3/4/2014
26 tháng 1
Ô, thật là may! Vừa đặt chân xuống vùng biên giới xa lạ này, lại nghe được tiếng mẹ đẻ, mừng như gặp người thân, tôi chỉ kịp nói lời cảm ơn và định hỏi ít chuyện, thì cậu ta vừa mĩm cười vẫy tay chào, vừa ra dấu đang bận phải kéo chiếc xe cây đầy hàng …giữa trời trưa nắng dội!
Tôi thầm nghĩ dẫu sống nơi đất khách, cậu thanh niên chắc cũng không quên cội nguồn, nên chỉ thoáng nhìn đã nhận ra chúng tôi từ “tổ quốc” vừa qua! Rồi lên tiếng góp lời chỉ đường, liền vội vã tiếp tục công việc nặng nề để mưu cầu cuộc sống.
Chắc chắn cậu ta không gấp đến độ chẳng có thì giờ cùng tôi nói chuyện; nhưng tôi cũng chợt nhận ra rằng cậu cố tình kiếm cớ bỏ đi. Bình thường, khi gặp đồng hương tôi thường chụp hình kỷ niệm, nhưng trong trường hợp này, tôi không muốn, bởi hình ảnh cậu hoằng mình kéo xe đã in đậm trong “bộ nhớ” của tôi, file ảnh ấy chắc chắn trong đời này tôi không “delete” được! Rồi ngay lúc này, bóng dáng cậu đang chợt nhòe đi giữa ánh nắng chói chang, trước mắt tôi.
Chúng tôi dắt xe qua guest house Long Sengly, chỉ có phòng quạt, giá 7$US. Như thường lệ, bà xã vào xem phòng và OK.
Chúng tôi nhanh chóng tắm rửa, giặt đồ, để phơi cho kịp khô. Ăn trưa qua loa với bánh mì và xút xít rồi ngủ lấy sức để chiều đi thăm Poi Pet.
B.4.2. Poi Pet.
Thị trấn Poi Pet, là huyện lỵ của huyện Ou Chrov, tỉnh Banteay Meanchey, Campuchia, có cửa khẩu cùng tên thông qua Thái Lan. Hồi chiến tranh dưới thời Khmer Đỏ, Poi Pet đã khét tiếng máu lửa binh đao. Đến trước năm 2000, Poi Pet vẫn chưa phát triển lắm, ngoại trừ là khu vực chính tập kết hàng hóa nhập, xuất với Thái Lan. Nhưng khi các sòng bạc được mở ra tại khu vực nằm giữa 2 trạm kiểm soát Campuchia-Thái, thì ùn ùn các tay chơi từ phía Thái Lan(vốn nghiêm cấm cờ bạc) kéo nhau tới đây tìm kiếm “vận may” (hay rủi?), thì Poi Pet ngày càng đổi khác. Ngoài hoạt động giao thương nhộn nhịp ngày đêm, thì những cuộc chơi may rủi không biết tới đêm ngày, diễn ra quanh năm suốt tháng khiến miền đất biên cương của Campuchia này “thay da đổi thịt”!
Grand Diamond City Hotel & Casino, Poipet Resort & Casino, Tropicana, Golden Crown, Princes Hotel & Casino… là những chốn đỏ đen nổi tiếng nơi này. Tất cả đều có dịch vụ đưa đón miễn phí từ 2 trạm xuất nhập cảnh của 2 nước, cách khoảng 05 phút ô tô. Từ khu vực này, khách chơi chỉ mất khoảng 3 giờ để tới Siem Reap hay 4 hoặc 5 giờ để trở về Bangkok. Khách sạn hiện đại, sang trọng với đủ các dịch vụ ăn theo mà chỉ những tay chơi thứ thiệt mới tham gia, còn du lịch bụi thì …có thể chụp hình kỷ niệm!
Tòa cao ốc màu trắng là Gran Diamond City Hotel & Casino.
Nhà trọ Long Sengly còn là một cửa hàng bách hóa lớn, đồng thời cũng có một quầy đổi tiền, nên luôn tiện chúng tôi đổi luôn 100$ US, lấy 3.100 Baht, chuẩn bị cho ngày mai vào đất Thái tiêu xài.
13h26’, chúng tôi bắt đầu cuộc rong chơi trong thị trấn Poi Pet.
Quầy đổi tiền là phòng kiếng màu đỏ.
Ngay trung tâm của khu vực này là vòng xoay Kbal Spean (đây là tên của giòng suối trên núi Kulen, phát nguyên con sông Siem Reap). Như đã nói, đây là điểm đổ khách của các xe đò từ trong nước Campuchia tới Poi Pet, nếu du khách đi Thái Lan thì bước thẳng tới nơi làm thủ tục chỉ chừng 100 mét trước mặt, còn khách đi “viếng” casino thì cũng …cứ việc thẳng tiến, sẽ có người đón tiếp để …”nâng khăn sửa túi” tận tình. Và đây cũng là điểm tập trung của đội ngủ xe ôm, cửu vạn thồ hàng qua lại cửa khẩu, họ là một trong những thành phần nghèo khổ ở xã hội Poi Pet này, trái ngược với những nhân viên phục vụ casino, ăn mặc sang trọng, nhất là những cô gái chia bài xinh đẹp!
Đầu tiên chúng tôi đạp ngược lại Q.lộ 5 hướng trở về Siem Reap rồi rẻ trái vào một con đường, cũng chẳng biết tên gì, cứ len lỏi chơi cho biết.
Quốc lộ 5, từ vòng xoay Kbal Spean nhìn về hướng Siem Reap.
Như đã nói, trước khi nổi tiếng với những sòng bạc, Poi Pet là điểm xuất nhập hàng hóa lớn qua lại biên giới với Thái lan, nên nhiều nhà trong khu vực này có vẻ như là những kho hàng bề thế. Một số nhà đang xây dựng mới, bên cạnh nhiều ngôi nhà nhỏ nằm trên các con đường còn lầy lội.
Chạy len lỏi một hồi thì chúng tôi gặp ngôi chùa thứ 10, chùa Soriya Ram hay là Wat Thmey. Bây giờ không chỉ là chạy ngang qua, mà là chạy thẳng vào viếng chùa.
Như thường lệ, bà xã tôi vào cúng Phật, còn tôi thì quanh quẩn chung quanh xem tụi nhỏ đá banh và nhìn các Sư… “chơi” ipad.
20 phút sau chúng tôi rời chùa và tiếp tục cuộc rong chơi. Chỉ là qua những con phố nắng nóng, khô khan, trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: chẳng gặp được một quán nước hay cà phê nào với cây xanh mát mẻ như bên nhà, để ngồi chơi và “ngấm” cái đặc biệt nào đó của địa phương(mà thật ra, ở đây chẳng có cái đặc biệt gì để mà "ngấm", chỉ nhớ hình ảnh người Việt nghèo sống kiếp tha hương mà mình thấy trạnh lòng!).
Thú thật chẳng có gì hay ho về cuộc dạo chơi, chỉ là đi ngang để gọi là “mình đã có đặt chân tới” Poi Pet! Thật là đáng tiếc cho chốn dừng chân này.
Chúng tôi đạp xe trở về nhà nghĩ, lo tắm giặt để chuẩn bị đi ăn cơm.
Nhà nghĩ không có nước nóng, nên tự mình phải tạo nước ấm, tắm cho an toàn, người lớn tuổi, tắm lạnh thình lình, rất dễ bị đột quị!
17h40’.
Chúng tôi đi tìm quán ăn cơm.
Có một quán ăn sạch sẽ, chúng tôi vào, chọn thực đơn. Ông chủ chắc lai Tàu, thấy tôi người Việt nên cầm menu giới thiệu bằng 2 từ tiếng Việt “canh chua”. Bửa ăn khá ngon với món canh chua cá lóc được khứa mỏng chưa từng thấy ở Việt Nam, chỉ dày chừng 7 li, lại còn có cả …bầu, ngoài khóm và cà chua!
Bửa ăn tốn 6$ US, dù không có gì đặc biệt, nhưng rất ngon và no bụng.
Chúng tôi băng ngang qua vòng xoay, có ý tìm cậu thanh niên người Việt hồi trưa, nhưng không thấy. Tôi biết rằng đâu đây, tại vùng biên giới xa xôi này, từ lâu, đã có 1 làng người Việt khoảng 2000 nhân khẩu sinh sống; và tôi cũng nghe nói rằng, nơi đây có nhiều băng đảng do người Việt cầm đầu, đã nhẫn tâm về quê hương lừa đảo các thôn nữ, mang qua bán cho các đường dây buôn người nơi xứ lạ!
“Ở Poi Pet, đi tìm một “quán gái” còn dễ hơn tìm nơi đổi tiền và số lượng gái VN bị bán sang làm gái mại dâm chiếm đa số so với gái người Campuchia. Những địa chỉ nổi tiếng ở Poi Pet là của bà Chín “mỏ chuột” với 20 gái, bà Hai “mặt nám” khoảng 30 cô, mỗi lần đi khách với giá 10-15 USD….
…Tại Poi Pet có ít nhất 10 băng nhóm chuyên buôn người sang biên giới, trong đó do người Việt cầm đầu chiếm đa số. Các băng đảng này làm ăn rất bài bản, có các trạm đưa đón, liên lạc, thanh toán tiền buôn người trải dài qua ít nhất bốn quốc gia VN - Campuchia - Thái Lan - Malaysia và có quan hệ mật thiết với cảnh sát sở tại nên rất ít khi bị phát hiện.” (Binh Nguyên, 2005. Nước mắt Apsara. Tuoitre online.)
Ngày thứ 4 của chuyến đi xuyên Đông Dương năm 2013 của chúng tôi kết thúc như thế, tại cửa khẩu Poi Pet.
( còn tiếp)