.
  Tạp ghi viễn xứ
 
2/3/2014

 
 
  TẠP GHI VIỄN XỨ
              Phạm Thanh Khâm
 
 


 
 
        Người viết được hỏi khi làm việc lâu năm ở Phi Châu thì đời sống “văn hóa” buồn tẻ ra sao. Câu hỏi rất sâu sắc và có phần cá biệt. Không thể có câu trả lời chính xác được. Hơn nữa rất ít người như tôi đi làm việc phiêu lưu như vậy, nên đặt vấn đề “văn hóa” có vẻ quá rộng. Đã có sự ghi nhận cho rằng đa số các nhà ngoại giao làm việc lâu năm ngoài đất nước riêng của họ, dù thường xuyên gặp gỡ nhiều người trong giới ngoại giao, và các quốc gia họ hiện diện có nền văn hóa phong phú đa dạng, nhưng đời sống “văn hóa” của riêng họ “nghèo”.  Người viết thấy nhận xét này không phải hoàn toàn sai. Để chia xẻ những vui buồn khi đi làm việc xa nhà, người viết muốn sắp xếp một ít tạp ghi sau đây để đồng hương Ninh-Hòa đọc giải trí cho vui. Còn nhiều tạp ghi khác tôi đã gởi riêng đến Giáo sư Lê Văn Ngô từng dạy tại trường Trần Bình Trọng Ninh Hòa thay lời tự tình của tôi. Ngày Anh và gia đình vừa đến Hoa Kỳ có viết cho tôi một thư dài kể về chuyến đi và tin tức về thân mẫu của tôi khi Anh đến từ giã trước lúc rời quê nhà.

 
Ngôn Ngữ Lẫu Thập Cẩm
 
        Trong một chuyến đi khảo cứu khác (1978) do IFDC gởi tôi đến Senegal, tôi đã đóng góp vào hoạt cảnh đầu ngày với công tác thực thi một thí nghiệm về phản ứng các loại phân bón đối với hoa màu vùng Sahel. Tôi có 15 phút thảo luận với một chuyên viên trẻ về thổ nhưởng học (soil scientist) sắc dân Wolof. Ông cai già người Wolof và khoảng 10 nhân công sắc dân Toucouleur làm dưới quyền Ông. Mặt trời chưa ló dạng nhưng bầu trời đã quang đãng. Gió nhẹ buổi sáng không xua đuổi được đám bồ mắt dày đặc bay sát bên mặt mũi đám ngưòi đứng đợi nhận thêm chi tiết thực hiện lô thí nghiệm ngoài đồng. Tôi mở lời chào “Bonjour” mọi người. Chuyên viên trè Wolof nói công việc bằng Pháp ngữ với Ông cai già. Ông cai già này chỉ đối đáp lại bằng tiếng mẹ đẻ Wolof với một bàn tay che miệng. Chuyên viên trẻ Wolof kết thúc đối thoại từ “D’accord”(OK) với gịọng cao hơn, Ông cai già đáp lại “Nan ga def” (OK) với giọng trầm thă. Ông cai quay sang nói với nhóm nhân công bằng tiếng của sắc dân Toucouleur. Họ trao đổi vài phút. Đến lượt Ông cai kết thúc với họ từ “Nobada” (OK). Nhóm nhân công sắc dân Toucouleur đồng loạt nói “Nobada” (OK). Tôi biết mọi người có mặt đều thông suốt (OK) phương thức thực thi, bắt đầu ra đồng làm phần việc của mình.
 
        Họ chấm dứt công việc trong ngày trước 2 giờ trưa để tránh sức nung nóng của khí hậu vùng nam sa mạc Sahara. Hoạt cảnh trên cho thấy sau gần mấy mươi năm Pháp trao trả độc lập cho nước Senegal, dân chúng ở nông thôn giữa các bộ lạc vẫn chưa truyền thông dễ dàng với nhau. Trên bình diện rộng lớn hơn, nền giáo dục của một quốc gia là mấu chốt khởi đầu để phá vỡ vòng lẫn quẫn nghèo đói lạc hậu. Mọi quốc gia đều có vốn từ tài nguyên thiên nhiên (natural capital), có vốn vật chất (produced capital), nguồn vốn thứ ba được gọi là vốn phi vật chất (intangible capital) đén từ nền giáo dục, chính phủ trong sáng và chế độ tư pháp công minh. Nhiều thức giả đều đồng ý vốn phi vật chất phải được đặt vào ưu tiên đầu. Việc xử dụng các nguồn vốn này tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi dân tộc.
 
Nem (Người Ninh-Hòa gọi là chả)
 
        Ở góc ngã tư đường phố trong thủ phủ Abidjan nước Côte d’Ivoire, bé gái Việt khoảng mười hai mười ba đứng cạnh tủ kiến nhỏ có hai ngăn. Ngăn trên trưng bày các cuốn chả giò Việt Nam, ngăn dưới chứa đựng số cuốn chả chưa chiên và một số giấy gói hàng. Bên cạnh chiếc lò dầu lửa bằng đồng (réchaud). Bên trên chiếc lò là chảo dầu sôi đang chiên nhiều cuốn chả. Khách đi bộ, đi xe hơi dừng lại mua. Khoảng hơn hai giờ thức ăn bán hết. Người anh lớn lái chiếc xe Peugeot cũ kỹ dừng gần góc đường đưa bé gái cùng chiếc lò và tủ kiến nhỏ về nhà. Bé gái Việt là một trong nhiều ngàn người tị nạn dừng chân ở nước Côte d’Ivoire giữa thập niên 1980. Vào thời điểm này, tôi làm việc với Bộ Giáo Dục và Khảo cứu Khoa học nước Côte d’Ivoire cho dự án khảo cứu IDESSA thuộc phần tài trợ của Ngân Hàng Thế Giới. Mỗi lần có dịp đi ngang qua ngã tư, tôi đều dừng lại hỏi thăm bé mua may bán đắt ra sao. Bé vừa gói hàng trao cho khách, thu tiền, nói với khách câu ngắn gọn “Merci”, rồi nhìn qua tôi tươi cười:
 
            - Chú thấy không, họ thích nem của người mình lắm. Bữa nào cũng bán hết.

 
        Vào ngày cuối tuần người anh của bé đưa tôi về nhà ăn bữa cơm gia đình. Người anh cho biết mỗi ngày ở nhà lo chuẩn bị việc cuốn chả cho em gái nhỏ bán ở ngã tư, dành dụm ít tiền, chờ khi nào chính phủ Canada chấp nhận sẽ đi định cư luôn. Hình ảnh nụ cười tươi của bé gái Việt trên đất lạ đã cho tôi thêm lòng tin về sức sống mãnh liệt của người Việt Nam dù ở hoàn cảnh nào. Lấy công việc hàng ngày và môi trường chung quanh làm mình vui hay buồn. Người ở xứ nói tiếng Pháp gọi chả chiên là nem. Và nem trở thành món ăn Việt ưa thích của thực khách tại hầu hết các nước Phi Châu. Dù có người Việt ở rãi rác trong lục địa này, người Phi Châu ngoài đường phố khi gặp người Á Châu đều gọi chung là Chinois hay Chinese. Đoạn viết sau đây kể về một chuyện vui.
 
Sư Phụ
 
        Tôi thường được nhóm thanh thiếu niên ngoài đường gọi chào “Hee ho” phát âm theo các phim chưởng Kung fu khi các tay cao hảo hớn chào thăm sức khỏe “Nee how ma”. Họ khẳng định chỉ người “Chinois” hay “Chinese” mới biết Kung fu, và quyền cước Kung fu bay lượn qua nóc nhà chỉ có người Trung Hoa biết mà thôi. Họ say mê các phim chưởng của Bruce Lee hay Jackie Chan, v.v., nên có dịp tiếp cận một khách du lịch giống như người Tàu, câu chuyện chỉ xoay quanh môn phái này.
 
        Trong một chuyến đi field trip của tôi ở Cameroun, đám thanh thiếu niên trên con lộ dẫn ra một buôn bản chào tôi với cả quyết tôi là “Chinois”. Dù tôi có nói loanh quanh là dân Việt, dân Thái, dân Phi Luật Tân, dân Mông Cổ chúng đều không chịu nghe. Họ đến gần khẩn khoản yêu cầu chỉ cho một bài quyền cước Kung fu. Tôi bị bắt bí, một mặt không biết Kung fu là gì, có thể thối thoát lấy lý do cần đi gấp hẹn dịp khác, nhưng mặt khác thấy gió mát trong lành của ngày sang thu lòng thấy thanh thản, lại có dịp giải trí cũng vui, tôi gật đầu “D’accord”. Nhờ vốn liếng Thiếu Lâm Tự có được vào năm cuối lúc chuẩn bị thi bằng Tú Tài II do một võ sư trẻ dạy tôi tại Hòa Hưng Sài Gòn năm xưa, tôi bắt đám trẻ sắp hàng một đối diện tôi tập thế chào sư phụ. Kế đến các thế tấn như Kim kê tấn, Đinh tấn, Trung bình tấn làm cho đám trẻ đứng xiên qua quẹo lại. Với bàn tay và cánh tay trong thế chống đỡ vụng về, chúng lại hỏi tôi các thế tử chiêu, tuyệt chiêu, tôi nói chúng chưa đủ trình độ để học theo kiểu nhảy lớp, cần phải có thời gian dài. Lớp Kung fu loại “mì ăn liền” kết thúc sau hơn nửa giờ. Đám trẻ thán phục sư phụ Kung fu bất đắc dĩ, đồng thanh đưa tay vẫy chào sư phụ đến khi xe của tôi chạy khuất dạng. Tôi được một ngày vui.
 
Bé Cái Lầm
 
        Trong một chuyến công tác được FAO cử làm Trưởng phái đoàn đến Conakry Guinea (1994), tôi và toàn nhóm ở tại Grand Hotel kế cận dinh Tổng Thống Guinea, muốn đi bộ ra phố ăn cơm tối. Cả nhóm vừa đi ngang qua cổng dinh thì đèn điện của thủ đô bị tắt. Một số học sinh, sinh viên ở gần cuối đại lộ nhờ ánh sáng từ các bóng đèn đường để học bài, la inh ỏi. Bất ngờ một tiểu đội lính canh phòng trong tư thế cận chiến thét lớn, rồi áp tải chúng tôi vào phòng an ninh bên trong. Tiểu đội trưởng lớn tiếng chụp mũ:
 
- Các người làm gián điệp, muốn thám thính cái gì đây?
 
        Mấy anh bạn đồng nghiệp lúng túng chưa biết phải ứng phó ra sao, thì đèn điện sáng trở lại, tôi nói với các đồng nghiệp bằng Anh ngữ là để tôi thử đối chất xem sao vì tự cho mình đã từng sống ở đây nhiều năm nên quen nước quen cái. Tôi bắt đầu lớn tiếng cải chính lời chụp mũ, đòi chỉ nói chuyện với ông chỉ huy trưởng, và được quyền dùng điện thoại. Lời yêu cầu thứ nhứt được đáp ứng. Một viên sĩ quan xuất hiện, tôi không rõ cấp bực, nhưng ra điều cọng tác nghe tôi phân trần tự sự. Ông yêu cầu mỗi người trình passport. Tôi và hai đồng nghiệp có mang theo trong người, đạt được yêu cầu. Mấy người còn lại bõ giấy tờ ở khách sạn. Ông ra lịnh cho ba người có passport ra về, mấy người không trình được passport đem đi nhốt để điều tra. (!?). Tôi nghĩ bụng, gặp chuyện đâu không ra đâu làm buổi ăn tối không còn thư thả. Tôi chất vấn viên sĩ quan về quyết định này rồi yêu cầu cho xữ dụng điện thoại và cho biết cả ba chúng tôi từ chối ra về để được đưa đi nhốt chung với mấy đồng nghiệp không có mang theo passport. Lời chất vấn của tôi có tác dụng bất ngờ. Ông ra lịnh đám lính thả hết nhóm chúng tôi.

 
        Trước khi bước ra cửa phòng an ninh phủ Tổng Thống nước Guinea, Ông hỏi tôi làm cấp bậc nào trong quân đội. Tôi đang ấp úng, ông gán ngay cho tôi câu trả lời: -Đúng là Colonel rồi (Đại Tá)! Vừa đói bụng, vừa được phóng thích, thấy cả nhóm mỉm cười hối đi ăn, tôi buộc miệng không lời cải chính về cuộc đời binh nghiệp riêng tư và khiêm tốn: - Oui! Tất cả đám lính áp tải nhóm chúng tôi lúc nãy và viên sĩ quan chào chúng tôi đúng theo quân cách, tôi chào trả lễ và không quên bắt tay ông một cách rất ư huynh đệ chi binh. Chúng tôi có một buổi ăn tối cười đùa vui vẻ. Giáo sư Hirotaka Konagaya, đại diện chính phủ Nhựt trong phái đoàn, sau khi trở về Tokyo có viết cho tôi nhắc nhở chuyện bé cái lầm nguyên văn đầu thơ như sau: Mon Colonel và kết thúc thơ Ton Soldat!
 
Tống Tiền Vặt
 
        Tôi tự giam mình ba ngày liên tiếp trong khách sạn Chinguetti ở thủ đô Nouakchott, Mauritania để viết cho xong bản phúc trình công tác cuối chuyến đi để khi về Rome chỉ dự buổi debriefing, rồi đi ngay Bergen, Thuỵ Điển (1996) thăm bạn Đinh Nguyên Trình Giang. Ở khách sạn của xứ sa mạc, tuy tôi đã dặn nhân viên trực giữ phòng của tôi được yên tỉnh tối đa, vẫn có một lần bị quấy rầy. Vào buổi trưa ngày cấm túc thứ hai, nhân viên phòng tiếp tân gọi điện thoại báo có người muốn gặp khẩn cấp ở phòng đợi khách sạn. Tôi xuất hiện tại điểm hẹn. Một người đàn ông vạm vỡ chào tôi, rồi tự giới thiệu là viên chức an-ninh làm việc ở phi trường quốc tế Nouakchott. Bạn bịa chuyện nói đã thông qua thủ tục quan thuế nhanh chóng khi tôi tới sân bay của xứ bạn. Bạn muốn tôi trả công lại một số tiền. Tôi đính chính với bạn là bạn lầm người, tôi đi xe hơi theo ngỏ từ Saint Louis miền bắc Senegal. Tôi nghĩ thực sự bạn biết chưa thấy tôi lần nào, nhưng có xem qua danh sách khách đang lưu ngụ tại khách sạn, đang cần tiền nên kiếm một người khách có tên họ khác với người da trắng, may ra sẽ có tiền.
 
        Với vóc dáng cao một thước tám, nặng 75 kí, tôi cao hơn bạn là cái chắc, lại đáp ứng lưu loát, bạn thấy khó ăn, xuống nước ra điều khai thiệt:
 
        - Xe hơi của tôi bị gió cát làm hư vài cơ phận, đang nằm đường cách không xa khách sạn. Xin Ông cho một số tiền nhỏ để sửa.
 
        Dù đồng tiền nó liền với khúc ruột, chuyện gì cần giúp là phải giúp, nhưng lời khai của bạn trên đây không làm tôi mũi lòng. Muốn trở lại phòng tiếp tục làm việc và kết thúc cuộc gặp gỡ vô duyên, tôi nhìn thẳng vào mắt bạn:
 
         - Thấy tình cảnh của bạn gặp khó khăn, nhưng tôi không có tiền mặt sẵn ở đây. Bạn nên tìm người khác có sẵn tiền hơn tôi.
 
        Bạn lặng lẽ thối lui, biến dạng ngay khi ra khỏi cửa khách sạn. Tôi tìm lại được thoải mái qua mẫu tống tiền vặt, viết nhanh hơn. Trở lại FAO/Rome, tôi nộp một hard copy bản phúc trình và soft copy trên diskette rồi đi ngay Bergen.
 
Tiếng Vọng
 
        Trong số hành lý của tôi đến Cameroun, ngoài những tác phẩm cần đọc, có một ít băng nhạc kịch mang theo. Thường đến khách sạn Deputé vào những ngày cuối tuần để “eat out”, tôi nghe người nhạc sĩ dương cầm Camerounais trình diễn mỗi đêm. Gặp nhau quá nhiều lần, trước lạ sau quen. Giữa giờ nghỉ trong buổi trình diễn thường lệ, bạn ghé lại bàn chaò hỏi xã giao biết được tôi là người Việt. Người nhạc sĩ muốn có một vài bản nhạc Viêt. Dáng dấp và gương mặt nghệ sĩ của bạn, trừ màu da, giống từa tựa Văn Phụng làm tôi nghĩ ngay đến bản “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn” mà tác giả viết riêng cho dương cầm gởi đến các con tôi học ở Mỹ những năm sau 1975. Tôi không mang theo bản nhạc với bút tự Văn Phụng, nhưng có bài này trong băng nhựa. Tôi mang tặng cuốn băng nhựa cho nhạc sĩ Camerounais.
 
        Vào bữa ăn tối tuần kế, bạn làm tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tiếng dương cầm thánh thoát Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn làm tôi ngưng bữa ăn. Bản nhạc vừa chấm dứt, tôi đứng bật dậy vỗ tay nồng nhiệt, thực khách các bàn kế tưởng tôi uống quá chén. Giữa giờ nghi thường lệ, chính tôi đến ngay chiếc đàn dương cầm của bạn nói thêm lời tán thưởng nồng ấm nhất, đặc biệt chỉ nghe băng nhựa rồi đánh lại trên phím dương cầm của bạn. Tôi đánh vần tên tác giả cho bạn lập lại. Văn Phụng đã ra đi.
 
        Ngày từ giã sau ba năm ở Cameroon, tuy không rơi lệ trong buổi lễ tiễn đưa tôi, dư âm của ngày tháng làm việc với những nhà khảo cứu nông lâm xứ này để lại trong tôi lòng rung cảm trong lành vô hạn. Và sau nhiều năm đọc lại lời chúc lành của niên trưởng J. Bindzi Tsala, thay mặt đối tác viên của tôi, Tiến sĩ Ayuk Takem, Giám Đốc Viện Khảo Cứu Nông Lâm IRA kiêm Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục Cao Đẵng và Khảo Cứu Khoa học Cameroon, hình ảnh của họ hiện ra như mới hôm nào. Tiếng vọng của bạn hiền Bindzi Tsala vào sáng ngày 20/02/1991 đọc trong buổi lễ dành cho tôi không mang nhiều sáo ngữ, bạn chấm dứt với lời chúc lành “Nous souhaitons que vous conserviez un très bon souvenir de ce jour et au nom de tous je tiens à remercier Monsieur Pham Thanh Khâm”. Bạn bắt tay tôi và đưa tôi nguyên bản văn của bạn vừa đọc xong. Chắc chắn tôi không bao giờ quên.
 
Hậu Chuyện Nghìn Lẻ Một Đêm
 
        Tôi còn đi thêm nhiều chuyến vào vùng Trung Đông (2004-2006). Đã tám lần dừng chân tại Dubai của nước Arab Emirates; bên phố đêm yên tỉnh dọc bãi biển vắng Dubai, tôi bắt đầu trang tạp ghi của tôi với mấy câu thơ không đầu không đuôi:
Lò lửa Trung Đông nóng
Người ôm bom đông
à phù dung bay bổng (*)
Đường cùng con nhà nông. (**)
Chuyện còn dài, người viết xin hẹn một dịp khác.
 
 
Phạm Thanh Khâm
Houston Texas, đầu năm 2008.
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 633060 visitors (2120352 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free