ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ PHẬT HỌC (P1)
GS. Thái Công Tụng
1. Nhập đề
Đa dạng sinh học càng ngày càng được chú trọng trong lãnh vực môi trường, nhất là từ khi có Đại Hội Toàn cầu về trái đất ở Rio (Ba Tây) năm 1992. Đại hội này quy tụ các lãnh tụ toàn thế giới về các vấn đề đặt ra trong lãnh vực môi trường trên hành tinh chúng ta đang ở và báo động về các nguy cơ hiểm hoạ đang chờ đón nếu chúng ta lơ là về sự bảo vệ môi trường.Nhiều vấn đề như sưởi ấm toàn cầu, lổ hổng ozôn, sự phá rừng xích đới, sự ô nhiễm không khí, mưa axít, giảm đa dạng sinh học, khu vực đánh cá bị cạn kiệt, mực nước biển dâng cao, v.v. là những vấn đề nhức nhối của nhân loại, nhất là khi áp lực dân số tăng mỗi ngày làm diện tích sống của mỗi người càng bị thu hẹp lại. Riêng năm 2010, Liên hiệp quốc chọn làm Năm quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu tăng cường nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, chia sẻ thông tin về những thành tựu trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học do cộng đồng và Chính phủ thực hiện.
2. Thế nào là đa dạng sinh học?
Đa dạng sinh học là toàn bộ các môi trường tự nhiên và mọi hình thức cuộc sống trong đó có động vật, thực vật, khuẩn, vi khuẩn với mọi tương quan, tương thuộc giữa chúng và các môi trường.Đời sống trên mặt đất có 3 mặt tương thuộc:
-đa dạng các loài (kể cả loài người) .
Ngày nay, người ta ước tính có đến 10 triệu loài đa tế bào và chỉ chừng 1.8 triệu là được xác định .Ngoài biển thì san hô, cá biển, chim biển, thú biển, bò sát, động vật đáy, động v ật phù du, rong biển, cỏ biển ..Trên cạn, thì động vật có vú, loài chim, loài bò sát, thực vật thì ẩn hoa, hiển hoa, rong rêu v.v.Trong đất cũng có nhiều động vật và vi cơ thể nhiều loài.
-đa dạng cá nhân (đa dạng gien) trong mỗi loài. Vài ví dụ:
Lúa cũng có nhiều loài :
Vụ chiêm em cấy lúa di,
Vụ mùa lúa dé, sớm thì ba giăng
Thú quê rau cá đã từng
Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan
Cá cũng có nhiều loài:
Nhà tôi nghề giã nghề nông
Lặng thì tôm cá đầy trong đầy ngoài
Cá trắng cho chí cá khoai
Còn như cá lẹp, cá mai cũng nhiều.
Rau cải cũng rất đa dạng như trong bài ca dao sau:
Ai đâu mà chẳng biết ta
Ta ở Xóm Láng, vốn nhà trồng rau
Rau thơm, rau húng, rau mùi
Thì là, cải cúc, đủ loài hành hoa
Mồng tơi, mướp đắng, ớt cà
Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên
-đa dạng môi trường sống: môi trường sống có thể là
cái ao: Ao thu lặng lẽ nước trong veo (Nguyễn Khuyến)
một con sông: Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song (Xuân Diệu)
một ngọn đèo: Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá lá chen hoa (Bà Huyện Thanh Quan)
Đó là đa dạng về hệ sinh thái
Nói cách khác, đa dạng sinh học là mức độ phong phú của tạo vật và là kết quả của hơn hàng ngàn triệu năm, từ lúc Trái đất được thành hình đến nay.
Trong văn thơ Việt, thực vật và động vật luôn luôn là những đề tài gửi gắm trong ca dao cũng như trong các bài thơ .
Trong bài thơ tả cảnh đồng quê Việt :
Gió may nổi bờ tre buồn xao xác
Trên ao bèo tàn lụi nước trong mây
Hoa mướp rụng từng đoá vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay
Ta thấy nào là động vật (chuồn chuồn) với thực vật (mướp, tre, bèo) chan hoà man mác trong bài Ca dao thường phảng phất nhiều thực vật:
Xăm xăm bước tới vườn trầu
Hỏi thăm lê, lựu, mãng cầu chín chưa ?
Ngó lên đám bắp trổ cờ,
Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông
Đa dạng sinh học cũng hiện diện trong lời kinh A Di Đà, với vô số loài chim:
Lại còn đây nữa, ông Xá-lỵ-phất, nước kia thường có đủ các giống chim, màu sắc lạ đẹp, như chim bạch hạc, khổng tước, anh vũ, cùng chim xá-lỵ , ca-lăng-tần-già và chim cộng mệnh. Các giống chim ấy, ngày đêm sáu thời, hót tiếng hoà nhã.
Trong bản nhạc Nhớ mùa thu Hà Nội, có những câu:
Hà Nội muà thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió,
mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua
Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi Màu sương thương nhớ
Bầysâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời
Ta cũng thấy ngay thực vật (cây bàng, cây cơm nguội ..), động vật (sâm cầm), cùng đứng chung trong bài hát .
Đa dạng sinh học trong văn học Việt cũng nhan nhãn trong các bài hát như: hoa ngọc lan, hoa tigôn, hoa cúc, hoa mai, hoa đào, hoa quỳnh v.v. Cây cũng vậy có mặt trong ca dao, thơ, nhạc, từ cây cau, cây khế, cây xoài, cây nhãn đến bằng lăng.
Tóm lại, đa dạng sinh học chính là chim trời, cá nước, san hô ngoài biển, cá sông, cá biển cùng động vật hoang dã, thực vật trong rừng, kể cả các khuẩn, tảo, vi cơ thể trong đất, tóm lại mọi hình thức của sự sống muôn màu muôn vẻ .
3. Đa dạng sinh học trong rừng nhiệt đới
Những loại rừng ôn đới hay rừng thông phương Bắc không có nhiều loài thực vật trong khí đó thì các rừng nhiệt đới có rất nhiều loài, đặc biệt là các vùng sau đây:
-Vùng Amazon. Rừng Amazone, rộng đến 7 triệu km2, xuyên qua nhiều xứ như Bresil, Perou, Venezuela, Guyana, Surinam. Rừng rậm và chứa nhiều loài thực vật, động vật, côn trùng, loài bò sát, chim muông. Trong rừng vùng Amazon có trên 3000 loài cây ăn trái từ chuối, avoca, cam, chanh, bưởi, chưa kể đến cây lúa, khoai tây, bắp, riềng, gừng, khoai môn, mía, cà phê, quế; còn chim muông, loài bò sát, động vật hoang dã thì cũng rất nhiều. Sông Amazon của Brasil có chứa nhiều loại cá hơn tất cả các sông ngòi Âu Châu.
Khu vực này là quê hương của khoảng 2.5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật, và khoảng 2 000 loài chim cùng thú. Tới nay, ít nhất khoảng 40 000 loài thực vật, 3 000 loài cá, 1294 loài chim, 427 loài thú, 428 loài động vật lưỡng cư, và 378 loài bò sát đã được phân loại khoa học trong khu vực này. Khoảng 20 % loài chim trên thế giới sống trong các khu rừng nhiệt đới Amazon.
- Vùng lưu vực sông Congo. Lưu vực sông Congo bao trùm các xứ như Cameroun, Cộng Hoà Trung Phi, Congo Brazzaville, Congo Kinshasha, Guinée Equatoriale, Gabon cũng chứa nhiều rừng và đa dạng sinh học rất lớn.
- Vùng Nam Phi. Vùng Nam Phi châu với diện tích 1,1 triệu km2(110 triệu hecta)- ứng với Bostwana, Lesotho, Mozambique, Liên Bang Nam Phi, tương ứng với 1% diện tích đất lục địa của quả địa cầu- cũng có nhiều loài chim, cá, cây, loài bò sát, động vật có vú.
- Vùng New Guinea. Vùng Papua New Guinea cũng còn rất nhiều thực vật chưa ai nghiên cứu . Trải dài từ các đảo Indonesia đến hải đảo Thái Bình dương xuyên qua New Guinea.
Riêng Việt Nam cũng là nơi hội lưu của ba luồng di cư sinh vật từ nhiều khu vực Nam Hoa, Mã Lai, Ấn Độ nên thực vật cũng kế thừa cả ba luồng :
• luồng thực vật miền núi Tây Bắc châu thổ sông Hồng có nhiều giống cây như thảo mộc miền núi Himalaya hay Nam Hoa, rụng lá vào đông như các cây thuộc họ Dẻ (Fagaceae), họ Thích (Aceraceae), họ Nhài (Oleaceae)
• luồng thực vật mang các yếu tố Mã Lai-Indonesia bao gồm các cây thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae) như chò chỉ, dầu song nàng,
• luồng thực vật mang các yếu tố Ấn Độ-Miến Điện gồm những cây thuộc họ Bàng (Combretaceae) như chò xanh, chò nhai (Anogeissus tonkinensis) và một số loài thuộc chi Combretum họ Bằng Lăng (Lythraceae), họ Gạo (Bombacaceae ) rụng lá vào mùa khô.
Riêng về biển cũng có nhiều đa dạng sinh học với tôm, mực, ghẹ, ốc nhảy, trai, nghêu lụa, cá ngựa, hải sâm với nhiều loài san hô thuộc 2 nhóm san hô cứng và san hô mềm; có loài cá rạn san hô.
( còn tiếp)
|