiệu quả, giá thành sản xuất cao, các nhà khoa học nhiên liệu sinh học đang bước sang nghiên cứu nhiên liệu sinh học thế hệ thứ ba, với chú trọng đến các loại tảo, vi tảo (rong, rêu, bèo), nấm và vi khuẩn cyano (Microalgae, fungi và Cyanobacteria) để sản xuất trực tiếp nhiên liệu sinh học, vì các loại này tạo ra nhiên liệu hữu hiệu hơn so với các phương pháp sản xuất thế hệ thứ nhứt và thứ hai.

Vi tảo (Hình 3) đã được nghiên cứu để sản xuất thức ăn hoặc dầu ở Mỹ từ đầu thập niên 1940s. Trong Thế chiến II, các nước khác như Đức, Nhựt, Anh… cũng bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật sản xuất đại trà, đặc biệt trên loài Chlorella. Các loài vi tảo khác cũng được nghiên cứu như Botryococcus braunii, Dunaliella tertiolecta, Gracilaria, Pleurochrysis carterae, Sargassum (sản xuất 10 lần thể tích của Gracilaria) chứa hàm lượng lipid từ 30-70% trọng lượng khô (1).

Các vi tảo tổng hợp nước, CO2 và ánh sáng để tạo ra dầu tảo, rồi được biến chế thành dầu diesel sinh học với quá trình tinh lọc. Ưu thế của loài tảo và vi tảo là sinh sản trong nước nhanh, có thể sống trên đất ẩm, nước mặn, sản xuất sinh khối có năng lượng cao hơn ethanol; cho nên sản xuất nhiên liệu sinh học nguyên chất hữu hiệu hơn và được dùng trong hệ thống chuyên chở hiện tại (3). Ngoài ra, loại tảo dùng ít nhập lượng trợ nông, nhưng sản xuất nhiều năng lượng (30 lần) hơn sinh khối lignocelulosic để sản xuất nhiên liệu sinh học. Loài này còn bị thoái hóa sinh học nên không làm hư hại môi trường xung quanh. Ở Hoa Kỳ, trồng vi tảo trên diện tích 0,4 ha sản xuất dầu từ 20.000 đến 80.000 lít/năm. Theo ước tính của Bộ Năng Lượng, nước này cần một diện tích đất đai lớn độ 38.849 km2 để trồng loại tảo thay thế tất cả nhu cầu dầu hỏa hiện nay trong nước (11).

Tuy nhiên, trong thực hành còn phải tìm giải pháp cho đất đai để làm ao hồ, môi trường sản xuất tảo và vi tảo, cũng như lựa chọn công nghiệp sản xuất dầu lợi ích kinh tế cao, có thể so sánh với sản xuất dầu khí truyền thống, chưa kể đến ảnh hưởng thường trực của giá dầu khí trên thị trường thế giới.

image006image007

Hình 3: Vi tảo và công nghệ sản xuất Hoa Kỳ (Internet)

Khí hydro sinh học (Biohydrogen) là một loại nhiên liệu khác được chế tạo từ vi tảo và vi khuẩn cyano (trước kia gọi là rong xanh dương) với lợi thế là nhiên liệu sạch hoàn toàn cho môi trường. Loại vi tảo và vi khuẩn cyano có chứa những enzym “hydrogenase” nên có thể tạo ra chất thán khí (hydro) mà không cho ra khí carbon; nhưng trở ngại lớn trong sản xuất khí hydro là sự hiện diện của dưỡng khí (oxy) trong không khí làm năng suất khí hydro tạo ra thấp; do đó cần phải áp dụng công nghệ biến đổi gen để tối đa sản xuất khí hydro trong khi điều chỉnh mức độ chịu đựng của enzym hydrogenase đối với dưỡng khí (3).

Năm 2008, một số nhà khoa học của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga đã báo cáo loại nấm một tế bào có thể sản xuất nhiều chất mỡ lipid được chuyển thành nhiên liệu sinh học dễ dàng. Loại nấm thuộc dòng Cunninghamella japonica và một số khác rất có triển vọng. Khám phá mới về nấm Gliocladium roseum được tìm thấy rất nhiều ở rừng nhiệt đới có thể chuyển đổi chất mộc cellulose thành dầu diesel myco (1). Tại Mỹ, các nhà khoa học đã tìm thấy loại nấm Mucor circinelloides có khả năng tạo ra dầu diesel sinh học và có thể dùng sản xuất trên quy mô thương mại (12).

Tóm lại, trong thời gian qua ngành nhiên liệu sinh học thế giới đã phát triển khá mạnh do nhu cầu loại năng lượng sạch thay thế phần nào nhiên liệu dựa vào dầu mỏ, than đá. Nhờ sự quyết tâm và chánh sách hỗ trợ nhà nước, nhiều quốc gia như Brazil, Hoa Kỳ, Liên Âu và một số nước Á Châu đã sử dụng đại trà rượu ethanol để pha trộn xăng dầu sản xuất nhiên liệu xanh. Dù còn gặp nhiều khó khăn thị trường, một số quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục dấn thấn vào các công trình nghiên cứu và công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, vì đó là loại năng lượng sạch giúp quốc gia đáp ứng phần nào nhu cầu nội địa gia tăng, đồng thời giúp thế giới giảm bớt ảnh hưởng thay đổi khí hậu toàn cầu.

Trần Văn Đạt, Ph.D.

Tài liệu tham khảo:

(www.suckhoedoisong.vn/thong-tin-y-duoc/san-xuat-nang-luong-sinh-hoc-co-lam-can-kiet-nguon-luong-thuc-200872995710558.htm).

5) Richard Hamilton, Richard B.Flavell và Robert B.Goldberg. 2005. Công nghệ sinh học cây trồng: Những tiến bộ trong thực phẩm. Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tháng 10-2005. US Embassy. (www.vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_ej1005ii.html).

Nature 454, 841 (2008).

  • com.vn. 2012. Bước tiến mới trong phát triển năng lượng sinh học.

(www.khoahoc.com.vn/doisong/moi-truong/giai-phap/38504_buoc-tien-moi-trong-phat-trien-nang-luong-sinh-hoc.aspx}

  • Tôn Thất Trình. 2010. Tiến bộ công nghệ sinh học ở ngành lâm: Cứu vãn địa cầu bằng trồng cây siêu gỗ, siêu mộc trong nhà máy, săn sóc bằng robot, tái lập rừng mưa. Trong Tuyển tập: Vài suy nghĩ về Phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thế kỷ 21, ed. Trần Văn Đạt, NXB Nông Nghiệp TP/HCM, trang 329-332.
  • Hartman, A., 2006. A promising oil alternative: Algae energy. Washington Post (washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2008/01/03AR2008010303907.html).
  • Khoa học.com. 2010.Sản xuất diesel sinh học từ nấm (khoahoc.com.vn/congnghemoi/phat-minh/the-gioi/29550_san-xuat-diesel-sinh-hoc-tu-nam.aspx).
  • 2012.Renewables Global Status Report 2012 p. 17.

 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 633115 visitors (2120490 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free