.
  31 ngày P 94-95
 
2/10/2014

 


Phần 94-95
 
 
 
Tối qua, chúng tôi ngủ sớm. Khoảng 05h thì có tiếng gõ cửa, tôi biết chắc chắn đó là Sư H. Và với nụ cười hiền hậu kèm chút lém lỉnh thời niên thiếu, Sư lên tiếng ngay khi cửa vừa bật mở: sao, bỏ cái tật …liều mạng chưa?...bửa nay theo tôi tới chùa Shwedagon lạy Phật …rồi “Sãi già” sẽ làm thổ địa dẫn đi chơi! 
He he, đầu ngày mới, được nghe một lời mời …thơm hơn hương nguyệt quới, tôi … chắp tay xá Sư và nói: dạ…xin chào… 2 Sư.
Vì trước mặt tôi, không chỉ có 1 Sư H. mà còn có thêm cả Sư Th., trụ trì Chùa X. ở Huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Sư Th. vốn đã từng du học nhiều năm tại International Theravada Buddist, nằm trên đường Kabar Aye Pagoda, mà chiều hôm 29-10-2013, chúng tôi có dịp đi ngang, sau đó qua Đại học Srilanka để tiếp tục hoàn tất học vị Ph.D.
Hồi tháng 4 vừa qua, tôi tháp tùng Sư H. cùng với một doanh nhân người Miến sang Sài gòn khám bệnh, có xuống chùa X. thăm Sư Th. nay lại gặp gỡ nơi đây để cùng bắt đầu 1 chuyến “rong chơi” nhiều thú vị. 



Sư D. áo vàng, là Phó trụ trì của Sư. Th. đang học cao học tại Srilanka.



Doigiaymoi và Phật tử U Min Ko tại chùa X.của Sư Th. tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng, 22-4-2013.


_Thôi, 2 ông bà chuẩn bị …6h xuống ăn sáng (buffet), rồi đi theo tôi!
Tại phòng ăn mini của ks 7 Mile, chúng tôi làm quen thêm anh Ayunpa L., Việt kiều Mỹ, tháp tùng Sư H. và anh A. theo Sư Th., đến từ Việt Nam. Ngoài ra còn một Sư nửa người Mỹ gốc Hoa, cũng đến cùng Sư H., tôi không tiếp xúc nhiều, vì Sư khá kín đáo, chỉ lặng lẽ đi theo đoàn. Chuyến đi sắp tới đây, do Sư H. thiết kế, thực hiện bởi anh Zaw Min Oo, giám đốc UST, nếu bạn nào cần thì có thể liên lạc theo danh thiếp đính kèm. Nghe nói còn 1 đoàn nửa khoảng 7 người do 1 Sư người Thái dẫn, sẽ đến vào hôm sau, 01-11-2013. 
Theo Sư H. nói, hôm nay mọi người sẽ lang thang tại Yangon, 19h tối sẽ lên xe bus đi Kalaw, nơi có thiền viện của Sư.

Theo Sư Th., chuyến đi Myanmar kỳ này, ngoài chuyện “rong chơi”, do lời mời của Sư H., với Sư Th., còn là thăm lại nơi chốn mình từng du học, kèm theo 1 nhiệm vụ quan trọng là đặt làm tượng Phật cẩm thạch để thỉnh về cho ngôi chánh điện Chùa X. Theo Sư, giá cả tượng Phật cùng kích thước(1,8m), bao gồm luôn tiền vận chuyển từ Myanmar về Việt Nam chỉ khoảng 100 triệu đồng, vẫn rẻ hơn đặt hàng tại Non Nước(150 triệu), mà lại được làm bằng đá cẩm thạch tốt! (Cẩm thạch Miến Điện vốn rất nổi tiếng trên thế giới!).








Anh Zaw Min, người mặc áo xanh đang hướng dẫn mọi người lên xe, anh bạn người Miến Điện(tôi không biết tên) mặc áo sọc ca rô màu sáng, là chủ xe, cũng đồng thời là chủ 1 khách sạn mới hoàn thành, là Phật tử, rất quí trọng Sư H., đã tự thân lái xe “hộ” quí Sư và nhờ vậy 2 kẻ “phàm phu” này cũng được hưởng phước, được “hộ ăn theo”! He he, từ bây giờ, không phải là “lù khù có ông Cù độ mạng”, mà chính xác là…phen nầy có …Sư Thầy độ mạng! 
07h30’ , 31-10-2013, chúng tôi bắt đầu cuộc rong chơi chính thức tại Yangon, chỉ 3 điểm đến, như 1 thoáng, mà Yangon hôm nay, để lại trong tôi nhiều ấn tượng.



He he, …phen nầy có…Sư Thầy độ mạng!


Trước tiên, mời các bạn xem lại bản đồ để hình dung được điểm đến của tôi chiều hôm 30-10-2013. Từ ks 7 Mile, xuôi theo đường Pyay 2km là đến điểm số (1), sau đó đi thêm qua 1 đoạn đường Shwe Hin Thar, điểm số(2). Hình ảnh tôi chụp 1 phần hồ Inya là nằm trong khung màu đỏ, rất nhỏ so với toàn bộ hồ.
Bản đồ này cũng chỉ lộ trình buổi sáng ngày 31-10 của 2 kẻ lang thang, đến chợ Bogyoke và chùa Shwedagon, 2 điểm quan trọng mà các bạn nên đến, để chiêm ngưởng(chùa Vàng Shwedagon) và mua sắm…cẩm thạch (chợ Bogyoke). 
Như đã nói, từ đường nhánh Kone Myint Yeiktha, nơi ks 7 Mile tọa lạc, chúng tôi rẻ phải chạy suốt đường Pyay về hướng trung tâm Yangon, khoảng 10km thì đến chợ, tuy nhiên các Sư phải giải quyết những việc quan trọng trước khi được phép …đi chơi! Đó là xem các tượng Phật cẩm thạch trưng bày tại khu chợ chuyên buôn bán tượng và hàng thờ cúng, để tham khảo.






Xe đưa chúng tôi xuống khu trung tâmYangon, trong một buổi sáng nắng sớm thật tươi. Đầu tiên các Sư ghé thăm vài nơi mua bán tượng Phật và đồ thờ cúng, chỉ là để xem và hỏi thăm giá cả, sau đó các Sư đến chỗ may y để lấy hàng mà Zaw Min (tên gọi tắt của Z.M. Oo) đã đặt theo yêu cầu của Sư, để chuẩn bị cho Lễ Dâng Y sẽ được tổ chức vào ngày 03-11sắp tới tại Thiền viện, ở Kalaw. Xin nói thêm, Zaw Min vốn là 1 Phật tử, đã từng giúp Sư trong những ngày đầu lập Chùa trên đất Miến, thường theo hộ Sư trong những chuyến đi xa, trong đó có Việt Nam, nói thông thạo tiếng Anh. Xem cái danh thiếp của Zaw Min, Sư cười hề hề, nói... thằng này để trên danh thiếp cho “kêu”, vậy chớ dở ẹt hà, được cái là thiệt thà lắm, vẫn chưa vợ dù hơn 45 rồi! Ai thương nó thì chiếu cố giùm! 
_He he, chiếu cố giùm để về “nâng khăn sửa túi” cho anh ta, hay chiếu cố giùm mà đặt tour cho công ty UST của Ông Giám Đốc ZawMin Oo vậy Sư?
Sư H. cười thật hiền hòa, nhưng tôi vẫn thấy rõ sự “lém lỉnh” đời thường của Sư khi còn là bạn học, “chiếu cố”… cái nào cũng được!



He he, giống như phim …7 tay súng oai hùng! He he, 1 phát hiện khi xem kỹ ảnh này: có 1 con mô tô 2 bánh!






Một cửa hàng mua bán tượng Phật và đồ thờ cúng.



Khu vực tập trung nhiều cửa hàng mua bán tượng Phật và đồ thờ cúng tại Yangon.
 
Chúng tôi cùng theo các Sư vào tham quan 2 cửa hàng tượng Phật, bây giờ tôi mới biết 1 trong 2 tên là Thamada, thuộc hệ thống mua bán cùng tên, số 156, đường Shwe Gon Taing, cách chùa Shwedagon không xa lắm.
Tại cửa hàng Thamada, chúng tôi thấy tượng Phật gồm đủ loại kích cở, bằng 2 chất liệu chính là đồng thau và đá hoa (cẩm thạch) tương tự như đá Non Nước ở quận Ngủ Hành Sơn, Đà Nẳng. Xét về mặt thẩm mỹ, tượng Phật Miến Điện không chắc gì đẹp hơn tượng Non Nước, một số lại “tô son” cho Phật làm mất đi sự trang nghiêm cần thiết, nhưng “chất” đá cẩm thạch Myanmar, vốn rất nổi tiếng trên thế giới, đã làm cho tượng Phật Miến Điện có giá trị bởi độ bóng, độ trong rất đặc biệt, nhất là tượng lại được chế tác tại đất Phật! 










Sư Mỹ gốc Hoa, Anh Ayunpa L Sư H, Anh A, Sư Th

Sư Mỹ gốc Hoa,


Việc cho chúng tôi đi thăm vài cửa hàng tượng Phật chỉ là khởi đầu cho “dấu nhấn” của ngày hôm nay, đó là Shwedagon. 
Chương trình cụ thể của buổi sang được thể hiện theo sơ đồ sau.



Sơ đồ rong chơi buổi sáng 31-10-2013, tại Yangon.
Khởi hành từ 7 Mile, theo đường Pyay(X), rồi qua đường U Wisara để đến(1) cửa hàng bán tượng Phật và đồ cúng Thamada (Thamada Buddha Statue & Monk’s Requisites Centre), tại số 156, đường ShweGonTaing. Tiếp theo là viếng chùa Shwedagon (2) và cuối cùng là đi chợ Bogyoke (3).


B.15.2. Chùa Shwedagon, ngập tràn ấn tượng.

Ngoài Inya, Yangon còn 1 hồ nước nửa, nhỏ hơn, tên là Kandawgyi, nằm ở phía Đông ngọn đồi Singuttara. Hồ nước và ngọn đồi, không có gì quan trọng lắm để tôi nhắc tới, chỉ là để xác định rõ hơn, vị trí 1 báu vật của Myanmar, đó là Chùa Vàng Shwedagon, mà hàng bao đời nay uy nghi tọa lạc rực rỡ trên cao. 
Ô hay, có lẽ tôi lẩm cẩm mất rồi, ai đời lấy cái ít người biết để “vẽ đường” chỉ đến một kiệt tác lừng danh thế giới!
Đúng là như thế, nhiều người trong chúng ta thường nghe nói rằng, nếu đi Myanmar mà không viếng Shwedagon, thì xem như chưa tới Myanmar. Cũng như khi nhắc đến Miến Điện, người ta nghĩ ngay tới ngôi chùa “Vàng đúng nghĩa” nổi tiếng này.
Hơn 1.000 quả chuông vàng trong khuôn viên, 5 tấn vàng lá bao phủ toàn thân tháp chính cao 98m, riêng đỉnh tháp cao 10m được làm bằng 7 vòng đai bằng vàng ròng, ngoài ra còn bao nhiêu tượng Phật bằng vàng hoặc phủ vàng được thờ trong gần 1000 ngôi tháp nhỏ bao quanh ngôi tháp chính. Vàng, vàng, vàng!
Chưa hết, 5448 viên kim cương, 2317 viên ngọc thạch, nhất là viên kim cương nặng 76 karat làm cho đỉnh tháp chùa Shwedagon trở thành một Vương miện khổng lồ, quí giá nhất nơi chốn trần gian này!
Đấy là những thông tin mà tôi góp nhặt được trước khi bước chân vào …kho châu báu đó. Còn chùa Shwedagon lộng lấy thế nào, đồ sộ thế nào, quí giá thế nào …chỉ có đến nơi, mới có thể “thấy” được những gì mà nhiều người ca tụng.
Chúng tôi đã chụp rất nhiều ảnh, để mong rằng qua đó, các bạn có thể “thấy” được chút đỉnh, những gì mà tôi chỉ có thể nói sơ qua.
Rời Thamada centre, khoảng chừng 5 phút sau, chúng tôi tới bãi đổ xe ở chân đồi Singuttara, Sư H. và Sư Th. đã quá quen thuộc nơi này nên không cần thăm viếng, lại bận công việc khác, nên chúng tôi được anh bạn Zaw Min đích thân hướng dẫn thăm chùa. 








Như vậy, chúng tôi gồm Sư Tàu( xin phép gọi gọn như vậy về Ông Sư người Hoa hiền lành, dễ mến nhưng ít nói), anh Ayunpa L. , anh A. và 2 vợ chồng Doigiaymoi được Zaw Min mua vé, giá 8$ US/người, tăng thêm 3$US, để vào thăm ngôi chùa Vàng độc nhất vô nhị này. 
Cũng như tất cả các chùa khác trên đất Miến, mọi người phải đi chân trần khi bước vào chốn thiền môn, tôi có cái bị “hồ lô” tự may theo kiễu ăn cắp từ cái túi đeo vai của Sư H., nên dư sức chứa đôi giày mọi và cặp dép mềm của 2 đứa. Sự cố đầu tiên xãy ra đối với túi mang vai của bà xã khi chạy qua máy kiểm tra an ninh(giống như ở phi trường), còi báo động hú lên làm chủ nhân hết hồn, thì ra con dao xếp là nguyên nhân, phải gửi lại trước khi bước vào thang máy để lên chùa.





 
 
Như 1 khối vàng khổng lồ hình chuông úp, vươn thẳng lên bầu trời xanh biên biếc, stupa chùa Shwedagon, ngay từ nơi “cửa ngỏ” bước vào, đã gây ấn tượng mãnh liệt cho những ai lần đầu đặt chân lên đất Miến. Dẫu đã xem nhiều hình ảnh Shwedagon, nhưng “trăm xem sao bằng mắt thấy” tại hiện trường, dù là nhìn từ xa, chưa trọn vẹn, nhưng cái ánh vàng rực rỡ kia vẫn chói chang, vẫn rực rở phía trời xa…




Nhìn dãy hành lang dài với thảm xanh dịu mát, như bên kia, mái ngói cũng cùng màu, tôi nghĩ, có lẽ người ta muốn làm dịu đi cái rực rỡ, nóng bức của khối vàng hực hở bên trong, hay cũng có thể để làm tăng cái nghiêm trang bề thế của các công trình đồ sộ nơi đất Phật, không phải để thị uy, mà là để tạo sự tôn kính nơi bá tánh trước trước chốn rừng thiền. 




Rời thang máy, du khách phải đi qua 1 hành lang dài dẫn vào sân chùa Shwedagon, trên đỉnh đồi Singuttara.




Đường dẫn ra cửa Nam chùa Shwedagon nhìn từ hành lang nơi thang máy.




Rời cửa hành lang từ thang máy dẫn ra sân chùa Shwedagon, chúng tôi bước qua 1 đoạn ngắn bị che chắn bởi công trình phụ phía tay trái, 1 cội bồ đề già bên tay phải…




…và một bầy quạ đen đang vô tư dọc theo rào chắn bảo vệ sân chùa.




Và rồi, tôi đột ngột bước ngay vào sân chính, tòa tháp vàng chói rực giữ trời xanh!













Sau những giây phút ngỡ ngàng, tôi bắt đầu cuộc “hành hương” ngẫu hứng chung quanh ngôi bảo tháp, từ những hành lang dẫn đến các đền tháp nhỏ chung quanh, mà thật sự tôi không hề biết rõ về nó, chỉ là quan sát, chụp ảnh với sự thích thú âm thầm…

Ở bất cứ chỗ nào, dù là trong góc khuất, những Phật tử lòng thành cũng có thể lặng lẽ nguyện cầu.
 


Các ngôi tháp nhỏ, trắng tinh thanh thoát hay vàng nhủ chói chang, bên trong có hoặc không các tượng Phật, được xây dựng trật tự chung quanh ngôi bảo tháp, đỉnh nhọn dựng tua tủa lên trời cao, tạo nên một “rừng thiền” độc đáo!
 
 
 
 
 


Tất cả, dường như để tôn thêm cái vĩ đại của bảo tháp trung tâm.
Tất cả, đã làm nên một kiệt tác kiến trúc mà thế giới phải …ngước nhìn.
 
 
Shwedagon vốn là một ngôi chùa cổ, theo truyền thuyết đã có từ 2.500 năm trước, lúc Đức Thich Ca còn tại thế; nhưng với các chuyên gia, thì chùa được xây dựng trong khoảng từ thế kỷ thứ 6 đên thế kỷ thứ 10, sau công nguyên, nghĩa là chỉ khoảng 1.400 năm trở lại. Cho dù là thế, với số tuổi đó chùa Shwedagon cũng thuộc hàng đại cổ tự!





Thoạt đầu tòa tháp (stupa) chỉ cao 8m, rồi nâng dần lên 20m. Đến năm 1453, Hoàng Hậu Shinsawbu cho nâng tháp lên đến 40 mét và bắt đầu cho dát vàng do bá tánh dâng cúng. Vàng này được các thợ chế tác theo phương pháp truyền thống, là những lá mỏng tang, “dính” trên ô giấy nhỏ, người cúng chỉ việc áp sát mặt có vàng vào tượng Phật hay thân tháp rồi miết mạnh đều khắp, gở nhẹ giấy ra, lớp vàng ở lại, làm dày thêm cho tượng hay tháp đó.





Đã từng bị hư hại và tôn tạo nhiều lần sau những biến cố lịch sử và thiên tai, nhất là sau trân động đất vào thế kỷ 17, chùa bị hư hại nặng, Vua Hsinbyushin cho sửa chửa tòa tháp và nâng lên đến độ cao hiện tại (98m).





Chùa đã từng bị quân Bồ Đào Nha cướp phá và quân Anh chiếm đóng trong thời gian dài, may mắn, đã không bị phá hủy, nên nhân loại ngày nay còn được một báu vật lừng danh mà hàng triệu người mong được đến viếng, dù không phải là Phật tử.





Giờ này, có rất nhiều khách đang thăm viếng và lễ bái tại chùa, trên khoảng sân rộng bao la của đỉnh đồi Singuttara, vốn đã được lát gạch từ thời Hoàng Hậu Shinsawbu. Vậy mà không khí vẫn lặng yên, mọi người đang chắp tay, quì hoặc ngồi để nguyện cầu hoặc chiêm ngưỡng cái trang nghiêm thần thánh chốn hồng trần. Số khác thì đến 1 trong 7 tượng Phật đặt tại 7 vị trí chung quanh tháp, ứng với 7 ngày trong tuần, để khấn vái và múc nước tắm Phật với mong cho ước nguyện hoàn thành.
Giữa không gian bao la, ngôi bảo tháp vàng rực rỡ, cao vọi, như 1 tòa chánh điện lộ thiên, khách tham quan thì nghiêm cẩn trong cách đi đứng, người hành hương thì cúng bái đúng lễ nghi. Tòa tháp nằm trên một đế 7 cạnh, tương ứng với 7 ngày trong tuần, tại đó có 1 bể nước, để mọi người tới thực hiện nghi lễ tắm Phật kèm lời nguyện cầu phước đức, góc Saturday cho người sinh vào thứ bảy, góc Tuesday dành cho những người có ngày sinh trùng với Thứ Ba…




Tượng Phật ở vị trí ngày thứ Ba, ai có ngày sinh vào thứ Ba thì đến đây khấn nguyện.


Một so sánh ngẫu nhiên đến với tôi, khi nhớ lại chùa Saket ở Golden Mount, Bangkok,. cả 2 đều là chùa cổ, nằm trên ngọn đồi cao, cũng có một bảo tháp đồng dạng, vàng chói rực rỡ; nhưng Saket nhỏ hơn rất nhiều và quan trọng nhất, Shwedagon là vàng thật!





Nhưng, thật hay không, có gì quan trọng, bởi niềm tin và sự thành tâm mới ý nghĩa hơn nhiều và điều này nằm trong tâm thức của con người chứ nào phải đâu trong tướng, hình ngôi cổ tháp!
Cho nên, khi bước chân đến đây, chứng kiến cảnh mọi người đang thành tâm đãnh lễ, người xấu chắc cũng phải tự vấn lại mình mà quay về điều thiện, đó là cái giá trị không thể nào đo được bằng vàng, dù thật hay giả!











Các tài liệu tham khảo có sự khác biệt lớn về khối lượng vàng của chùa Shwedagon, 500kg, 5.000kg và 60 tấn, tôi không biết số nào là chính xác; nhưng có một điều chắc chắn, tôi đang đứng giữa 1 kho báu, kho báu của vàng bạc và đá quí, đồng thời cũng là kho báu của niềm tin, của cái tâm hướng thiện, mà giá trị của nó không thể cân, đong, đo, đếm.
Vàng bạc châu báu, có giá trị cực cao theo chuẩn mực của xã hội loài người, cho nên, giữa một khối lượng vàng, kim cương, đá quí khổng lồ của chùa Shwedagon, tôi và nhiều người khác, chắc chắn không khỏi choáng ngợp, đó là cái cảm giác ban đầu khi đặt chân tới đây. Nhưng lúc bình tâm nhìn lại, sự thanh thản thể hiện trên những bước chân đi, sự an lạc biễu lộ qua các gương mặt thành kính, của bá tánh hiện diện khắp sân chùa, tôi cảm thấy, khối vàng bạc, đá quí đang lộng lẫy giữa trời, bổng trở nên nhẹ tênh, như chiếc lá, như sợi mây đang bềnh bồng rong chơi giữa trời trong xanh biếc!





Cho nên, dù đã tồn tại hơn ngàn năm, dù đã được tô điểm từ mấy trăm năm bằng vàng ròng và đá quí, để ngày nay có được giá trị vật chất lớn lao đến sững sờ, chùa Shwedagon cũng dường như chưa đánh động vào lòng tham của những ai đặt bước đến đây.
Vàng cứ càng dày thêm từ bàn tay công đức của bá tánh, nhưng không phải làm giàu thêm cho chùa, không bán ra để giải quyết 1 nhu cầu vật chất nào đó. Mà vàng ở đây, chỉ là sự tích tụ của lòng thành kính, thiện tâm. Vàng đến đây, như để phá vở cái giá trị vật chất đang có, vốn chỉ là không, khi loài người chưa xuất hiện, 1 số không trống rổng, không hình, chẳng tướng!
Và như thế, chùa Shwedagon đang sừng sửng giữa đời thường, không cần phải bảo vệ chặt chẻ. 
Thật là một tuyệt vời rất…Myanmar!
 

 

 
 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 633144 visitors (2120545 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free