.
  Thừa Thiên- Huế P2
 
10/8/2014

 

Phần 2

II -  Lạm bàn phát triễn Thừa Thiên- Huế

         Thắng tích kiến trúc Huế xưa

  Năm 1802,  Gia Long lên ngôi vua đóng đô ở Huế. Suốt 143 năm các vua Triều Nguyễn  đã cho xây dựng  ở Huế và vùng ven một hệ thống công trình đồ sộ và hòan chỉnh, bao gồm  thành trì, cung đình, lăng tẩm, đền miếu, nhà chùa  phố phường , nhà vườn … mang sắc thái đặc biệt, giá trị nghệ thuật cao, một kỳ  quan Đông Nam Á. Tháng 12 năm 1993 , Thành Citadel Huế đã được Cơ Quan Văn Hóa Hóa Quốc tế UNESCO  công nhận là  Vị trí Di Sản Văn Hóa  Thế Giới - World Cul tural Heritage Site. Tháng 11 năm 2003, lại  tuyên bố  Nhã Nhạc Cung  Đình  Huế -Royal Musical  là Di Sản Tinh Thần  Văn hóa Thế giới – World Intangible Cultural Heritage.

          Theo kiến trúc sư Đòan Đức Thành ( 2000 ) và các bổ sung của vài tác giả khác, Thành Huế thiết lập trên một khu đất bằng phẳng, cao ráo, bờ phía bắc sông Hương, bố cục theo truyền thống Việt Nam, gồm 3 tòa  thành cổ kính , khép  kín lồng nhau. Phòng Thành  là thành phòng ngự  ngòai cùng, mặt bằng hình vuông chu vi  9950 m, cao 6.5 m, rộng 25 m.  Mặt trước xoay về hướng Nam, có dòng Hương Giang bao bọc,  núi Ngự ( Bình ) và núi Bân làm bình phong.  Con sông đào tên là Hộ Thành ( sông An Cựu ? ), đưa nước sông Hương chảy qua 3 mặt chân của Phòng Thành, rồi lại trở về sông Hương. Kiến trúc phòng ngự có ảnh hưởng thành Vauban ( Vô Băng ) của Pháp. Góc thành phía Bắc hướng ra cửa biển, có một thành phụ  hình mang cá, gọi là Trấn Bình . Vòng Thành  Giữa nhỏ hơn, gọi là Hòang Thành, Hòang Cung hay Đại Nội .  Mặt bằng Hòang Thành gần vuông vức, chu vi 2450m, cao 4m, tường gạch dày 1m.  Bốn xung quanh có hào nước Kim Thủy Trì bảo vệ.  Mỗi  mặt thành có một cửa ở chính giữa: cửa Ngọ Môn phía Nam, cửa  Hòa Bình phía Bắc, cửa Hiển Nhơn, Chương Đức, hướng Đông – Tây.

            Kiến trúc dinh thự Cung Đình Huế có đặc điểm là không vươn lên cao  mà dàn trải theo bề rộng, hòa nhập vào thiên nhiên. Hơn 140  công trình lớn nhỏ trong 9 khu vực  riêng biệt, cách nhau bằng hàng rào và cổng, vẽ trang trọng  nghiêm mật đúng độ  cho từng công trình. Các công trình  quan trọng trong Kinh Thành được bố trí đối xứng trên trục  trung tâm Nam Bắc, tức đường Dũng Đạo, gồm có  từ Nam sang Bắc:

                   -Kỳ Đài, vua Gia Long cho đắp năm 1807,gồm 3 tầng, tầng dưới cao 5.60 m, tầng giữa  cao hơn  chút ít 5.80m, tầng trên cao cao nhất  6m. Cột Cờ gồm 2 đọan bằng gỗ, từ chân lên ngọn cao 29.52 m. Trên Kỳ Đài, xây 8 nhà để súng và 2 điếm canh. Ngày 23 tháng 5 năm 1885, Kinh Thành thất thủ: 7 giờ sáng vua Hàm Nghi xuất bôn và khỏang 8 giờ sáng, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, cờ tam tài  Pháp màu  xanh, trắng, đỏ, phấp phới trên Kỳ Đài trước Ngọ Môn, dấu hiệu chánh thức Việt Nam cả nước nô lệ Pháp  cả Trung  lẫn Bắc Nam
           - cửa Ngọ Môn, sân Đại Triều Nghi, điện Thái Hòa, sân Bái Mạng, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung, cửa Hòa Bình. Nơi ở sinh họat của nhà vua  như điện Càn Thành, điện  Kiến Trung, điện Thọ Ninh, cung Khôn Thái, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Duyệt Thị đường, Thái Bình lâu, Nhật Thành lâu, vườn Thượng  Uyển…  là hệ thống các công trình nội dung phong phú, chứa đựng nhiều yếu tố nhà ở dân gian. Trong Hòang Thành còn có 5 miếu thờ. Thế Miếu là  nơi  thờ 10 vua Triều Nguyễn. Nổi bậc nhất là Hiển Lâm Các, cấu trúc gỗ truyền thống ba tầng cao , tương đương  với  Ngọ Môn là  công trình đẹp và cao nhất Hoàng Thành.  Ở đây còn có  kiệt tác  Cửu Đỉnh- Dynastic Urns , 9 cái đỉnh đồng, mỗi cái  mang một chữ trong  miếu hiệu của  một ông vua nhà Nguyễn:  Cao, Nhân, Chương, Anh,  Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền. Mỗi đỉnh có  hàng chục hình chạm nổi, thể hiện vũ trụ, thiên nhiên rất đặc sắc.     

    

    Lăng tẩm các vua Triều Nguyễn được xây dựng phía Nam Kinh Thành Huế bên dòng sông Hương, trong vùng gò đồi, có sông suối, khe, hồ, thông cao bóng cả.  Cả 7 ngôi lăng  xây dựng trên đồi, hội đủ các nguyên tắc “ phong thủy”: “ Sơn triều thủy tựu“ núi án  núi chầu” “ tả long hửu hổ” . Quy mô các lăng đều rộng lớn, nhiều lăng có tường thành bao bọc, phối trí tài tình  giữa kiến trúc và thiên nhiên. Khởi dựng từ khi vua đang trị vì, cho nên trong kiến trúc lăng tẩm, có sự kết hợp giữa  sống và chết, đạo và đời. Lăng tẩm nào cũng có 2 khu; khu lăng để chôn thi hài khi vua qua đời, khu vực tẩm  dành riêng cho nhà vua khi còn sống, thỉnh thỏang đến chơi thăm. Đặc điểm này đến thời Nguyễn mới có.  Nhiều công trình mang nội dung sinh họat được xây dựng trong khu vực này, như thể một hành cung thứ hai: các điện để làm việc, ăn, ngủ ; minh lâu , đình tạ, hồ đảo, vườn hoa để vua thưởng ngọan, có cả các viện cho cung tần mỹ nữ đến chầu hầu.  

       Lăng Gia Long nằm giữa  rừng tông bao la  bố cục thành 3 khu : lăng ở giữa, điện thờ bên phải và  bia công đức bên trái. Các công trình gần gủi với kiến trúc  truyền thống, hài hòa với cảnh chung quanh, tạo một vẻ đẹp hùng tráng. Lăng Minh Mạng  thể hiện một quần thể kiến trúc trật tự nghiêm ngặt. Các công trình chánh đều nằm  trên trục đường Thần Đạo, từ dưới cao dần lên là  cửa Đại Hồng Môn, Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân, Minh Lâu đến Lăng  ở gò đất cao nhất. Hai bên đường Thần Đạo, có tượng đá, sân vườn, cây cảnh, hồ nước  cầu đường đối xứng nhau  từng đôi một, tạo một vẻ trang nghiêm, sâu lắng. Lăng Tự Đức gồm khu điện thờ ( nơi nhà vua sinh họat khi còn sống ) và khu bia mộ đặt gần nhau, cùng hướng ra con đường xuyên suốt, chạy ngoằn ngòeo  từ cửa Vụ Khiêm, men theo bờ hồ  Lưu Khiêm ở phía trước. Các công trình kiến trúc xen  trong hoa lá, soi bóng xuống mặt hồ êm dịu và thơ mộng. Lăng Khải Định  trên núi Châu Re  không cây xanh, không mặt nước. Tầng tầng lớp lớp kiến trúc dày dặc và chóang ngợp, một màu xám xi măng. Những mảnh tranh tường mang hình tứ linh- tứ quý,  ghép bằng gốm màu hết sức tinh xảo, tạo những cảnh sắc rực rỡ, linh động. Các lăng khác : lăng Thiệu Trị thanh thóat, lăng Đồng Khánh xinh xắn, lăng Dục Đức  khiêm nhường. Còn lăng thứ 8 Duy Tân , mới  xây dựng năm 1987, vẻ đẹp giản dị trong sáng.    

    Ở Huế còn có gần 100 ngôi chùa. Nổi tiếng nhất là Chùa Thiên Mụ, trên đồi Hà Khê làng An Ninh bên bờ sông Hương. Từ năm 1601 là năm khởi dựng đến nay, đã nhiều lần hư hỏng và tu  sữa, bổ sung. Chùa có tường vây 4 mặt, chia ra làm 2 khu. Phía  ngòai, ở trên độ cao 49 bậc cấp, có cổng trụ tam quan. Từ đây mở ra một khỏang sân rộng, nổi bật trong tầm nhìn là Tháp Phước Duyên, cao 7 tầng và đình Hương Nguyện,  xây dựng năm  1846, cạnh đó  là lầu chuông  và nhà bia.  Qua khu tưởng niệm là khu vực các điện thờ Phật  ở phía sau, nối tiếp nhau trên một trục dọc của Chùa. Gồm các điện Đại Hùng, Địa Tạng, Quán Âm và nhà trai cùng với sân vườn đẹp. Chùa Thiên Mụ có nhiều tượng đẹp, đặt trên 7 tầng tháp Phước Duyên  và điện Đại Hùng. Trong lầu chuông  có quả chuông  đồng,  đúc từ thế kỷ thứ 18, nặng hơn 2 tấn, cao 2.5 m. Bia đá đặt trên lưng rùa đá cao to, chạm trổ tinh vi.

     Đình làng Huế không nhiều. Tiêu biểu nhất là các đình Kim Long, Lại Thế, Dương Nổ.

Có lẽ không nên quên 6 dãy phố xưa.  Theo cuốn Thừa Thiên Phủ, mục Phố thị, ngòai quách kinh thành các nhà cửa khu phố đều lợp bằng tranh, chen chúc và thường bị hỏa họan. Vua Gia Long  cho dân gian cùng người Tàu - Hán Thanh sửa sang, lợp ngói lại khu phố  Đông Bắc Kinh Thành  gần chỗ xây Trấn Bình Đài (đồn Mang Cá). Năm 1837, vua Minh Mạng  sai Thống chế Lê Văn Thảo đốc thúc binh lính cất nhà,  lợp ngói  ba khu phố Gia Hội   Đông Ba ( Đông Gia ) và Đông Hội. Khu Gia Hội gồm 89 gian nhà. Khu Đông Ba  và Đông Hội , dọc theo sông Tả Hộ Thành, chung lại gồm 399 gian, dài hơn 2 dặm. Dân gian, kể cả người Tàu, cũng được phép xây cất thêm 149 gian phố  theo kiểu mẩu bộ Công, nghĩa là phố trệt không lầu, tường gạch quét vôi, lợp ngói, mặt trước làm cửa gỗ có cánh, hàng hiên có cột trụ,vách sau xây gạch có  trổ cửa tò vò, cứ 3 gian ngăn một tường gạch v.v….Dân Huế quen gọi lối kiến trúc này  là phố ba gian. Phố Chợ Dinh, dọc theo bờ sông Hương dài hơn 3 dặm  đến dinh thị Hạ Ấp của Thọ Xuân Vương. Gồm 8 hàng. Chính giữa  dãy phố là con đường lớn, tức  là đường Chi Lăng sau này. Phố chợ Dinh  sầm uất nhất Kinh sư. Ngày trước  chưa có phố Huế, chỉ có phố Chợ Dinh. Đi Dinh có nghĩa là đi Huế. Trong lúc Kim Long đã thành xưa cũ, thì Chợ Dinh  tiêu biểu cho mới mẽ tân kỳ.  Hoa Kiều tại phố Chợ Dinh đã đóng góp phần lớn cho nền kinh tế thành phố Huế. Nay phố Chợ Dinh vẫn còn, nhưng  dân Huế lại gọi là phố Gia Hội và phố Chi Lăng.  Đưới  triều Đồng Khánh, vua chuẩn cho những lô đất trống từ xưa  và lô đất vừa dẹp trại quân ( là trại Long Vũ, Pháp đốt khi kinh thành thất thủ?  )  ở hai bên tả hửu ngòai quách cửa Chánh Đông( là một khúc của Đông Ba ?)  cho quan và dân làm   Phố  Cửa Đông.  Quy thức  kiến trúc  kiểu mẩu đo đạc đều  do bộ Hộ và bộ Công xếp đặt, phân định mẩu mức  cho từng đơn xin. Phố  gồm 3 dãy nhà và 2 con đường song song , lấy chợ Đông Ba gần cửa Chánh Đông  làm Trung tâm.  Năm 1890, triều  Thành Thái, dưới áp lực  của Pháp Bảo Hộ  phải chấp thận cho xây  nhà 2 tầng.  Phố Cửa Đông cũng  là phố đầu tiên tại Huế có vỉa hè, lề đường và lát đá theo kiểu Tây Phương. Phố Trờng Tiền bắt đầu từ  phía Tây  cầu Gia Hội, dọc theo bờ sông Hương  theo hướng Tây  đến ngang  trước cửa Đông Nam tức là của Thượng Tứ sau này. Trước phố  có cho làm một con đường rộng rãi, có vĩa hè, lề đường, lát đá. Đường phố  phân chia hai chiều  bằng một dãy cù lao nhân tạo, bờ đúc xi măng, trồng hàng cây phượng vỹ  theo kiểu Tây Phương.  Thời Đệ Nhất Cọng Hòa, thời  tổng thống Ngô Đình Diệm dời bỏ, làm rộng con đường  và đặt tên là  đườngTrần Hưng Đạo.

   Những thắng tích cũ khác nên kể thêm ra là:

                                 - Phú Văn Lâu , vua Gia Long cho thiết lập năm 1819, phía trước Kỳ Đài, sát bờ sông, trước chỉ dựng đình, gọi là bảng đình, dùng làm nơi niêm yết các chiếu, thư, dụ, chỉ nhà vua. Trước đình  có dựng bia và làm lệ Khuynh Cái  , Hạ Mã có nghĩa là  nghiêng lọng , xuống ngựa. Sau năm 1954,  Phú Văn Lâu  là nơi  tổ chức    các buổi lễ lớn , như ngày quốc khánh  26 tháng 10  thời đệ nhất Cọng Hòa , ngày quân lực v.v…. Năm 1972,  Phú văn Lâu  tiếp nhận đồng bào tị nạn  từ Quảng Trị, vừa thóat  khỏi tử thần  trên con đường độc đạo quốc lộ sô 1, biệt danh là Đại Lộ Kinh Hòang;

                                    -Cầu Trường Tiền  ngang qua sông Hương  phía Đông Nam Kinh thành Huế , nối con đường thiên lý Bắc Nam -  Quốc lộ 1A, khởi công năm 1897 và hòan tất năm 1899 vào triều vua Thành Thái. Thời Đệ nhất  Cộng Hòa cải tên là cầu Nguyễn Hòang dùng trong văn thư, không mấy  ai biết đến, cũng như tên cầu Thành Thái  may lắm  còn vài ông già xưa  hòai cỗ gọi tên này.

                                    -  Cầu Bạch Hổ cũng khánh thành  triều Thành Thái năm  1904 năm, nối tiếp qua Cồn Dã Viên, một cù lao nhỏ trên  sông Hương  vì thời  các chúa Xứ Đàng Trong  dùng như một vườn thú nhốt cọp -beo  ở các  hổ trận nên gọi tên là Dã Viên. Thời Pháp thuộc, cầu Bạch Hổ là cầu sắt  dùng riêng cho xe lữa.

                                    - Cầu Sông Hương được Công Binh dẹp cầu phao, cuối năm 1968,  theo chỗ cầu phao cũ  làm móng  bê tông cốt sắt, quê kệch hết chỗ nói (cũng theo Thân Trọng Tuấn- 2006)    

                                     - Chợ Đông Ba   nằm sát ngã ba  bờ sông Hương và sông Gia Hội,  thuộc khu phố Trần Hưng Đạo, cách cầu Tràng Tiền chừng 500 m về hướng Đông,Triều Gia Long  cho lập chợ ở ngòai thành  gần cửa Chánh Đông, tức là cửa  Đông Ba sau này.  Năm  1887, vua Đồng Khánh cho làm thêm nhà vuông lớn, lợp ngói, không phân lô gọi là đình chợ. Lại cho làm các dãy thấp  hơn, phân chia từng lô hàng, cho thuê  gọi là quán chợ. Năm 1899, vua ThànhThái  cho dời chợ Đông Ba  ra khu phố TrườngTiền sát bờ sông Hương và  sông Gia Hội, trên bãi đất trống, dân Huế vẫn gọi là Giại.  Năm đó, vua cho gỡ ván lót cầu Trường Tiền ra, xong đúc sàn cầu  bằng xi măng. Chính giữa  chợ, cho xây một lầu gạch 3 tầng. Tầng thứ hai  treo đồng hồ 4 phía.  Năm 1969, ngoài việc cho xây Cầu Sông Hương kệch cỡm, người ta cho phá lầu chợ Đông Ba,  cho xây một lầu mới 3 tầng, kiến trúc thật vụng về, hình dáng như cái hộp, làm mất hết  nét đẹp của thành phố Huế. Chợ Đông Ba là trung tâm  trao đổi dịch vụ quan trọng và lớn nhất  xứ Huế.  Hải sản  hàng ngày chở  từ cửa biển Thuận An lên. Hoa quả từ Kim Long, Nguyệt Biều chở xuống. Vịt, gà từ Phú Vang, An Cựu, Dã Lê chở lên. Khoai môn,  các thứ tiểu công nghệ  từ Đại Lược, Bao La chở vào. Gạo từ  An Cựu chở lên hay từ Quảng Điền chở vào …  Tất cả đường bộ, đường thủy hầu  hết đều quy tụ vào chợ Đông Ba .       

                           - Hồ Tĩnh Tâm  thành lập năm 1836, phía Đông Bắc, ngoài Hòang Thành.  Chung quanh hồ  cho xây tường gạch thấp có trỗ 4 cửa, nhưng không làm cánh cửa.  Hồ Tĩnh Tâm  có 3 đảo:  Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Trên đảo Bồng Lai có dựng điện Bồng Doanh, phía Nam là cầu Bồng Doanh, phía Bắc là cầu Hồng Cừ. Cầu này làm bằng gỗ, lan can bọc lưới sắt,  nẹp viền mỹ thuật.  Phía Tây là cầu Trừng Luyện.  Phía Đông là tạ ThanhTâm. Đảo Phương Trượng thuộc  phía Bắc. Phía Bắc đảo Phương Trượng  có dựng lầu Tĩnh Tâm. Phía Tây dựng hiên Dưỡng Tánh.  Phía Nam  có làm cửa Bích Tảo, trước cửa dựng cầu Bích Tảo. Cầu Bích Tảo, lầu Tĩnh Tâm, hiên Dưỡng Tánh  nay đã hư sập hết, không rỏ đã trùng tu lại chưa ?  Chính giữa  hồ, giữa hai đảo Bồng Lai và Phương Trượng, có dựng đình Tứ Đạt. Phía Đông Bắc  đình Tứ Đạt là Hạc Hải Trì, có dựng lầu Tàng Thư, nơi chứa sách qúy của triều Nguyễn Phước xa xưa.  Điều đau buồn nhất là Việt Minh năm 1946, cho đốt phá  lầu Tàng Thư, cả một kho  tàng văn chương- văn hóa  triều Nguyễn Phước đã  cho sưu tầm  hay người dân, các quan  dâng hiến từ  triều Minh Mạng đến triều Bảo Đại, vô cùng quý báu, cất giữ cả trăm năm,  bổng chốc  tiêu tan, dưới chiêu bài  tận diệt  tàn tích, thực dân - phong kiến, lấy sách xé ra cho dân thất học làm giấy vấn thuốc hút !

                 Kiến trúc- Thừa Thiên - Huế xưa  là bảng tổng kết cô đọng nhất  những giá trị truyền thống còn bảo tồn được  rõ nét  đến hiện tại về các mặt  công năng mặt bằng, kết cấu, qui họach thành quách và đô thị, trang trí trần thiết nội thất, kiến trúc phong cảnh.  Những đặc điểm  của kiến trúc thời Pháp thuộc,  thể hiện sự du nhập  phương thức xây dựng và quy họach đô thị Châu Âu  và sự chuyễn hóa giữa xây dựng Pháp  và văn hóa Á Châu. Ở Thừa - Thiên điển hình nhất là khu nhà hàng Morin Frères,  Chaffanjon cũ, các nhà cửa  kiều dân Pháp, bên cạnh, sau Morin và tòa Khâm, dinh tòa  Khâm sứ, cửa dinh đồ sộ và vườn quân nhạc  Pháp  trước tòa Khâm, bên cầu Tràng Tiền,  khu vườn Bia Trận vong chiến sĩ Pháp và  Việt thuộc địa Thế Chiến  1914 - 1918 bên bờ sông Hương , trước mặt trường Đồng Khánh -  Khải Định ( nhà thơ Tố Hửu, thời  còn  làm thơ tinh thần quốc gia đã  mĩa mai “ Bỏ thân những tưởng vì non nước, đâu biết mình riêng đã dối mình”  ). Có lẽ luôn cả 139 biệt thự  những năm 1930, nay  đã hòan tòan hư hỏng ở  khu nghĩ mát Bạch Mã,  trên độ cao 1000 - 1444m. Hài hòa Tây Phương- Đông Nam Á này đã được một con dân xứ Huế,  kiến trúc sư khôi nguyên giải La Mã , Ngô Viết Thụ thể hiện,  tái xây dựng dinh Norodom bị ném bom  thành Dinh Độc Lập ở Sài Gòn, thập niên 1960.  

       Danh lam thắng cảnh di tích  lịch sử, tài nguyên thực vật, động vật, khoáng sản kể trên … là những ưu điểm so sánh của Thừa Thiên Huế , đã giúp lảnh vực du lịch, dịch vụ, thương mãi  từ nhiều năm nay dẫn đầu phát triễn kinh tế xã hội. Tuy nhiên có lẽ cũng nên  nói qua phần đóng góp của tài nguyên văn hóa nhân sinh nữa. Thừa Thiên  Huế  có hình thái Múa Cung Đình Chăm và  Kinh -Việt .  Múa cung đình vẫn còn dấu vết  trên các tượng đá  Vũ nữ Trà Kiệu (Quảng Nam)   … thế kỷ  thứ 7 thứ 8, tuyệt tác điêu khắc và múa cung đình Chăm.        

           * Múa Cung Đình Huế định hình từ thế kỷ thứ 17, kết tinh một  truyền thống 3 thế kỷ. Múa được  tiến hành  trong các trường hợp : lễ tế giao, lễ tích điền, lễ tế văn miếu, lễ kết hôn của hòang tử  hoặc công chúa v.v... .Múa Cung Đình tiêu biểu cho Huế ngày nay là múa Hoa Đăng  ( lục cúng hoa đăng ). Thuở  xưa múa Hoa Đăng là múa 6 lần, tượng trưng 6 lần dâng cúng: hương, hoa, đèn, trà, quả,  oẳn.  Đội hình  múa lục cúng Hoa Đăng  gồm 48 vũ sinh  nam nữ; đặc điểm   là người múa  2 tay cầm đèn hoa sen  vừa hát vừa múa  và tạo hình  thành từng mảng khối  hay các hình hoa khác nhau.   Mỗi khi  hết một lần múa,  lại kết  thúc bằng những hình tượng - trụ bộ  rất độc đáo  như “ cỗ la liệt”, “ cỗ giả hòang”, cỗ tướng hảo”,   xếp bằng cách chồng người, tòan bộ như một  đài hoa sen tỏa sáng lung linh.

               *Ca Huế đã có từ hàng trăm năm rồi, nhưng sân khấu cổ nhạc từ xưa  vẫn chỉ thấy hát  bộ ( bội) và  sau đó là cải lương, phát xuất từ miền Nam Việt Nam. Hát bộ  gần như thường trực ở rạp Đồng Xuân Lâu - Rạp Bà Tuần. Ca  Huế từ trước đến nay vẫn chừng ấy điệu: Nam Ai, Nam Bình, Phú Lục , Cổ Bản , Huê Tình, Kim Tiền ,Tứ Đại Cảnh… Theo  Hòang Thế Định ( Florida - 2006 ), ông Hòang Trọng Đồng  ( 1899 - 1987 ) rành  sân khấu hát bộ, nhờ các buổi trình diễn ở Duyệt Thị Đường ( Hòang Cung Huế ) và nghiên cứu thêm sân khấu Cải Lương miền Nam, đã đưa Ca Huế lên sân khấu với tính chất nhạc kịch. Năm 1938, ông Đồng sáng lập ra  Gánh Ca Huế Kim Sanh, sau đổi thành “ Đoàn Ca Kịch  Kim Sanh”, đưa hai vỡ tuồng ca kịch đầu tay Kim Sanh  là “ Thói Thời Đen Bạc”   và “ Tình Là Giây Oan”  đem trình diễn thử thành công lớn ở Dã( Dạ ) Lê,  một rạp hát ngoại ô Huế, rồi đóng đô gần như thường trực  ở rạp “ Bà Tuần” Đồng Xuân Lâu. Kim Sanh có một điệu ca mới là điệu Dõan Xuân cũng do ông Đồng sáng tác, cùng nhiều vỡ khác, nêu lên  những sự kiện lịch sử, hoặc dã sử, những cảnh sinh họat đương thời. Mức phổ biến lan rộng làm nẩy sinh  tính từ  “  ăn nói Kim Sanh”, “ bộ điệu Kim Sanh”  cho những ai diễn tả lời văn hay câu nói  mang tích cách sân khấu. Sau  năm 1954,  thế hệ trẻ lớn lên nghiêng về nghệ thuật phim ảnh, thoại kịch và  các chương trình tân nhạc, tiêu biểu nhất là nhạc và nhất là lời nhạc của Trịnh Công Sơn, một con em xứ Huế.   Sân khấu Cải Lương  Miền Nam  phát triễn mạnh mẽ  mọi mặt, nhất là  kỷ thuật ánh sáng, âm thanh cũng như đề tài sáng tác. Các đoàn hát  thi nhau ra miền Trung phổ biến nghệ thuật Cải Lương Nam Kỳ. Năm 1956, Đòan Ca Kịch Kim Sanh thật sự ngưng hẳn, sau lần diễn  cuối cùng ở rạp  Hòa Bình - Đà Nẳng.

          Dịch vụ dẫn đầu từ lâu

       Dịch vụ dẫn đầu từ  thập niên 1990, nhưng còn phát triễn thêm  được  nữa. Từ năm 1990 đến năm 1999, trong khi lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp ở GDP giảm dần từ 44.2 % năm 1990 xuống 22 % năm  1999, dịch vụ đã tăng từ 36 .1 % năm 1990 lên  47. 5 % năm 1999. Thời gian 2002- 2006, phần dịch vụ  cũng không giảm  vì chiếm  44.1 % năm 2002 và 43. 8 %  năm 2006 . Sở dỉ tỉ xuất dịch vụ có sa sút đôi chút năm 2006  là  vì lảnh vực công nghệ và  xây cất đã tăng  từ  30. 6 % năm 1999,  lên  36. 1 % năm 2006.  Năm  1990,  lảnh vực này chỉ mới chiếm  19. 7 % . Lảnh vực nông lâm ngư cũng còn xuống dốc hơn nữa theo tỉ lệ trong chiếm hửu GDP ,  năm 2006   chỉ còn 20. 1 %. Tăng trưởng kinh tế  năm 2005 là 11,2 % và năm 2006 là 13.4%. Tỉnh Thừa Thiên-Huế báo cáo cho bộ Chánh Trị tháng 7 năm 2014 là tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà, thời gian  2009 - 2013, trên 10.2% một năm và GDP mỗi đầu người  đã tăng 1,77  lần hơn, nay đã trên  1000 USD. Tỉ xuất đô thị hóa là 40 -50 % , nghĩa là trên mức dự liệu  cả nước  trước đây vào năm 2015-2020( ? ). Mức xuất khẩu năm 2013 cũng đạt trên 300 triệu USD, với các con số trên 30 triệu USD năm 1997 và  gần 29 triệu USD năm 1999 ( năm bị bảo lớn ).   

         Du lịch là ngành dịch vụ phát triễn  mạnh nhất tỉnh nhà. Năm 1996  lượng khách  đến Thừa Thiên - Huế là 286 859 lượt người. Năm  1996 tăng lên  388 835 lượt.  Năm 1999 có 156 205 khách quốc tế . Tỉnh cho biết là 6 tháng đầu năm 2014, số lượng  du khách đã trên 1 triệu người, trong đó phân nữa là ngọai quốc . Năm  2000,  cả tỉnh đã có  76 khách sạn, tổng số phòng là 2153. Trong số này  có 15 khách sạn được xếp sao,  bao gồm  3 khách sạn  3 sao là Century, Hương Giang, Sài Gòn Morin Hotel, 6 khách sạn 1 sao.  Các tháng 6 - 8 năm 2014 ,  trong số 110 khách sạn Huế được Trip Advisor ( ? ) đánh gía xếp hạng từ  thấp cao  1- 5 , thì  khách sạn hạng 5 là Tâm Tịnh Viên Homestay;  hạng 4.5 là Thân Thiện Hotel - Friendly Hotel, Victory Hotel  Hue, Waterland Hotel, Vina Hotel Hue;   hạng  4  là Ngọc Bình Hotel,  Park View Hue Hotel,  Nhật Lệ Hotel,  New Star Hotel, Festival Hue Hotel, Tigon Hostel và hạng 3.5  là Century  Riverside  Hue Hotel,   Hương Giang  Hotel Resort & Spa,  Phượng Hòang - Phoenix Hotel, Hue Queen 2  Hotel . Một xếp hạng khác lại  cho Holiday Diamond Hotel đứng hạng nhất, Jade Hotel hạng 2, Hue Serene Palace Hotel  hạng 3… ,   BW Premier  Indochine hạng 5,  La Residence  Hue Hotel hạng 6, Eldora Hotel  hạng 7  , … Orchid Hotel hạng 9, Moonlight Hotel Huế hạng 10, trong số 110  khách sạn thăm viếng . Tuy nhiên năm 2014 , Thừa Thiên chỉ mới có một khách sạn đạt  4 sao, chưa có khách sạn 5 sao như Bình Dương .

             Các món ăn đặc biệt Huế không phải ăn để sống, mà là một dạng nghệ thuật nấu nướng. Các món ngon  rất thanh nhã, nhẹ nhàng và qúi phái, khác với các món ăn ngon các tỉnh Việt Nam. Gia vị, nhất là ớt cay, đóng một vai trò quan trọng  trong nghệ thuật trình bày nấu ăn Huế.  Đáng lưu ý  ngày nay khi thưởng thức món ăn Huế  là nên biết chúng đã được  làm ra để   vua “ thời- ăn” trong quá khứ.  Ngành du lịch Huế kể ra đầu tiên là món Cơm Hến , một món đơn giản và giá hạ, đem tới bạn mùi vị ngọt ngào của cơm  địa phương (gạo gie An Cựu ? ) và nhiều lòai rau Huế, pha trộn mùi bơ, đắng, chát của gia vị, mỡ heo và hến.  4  dĩa món Huế khác không nên quên  là Bánh Bọc Lọc   ( bột gạo bọc tôm, thịt ) ,  Bánh Lá Chả Tôm (  bột gạo bọc trong lá, thường là lá chuối,  nấu hấp hơi thành bánh mềm, phần  trên  mặt  trộn thịt, tôm, trứng, ăn riêng với chả tôm  kiểu Huế),  Bánh Hỏi Thịt Quay , Bánh Lá ( xôi bọc lá ) …  Bún Thịt Nướng,  Bún Bò  Giò Heo rất được du  khách mến chuộng.  Và  lẽ dĩ nhiên  là  gần 50 món chè - sweet soup  Huế,  đơn giản hay phức tạp, trong số này dân Huế  hảnh diện nhất là:  chè khoai tía - purple yam, taro sweet soup,  chè long nhãn  bọc hạt sen -  longan  wrapped  in lotus seed sweet soup , chè  xôi trôi nước nhân tôm thịt -  floating  sticky rice  with shrimp sweet soup, chè đậu ván bột lọc -  fava bean and rice  pastry sweet soup. Vài món Huế ăn chơi  vào khỏang 3- 4 giờ chiều ,không vào bửa ăn chính,  còn dành riêng cho dân Việt ăn uống sành sỏi .Theo Bùi Minh Đức (  tuyễn Tập nhớ Huế số 17- 2006 ) ăn lúc  lỡ bữa này là ăn trái mít chín cây- trái mít lỗn cồi, hay ăn trái mít dú trong lu gạo , hột mít luộc  để trên rá tre  “ nóng hổi hổi vừa thổi vừa ăn”,  món vả ( gốc Chiêm Thành ? ) trộn, được luộc trước, cắt lát mỏng như giấy, sau khi đã gọt vỏ ngòai, ăn cùng mè rang thơm phức, xúc với bánh tráng . Cũng phải có răm  mới thành món mít trộn và để  làm dáng cho đẹp mắt, rắc một ít tôm chấy màu đỏ hồng  lên mặt  cho có cảm tưởng vừa ăn bằng miếng, vừa ăn bằng mắt, đôi khi  gặp miếng tóp mỡ sần sật vừa thơm, vừa béo, vừa dòn. Món Hến xào xúc bánh tráng khắc hẳn. Hến luộc xong,  lấy ra khỏi vỏ  từng con,  rất cônng phu.  Vắt khô rồi xào với ớt , với những  lát thơm ( dứa ) vắt khô ráo rồi trộn với mè. Hến xào của Huế ngon là nhờ cái mùi bất hủ  của hến Cồn Hến - Huế . Ngày nay trên thế giới  có sẳn  khắp nơi, hến Trung Quốc  trong hộp, mùi không ngon  bằng hến xúc  dưới lòng hói, lòng sông  xứ Huế.  Cồn Hến đã bỏ Huế ra đi từ  hồi nào  không hay và cồn Hến nay thật sự không còn bao  nhiêu hến . Món ốc luộc   có nhiều  thứ ốc từ  ốc  gạo nhỏ lăn tăn  như hột bắp đến  thứ ốc bưu  lớn hình. Ăn ốc cần phải có “ Cái Khươi” một đầu nhọn, một  đầu có mày, thường là gai buởi, gai chanh.  Có người  trữ sẳn kim băng để móc thịt ốc, ăn xong lại ghim vào áo như cũ . Ăn khoai luộc chấm muối mè rang, thì thật là không  có gì hơn. Về mùa hè, thường có các gánh  bắp” nếp “ Cồn Hến  gánh qua đò Gia Hội đi bán dọc đường.  Bắp nướng bằng lửa than  thì khỏi chê.  4 món  ăn chơi cuối cùng,  ăn  bữa lợ cũng được mà ăn bữa chính cũng xong:  gà bóp Huế  ăn đúng điệu là với rau răm Huế chính cống , bổ túc với món cháo gà ăn với xôi   nếp,  nấu dẽo dẽo   chứ đừng qúa khô mất ngon ;  cháo vịt , phải dùng dao thật bén  chặt  khéo tay cho xương khỏi vụn . Thịt vịt  có cả da,  cả thịt, cắt thành lát, chấm nước  mắm gừng, có tí ớt-tí đường-tí tỏi ; món “Xôi thịt xáo”  , nay  ít ai ăn. Chung quy là  thịt bò thật mềm, cắt lát nhỏ, bóp tiêu hành nước  mắm, nhiều sả xắt nhỏ, đem ướp nữa ngày, rồi xào nhẹ lúc gần ăn. Các tiệm ăn Huế du khách thích thú ngày nay là Huế Serene Restaurant, Les Jardins  de La Carambole,   Family Home Restaurant , DMZ bar và Ninás Cafe …  và 20 tiệm ăn khác  được xem là có   nhiều món ăn ngon hợp khẩu ngọai quốc , trong số 32 tiệm quốc tế duyệt xét đầu năm 2014.

      Mạng lưới giao thông hòan chỉnh hơn đã  giúp  du lịch  Thừa Thiên - Huế tiến mau hơn nhiều.  Theo Võ văn Tùng  ( Nhớ Huế - 2006 )  Hầm  Hải Vân   khởi công xây cất thật sự  tháng 4 năm  2001, đã khánh thành  ngày 5 tháng  6 năm 2005 , cắt ngắn thời gia di chuyễn  hai vùng Huế -  Đà Nẳng, thay vì phải chờ đợi nhiều thời gian trên đèo, chỉ cần 8 phút  là xe đã qua khỏi đường hầm,  quẹo trái  về phía bải biễn Nam Ô, theo một  đại lộ  mới  xây sát bờ biển, chẳng mấy chốc  hành khách đã có mặt trên con đường  chính thành phố  Đà Nẳng là thành phố tấp nập  lớn nhất miền Trung. Hầm   xuyên đèo Hải Vân  là một trong 30 hầm hiện đại nhất thế giới,  công trình phi thường  của  1200  kỹ sư, chuyên gia , công nhân trong và ngòai nước , phí tổng  là 150 triệu đô la Mỹ USD thời đó . Chiều dài tổng cọng 12 km, ngắn hơn đường đèo  9km. Hầm chính thực sự dài 6280m, rộng 11.9m cao 7.5 m. Hầm Hải Vân  có 2 hệ thống : hầm phục vụ giao thông và hầm thóat hiểm  nhỏ hơn chạy song song, cách hầm chính 30m .  Ngoài ra còn có  15 đường hầm ngang, nối hầm chính và hầm thóat hiểm  đề phòng khi tai nạn làm  tắc nghẽn lưu thông.   

            Tỉnh Thừa Thiên Huế cách  Hà Nội 654 km , cách Sài Gòn - TP HCM  1051 km  và TP Đà Nẳng 85 km.  Về đường bộ trên hết là Quốc lộ 1A, chạy dài Nam Bắc ngang qua các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, TP  Huế, Hương Trà , Phong Điền. Các đường  cần bảo trì và cải thiện liên tục là  tuyến đường 68 , song song trục  chánh 1A, chạy dọc ven biển từ Phó Hội ( Cửa Việt- Quảng Trị ), cảng Thuận An ( có cầu Trừờng Hà  ? bắt ngang Phá  Tam Giang  mênh mông, hai bên nay là những vũng nuôi tôm )  đến Vĩnh Mỹ(  gần cửa Tư Hiền )  và  khúc đọan quốc lộ 14  xuyên suốt huyện A Lưới, từ đèo A Krong ( Quảng Trị )  đến  Thạnh Mỹ ( Giằng, Quảng Nam ) ngang qua A Lưới, A Sao ( A Sầu ), A Đót Thừa Thiên.  Đáng chú trọng là đường ngang số 49, nối Huế  với  miền núi phía Tây qua  các vùng lăng tẩm, đến Tà Lương  rồi Mạ Ơi, trước khi gặp  quốc lộ 14  gần A Lưới. Huế và Đà Nẳng  là những nơi xe lữa  Hà Nội- Sài Gòn ngừng chân  có nhà ga khang trang , xinh xắn.

               Mạng lưới đường sông phát triễn kém hơn,  chỉ bó hẹp trong phạm vi tỉnh, vì sông ngòi ngắn, dốc.  Năm 2000, tỉnh có  202 thuyền máy chở hàng, 5 ca nô 200 ghế  và 278 thuyền chở khách.  Nên tân tiến hóa thêm các chuyến tàu đò  du lịch trên dòng sông Hương, có thể dạo khắp kinh thành, ngược dòng  sông đến rừng thông lăng Thiên Thọ - Gia Long hay xuôi dòng qua chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, lăng Minh Mạng  về tới  Thuận An, đạt  mức độ các sông đào  hay không Âu Châu, nhất là sông đào Thành Phố Venice - Venise  ra đến biển Đông, đến  cảng biển Thuận An,  đã xây dựng xong, rôi xuôi dòng về Nam dọc theo  biển  ngòai Phá Tam Giang đến cảng biển  Chân Mây , không biết  nay đã hòan tất chưa.  Hy vọng Chân Mây trong tương lai không những là một cảng chuyễn vận hàng hóa mà là một du cảng quốc nội và quốc tế, gần bải biễn đẹp Cảnh Dương  cát mịn dài đến 8 km,  rộng 200m, bải biển Lăng Cô  dài tới 10 km cạnh tuyến đường xuyên Việt ,Hành Lang Xanh du lịch  sinh thái dãy núi Bạch Mã, Đảo Sơn Chà( Sơn Trà ? ), đèo Hải Vân, Mũi Chân Mây, bán đảo Sơn Trà- Đà Nẳng  …  

                Phi trường quốc tế Phú Bài  cũng là phi trường  quốc nội  hành khách đông nhất, cách TP Huế 15 km về phía Nam, xếp hàng thứ tư các phi trường Việt Nam. Chánh quyền đã chấp thuận nâng cấp Phú Bài lên thành phi trường quốc tế, có nhiều chuyến bay liên lạc đến một số nước Á Đông.

    Lễ Hội Festival Huế

      Nhờ  các cải  tiến hạ tầng cơ sở  mà nay Huế  đã tổ chức được Lễ Hội  Huế- Festival thứ 8, bắt  đầu ngày  12 tháng 4-  2014 và chấm dứt  ngày 20 tháng 4 - 2014, có  26 ban văn nghệ  của 23 quốc gia  tham dự, trình diễn gia tài văn hóa du lịch, nghệ thuật liên quan tới  văn hóa lịch sử luôn cả văn hóa chánh trị nước nhà  và  các nước nữa . Thay vì chỉ có các lễ hội dân gian: lễ hội Điện Hòn Chén hai lần một năm  ( Xuân Tế tháng 2 và Thu Tế tháng7 ), lễ hội  Cầu Ngư  ở Thái Dương Hạ  vào ngày 12 tháng giêng âm lịch hàng năm …  Năm 2014 cũng trùng với kỷ niệm  các sự nghiệp công trình xây dựng Huế  như  kỷ niêm 210 Năm   (  1804- 2014 ) tên gọi nước nhà  là Việt Nam, 115 năm cầu Trường Tiền  và  Chợ Đông Ba (  1899 - 1014 ), 120 năm  Bệnh Viện Huế ( nay là Bệnh viện Trung Ương) …  Ngòai trình diễn áo dài, Festival Huế thứ  8  ( nghĩa là đã 16 năm nay, 2 năm một lần ) còn tổ chức hai lễ hội dân gian- folk festivals,  chẳng hạn như  “ Hương Xưa Làng Cổ”  ở làng cổ Phước Tích,  huyện Hương Đìền, “Chợ Quê Ngày Hội”  ở làng cầu ngói - roofed tile  bridge ThanhTòan, thị trấn Hương Thủy.    

          Các khu công nghiệp Phú Bài , Chân Mây

                Công nghiệp Thừa Thiên-Huế cũng đã lợi dụng địa lý và tài nguyên phát triễn theo nhịp độ mau lẹ. Tỉ trọng  đã tăng nhanh từ 19. 7 % năm 1990 lên đến  30. 5 % năm 1999 .  Các công nghiệp chủ yếu là :  - thực phẩm và đồ uống : bia ( nhà  máy Bia Hue Brewery Ltd  có nhãn hiệu riêng Huế dễ công nhận, khởi sự đầu tư năm 1990,  đã có dung lượng  100 triệu lít/năm  năm 2007 ), nước giải khát, thủy hải sản đông lạnh , nước mắm, chế biến các nông sản cây trái  xứ Huế như quýt Hương Cần, mít, nhãn hột tiêu Huế , khế , cam Canh Nông Nguyệt Biều, hột sen  hồ Tĩnh Tâm hay quanh các hào ngọai Thành   …- công nghiệp dệt may: vải sợi , quần áo may sẳn, trang phục bằng da  và giả da ... -công nghiệp vật liệu  xây dựng như  các lọai ngói , vôi , tập trung chủ yếu vào hai  xí nghiệp xi măng LongThọ  và công ty xi măngLUKSVASI  ...- công nghiệp khai  khóang, khai thác đá , đát sét, cao lanh và một số quặng kim lọai và sau năm 2005 là suối nước khóang Mỹ An mới khám phá năm 2003. - tiểu công  nghệ thuật  như may áo dài- vietnamese long dress  ,chằm nón lá - conical hat bài thơ hay không,  đồ gốm ( gốm hoa lam Huế thóat thai từ gốm hoa lam thời Lê - Mạc, thế kỷ thứ  15- 17,  có nghệ thuật hội họa Huế  riêng Huế  hòa tấu ),  bàn ghế tủ giường, chạm khắc  gỗ, giấy mã, giấy nghệ thuật ….

       Phát triễn Công viên Công Nghệ Phú Bài   và khu  Công nghệ Chân Mây là tương lai kinh tế  xã hội Huế.  Công viên công nghệ Phú Bài ở làng  Hương Thủy, cạnh quốc lộ 1A , phi trường quốc tế Phú Bài, đường xe lữa Thống Nhất ( Nam- Bắc), đã được thiết lập năm 1998. Diện tích 515 ha, phát triễn hạ tầng cơ sở  theo 4 giai đọan; nay đã xong  giai đọan 4,  thu hút 40 dự án công nghệ ngọai quốc đầu tư ( Hoa Kỳ,  Đan Mạch , Bulgary, Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc … ) , được xem là 1 trong 5 khu công nghệ đẹp nhất nước .  Khu Chân Mây sẽ phát triễn ở thị trấn Chân Mây  và cảng biển sâu Chân Mây,  nay tàu  trên 30 000 tấn đã cập bến được,  ngòai các công nghệ  truyền thống sẽ  cố gắng chuyễn qua công nghệ cao kỹ, chế tạo, sửa chửa cơ khí, đóng  tàu thuyền , sản phẩm phần mềm điện tử…  cố tiến tới thành một trung tâm hoạt động các tin tức -  báo chí -  thông tin- truyền thông  quốc tế,  đảm trách hệ thống doanh vụ - dịch vụ, du lịch, tài chánh, bưu điện , viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng, y tế,  giáo dục …

      Cuối cùng,  Huế muốn  biến Viện đại học đa năng hiện tại thành một viện đại học tầm vóc quốc tế,  không chỉ riêng cho miền Trung như trước đây, tạo dựng một trung tâm khảo cứu khoa học công nghệ  đời sống mới,  tính chất và dung lượng  văn minh cao cấp.    

                                 

                          
 ( Irvine, Nam Ca Li - Hoa Kỳ,  ngày 3 tháng 8 năm 2014 )

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640054 visitors (2133617 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free