.
  31 ngày lang thang P 142
 
25/12/2014




Phần 142-143

Hành lang kết thúc tại những bậc cấp, nơi bắt đầu dẫn đến chánh điện chùa Shwe Indein, tại đây, mọi người phải bỏ giày dép lại trước khi bước lên.





Tuy nhiên trên đường đi, ngoài những quầy bán hàng lưu niệm, chúng tôi còn chú ý đến “rừng” tháp zedi nằm 2 bên, xuất hiện không trọn vẹn ngoài mái che, nhất là phía tay phải, nhiều cái bị hủy hoại nặng nề, có cái vẫn còn hình dáng cũ, nhưng cũng “dãi dầu”với thời gian dài hàng ngàn năm đã qua. 






Những phế tích Indein bên phía phải hành lang.


Bên trái, ngoài 1 số tháp cổ, thì có nhiều tháp mới, vàng chóe, rực rỡ giống như ở chùa Shwedagon.






Những zedi mới bên cạnh các zedi cổ nằm phía tay trái hành lang.


Dĩ nhiên, với tôi và có lẽ các bạn cũng vậy thôi, những ngôi tháp cổ nằm bên ngoài hành lang phía tay phải mới là điểm cần bước tới. Tôi không vội vào chánh điện, không bước qua phía trái, nơi có những tháp mới trắng toát hoặc vàng chóe, mà rẻ bước qua phải, len chân đi giữa những gạch đá đổ nát để đến với cái không gian của hơn 1.000 năm về trước, trên một triền đồi hoang phế với cỏ dại và tháp xưa. 





Các zedi(stupa, tháp) sau nhiều thế kỷ tồn tại, đã thành phế tích, mất hết những chóp tháp nên chẳng còn lộng, phần thân cũng đã bị hư hoại, để lộ ra những lớp gạch mộc loang lở, giữa những cỏ dại đang phủ kín đồi hoang. Với tôi, đây là quan cảnh đẹp một cách sâu lắng mà các ngôi tháp vàng chóe bên kia không thể nào có được!
Đã từng đến Tháp Chàm, Phan Rang, đến đền Angkor huyền thoại, Siem Reap, tôi đã từng có cảm giác trở về cái quá khứ mà mình chưa hề biết đến, đã sống như mình từng hiện diện trong cái không gian kỳ lạ mà có thật của những nơi này; cho nên hôm nay, khi tiếp cận phế tích Indein, lúc vừa bước chân đến nơi hoang vu trước mặt, với rừng zedi loang lở màu thời gian, tôi chợt như thấy thấp thoáng đoàn tăng lữ vàng rực áo cà sa, chậm rãi bước chân trần, từ hướng Tây đang đi về phía mặt trời…hồi 2.300 năm trước, lúc Đức Vua Ashoka(A dục) muốn đưa Phật giáo đến khắp Á châu.






Các zedi đã mất “lộng”, thay vào đó là cây dại điểm chút lá xanh.


Vâng, bây giờ, trong tôi đang có cái cảm giác thật thú vị khi may mắn đặt chân đến nơi này, cái cảm giác mình đang từ thế kỷ 21, bước trở về thế kỷ thứ 8, thứ 10…vì trước mắt chúng tôi, giữa cỏ cây hoang dại, một rừng zedi bị hủy hoại bởi sương gió đang phơi bày một cách rất… “nổi da gà”. Hãy tưởng tượng rằng mỗi bước ta đi, là đang dẫm lên những dấu chân trần đã từ ngàn năm trước, hãy tưởng tượng rằng nơi ta đứng, hồi thế kỷ 10 đã có ai đó ngóng đợi ai… thì bạn sẽ thấy “lạnh” người, không phải lạnh vì sợ, mà lạnh vì cái cảm giác thiêng liêng kết nối khoảng thời gian cách biệt hơn 10 thế kỷ, gần lại như chừng 1 sát na…bất giác, tôi chợt nhớ đến 2 câu thơ của Thiền Sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh:

“Ta cúi xuống nhặt hạt sương trên cỏ,
Bổng thấy áo tiền nhân còn ướt chưa khô!”

Ô hay, như một tia chớp cực mỏng lóe lên xé đôi màn đêm mênh mông tối, khoảng cách “sát na” của thời gian bây giờ như tấm vách mỏng, như tờ giấy lụa mong manh, tôi với tay qua tấm vách ấy, là chạm nhẹ tới cái quá khứ 1.200 năm cũ, đang “sừng sững”, đổ nát, hoang tàn!



Tôi ghi lại cái quá khứ 1.200 năm trước…



…và chỉ cần với tay, tôi chạm ngay vào …1.200 năm cũ, đã qua!


Chân theo lối cỏ buồn tháp cổ,
Ai đã lâu rồi, có đứng đây?
Mới đó, tưởng chừng đâu…xa lắm.
Ngàn năm, sờ thấy…ấm hơi tay.


 
Sau một hồi đắm mình trong quá khứ, tôi băng qua hành lang để đến quần thể tháp bên tay trái, xem khu vực các zedi mới mà tôi nghĩ rằng các Phật tử đã hỉ cúng trong thời gian gần đây, vì mới và rực rỡ. Nhưng tôi chợt phát hiện ra điều này, bên cạnh các tháp mới toanh ấy, vẫn còn những tháp cổ đang hư hoại, đồng thời, thêm 1 bức tường đang được “làm mới” trên dấu tích đã từng bị phong hóa, khiến tôi tự hỏi: hình như có một quá trình “làm mới” trên khu phế tích nổi danh này?



Phần tường bên trái cột đã được “làm mới”, trong khi cột và phần bên phải vẫn nguyên vẻ đẹp với tấm áo “thời gian”.



Đống gạch vụn hơn ngàn năm tuổi, rồi sẽ đem vùi bỏ nơi đâu? Tiếc ơi là tiế…c!



Những tháp “mới” phục hồi với bảng tên người hỉ cúng, phía xa, dưới triền đồi là những zedi cổ“may mắn” chưa được …làm mới!


Hồn phách đâu rồi, ngàn năm cũ?
Thôi đành hãy đợi...ngàn năm sau!









Những tháp “mới” bên cạnh vài tháp cổ.









Những tháp “mới” với nón lộng đầy đủ, bên cạnh các tháp xưa đã không còn nguyên vẹn. Và một rừng tháp mới với những bản ghi danh người cúng dường bên dưới, họ đã giúp phục hồi lại những cổ tháp xưa, nhưng với tôi, họ đã vô tình xóa đi quá khứ, giết chết cái đẹp vô hình làm nên giá trị không thể qui ra bằng tiền bạc, bởi vì thời gian hơn ngàn năm tuổi sẽ bị xóa sạch nếu cứ tiếp tục “làm mới” như thế này.








Tôi thật sự tiếc cho những gì đang diễn ra; mong rằng kế hoạch này sẽ dừng lại để Indein mãi được xem là "phế tích". Tôi đành phải tự an ủi rằng Myanmar đang có quá, quá nhiều những phế tích, nên "xóa" đi điểm này cũng chẳng thấm vào đâu. Nhưng ...tiếc ơi là tiếc! Tiếc quá các bạn ơi!
Thú thật với các bạn, khi viếng chùa Shwedagon tại Yangon, biễu tượng của Myanmar, tôi choáng ngợp vì vẻ đồ sộ của ngôi tháp chính, về sự lộng lẫy của rừng zedi rực rỡ bao quanh; dù biết công trình này xưa cổ; nhưng cái vẻ mới mẻ, do được dát vàng, được bảo quản hàng năm, khiến Shwedagon lúc nào cũng rực rở, dù cho 100 hay 1.000 năm nữa. Với tôi, Shwedagon là 1 kỳ quan, 1 tuyệt phẩm kiến trúc tôn giáo, xứng đáng là biễu tượng của Myanmar.
Như đã nói, “thánh địa” Indein đã có từ thời Vua A dục, vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, nghĩa là 2300 năm trước! Nhiều thế kỷ sau, các Vua Narapatisithu và Anawrahta, thuộc Vương triều đế chế Bagan bắt đầu cho xây dựng các đền tháp tại khu vực này. Một số tài liệu nói rằng các stupa bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ 8, thứ 10; nhưng đa phần là từ thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ thứ 18, tổng cộng là 1.094 cái. 



1094 stupa tại “phế tích Indein”.


Với tôi, các con số trên chỉ có tính cách tượng trưng, số lượng thì hoàn toàn có thể thay đổi bởi những tháp mới xây cất thêm, còn mốc thời gian chỉ nhằm xác định chúng đã hiện diện lâu rồi trong quá khứ, khoảng cách 1 vài trăm năm chỉ có giá trị tham khảo cho các công trình nghiên cứu, nét dãi dầu mưa nắng hiện diện trên hàng ngàn ngọn tháp giữa chốn hoang sơ, mới là cái đẹp tiềm ẩn làm nên giá trị thực sự của “Thánh địa Indein”.





Đành rằng, 1.000 năm chỉ thoáng qua như 1 sát-na “ngắn ngủi”, nhưng có mấy nơi trên trái đất này còn tồn tại những công trình mà màu thời gian đã “khắc” thật đẹp những nét chạm trỗ thâm trầm lên thân tháp, như Indein?
Ngày nay, với rất nhiều phương pháp và kỹ thuật hiện đại, dường như người ta có thể bảo tồn các phế tích không bị hư thêm, vẫn giữ nguyên tình trạng bị hũy hoại sau thời gian dài trong quá khứ. Vì xét cho cùng, thời gian cũng là yếu tố góp phần làm tăng thêm giá trị của một tác phẩm, ở đây tác phẩm ấy là một quần thể kiến trúc Phật giáo, theo tôi là đẹp đến không ngờ.



Đẹp lạ lùng phế tích Indein.


Theo tôi, 1 số tháp có niên đại tương đương với vài tháp Chàm của ta, gạch xây cũng giống; mà số lượng thì quả là quá ...xá nhiều! Ví dụ như một hôm đẹp trời nào đó, các nhà khảo cổ Việt Nam phát hiện được 1 quần thể stupa chừng 20 cái thôi, đâu đó trong rừng sâu Nam Cát Tiên, chẳng hạn, thì ...ô hô ta ...sướng biết chừng nào. Về phương diện bảo quản ta đã làm khá tốt.





Rồi đây, nếu tất cả các tháp được làm mới, thì cần gì ta phải đến Indein, chỉ tới Shwedagon chiêm ngưỡng là đủ ? Thoáng nghĩ đến điều đó, tôi cùng bà xã và mấy người bạn vội vàng trở lại chỗ cũ, ghi cho được những hình ảnh của mình lên di tích ngàn năm, để lở…nếu không may tất cả sẽ trở nên…rực rỡ sắc màu!















Nếu một mai các zedi không còn đổ nát, thì Sư Th. và tôi sẽ rất…buồn khi xem lại ảnh này!





...nhưng thật buồn cho các zedi.


Các thông tin này, tôi chỉ dựa trên ảnh chụp hiện trường, hoàn toàn chưa trực tiếp hỏi ai,...nên mong rằng ai biết rõ hơn hoặc có thông tin gì khác về phế tích này, xin góp ý giùm, cảm ơn!





 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693539 visitors (2231293 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free