23/11/2014
124-125
Suốt mấy mươi km, đường số 41 xuyên qua một vùng đồi núi lộng lẫy sắc màu những nương rẫy, ruộng mầu mà lần đầu tôi chứng kiến. Vì ngồi bên phải, tôi không chụp được những cảnh quan bên tay trái, dường như nằm ở sườn đồi cao hơn, nhưng tôi cũng thấy được cái rực rỡ không hề kém. Tuy nhiên, chỉ bên này thôi cũng đủ để tôi sững sờ suốt cả giờ trôi qua. Con đường cứ lên, cứ xuống, uốn lượn theo thế đất đặc thù vùng đồi núi, những cánh đồng hoa cứ nhấp nhô trải thảm vàng rực rỡ trên nền latosol nâu đỏ hoặc đan xen với mảng ruộng xanh hững hờ dưới đáy lũng sâu. Mọi người trên xe, không biết vì họ đã từng chứng kiến những cảnh sắc đẹp hơn, hay vì chỉ là những Phật tử luôn tâm tu niệm, đã vất bỏ những ham muốn đời thường, nên chẳng thấy quan tâm? Và vì thế, tôi không dám xin dừng xe để có điều kiện chụp những khung hình chất lượng hơn, bây giờ nghĩ lại sao mình…ngu quá!
Tôi chợt bắt gặp trên đồng, nơi vuông rẫy màu mỡ, một người nông dân đang cùng trâu bừa đất; hèn chi tôi chẳng thấy một chiếc máy nông nghiệp nào hoạt động nơi đây, dù là cái máy xới nhỏ nhoi! Thật tình, vào thời mà kỹ thuật đang ở giai đoạn cực kỳ cao cấp này, cơ khí hóa đã đến tận đồng sâu, nông cơ đã thâm nhập vô rừng núi …trên khắp nước Việt Nam, trên các vùng nông thôn Cam, Lào, Thái …vậy mà tại đây, tôi đang chứng kiến một nền nông nghiệp đang hoàn toàn “thân thiện với môi trường”!
Lối canh tác thủ công như thế thật quá đổi “dễ thương”, không máy móc, không phân hóa học và chắc chắn chẳng có thuốc trừ sâu …nhưng tôi nghĩ rằng, tình hình rồi sẽ thay đổi, do yêu cầu phát triển kinh tế, do nhu cầu lương thực tăng cao. Thôi thì mong rằng họ vẫn canh tác những vụ màu truyền thống, để vào các tháng cuối năm, cánh đồng Kalaw luôn rực vàng màu hoa mè nở. Biết đâu, một lúc nào đó, nó trở nên nổi tiếng, như ruộng bậc thang Sapa, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch bang Shan!
Một cánh đồng thật…lạ lùng!
Mặt đất rẫy đẹp như mơ bằng sức người và trâu!
Cảnh quan vẫn cứ như thế, lập đi rồi lập lại thật giống nhau, nhưng hoàn toàn khác theo từng lúc xe qua, theo từng góc nhìn chợt đến. Mà góc nhìn nào cũng đẹp! Thỉnh thoảng, con đường rời xa thung lũng, chúng tôi lại gặp hình ảnh thú vị khác, đó là những chiếc xe bò thô sơ, đang lặng lẽ trơ càng bên vạt cỏ ven đường, hoặc những cổ xe đầy ắp cải bắp, sắp xếp ngay ngắn trên lề để chờ bò tới kéo về kho, hay vận chuyển đến xe tải chở ra thành phố.
Cảnh nào cũng đẹp và …chứa đầy chất thơ!
Vẫn chỉ là xe bò, lúc la, lúc lắc thành đoàn, chậm rãi dọc theo quốc lộ, trên vết hằn bánh gỗ xa xưa, kéo dài suốt đã bao năm, còn in trên lề cỏ!
Như tôi đã nói, Miến Điện từ lâu khép kín, nhờ thế tài nguyên thiên nhiên dù có bị khai thác nhiều, nhưng không bị cạn kiệt, nên diện tích rừng còn khá lớn, trên đường thỉnh thoảng tôi còn nhìn thấy những cổ thụ dị hình, cực lớn, dấu vết còn lại của rừng xưa!
Thật ngạc nhiên khi tôi chỉ thấy độc 1 thứ cải bắp, đang trồng và thu hoạch tại vùng này, mặc dù nghe nói nơi đây cũng trồng nhiều khoai tây và các loại cây mầu khác.
Rồi xe lại trở về với những cánh đồng rực vàng quen thuộc, vẫn lộng lẫy lạ kỳ. Nhờ 1 tấm bảng bên đường, bây giờ tôi mới biết đây là thung lũng Pawnu, đang được xem là cảnh quan kiễu mẫu thuộc ban quản lý lưu vực hồ Inlay. Thì ra vậy, người Miến rất biết rõ cái đặc trưng độc đáo của khu vực này, cái lộng lẫy của một vùng nông nghiệp “sinh thái”.
Với con mắt méo mó của người học nông nghiệp, tôi chợt thấy tiếc cho số lượng hoa vàng trải dài trên một vùng rộng lớn, sao người ta không khai thác cái nguồn nguyên liệu quí giá của mật và phấn hoa kia? Tiếc thật! Tôi nói nhỏ với bà xã.
Thiệt là …hồ đồ, tôi thầm tự trách, khi như từ …dưới đất chui lên, những thùng nuôi ong quen thuộc đang chồng chất bên nhau trên khoảng đất trống ven đồi, trả lời cho cái kết luận vội vàng của tôi vừa chợt đến. Vậy là hết…tiếc!
Tưởng đã qua hết những cánh đồng vàng rực sắc kỳ lạ, mà về sau tôi đọc được trong 1 số trang web quốc tế, họ đã ca ngợi như thế này: “ Along the way, landscape is really marvelous. We can enjoy the exotic landscape and Pa Oo hill tribe villages”, ai dè vẫn còn gặp lại…khi bắt đầu vào điạ phận làng Pwe Hla.
Nhưng trước hết, mời các bạn cùng chúng tôi đi xuyên qua một góc nhỏ của làng, nhìn một chút cảnh đời thường nơi xứ Miến. Có những quán nhỏ dọc bên lề, y hệt các làng quê Việt Nam, nhà cửa cũng chẳng khác, thậm chí cả cái tiệm “bơm hơi vá ép” lủng lẳng vỏ xe và cái “cây xăng chai” dọc đường cũng “y chang” bên nhà! Chỉ có vài cái khác thú vị, đó là sự hiện diện khắp nơi của xe bò và thỉnh thoảng là những “chỗ tắm công cộng”, có lẽ đó là tập tục của người Pà Oo?
1 ngã ba làng Pwe Hla.