29/5/2014
MỘT THOÁNG NGÀY XANH
Phạm Thanh Khâm
|
Trộm
Mở đầu câu chuyện tạp ghi kỳ này là các tên trộm trong đêm 9/7, đập cửa sổ gần bàn viết của tôi mang đi cái desktop của USAID viện trợ tại Bộ Canh Nông. Nhóm chuyên gia của chúng tôi mỗi người đều có riêng một cái PC, đi đâu đều mang theo nên không mất mát các “files”. Chỉ khổ sở cho ban hành chánh tài chánh phải chờ mua cái mới thay thế và làm lại từ đầu!
Office Manager McRinna Collins và tôi.
Ảnh chụp ngày 10/7/2008
Office Manager McRinna Collins là người Liberia rất thông thạo các software đã giúp tôi in ấn các tài liệu chuyên môn của tôi viết. Còn may là mấy tên trộm không kịp lấy cái máy mà tôi và McRinna Collins có trong ảnh này.
Một Thoáng Ngày Xanh
Nhân chuyến đi thăm nội địa Liberia lần thứ hai vào tuần lễ đầu tiên của tháng 7/2008. Địa danh viếng thăm là District Foya, County LOFA. Hai vòng đi và về ngồi trên xe mất 18 giờ. Chuyên viếng thăm này cho tôi biết về tiềm năng nông nghiệp của vùng này, các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và đề nghị về chính sách ruộng đất trong việc sản xuất. Loạt hình ảnh sau đây minh họa chuyến đi thứ nhì của tôi đến County LOFA:
Ảnh dưới đây ghi địa điểm dự án tái thiết và định cư người trở về từ Guinea do ngân sách của viện trợ Hoa Kỳ:
Ảnh của tôi chụp ngày 2/7/2008
Thăm vườn ương cung cấp cây con cho nông dân chạy lánh nạn trở về, do ngân sách Hoa Kỳ đài thọ:
Ảnh chụp ngày 2/7/2008
Thảo luận về sở hữu chủ trên đất canh tác:
Tôi và Kỹ sư Canh Nông Issac Smith (mũ trắng).
Ảnh chụp ngày 2/7/2008
Phương tiện chuyên chở bằng xe gắng máy trong nội địa:
Bãi đậu“taxi ôm” ở trong nội địa Liberia.
Ảnh chụp ngày 2/7/2008
Không có khách sạn, tôi được dàn xếp ở tại nhà vãng lai của một NGO’s có điện do máy phát điện riêng và có internet để liên lạc với thế giới bên ngoài. Khi thăm một community tôi gặp hai bé trai khỏang 12 hay 13 tuổi thuộc hai gia đình khác nhau theo mẹ ra đồng canh tác chung trên đất công điền (rất ít người làm sở hữu chủ đất đai họ canh tác). Cậu bé thứ nhứt không biết đọc biết viết, tôi đưa mấy chữ cái abc, cậu bé lắc đầu có vẻ bẽn lẽn. Cậu bé thứ hai nói thông thạo Pháp ngữ. Hai người mẹ giải thích khi bồng bế con chạy lánh nạn qua Gueckédou (thủ phủ vùng rừng núi nước Guinea). Đứa thứ nhứt về ở với dì trong rừng Guinea, đứa thứ hai theo cậu về ở thủ phủ Gueckédou đựơc cho đến trường tiểu học. Họ trở về Foya đầu năm nay.
Hai người mẹ dự tính cho con mình trở lại trường học (Liberia chỉ nói tiếng Anh). Hai cậu bé cùng tuổi sẽ bắt đầu sau hè 2008 với hai lớp cách xa nhau 4 hay 5 lớp. Thấy hai cậu bé tuấn tú tôi liên tưởng đến thế hệ của tôi được sinh ra và lớn lên ở Ninh-Hòa. Tôi được đi học với Thầy Nguyễn Bề ở Mỹ Lệ, Thầy Phạm Đồng, Thầy Ngô Văn Cữ, Thầy Nguyễn Tố ở Đức Trí. Còn nhiều bạn khác của tôi không tiếp tục đến trường được hoặc đến trường rất trễ trong thời loạn ly của đất nước. Tôi rất “touched” khi đọc bài viết của Chị Thùy Trang trong tập san 5 năm kỷ niệm “Quê Hương Tình Yêu, Kỷ Niệm” do Anh Thành gởi tặng trước đây. Chị không phải là nhà văn chuyên nghiệp nhưng văn bút của chị trong sáng. Tôi đã đọc đi đọc lại mấy lần các đọan chị kể những năm tháng sau 1975 lúc chị còn ở trong ruộng đồng Ninh-Hòa. Rồi chị thỏa thích say mê khám phá tinh hoa của trí tuệ trên đất Úc.
Sự gặp gỡ hai cậu bé trai ở LOFA đã cho thấy biên giới quốc gia Guinea-Liberia chỉ có trên bản đồ hành chánh. Cùng một bộ lạc, bà con của họ một số ở bên này biên giới, một số ở phía bên kia biên giới. Họ thường tiếp tế lẫn nhau những nhu yếu phẩm. Họ họp chợ mỗi tuần một lần. Đời sống của họ rất đơn giản. Các cấp chỉ huy hành chánh như district commissioner, clan chief đều xử dụng cell phone để liên lạc với nhau.
Khi tôi nói đã làm việc ở Guinea bốn năm và thăm viếng Gueckédou rất nhiều lần, họ ngạc nhiên và tỏ ra rất thân tình với tôi. Khi từ giã họ ở một community (tương tự như đơn vị làng xã ở bên nhà), họ mang tặng tôi một con gà. Theo tập tục khách phải nhận quà, từ chối là điều tối kỵ. Làm sao mang con gà sống về thủ phủ Monrovia. Chín giờ ngồi xe bỏ con gà ở đâu! Tôi phải giải thích với họ là tôi cảm kích lòng hiếu khách, tôi hiểu tập tục vì đã viếng thăm bộ lạc của họ hai mươi tám năm về trước. Họ cảm thông cho tôi được miễn nhận quà và cho tôi lên đường trở lại Monrovia.
Tiếng Lóng Đường Xa
Một chuyện vui khác dính dáng đến việc đi làm xa của tôi trong mấy mươi năm. Làm nhiều dự án khác nhau, gặp nhiều đồng nghiệp nhiều quốc tịch khác nhau và thường di chuyển bằng xe, máy bay, ngồi đợi chờ ở sân bay chung với nhau. Ngủ gà ngủ gật là điều xảy ra thường xuyên. Tôi thường hay nói đùa với đồng nghiệp trước và sau lúc ngủ gà ngủ gật là tôi sắp đi thăm Khổng Tử hoặc vừa gặp Khổng Tử. Thỉnh thoảng vài đồng nghiệp nghe tôi nhắc tên cây đại cổ thụ của văn hóa Đông phương hỏi sự tích. Trong chuyến field trip 18 giờ ngồi xe này, tôi đã ngủ gà ngủ gật nhiều lần. Tất cả người cùng đi chung xe có nghe từ hài hước của tôi. Lần này tôi lại phải kể sự tích là tôi đã lấy trong mục chuyện cười từ thuở xa xưa không nhớ ở tạp chí nào. Chỉ còn nhớ lõm bõm câu chuyện hài hước như sau.
Trong giờ giảng bài, thầy giáo trên bục gỗ thấy một học trò đang ngủ gục. Thầy gọi đánh thức trò để nghe bài giảng. Thầy hỏi:
- Sao trò ngủ không nghe thầy giảng?
Trò chối:
- Thưa thầy con không có ngủ, chỉ đi thăm Ngài Khổng Tử.
Ngày hôm sau Thầy phát bài thi cho lớp học. Cậu học trò làm xong, lên bàn thầy nộp bài, thấy thầy đang ngủ gục. Trò đánh thức thầy dậy để nhận bài. Trò nói:
- Thầy đang ngủ gục phải không?
Thầy nói:
- Thầy đi thăm và gặp Ngài Khổng Tử. Ngài Khổng Tử nói với Thầy là trò không có gặp Ngài hôm qua.
Khi đi công tác đường xa trong chuyến đi thứ hai này và ngủ gà ngủ gật, tôi lại mượn chuyện cười trên đây để nói “Visit Confucius”!
Viết tại Monrovia ngày nghỉ cuối tuần 12/7/2008
Phạm Thanh Khâm