.
  31 ngày lang thnag 136-137
 
14/12/2014


136-137

Inlay, hồ nước ngọt lớn thứ 2 của Myanmar 116km2, có tài liệu nói trên 200km2( lớn nhất là hồ Indawgyi, 250km2, thuộc bang Kachin), nằm trên cao độ 880m, thuộc bang Shan, có độ sâu trung bình từ 2,1m đến 3,7m vào mùa khô, mùa mưa có thể tăng thêm 1,5m nữa.

Shan, Taungyo, Pa-Oo (Taungthu), Danu, Kayah, Danaw và Bamar là những tộc người sống rải rác trong các làng nằm trên lưu vực hồ Inlay; nhưng đông nhất là người Inthar, theo tiếng Miến, có nghĩa là “người sống trên hồ”. Họ ngụ trong những ngôi nhà sàn cao cẳng, cất ngay trên hồ, bên cạnh những vuôn rẫy nổi độc đáo mà tôi đã trình bày ở phần trên.

Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler chọn hồ Inlay là 1 trong 5 điểm đến mới của châu Á mà du khách năm châu nên khám phá, còn tôi, đã từng theo dõi qua màn ảnh nhỏ những hoạt cảnh độc đáo của hồ nước ngọt này; nhưng thật sự, điều đó chẳng thấm vào đâu so với những gì sẽ diễn ra trước mắt tôi hôm nay.

Lúc thuyền vừa ra khỏi kinh Nyaung Shwe, tôi vẫn còn thấy những hoạt cảnh đời thường trên sông nước: xuồng máy vận chuyển khách và hàng hóa ngược xuôi trong khung cảnh bình dị của một miền quê thôn dã, bông sậy và cây dại mọc đến sát mé hồ, cũng giống như nhiều nơi ở miền Tây sông nước.

 

Nhưng chẳng bao lâu sau, xuồng cao tốc đến mép nước trong, cũng là nơi bắt đầu cái mênh mông bao la của chiếc hồ màu ngọc bích.

Những dãy núi chạy dọc 2 bên giữa trời xanh ngăn ngắt, với những khối mây trắng muốt như bông, kết hợp với mặt nước trong, khiến ai đến đây, nhìn thấy cũng tưởng như chốn non bồng nước nhược!

Ngày hôm qua, chúng tôi đã chứng kiến cái “thiên đường màu sắc” của những cánh đồng mè uốn lượn dưới các thung lũng đẹp mê hồn.

Còn bây giờ, lúc những chiếc thuyền cao tốc xé gió lướt đi trên mặt hồ rộng lớn, để lại phía sau đuôi là những bùng vỡ bọt nước trắng xóa tuyệt vời, tôi mới thực sự bắt đầu cảm nhận cái đẹp mà người ta hết lời ca tụng khi đã một lần đến với Inlay.

 

Nhưng đó chỉ là chút xíu khởi đầu của cái chốn gọi là thiên thai nơi trần thế.

Tôi không biết cõi Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao ra sao, tôi chẳng rõ chốn Thiên thai của thi sĩ Tản Đà thế nào, nhưng 2 người nghệ sĩ ấy đã từng đưa tôi theo chân “Lưu Thần-Nguyễn Triệu”lên đến chỗ …

…Lá đào rơi rắc lối thiên thai,

Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi!

…. Đá mòn. Rêu nhạt. Nước chảy-Huê trôi.

Cái hạc bay lên vút tận trời...

Và với giọng ca cao vút của Thái Thanh, tôi cũng đã từng bay theo hạc trắng, lên đến tận mây xanh và thấy rằng Thiên thai của Tản Đà và Văn Cao, đẹp …như nhạc và thơ!

…trời cao xanh ngát, xanh ngát…ơ hờ,…hai con hạc trắng bày về …nơi đâu?

Trời cao xanh ngát, xanh ngát …ơ hờ…hai con hạc trắng…bay về …bồng lai!

Và thật bất ngờ…

Ô hay, bây giờ đang trước mắt tôi không phải là hai con hạc trắng, mà là một bầy chim trắng, giống như hải âu ở biển, đang nhởn nhơ trên sóng nước, không có vẻ gì là sợ hãy khi thuyền chúng tôi chạy ngang qua, chỉ một vài con cất cánh bay lên như vẫy tay đón chào khách đến!

 

Thiệt là ngộ, ở đâu mà nhiều thế này? Tôi thật bất ngờ trước hình ảnh này, dù rằng trước khi xuất bến, Sư H. có nói mua thức ăn cho chim.

Thì ra, cư dân của hồ không những chỉ là những tộc người đang sống rải rác trên các nhà sàn, đảo cỏ…mà còn là hàng ngàn, hàng vạn những chim trắng hải âu, chúng thật bình yên, giữa một môi trường xanh thân thiện, không sợ hãi bởi sự săn bắt độc ác của con người như nhiều nơi khác!

Con thuyền cứ lướt nhanh qua và bọn chim trắng vẫn cứ bềnh bồng trên mặt hồ yên ả, tôi vẫn còn đang quan sát sự hiện diện lạ kỳ của chúng giữa thiên nhiên… bất ngờ bầy hải âu tung mình lên khỏi nước, chớp đôi cánh trắng, vội vã đuổi theo con thuyền, tạo nên một hoạt cảnh vô cùng ngoạn mục! Thì ra, bác tài Ấn Độ vừa tung mấy hạt thức ăn lên không, đó là tín hiệu đã được “lập trình”, bầy chim vội vã cất cánh để bắt đầu điệu “luân vũ Inlay”, mà nếu không chứng kiến tôi chẳng thể nào tưởng tượng ra nó tuyệt vời như thế, nhất là dưới ánh mặt trời ngược sáng trên cao!


Hải âu bay đuổi theo thuyền, bên tay trái…

 

…bên tay phải…

 

Phía sau lưng…

 

...và trước mặt.

 

…tuyệt vời trên mặt nước biếc…

 

Thêm một shot selfie …!

 

…và “điệu luân vũ trên không”, tại chốn “bồng lai” Inlay. 

Tất cả bầy chim đã làm chúng tôi ngất ngây đến …chóng mặt, vì kỹ thuật gắp mồi trên không, vì tốc độ di chuyển nhanh chóng và linh hoạt, thoáng bên phải, chốc bên trái, khi chớp nhoáng gắp mồi dưới nước, lúc nhẹ nhàng chớp cánh nhưng vẫn dễ dàng vượt trước con thuyền đang “xé gió” tiến lên!

Tất cả cùng nhau phối hợp đủ các hình ảnh tuyệt vời, như một màn luân vũ luôn thay đổi đội hình ngẫu nhiên, nhưng thật sự lạ mắt và quyến rũ!

Vâng, xin chào mừng đến với Inlay!

Có chứng kiến cảnh chim hải âu đớp lấy thức ăn trên không ta mới thầm phục sự điêu luyện của chúng, chắc đó là bản năng chứ không do tập luyện, trừ khi vun lên thành từng nắm, có hạt sẽ rơi xuống nước và tức thì sẽ được 1 chú chim nào đó “nhặt” ngay, còn nếu chỉ ném từng 1, 2 hạt thì tất cả đều bị chim gắp lấy trên không.

Loài chim này chắc chắn là cư dân lâu đời ở hồ nước ngọt Inlay, có khi chúng đã hiện diện trước lúc người Inthar từ miền Nam Trung quốc tới. Vì thế với người dân bản địa, có lẽ chúng là thành phần không thể thiếu, là những người bạn thân thiết từ lâu gắn bó với họ giữa cái mênh mông hoang vắng của mặt hồ, trong không gian tĩnh lặng của núi rừng bao bọc.

Có lẽ do bản chất hiền hậu của người Miến, họ sống thân thiện với chim, không săn bắt, giết hại, khiến cả hai cùng nương tựa nhau từ đời này sang đời khác, lúc rừng còn nguyên sinh và núi kia còn hoang lạnh…

Khi bác tài Ấn Độ, sắp hết thức ăn, ném cầm chừng lên không từng hạt bắp, cũng là lúc hải âu hạ cánh xuống mặt hồ, đâu đó để chờ những chiếc thuyền khác , chỉ vài con kiên nhẩn bay theo để nhặt nhạnh phần còn lại.


Bên trái.

 

Bên phải.

…và cuối cùng thì cũng hết, chẳng còn cánh chim nào bay theo. Ngay lúc đó, tôi chợt thấy 1 con chim thật bự, đang đứng trơ trọi giữa trời nắng chói chang.


Bấy giờ tôi nghĩ rằng đó là biễu tượng của Hồ Inlay, về sau tôi được biết đây là con chim trong huyền thoại, còn được người dân tạo hình thành một chiếc thuyền thật lớn luôn dẫn đầu trong Lễ hội chùa Hpaung Daw Oo, diễn ra vào tháng 9 hàng năm. Có lẽ đây chính là cổng chào đón du khách đến với Inlay, vì tiếp theo đó bên cạnh những mảnh vườn nổi đang nhấp nhô theo sóng nước, bên cạnh những nếp nhà sàn bình dị yên bình trong khung cảnh đẹp đẻ của hồ nước trong xanh, là những khu nghí dưỡng, những nhà hàng dành cho du khách đang hàng ngày tìm đến. Họ đến rất đông, nhưng do mặt hồ rất rộng, cùng với nhiều làng mạc đầy bí ẩn cần được khám phá, đã phân tán thành ra chỉ thấy họ rải rác.

 











Và với những gì tận mắt chứng kiến hôm nay, tôi không thấy ngạc nhiên khi người ta xếp làng ở Inlay nằm trong số 10 làng đẹp nhất thế giới!

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630189 visitors (2116022 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free