.
  31 ngày lang thang P 130-131
 
4/21/2014




Phần 130-131

Lòng vòng trong hang xem cho hết 8889 tượng Phật chắc không thể nào thực hiện được, mà thật ra đâu cần phải thế, nên chỉ với những gì đã được xem, cũng đủ để mọi người hài lòng…





… như cậu bé này, sau khi đi mõi giò để thăm động, chắc sẽ hài lòng hơn nếu được ba bồng đặt lên chiếc ghế trên lưng voi trắng đang phủ phục trước Đức Như Lai.





Cuối cùng, mọi người quay trở ra để chuẩn bị về Kalaw. Từ nơi thang máy, bây giờ tôi nhìn thấy toàn cảnh Pindaya, thật sự là một vùng bình nguyên trên cao đẹp đẻ, các dãy núi đồi không che dấu những thảm thực vật đầy màu sắc mà lại tôn thêm vẻ quyến rủ của cảnh quan. Trên sườn núi Mene, phía dưới chùa Shwe Oo Min Natural Cave, ngoài những lối đi có mái che uốn lượn, còn là một hệ thống stupa đủ kích cở nằm rải rác hoặc tập trung, xuống đến tận thị trấn, tạo nên một quan cảnh đặc trưng không giống với bất cứ ngôi chùa nào ở đất nước Myanmar.




















Rời thang máy, chúng tôi trở lại chỗ những bậc cấp dẫn xuống nơi cổng con nhện, bên tay phải, một cậu thanh niên đang khéo léo đan những chiếc khăn ren mỹ nghệ để bán cho du khách, vài món hàng lưu niệm khác cũng khiến nhiều người quan tâm như longyi, nón… và đặc biệt tôi lại bắt gặp 1 đôi bình nước bố thí đang nằm hững hờ sát vách, có lẽ lâu lắm rôi không ai sử dụng nước uống này!




Tôi thấy 2 bình nước bố thí…




Hàng mỹ nghệ là sản phẩm “ăn theo” không thể thiếu tại tất cả các điểm du lịch trên thế giới, chúng là những món quà lưu niệm đánh dấu sự có mặt của một người tại nơi mình tới thăm, có khi dù rất đơn sơ, nhưng do tính cách đặc thù, chúng trở nên quí giá khi mang về tới nhà. 
Kèm theo đây là hình ảnh vài món mà tôi thấy, còn một thứ khá nổi tiếng và thật sự mang tính truyền thống Myanmar , tiếc rằng tôi đã không được ghé thăm, cho nên tạm thời xin phép được trích lại từ internet để giới thiệu cùng các bạn, đó là dù Miến Điện.






Cơ sở làm giấy thủ công truyền thống, giống nơi mà chúng tôi đã gặp tại ngã 3 vào Kow Lone.



Giấy làm từ bột vỏ cây sau khi giã nát.



Bột giấy lên khung(đính thêm bông hoa, nếu muốn)



Lợp giấy lên khung dù.



Dù Miến hoàn chỉnh.


Xe đưa chúng tôi xuống “đồng bằng”, chạy ngang nơi tập trung rất nhiều stupa…










…trước khi rời khỏi thị trấn Pindaya để trở lại với cảnh đồng quê êm ả, tương tự như nơi nào đó ở Miền Tây sông nước, quê tôi, trên đường về Kalaw.





Hơn 18h mới về tới Chùa, Sư H. ra đón, tôi cảm ơn Sư về chuyến đi quá tuyệt vời. Luôn tiện hỏi lại Sư về truyền thuyết Pindaya. Sư mới kể rõ như thế này, theo sách mà Sư đọc được:
Ngày xưa, vị Tiểu Vương cai trị xứ này có rất nhiều Hoàng tử, dĩ nhiên ai cũng giỏi cả, vua muốn chọn người nào hiền đức và biết thương dân để truyền ngôi. Lúc đó trong vùng xuất hiện 1 con nhện tinh, thường xuyên bắt người về núi ăn thịt, gây sự sợ hãi cho dân chúng . Và 1 trong những vị Hoàng Tử đã không ngại hiểm nguy, lên núi truy tìm quái thú, dùng cung tên hạ thủ nhện tinh, giúp thần dân trở lại cuộc sống yên bình. Pindaya chính là đọc trại từ Pinguya, có nghĩa là “bắt con nhện”…
Thôi , vô lo tắm rửa, ăn cơm, ngủ khỏe để ngày mai đi hồ Inle. Sư H. kết thúc câu chuyện bằng câu nói đó.
Và tôi cũng kết thúc ngày thứ 18 của cuộc hành trình vô cùng thú vị với cảm giác tuyệt vời về những đồi hoa vàng rực rỡ, đẹp ngất ngây!
Hôm nay, 04-11-2013, ngày thứ 19 của chuyến du hành kỳ thú của 2 kẻ thích lang thang, theo chương trình của Sư H. là sẽ dẫn chúng tôi đi thăm hồ Inle. 
Nhưng trước hết, như thường lệ, chúng tôi thức sớm, để qua nhà khách ăn sáng, sau đó sẽ theo xem các Sư đi trì bình khất thực, vì tôi muốn chứng kiến buổi ra mắt đầu tiên của Sa di K.A. mà hôm qua do Lễ Dâng Y, buổi khất thực đầu ngày tạm hoãn.
Sáng sớm, Kalaw vẫn ngậm đầy sương lạnh, nắng còn chưa thức dậy sau những dãy núi xa, con đường nhỏ từ chùa Shwe Oo Min Dhamdayada dẫn vào thị trấn, hôm nay, lần đầu tiên đón nhận thêm bước chân trần của một nhà Sư mới, đến từ Sài gòn, với tâm nguyện báo hiếu mẹ cha. 



Sư H., Sư Khema Cara, Sư Dhama Nanda và Sadi K.A.


Tại các nước, hoặc các địa phương mà Phật giáo Nam tông phát triển mạnh mẻ như Miến, Thái, Lào, Srilanka, Cambodia, miền Tây Nam bộ Việt Nam…việc xuất gia đi tu một thời gian nhất định của thanh niên khi mới lớn là hành động báo hiếu công ơn cha mẹ. Cũng vì mang ý nghĩa báo hiếu nên việc xuất gia này phải có sự đồng ý của họ, dĩ nhiên hầu hết đều vui mừng vì con mình sẽ được giáo dục để trở thành người hiểu biết và nhân hậu, sau thời gian tu học ở chùa.
Đức Phật đã từng dạy các Ngài Tỳ Kheo rằng: “Người nào muốn đạt đến cứu cánh Phật đạo, người ấy phải tuyệt đối hiếu kính cha mẹ”.
Thời gian tu báo hiếu ngày nay không quá khắc khe như xưa, tùy hoàn cảnh, điều kiện…mà có thể kéo dài đến vài năm, vài tháng, vài ngày, thậm chí chỉ 24 giờ. Sau đó sẽ xuất tu để trở lại cuộc sống đời thường, nhưng lúc này, chắc chắn người thanh niên ấy tự biết sống sao cho hợp với những điều mà trong lễ thọ giới nhập tu họ phải thệ nguyện: 1. Không sát sinh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà dâm; 4. Không nói dối; 5. Không uống rượu; 6. Không ăn ngoài bữa; 7. Không xem múa hát; 8. Không dùng đồ trang sức; 9. Không chiếm ghế cao và giường êm; 10. Không đụng đến vàng bạc ( dĩ nhiên khi hoàn tục, họ không buộc phải tuân thủ đủ 10 điều luật này, chỉ cần giữ được 5 luật trên là xã hội quá tốt đẹp rồi!).
Có lẽ nhờ thế mà dân chúng ở các nơi này thường rất hiền hòa chân chất.









Người Miến xem Sư là biễu tượng của Đức Phật, nên họ luôn dành sự kính trọng nếu tình cờ gặp trên đường.





Tại miền Tây, các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và An Giang tập trung nhiều người Khmer, nên Phật giáo Theravada phát triển mạnh, nam thanh niên tuổi từ 12 trở lên được phép vào chùa tu báo hiếu(trước đây là từ 07 tuổi), đó là mong ước và là niềm hảnh diện của nhiều gia đình, nên vào ngày này, thường là dịp Tết Chol Chnam Thmay, các gia đình mời Sư đến làm lễ xuống tóc cho con rồi cùng nhau đưa lên chùa rất long trọng và vui vẻ, đôi khi có cả ban nhạc cổ truyền tới múa hát rất sôi động.






Còn tại Myanmar, việc qui y báo hiếu của trẻ em trai đã trở thành một lễ hội, gọi là Lễ nhập chùa(Shin Pyu, Noviciaton Ceremony), diễn ra trong tháng Tabodwe và tháng Tabaung( tháng 3, 4 dl) trước Tết Té nước Thinyan.
Các trẻ em đã “đuổi được con chim ngoài đồng”, là đủ tuổi (05-15)để xuất gia báo hiếu, tuy nhiên, thực tế là khi chúng có thể đọc được những câu kinh tiếng Pali, tiếng Miến, cha mẹ mới cho các cháu qui y có thời hạn như đã nói. Vào ngày này, các trẻ em cả nam lẫn nữ, sẽ được cha mẹ bế lên ngựa, được trang trí và che dù, lộng sặc sở, giống như Đức Phật lúc xuất gia đi tu, diễu hành quanh làng. Trong khi đó một ban quyên tiền cúng dường để mua y, bát cho các cháu cũng dùng hệ thống loa để kêu gọi bá tánh. Các cô gái xinh xắn, tay cầm hoa, đội trên đầu những phẩm vật cúng dường đi theo đoàn người ngựa, tất cả tạo nên 1 khung cảnh rất đặc sắc, khiến nhiều du khách rất thích thú.
Tại chùa các cô cậu sẽ được Sư Thầy giảng về ý nghĩa việc xuất gia này, rồi cạo đầu, đắp y cho, kể từ đó, các tiểu sadi không có tài sản, mặc đồ nhà Phật, đầu trần, chân đất, mang bát đi khất thực vào mỗi buổi sáng. Thời gian còn lại trong chùa, trẻ sẽ học chữ Miến, học kinh Phật tiếng Pali và mọi thứ liên quan đến Phật giáo…







(Ảnh 
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/...r-2943577.html)



Hôm nay, K.A. đã bước đầu thực hiện một nguyện ước mà vào tuổi cậu, với công việc của một doanh nhân, hiếm có người Việt nào làm, tuy rằng đó chẳng là gì ghê gớm lắm; nhưng so với những “nhố nhăng” của các “chân dài” và sao này sao nọ, đang hàng ngày “bỡn cợt” một cách thiếu văn hóa với sự cổ vũ và tạo điều kiện 1 cách rẻ tiền của một bộ phận truyền thông ba xu, thì quả là một khác biệt đáng trân trọng!(Tôi thành thực xin lỗi các bạn khi phải nói lên điều “nghịch nhĩ” này, thành thực xin lỗi).
“Không gì ghê gớm lắm”, cũng là điều mà tôi chợt nhận ra khi gặp lại hình ảnh cái miếu nước bố thí(trước đâytôi dùng chữ từ thiện, nhưng từ lúc “ngộ” ra hạnh bố thí, thì tôi thích dùng từ này hơn) trước một biệt thự trên đường. Rõ ràng, cái miếu thật chẳng xứng với ngôi biệt thự nằm sau nó, như có lần tôi nhận xét về cái miếu nước bố thí trước khách sạn sang trọng 7 Mile, lại nằm kề bên một chỗ đầy rác, nên không biết có ai vào đây uống nước lúc lỡ đường?





Lần này, tôi bước vào trong, thử dở chiếc nắp nhôm úp phía trên, thấy chỉ còn ít nước mà không chắc gì là …có thể uống được! Lại chẳng có 1 cái ly nào. Tôi tự hỏi, ngoài một số những cái miếu mà tôi đã gặp, nước, ly đầy đủ, thì những cái miếu như thế này chỉ có vẻ là… “biễu tượng” thôi. Nhưng mà vẫn có, có khắp nơi. Thế là tôi lại tự hỏi, “tập quán” này có từ bao giờ, do đâu?
Và thực tế, nhiều người Miến cũng chẳng trả lời được câu này khi tôi hỏi, họ chỉ biết rằng từ nhỏ đã thấy những người sống ven đường tự cho mình có “nghĩa vụ” làm cái việc bố thí ấy, trong đó có cả ông bà, cha mẹ họ và khi lớn lên họ cứ theo đó mà …làm phước. 
Cho nên, coi là biễu tượng chỉ là do tôi nghĩ ra trong lúc bất chợt thôi. Có lẽ tập quán này xuất phát từ một nhu cầu có thực do mùa nắng nóng bức rất khó chịu, kết hợp với hạnh bố thí trong Phật giáo, dù là một bố thí rất “nhỏ nhoi”, chỉ là nước mát giúp đở khát cho khách bộ hành!





Nói là “nhỏ nhoi”, nhưng khi nghĩ kỹ lại, tôi chẳng thấy như thế. Bởi vì, nước là thành phần không thể thiếu được trong một cơ thể sống, cho nên nước cũng là chỉ dấu mà các nhà khoa học quan tâm trước tiên khi muốn tìm sự sống trong vũ trụ mênh mông. Hầu hết chúng ta đang sống tại các vùng mà nước có tràn đầy, đến độ chúng ta quên mất sự quan trọng vô cùng lớn lao của nó, chỉ những ai lỡ lạc trong sa mạc nóng bỏng hoặc trôi giạt trên biển cả mênh mong trong nhiều ngày thì mới thấy nó quí đến như thế nào. Lúc đó, vàng bạc, châu báu cũng không bằng những giọt nước “nhỏ nhoi”!
Từ đó, tôi lại liên tưởng đến những đền tháp chùa chiềng đang hiện diện cùng khắp trên đất nước Miến Điện này, nhiều cái thếp vàng, dát ngọc. Nhưng với người dân Miến, dường như nó cũng chỉ như các vạy nước đang bình dị nằm yên trong các ngôi miếu nhỏ, chờ người khách lở đường đến thấm giọng lúc nắng gắt ban trưa!
Dù đúng hay sai, nhưng tôi vẫn cứ thích thú với ý nghĩ của mình, trên đường trở về chùa theo những bước chân trần đang rất chậm rãi của quí Sư.

 
Sau khi trở về chùa, trước lúc đi hồ Inle, Sư H. dẫn 1 cậu bé vào phát cho áo ấm rồi trở ra căn dặn Sư cháu K.A. những việc Phật sự trong chùa khi Sư vắng mặt.








Chúng tôi vội vã vào phòng thu xếp để chuẩn bị lên đường đi thăm hồ Inle, 1 điểm đến không thể thiếu khi tới đất nước Miến Điện này. 





Trong lúc chờ xe, mọi người tụ tập dưới ánh nắng mai vàng tươm, nhưng vẫn còn thật lạnh lẽo để trò chuyện. Sư H. vốn đã quen với khí hậu Hoa Kỳ, lại thường xuyên ở tại Kalaw, hay do thật sự khỏe mạnh, nên lúc nào cũng phong phanh tấm y mong manh như thường lệ. Trong khi đó Sư Th. cũng “mong manh” trong tấm y kín người, đầu đội mủ ni, chân mang vớ dày mà hình như nói chuyện cũng hơi…đánh bò cạp!






Sư H. chợt hỏi tôi: …sao? Hết lạnh chưa, hồi hôm có còn phải lấy bao… trùm đầu hông vậy?
_He he, hết rồi Sư ơi, chơi luôn 2 cái mền thì…pho pho tới sáng.
Quay qua Sư Th., Sư H. hỏi:
_He he, hồi ở khách sạn 7 Mile, tôi thấy Sư Th. có mang theo máy …sấy tóc, cứ thắc mắc hoài chẳng biết để làm gì?
Sư Th. bị hỏi bất ngờ nên có vẻ bối rối, nhưng cũng trả lời:
_Xin quí vị hiểu cho, trước hôm lên đường tôi đã nhập viện hết mấy ngày, khi bay qua tới Yangon vẫn còn chưa hết bệnh, mà cái lạnh ở Kalaw này tôi rành …quá cở thợ mộc rồi, biết mình mỏng cơm, chịu lạnh không giỏi như …Sư H., nên tôi phải sắm vũ khí chống lại. Cái máy sấy tóc này lợi hại lắm đó, cứ trùm kín mền rồi …khè một hồi thì ấm ngay, chẳng cần chi …central heating cho hao tốn điện… chùa!
Ha ha, thiệt là “chiêu thức” thần sầu, chắc chắn Sư Th. cũng nhiều kinh nghiệm…tái tê, mới phát hiện ra phương pháp độc đáo đó!
Mọi người cười quá cở… khiến con Nickey thấy vui cũng sủa bậy mấy cái …ăn theo!
Sư H. vổ đầu nó, nói thằng này thuần chủng Đức đấy, một con GSD rặc giòng(German Shepher Dog), nhưng ở …chùa nghe kinh riết nên hiền như Bụt, hi hi, vậy chớ ai yếu bóng vía bị nó hù cũng hoảng vía… Sư Th. có còn nhớ Ông Sư X. ở Biên Hòa không…hồi mới vừa đến chùa, nó chạy ra, sủa lớn mấy tiếng rồi chồm lên, lấy 2 chân trước đè ông Sư xuống như muốn ...lột áo cà sa ông ta, tôi phải tới giải thoát , rồi hỏi chơi, bộ trước đây Ông nhậu thịt chó dữ lắm hả, ổng nói …dạ có chút chút…
Sư Th. nói hình như ông ấy hoàn tục rồi .







Tai dựng thẳng đứng (sau 6 tháng).
Mắt hạnh nhân, hơi nghiêng, không lồi, màu lông vàng bao quanh mắt.
Mũi có màu đen nổi trội.
Hàm dưới ngắn, không chìa ra.
Màu lông: vàng lửa pha đen và xám tàn thuốc.


He he, đó là những đặc tính căn bản của thằng Nickey chứ không phải của… thằng cha Ali Ba Ba ngồi kế bên đâu nha!









Cuối cùng, cuộc hành trình bắt đầu, trước tiên cũng là ngang qua 1 góc chợ thị trấn Kalaw, rồi trở lại quốc lộ 4 quen thuộc với những dãy đồi hoa mè vàng đã hớp hồn tôi vào buổi chiều hanh nắng, hôm qua…Nhưng hôm nay là vào lúc còn mờ sương sớm.










 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693365 visitors (2230715 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free