18/5/2014
Lời nói đầu:
Chuyến công tác đầu tiên năm tuần lễ vào đầu năm 1976 đến Niger, Mali, Senegal, Mauritania, Burkina Faso, Chad vùng Tây Phi Châu, phía Nam sa mạc Sahara do Trung Tâm Phát Triển Quốc Tế về Phân Bón (International Fertilizer Development Center, IFDC) ở Muscle Shoals Alabama gởi tôi đi đã mở đầu hai mươi năm phiêu lưu của tôi trên lục địa đen này. Là đồng tác giả (co-author) của bảy quyển viết bằng song ngữ Anh Pháp về cuộc nghiên cứu này do IFDC xuất bản năm 1977, mỗi quyển cho mỗi quốc gia, và quyển tổng kết (General Overview) về thực trạng các nước vùng Sahel phía nam sa mạc Sahara, tôi đã ghi nhận mức độ nghèo đói của họ ở giữa thập niên 1970. Tiếp theo nhiều khế ước ngắn hạn và dài hạn khác làm việc tại 17 trong số 25 quốc gia nghèo nhứt thế giới qua từng thời điểm, tôi đã trở lại nhiều chuyến công tác tại các xứ này nên đã ghi nhận chính xác thêm sự phát triển không đồng bộ về chống đói giảm nghèo của họ. Phần trình bày sau đây là tóm lược những sắc thái chính trong quá trình 30 năm (1975- 2005) về công cuộc phát triển của sáu nước đầu tiên mà tôi có thời gian đủ dài để hiểu và viết.
Vài nét về sa mạc Sahara:
Sa mạc Sahara ở miền Bắc lục địa Phi Châu rộng 9 triệu cây số vuông giữa vĩ tuyến 18 và 30 độ Bắc bắt đầu từ bờ Đại Tây Dương theo phía đông qua Hồng Hải đến Irak với chiều rộng 1,600 cây số, chiều dài từ Tây sang Đông 5 ngàn cây số. Biên giới của sa mạc di chuyển từ nhiều ngàn năm, được chia nhiều vùng khác nhau tùy theo cao độ: sa mạc vùng Tây Sahara, Sa mạc vùng Trung nguyên Ahaggar, Sa mạc thuộc dãy Tibetti, Sa mạc Libya phía Đông. Bài viết giới hạn các nước phía Nam phần Vùng Tây Sahara, chỉ có cát, nắng nóng, bão cát, và không có nước mưa... Mỗi năm sa mạc tràn lấn nhiều cây số về hướng Nam. Tôi không được dịp vượt sa mạc bằng xe, nhưng vài đồng nghiệp của tôi có lái xe từ Ba Lê, qua Tây Ban Nha, sau khi qua eo biển đến Ma Rốc, họ băng trên cát xuyên sa mạc cùng với nhóm du khách đi thăm các Safari.
Nước Niger:
Hơn mười bảy năm sau, tôi trở lại Niger để lượng giá một dự án thủy lợi và công trình khảo cứu nông nghiệp ở Diffa. Một đồng nghiệp với dáng lùn, trán rộng, da trắng kể lại bạn vừa thoát hiểm sau chuyến đi thăm buôn bản của bộ lạc trong vùng. Bạn kể lần đầu bạn đến thăm, gặp lúc trời bắt đầu mưa. Lần sau bạn đến thăm, tình cờ trời lại trở mưa. Người bộ lạc và tù trưởng tin rằng sự hiện diện của bạn tôi chắc chắn sẽ đem lại đủ lượng nước mưa cho mùa màng. Họ dự tính giữ lại bạn ở tại buôn bản cho hết vụ mùa để có nước mưa tránh nạn hạn hán thất mùa và đói kém. Họ chuẩn bị thực hiện dự tính. Bạn đến thăm chuyến thứ ba, tù trưởng mời bạn uống rượu "bangui", một loại rượu cần bản xứ, trong rượu có ngâm loại rễ cây làm liệt hệ thần kinh. Người thông dịch qua những dấu hiệu xầm xì của dân trong buôn bản biết được ý đồ. Khi bạn cầm cần của bình rượu sắp sửa uống, người thông dịch ra dấu hiệu bằng Pháp ngữ, bạn tôi nhận ra chuyện không lành, giả vờ lên cơn suyễn. Bạn đòi ra xe lấy thuốc trấn an cơn suyễn. Trên đường trở lại thủ phủ Niamey, bạn cám ơn người thông dịch chí tình với bạn. Bạn cho biết sẽ không ngại khi trở lại thăm viếng buôn bản này lần sau, nhưng cẩn trọng hơn.
Chuyện kể của bạn hiền đóng góp vài điều hữu ích sau. Trước hết muốn có an toàn cá nhân và dễ dàng trong công việc hàng ngày khi làm việc ở các nước Phi Châu là phải thông thạo ngôn ngữ chính thức (official language) của xứ đó. Hiện nay chưa có nghiên cứu ngôn ngữ học nào đầy đủ về từng bộ lạc. Mỗi nước nhận ngôn ngữ của nước bảo hộ cũ làm ngôn ngữ chính thức. Các nước vùng Sahel kể trên nhận ngôn ngữ Pháp, Nigeria, Gambia, v.v... nhận Anh Ngữ. Angola, Guinea Bissau, v.v... nhận ngôn ngữ Bồ Đào Nha. Nambia Nam Phi Châu nhận Đức Ngữ, nước Somalia nhận Anh Ngữ, dân ngoài phố nói tiếng Ý. Nước Cameroon nhận song ngữ Anh Pháp làm ngôn ngữ chính thức. Kế đến người thông dịch phải vừa thông thạo ngôn ngữ chính thức vừa thông thạo ngôn ngữ của bộ lạc đến công tác, nếu được là người sinh trưởng của bộ lạc này thì toàn hảo. Là người nước ngoài đến xứ lạ, nên có được càng nhiều hiểu biết về phong tục tập quán của nơi làm việc, hoặc nơi du lịch.
Sau 30 năm, nước Niger không khá hơn những gì tôi đã viết vào đầu năm 1976. Tài nguyên Uranium là một trong các nước có nhiều nhứt trên thế giới. Tính tới tháng 5, 2005, Niger còn mắc nợ 1.5 tỷ đô la. Tuổi thọ trung bình của dân ở mức 41. Có 14% của tổng số dân 12 triệu biết chữ, chia ra đàn ông 21%, đàn bà 7%: thất bại đầu tiên về nền giáo dục phổ quát. Quyền phụ nữ không được bảo vệ về mọi mặt. Đàn bà bị hành hung trong gia đình cao nhứt thế giới. Số con gái làm nghề mãi dâm càng ngày càng cao. Tổn thương trầm trọng theo tập tục cắt bỏ một phần âm đạo (Female genital mutilation). Trung bình người đàn bà sinh đẻ 7 lần. Thất bại thứ hai về mặt bảo vệ phụ nữ và y tế. Tháng 3, 2005, đài CNN làm thiên phóng sự về chế độ nô lệ của dân du mục Niger, giúp giải thoát một số người trở về nguyên quán của họ. Thất bại thứ ba về phát triển xã hội. Nước có diện tích gấp gần 4 lần nước Việt Nam với hơn ba phần tư lãnh thổ là sa mạc. Đất canh tác chiếm 3.54%, nhưng đất thâm canh chỉ chiếm 0.01%. Với điều kiện khô khan, không thể có canh tác khi lượng nước mưa hàng năm dưới 300 mm, và phân phối không đều. Thiên nhiên không ưu đãi con dân nước Niger. Hệ thống đường sá quá ít (789 cây số đường tráng nhựa, 9,000 cây số đường chưa tráng nhựa) so với kích thước của đất nước. Thất bại thứ tư về cải thiện môi sinh và giao thông.
Hai sắc dân chính Hausa và Djerma-Songhai chiếm 78% dân số: Hausa 56%, Djerma 22%, Fula 8.5%, Tuareg 8%, Beri Beri 4.3%. Khoảng 1,200 kiều dân Pháp sống ở Niger. Họ nói tiếng Hausa và Djerma, nhận tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức. Khoảng 84% dân số theo đạo Hồi. Đàn bà đảm trách mọi công việc đồng áng và nuôi con. Trong các cuộc triển lãm hay hội chợ, không thấy thiếu ngôi nhà kiểu mẫu của người thuộc bộ lạc Hausa. Có bốn căn nhà có nóc hình nón ở bốn góc cho bốn người vợ. Trang trí của mỗi nóc nhà cho biết thứ bậc của mỗi người vợ. Căn nhà chính giữa cũng nóc hình nón thuộc về gia chủ. Việc ông chủ nhà muốn cưới vợ hai, vợ ba, v.v... không nằm đơn thuần trong việc gia tăng số nhân công của gia đình ông, còn bắt nguồn từ phong tục tập quán của bộ lạc ông.
Về mặt chính trị, đất nước Niger trải qua nhiều thời kỳ bất ổn. Pháp trao trả độc lập từ 1960. Ba mươi ba năm sau mới tổ chức được bầu cử lần đầu. Tháng 1, 1994 đồng CFA (xài chung tiền lưu hành của một số nước Tây Phi Châu) bị phá giá 50%. Năm 1995 mới dàn xếp yên nhóm nổi dậy Tuareg miền Bắc. Tháng 4/1999 bị đảo chánh. Vừa bầu lại ngày 4-12-2004 Tổng Thống nhiệm kỳ 5 năm.
Niger là một trong những nước nghèo nhứt thế giới. Sau 30 năm họ không khá hơn. Làm sao, đất nước này khá hơn. Câu trả lời dành cho giới lảnh đạo Niger, chính sách kinh tế toàn cầu của các quốc gia kỹ nghệ và sự đóng góp tích cực hơn từ các cơ quan tài chính quốc tế.
Nước Chad
Nước Chad cũng có hoàn cảnh giống nước Niger kể trên, ở trong nội địa, phía tây tiếp giáp Niger, rộng gần gấp 4 Việt nam với dân số 10 triệu, không có bờ biển nhưng nhờ Hồ Chad (Lake Chad). Tùy theo mùa, diện tích hồ rộng từ 1,425 cây số vuông, một trong những hồ rộng nhứt thế giới. Vẫn còn tranh chấp về biên giới hồ với hai nước láng giềng Nigeria và Cameroon. Sự sống bắt đầu nơi nào có nguồn nước, dân cư đã đến định cư nơi đây từ năm 500 trước Tây Nguyên, dân Berbers đến định cư vào thế kỷ thứ 8, và đạo Hồi được truyền bá từ năm 1085. Tuy có hồ, nhưng thiên nhiên không ưu đãi con dân xứ này vì ảnh hưởng khí hậu sa mạc Sahara với gió nóng harmattan, nạn châu chấu tàn phá mùa màng. Đất tuy rộng, chỉ có 2.78% đất có thể trồng trọt, và diện tích thâm canh chỉ có 0.02%.
Ăn cá nướng từ hồ Chad là những điều khó quên nhân những chuyến đi công tác xa vào nội địa Tây Phi Châu. Trên chiếc xe Land Rover hay Land Cruiser mới (cứ 2 năm phải đổi xe mới vì không có nơi nào sửa xe dọc đường), tôi chỉ mang theo mấy thùng nước lọc, một ít đồ hộp trừ bị, nhưng ít khi nào dùng đến. Cá tươi nướng ngay tại bờ, hay thịt rừng nướng mua được dọc lộ trình, trái cây tươi, khoai mì nướng là những món ăn làm chuẩn của tôi mỗi lần đi khảo sát một dự án nông nghiệp trong các vùng đất Tây Phi Châu. Những buổi ăn sáng ở nhà vãng lai của các dự án trong nội địa đều tìm thấy sữa bò tươi, sữa dê tươi. Thịt gà nướng, loại "gà đi bộ" với muối ớt gừng vào các buổi ăn chiều là thực đơn không tìm thấy trong những khách sạn lớn. Dân thiếu phương tiện di chuyển vì đường sá quá ít. Toàn xứ chỉ có hơn 300 cây số đường tráng nhựa.
Lợi tức đầu người ở mức 206 đô-la/năm. Chad là một trong những nước nghèo nhứt thế giới. Được độc lập từ Pháp năm 1960, Chad lại bị nước láng giềng Libya chiếm đóng 30 năm đến 1990. Được cơ hội bầu cử năm 1996, nhưng năm 1998 bị nội loạn đến 2002 và 2003 mới có hòa giải. Thất bại quan trọng: không ổn định chính trị, không thể phát triển kinh tế. Sau 30 năm, tuổi thọ không tăng, đàn ông 47, đàn bà 48. Tỷ lệ nhiễm dương tính HIV/AIDS cao. Dân sùng đạo Cơ đốc giáo khá cao ở miền Nam chiếm tỷ lệ 35% dân số so với 51% theo đạo Hồ ở miền Bắc, tỷ lệ tin đồng bóng chiếm 7%. Đất nước có 200 sắc dân nói 120 thổ ngữ. Đây là trở ngại chính cho nền giáo dục phổ quát. Miền Bắc có người Ả rập, Gorane, phía Nam có người Sara, Moundang, Moussei, v.v... và khoảng 1,000 kiều dân Pháp. Người miền Bắc chiếm nhiều vị thế then chốt trong chính phủ trung ương. Ba ngôn ngữ thông dụng trong xứ có tiếng Ả Rập, Sara và Pháp đã đóng góp nâng cao tỷ lệ người biết chữ ở đàn ông 56%, đàn bà 39%.
Mới đây người tỵ nạn từ Darfur, Sudan đã tràn qua biên giới Chad gây thêm gánh nặng xã hội vùng biên giới phía Đông. Đất nước có mỏ dầu lửa, quặng Uranium, vẫn còn mắc nợ 1.1 tỷ dô la. Liệu việc khai thác tài nguyên khoáng sản này có cứu vãn nền kinh tế Chad trong tương lai gần. Người viết còn bi quan.
Nước Mauritania:
Hai mươi năm sau tôi trở lại nước Cộng hòa Hồi giáo Mauritania làm việc cho dự án an toàn lương thực (Food Security). Xứ vẫn còn chịu cảnh hạn hán năm được mùa năm mất mùa. Dân chúng ở các tỉnh miền Bắc được đưa về thủ đô Nouatchott lánh nạn hạn hán thường xuyên, hoặc cho định cư dọc theo bờ sông Senegal phân chia Mauritania và Senegal. Nạn châu chấu tàn phá mùa màng là tai ách sau hạn hán. Với kích thước mỗi con ngang 4.5 cm, dài 6 cm, nặng 2 grams đẻ trung bình 80 trứng sau mùa mưa đầu của thời kỳ hạn hán, có khả năng cho sinh nở hàng mấy tỷ con. Tháng 8 năm 2004 chính phủ Mauritania khẩn câp kêu cứu cộng đồng thế giới đến giúp nhưng không ngăn cản kịp được đợt tấn công tàn phá 1.6 triệu mẫu hoa màu và đồng cỏ nuôi 17 triệu súc vật dê cừu, lạc đà. Dân thủ đô Nouatchott phải đốt khói đuổi châu chấu tràn ngập đường phố. Với mật độ 50 triệu con trên một cây số vuông trong một đàn kéo dài 40 cây số di chuyển 60 cây số mỗi ngày về các xứ Sahel khác. Mỗi lần đáp xuống một cánh đồng để lấy thêm 2 grams lương thực cho mỗi con, trong giây phút cánh đồng trơ trọi. Các xứ Senegal, Niger, Chad, Darfur, Gambia bị thiệt hại mùa màng gần 1 triệu mẫu trong năm 2004. Hiện tại các cơ sở quốc tế đang gởi 50 toán chuyên viên qua vùng này lập chiến dịch ngăn ngừa trên diện tích 800,000 mẫu.
Tuy có hai con sông Senegal và Niger chảy về hướng Bắc cung cấp nguồn nước cho vùng Sahel, hai chiếc đập xây ở thập niên 1980 trên thượng nguồn đã làm xáo trộn môi sinh ở hạ nguồn đưa tới nhiều mâu thuẫn giữa các nước trong khu vực. Tổ chức OMVS (Organisation pour la Mise en Valeur du Fleuve Senegal) ra đời để điều phối sự tranh chấp. Mauritania ở hạ nguồn chịu nhiều thay đổi về môi sinh nặng nhứt như nước mặn vào sâu trong nội địa. Trong khuôn khổ cộng tác, ba chính phủ Mauritania, Senegal, Mali với yểm trợ quốc tế bắt đầu dự án bảo vệ môi sinh, và hệ thống công viên bảo vệ loại cầm thảo được thiết lập. Djoudj National Bird Park ở Senegal, Youwarou Park ở Mali, Diawling Park ở Mauritania. Tôi đã không bỏ lỡ cơ hội viếng thăm công viên Diawling hoạt động từ năm 1994, rộng 16,000 mẫu trên đường đi từ Thủ đô Nouatchott đến Saint Louis, một thủ phủ miền bắc Senegal. Hệ thống công viên này là nơi ẩn nấu cho 365 loại cầm thú, và 109 loại chim muông, nhứt là chim từ Âu châu bay đi tránh lạnh.
Pháp trao trả độc lập năm 1960, sau hai lần bầu cử gian lận, đến tháng 10, 2001 mới có cuộc tuyền cử nghiêm chỉnh hơn cho dân số chỉ có 3 triệu người. Nhưng nước này đang có căng thẳng chủng tộc giữa các bộ lạc da đen và sắc dân Maur (Ả Rập Berber), vì tài sản đều nằm trong tay người Maur. Dân các sắc tộc đen làm thuê cho các xí nghiệp hay canh tác ruộng đất do người Maur làm chủ. Một nông dân muốn xin sở hữu chủ mảnh đất mình đang canh tác phải mất 15 năm mới được cứu xét cho giấy chủ quyền. Các cơ quan phát triển quốc tế đã khuyến cáo chính phủ xúc tiến việc cải cách điền địa. Đất thâm canh chỉ chiếm 0.01% trong tổng diện tích 1,030,700 cây số vuông. Hạn hán, nạn châu chấu, bão cát, diện tích canh tác quá ít đưa đến việc phải nhập cảng thực phẩm nuôi dân. Tiếng Ả rập là ngôn ngữ chính thức. Còn có các ngôn ngữ khác như Pulaar, Soninke, Pháp, Wolof. Tỷ lệ người biết chữ ở đàn ông 52%, đàn bà 32%. Mauritania phát hành đồng Ouguiya (đầu năm 2005, 1 $US= 270 Ouguiya), đang mắc nợ 2.5 tỷ đô la. Người viết chưa thấy dấu hiệu nào dẫn đất nước này ra khỏi vòng đói khổ.
Nước Mali
Có lẽ Mali có rất nhiều địa danh hấp dẫn nhứt cho ngành du lịch ở vùng Tây Phi Châu, và sự giao thương phồn thịnh trong quá khứ tạo nên các địa danh như Timbuktu, từng là trung tâm văn hóa Hồi giáo; Gao từng là thủ phủ của triều đại Songhai; thủ phủ Djenne xưa nhứt Phi châu xây năm 1250 trên đất bùn màu nâu có nhiều đền đài Hồi giáo. Giống dân Dogon chỉ còn 100,000 người sinh sống ẩn khuất tại miền Đông Nam Mali trong dãy núi đá Hoburi gần Timbuktu, có nguồn gốc từ Ai Cập. Họ mang theo huyền thoại thiên văn học của 3,200 năm trước công nguyên. Mopti, căn cứ địa của người Fulani, ở giữa Timbuktu và thủ đô Bamako là nơi gặp gỡ của hai con sông Niger và Bani, giao thông đường thủy thuận lợi. Người Pháp đến vùng này thấy nguồn lợi mua bán vàng rất cao từ triều đại của vua Mansa Kankan Musa, đã dồn quân chính qui đánh nhau 15 năm mới thắng bộ lạc chống cự cuối cùng. Pháp thiết lập Liên bang Sudan. Sau khi Senegal tách ra khỏi liên bang, phần đất còn lại trở thành nước Mali được Pháp trao trả độc lập năm 1960.
Tôi trở lại công tác ở Mali trong nhiều dự án khác nhau, điều nhớ nhứt trong chuyến tôi đi nghiên cứu về các giống lúa nổi vùng Mopti, giống như vùng lúa nổi tỉnh An Giang Châu Đốc, được ăn cá nướng tại bờ sông Niger. Sau ngày được trao trả độc lập, suốt 31 năm dưới chế độ cai trị độc tài, nước Mali chưa thoát được vòng nghèo khổ, vẫn đang được xếp vào hàng các quốc gia nghèo nhứt thế giới. Còn nợ 3.1 tỷ đô la. Nếu thể chế chính trị ổn định, Mali có cơ may phát triển đồng bộ về mọi ngành. Mỏ vàng bắt đầu được khai thác từ 1996-1998, có triển vọng trở thành nước sản xuất vàng lớn trên thế giới. Phosphate, Uranium và thủy điện có tiềm năng lớn, quặng Bauxite, mỏ sắt chưa được khai thác. Bông vải đóng góp đáng kể trong các loại nông sản xuất cảng nhưng nạn khô hạn đe dọa nền nông nghiệp trầm trọng như các xứ lân bang với 70% lảnh thổ là sa mạc. Mali có 10% trong tổng số dân 11 triệu là du mục, 80% sống nhờ canh tác và đánh cá.
Bambara và Malinke là hai nhóm dân chính chiếm 50%, kế đến Peul 17%, Voltaic 12%, Tuareg và Moor 10%, Songha 6%. Tiếng Pháp và Bambara được phổ thông trong xứ đến 90% theo đạo Hồi. Người biết chữ ở mức 31%, chia ra đàn ông 39%, đàn bà 23%. Tổng sản lượng quốc gia trên đầu người là 550 đô la. Tuổi thọ đàn ông 46, đàn bà 48. Với những chỉ số thống kê trên, Mali có cơ phát triển nhanh nếu được xóa món nợ ngoại bang 3.1 tỷ đô la và được một chính phủ lành mạnh hữu hiệu. Người viết không mấy lạc quan về viễn ảnh của họ.
Nước Burkina Faso
Chỉ rộng bằng 80% đất Việt với dân số 14 triệu người, có 6 quốc gia bao chung quanh, từ 1960 được Pháp trao trả độc lập, Burkina Faso trải qua nhiều cuộc đảo chánh do quân đội cầm đầu trong suốt 20 năm. Hiện nay, lại có tranh chấp biên giới với Ghana, Liberia, Benin, kế đến nước láng giềng Ivory Coast phía Nam phản đối đã dung dưỡng thành phần chống đối chính phủ họ đặt căn cứ trên lảnh thổ Burkina Faso. Chịu ảnh hưởng khí hậu sa mạc Sahara, khô hạn và bão cát thường xuyên. Tôi trở lại cho một chuyến công tác khác ở giữa thập niên 1990, gặp ngày bão cát. Cát bụi mịt mù. Khi gió lặn, bầu trời không còn thấy mây trắng trời trong, chỉ thấy màu cát vàng bao phủ chân non đầu núi. Tài nguyên nghèo nàn, chỉ có mỏ Manganese, vôi, một ít mõ vàng khi so với các nước chung quanh. Dân thường vượt biên giới làm thuê theo vụ mùa tại các nước lân bang. Nổi loạn tại Ivory Coast, và xáo trộn ở miền Bắc Ghana đang ngưng mọi chuyến đi tìm công ăn việc làm của người Burkabe. Thu nhập gia đình đang sa sút.
Bông vải là nông sản xuất cảng chính, khí hậu khắc nghiệt vùng Sahel đưa tới việc thiếu hụt thực phẩm. Tuổi thọ trung bình đàn ông ghi nhận 42, đàn bà 45. Hơn 50% theo đạo Hồi, 10% theo đạo Công Gíáo, 40% dân số theo các đạo khác. Sắc dân Mossi chiếm 40%, các nhóm Gurunsi, Senufo, Lob, Mande, Fulani nói theo tiếng bộ lạc của riêng họ, nhận Pháp văn làm ngôn ngữ chính, nhưng giáo dục phổ thông dùng Pháp ngữ không đồng đều, chỉ 16% đàn bà biết đọc biết viết, 40% đàn ông biết chữ. Với chỉ số thống kê này không có gì thay đổi đáng kể trong 30 năm qua, lại còn mắc nợ ngoại bang 1.3 tỷ đô la, người viết không hy vọng thấy ánh sáng ở cuối đường hầm đưa dân Burkinabe vào quang lộ ấm no trong tương lai gần.
Nước Senegal
So với năm nước kể trên, nước Senegal phát triển có phần trội hơn nhờ cấp lãnh đạo quốc gia áp dụng nhiều biện pháp kinh tế táo bạo chẳng hạn tháng giêng 1994 chấp nhận đồng CFA phá giá 50%, đẩy mạnh phát triển dịch vụ tin học (information base service) từ năm 1996. Sau mấy năm điều chỉnh, lãnh vực tư nhân đóng góp 82% tổng sản lượng quốc gia. Trên đường phát triển họ không tránh khỏi các khó khăn như hiện nay tỷ lệ thất nghiệp cao, tranh chấp nghiệp đoàn, thiếu nhi phạm pháp và người nghiện ngập gia tăng ở các đô thị. Còn nợ ngoại bang 3.5 tỷ đô la. Senegal chỉ rộng bằng 60% đất đai Việt Nam với dân số hơn 11 triệu người, có 531 cây số bờ biển và 1,000 cây số đường thủy trên sông Senegal, Saloum và sông Casamance. Năm 1982 nước nhỏ Gambia có hình thể và vị trí như chiếc lưỡi của Senegal ký kết trở thành liên bang đặt tên Senegambia. Văn kiện ký kết không được thi hành đã trở nên vô giá trị; năm 1989 tên Senegambia không còn nhắc nhở nữa. Hiện nay nhóm đòi tự trị vùng Casamance ở miền Nam Senegal ẩn nấu vùng biên giới lảnh thổ Guinea-Bissau/Senegal gây áp lực chính quyền ở Dakar.
Ngôn ngữ chính thức dùng tiếng Pháp. Các sắc dân chính gồm Wolof 43.3%, Pulaar 23.8%, Serer 14.7%, Jola 3.7%, Madinka 3%, Soninka 1.1%, người Âu châu và Lebanese 1%. Tuổi thọ trung bình đàn ông 55, đàn bà 58. Tỷ lệ người biết chữ đàn bà chiếm 31%, đàn ông 50%. Các tôn giáo gồm Hồi giáo 94%, Công giáo 5%. Thủ đô Dakar với dân số hơn 1.5 triệu người có nhiều kiến trúc mới, sinh động, người du lịch Âu châu đến nhiều nhờ các thắng cảnh Saly Portudal cách thủ đô một giờ rưởi đi xe, thắng cảnh Cayar & The Pink Lake, công viên Niokolo/Koba. Đặc biệt trên Đảo Goree cách Dakar 2 cây số có bến cảng và nhà giam người nô lệ (La Maison des Esclaves). Trước khi được cho lên tàu đi Tân Thế giới, người nô lệ từ thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19, do Bồ Đào Nha, Đức, Pháp, Anh xử dụng cảng này, đi qua một khoảng trống của nhà giam (Door of No Return) nhìn lần cuối quê hương Phi Châu.
Sự phát triển ở nông thôn khá hơn các nước kể trên nhờ chú trọng các công trình thủy lợi, đất canh tác cao, chiếm 12.78%, đất thâm canh chiếm 0.21%. Năm 1994, tôi được cơ quan Lương Nông Quốc Tế FAO cử làm Trưởng Phái đoàn đi lượng giá dự án GPC/RAPT/266/JPC tại bốn nước Senegal, Mali, Burkina Faso, Mali, Guinea-Conakry, tôi được dịp viết lại lần thứ hai thực trạng nền nông nghiệp của các nước này hai mươi năm sau.
Thay lời kết
Nhân những ngày giữa tháng 5, 2005 không có an ninh tại thủ đô Kabul, A Phú Hãn, (nhóm chuyên gia của chúng tôi phải làm việc tại sở, ăn tại bàn viết, không di chuyển ra đường phố, sẵn sàng di tản khi được thông báo), tôi được cơ hội đọc lại hết các phúc trình mới nhứt về các xứ vùng Sahel, tóm lược những chi tiết và nhận xét ghi ở trên. Theo dõi hội nghị ở Dakar, Senegal đầu tháng 5, năm 2005 trên Internet thấy đại diện các nước nghèo Phi Châu đưa đề nghị xin xóa nợ cũ 25 tỷ đô la, để dành tiền thanh toán nợ nần này vào việc phát triển kinh tế của xứ họ. Trong khi chờ xem số nợ của các nước kể trên được xét lại ra sao.
Nắng nóng với khô hạn, gió cát tiếp tục đè nặng trên cây cỏ, thú vật và con dân vùng Sahel kèm theo sự không ổn định chính trị toàn vùng, giải thoát cảnh nghèo đói còn phải mất thêm vài thập niên nữa. Là một chuyên gia nông nghiệp được gởi từ bên ngoài đến cho một công việc nhứt định trong một thời gian nhứt định để làm việc cho những người sản xuất nhỏ thiếu thốn đủ mọi thứ ở nông thôn, tôi chưa thấy một phát triển ngoạn mục nào trên mức vĩ mô, nhưng ở những dự án tản mác nhỏ đã đưa đến nhiều khích lệ.
Phạm Thanh Khâm
Viết tại Kabul, ngày 13-5-2005