.
  31 ngày lang thang P134-135
 
11/12/2014




Phần 134-135

Quả thật, với chúng tôi, sau 19 ngày xa lìa tổ quốc, bụi đường dù đã gột bỏ hàng ngày tại các “quán trọ” , khách sạn... bên đường, nhưng vẫn còn chun chút trên bờ vai, nếp áo; giờ đây, dù chưa tới Inle, nhưng bên tay trái tôi dường như đang báo hiệu sắp đến …thiên thai. Cho nên, đây là dịp để chúng tôi bỏ bớt chút hồng trần còn lại!
Ô hay…trời cao xanh ngát, xanh ngát ơ hờ…, không… con hạc trắng, mây … lờ đờ trôi! Trời cao xanh ngát, xanh ngát ơ hờ…, mây trên đỉnh núi, mây…chìm …bồng lai!





Vâng, bồng lai không ở trên cao, mà ở ngay mặt nước. Và mặt nước này cũng chưa phải là hồ Inle, chỉ là một dãy các ao nhỏ chạy ven cánh đồng nằm về phía Bắc Inle trãi dài vô các rặng núi xa phía kia, còn phía này con đường nhỏ dẫn từ quốc lộ 4 cũng sắp sửa đến điểm dừng là thị trấn Nyaungshwe, đó là nơi du khách có thể tạm nghĩ chân để chuẩn bị cho chuyến thuyền cao tốc xuôi Nam, đến hồ Inle huyền thoại. Nhìn cảnh nhà quê thanh bình tuyệt vời tại đây, chợt nhớ về Việt Nam mình, cũng có nhiều nơi đẹp…ngặt nghèo như thế.








Đối với dân chơi ảnh của thế giới, chuyên nghiệp hay tài tử, cái lên Inle hay Inlay thật sự không xa lạ gì, bởi nó quá nổi tiếng vì những hình ảnh đẹp đã được sáng tác tại đây. Điều đó đã khiến cho một số người chỉ đến đây và vài điểm khác để …chụp cho được những tấm ảnh riêng mình. Nói như thế cũng nhằm …thú thật với các bạn rằng là 2 kẻ lang thang cũng sẽ cố “nhặt nhạnh” cho riêng mình vài tấm ảnh …để đời cho con cháu coi chơi! Bây giờ sắp tới rồi, mà mấy khung cảnh “chào hàng” bên đường cũng đã ít nhiều làm “xốn xang” 2 kẻ bụi đời đã bỏ công sức đến đây sau khi vượt mấy ngàn cây số …
Và cách thị trấn không xa, trên đường “làng” Shwenyaung-Nyaungshwe, bà xã tôi đã “tình cờ” chụp một file ảnh mở đầu cho lối vào “miền nước nhược”, nói là tình cờ vì chúng tôi không ngờ đó là tu viện cổ Shwe Yaunghwe Kyaung, nổi tiếng bởi những bức ảnh để đời của các nghệ sĩ lừng danh. Nói tình cờ bởi vì không biết tu viện vốn đã là “mẫu” đã có “danh phận”, nên không trông chờ để chụp, chỉ có cái “cảm giác máy” khiến bà xã tôi bấm đại đúng duy nhất 1 file và …quên đi. Bây giờ khi check lại thì mới thấy mình…may thật, có thể không đẹp, nhưng ít nhất chúng tôi cũng đã có 1 cái để mà …khoe!
Với màu gỗ teak nâu sẫm, cùng các ô cửa hình bầu dục âm u tối, một vị Sư đang yên lặng ngồi giữa chốn thâm nghiêm, rất giãn dị, nhỏ nhoi nhưng ta lại cảm thấy cái “hùng lực” như đang tỏa sáng chung quanh!





Ngay sau đó là ngôi chùa thứ 82, nằm gần thị trấn, ngôi chùa khá đẹp, đúng với phong cách truyền thống Miến Điện.








Và rồi ngay sau đó, chúng tôi đặt chân xuống thị trấn yên bình nằm ngay phía Bắc hồ nước ngọt nổi tiếng Myanmar: Inlay. Xe dừng tại con đường chính Phaung Daw Side, dẫn xuống bến thuyền nằm trên đường Strang, dọc theo bờ tả ngạn kênh Nyaung Shwe.





Nyaungshwe là 1 thị trấn nhỏ, nằm trên 2 bờ 1 đoạn kênh cùng tên, cách hồ Inlay chừng 3km. Nhiều nhà trọ, khách sạn, tiệm ăn và các cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm mọc lên khắp nơi trong thị trấn. Đây cũng là nơi tập kết các mặt hàng nông sản chính, xuất xứ từ những trang trại đặc biệt “bềnh bồng” trên sóng nước! 
Chợ của thị trấn tên là Mingala, chỉ là một chợ huyện, nhưng do nằm tại nơi trọng yếu dẫn vào khu thiên nhiên cực kỳ diễm lệ vừa mới nổi tiếng, sau khi Myanmar đổi mới, nên là điểm dừng chân của hầu hết du khách khi đến với Inlay, do đó chợ cũng trở nên khá náo nhiệt. Nhất là khi bên cạnh nó là dòng kênh suốt ngày vang tiếng động cơ của các thuyền cao tốc, đưa khách xuôi ngược đến với chốn non bồng! 
Ngay khi vừa bước xuống xe, chúng tôi được ngay các cô gái đến mời chào bán những chiếc nón truyền thống địa phương, món này vừa giải quyết được cái nắng khá gắt giữa buổi trưa trên cao độ 880m so với mực nước biển, đồng thời có thể mang về nhà làm kỹ niệm cho chuyến đến Inlay. 
Nhưng hãy khoang chuyện mua nón, việc đầu tiên mà mọi người cần giải quyết chính là vấn nạn “vệ sinh”. Đây là điều không khó, nhưng hình như người Miến khá chậm chạp trong việc cãi thiện việc giải quyết nhu cầu này. Hôm nay cũng thế, đoàn chúng tôi chỉ khoảng 20 người, vậy mà lúng ta lúng túng, bước vô rồi bước ra, cái quán nước bình dân chỗ xe xuống khách. Thấy tình hình không được suông sẻ, tôi len lỏi đại qua đường, bước lần ra phía sau 1 cái nhà có vẻ như là kho, đúng là kho thiệt, nơi đây họ đang phân loại và vô thùng số cà chua tươi, chắc thu gom từ trên các rẫy nổi, tôi gặp được 3 cái cầu “tủm” từng phổ biến trên “4 vùng chiến thuật” xa xưa. Giải quyết khỏe re rồi ra khoe cho mọi người …phấn khởi!










Đây là vựa thu mua nông sản vùng hồ Inlay, phía sau có 3 chiếc “cầu tủm”, tôi báo cáo cho mọi người hay, chủ nhà rất cởi mở và sẳn lòng!


 
Anh A. Sóc trăng, thấy nắng ở cao nguyên Shan này quá gắt, không nóng, nhưng chắc là khả năng lọc bớt tia “ultra-violet” không cao, nên chọn mua 1 chiếc nón Miến Điện để bảo vệ cho cái làn da …bánh mật đậm chất Khmer của mình!





Còn anh bạn Ayunpa L., thì đã sẳn sàng để tiếp tục cuộc vượt giòng kênh Nyaung Shwe đến hồ Inlay, là huynh trưởng Hướng Đạo, chuyện đi chơi này chẳng nhằm nhò gì, nhẹ hều như ngồi trên con thuyền lướt sóng! Vả lại, anh cũng đã có nón để bảo vệ cái đầu. Tôi thì nhờ chiếc khăn vừa che bụi, che lạnh, che nắng lại tiện là không vướn víu khi cần chụp ảnh! Đặc biệt lại có thể …trà trộn với mấy người dân tộc ở đây để có khi được nhìn bà con! Riêng Sư H., không hiểu sao lúc nào cũng đầu trần…thi gan cùng tuế nguyệt!









Sư H., “Tư lệnh” của chuyến hành quân dã ngoại hồ Inle hôm nay, đầu trần đi thị sát hiện trường, bến thuyền Nyaungshwe.

Đường Phaung Daw Side chạy thẳng xuống bến thuyền, ngôi nhà mái đỏ là nơi bán vé. Con đường phía trước, dọc theo bến là đường Kann Narr, nơi đây tập trung tất cả các phương tiện vận tải thủy đưa khách và hàng hóa đến khu vực hồ Inlay ở phía Nam. Có rất nhiều nhà bán vé nằm dọc theo giòng kênh Nyaungshwe này, đây là một con kênh nhỏ, bề ngang không hơn 50m, nối liền hồ Inlay với 1 phần lưu vực rất nhỏ phía Tây Bắc hồ, giáp với đường hành lang phía Tây, nơi có suối nước nóng Khaung Daing.
Sau đây là hình ảnh các bến thuyền và nhà bán vé.


















Tất cả chúng tôi, kể luôn bác tài người Ấn Độ, gồm:
_Nhóm Sư Thái và đệ tử Việt-Thái: 08 người.
_Nhóm còn lại: Sư H., Sư Th., anh A., Ayunpa L., Koto, 2 vợ chồng lãng tử và bác tài Ấn Độ: 08 người
16 người chúng tôi được phân phối đều lên 2 xuồng cao tốc, dưới sự chỉ huy của “Tư lệnh” Sư H. Ông phải điều động cho mọi người xuống đúng thuyền để không bị lạc bầy, giao Koto lo cho thuyền của Sư Thái và đệ tử…




Sau khi xem xét phương tiện, Sư H. cho mọi người nhanh chóng xuống thuyền, Sư Thái lúc nào cũng ưu tiên, xuống trước.





Mọi người lục tục xuống bến, còn “nhà đò” thì lo châm thêm nhiên liệu cho bình dầu dự trữ, trong lúc các cô bán nón không ngừng mời chào…tất cả đều góp phần cho bến thuyền lúc nào cũng nhộn nhịp.








Ngoại trừ Koto, bác tài Ấn Độ và Sư thì tất cả 13 người còn lại đều là người “ngoại quốc”, nên thất lạc ở đây cũng rắc rối lắm, do vậy, Sư phải đich thân điểm danh và sắp xếp sao cho gọn gàn trên chỉ 2 chiếc thuyền dành riêng đưa chúng tôi suốt cuộc hành trình khám phá hồ Inlay và vùng phụ cận trong ngày hôm nay. Việc kiểm soát cũng chẳng có gì phức tạp, nhưng trên bến có nhiều du khách, lẫn lộn nhau nên dễ xuống nhầm xuồng, Sư H. lo xa là phải.








Mãi sắp xếp chỗ ngồi an toàn cho mọi người trong đoàn, ông Sư dường như thấy còn thiếu 1 người, tất cả 16 người sao đếm hoài chỉ có 15, nên lo âu tìm kiếm…may mà cuối cùng người ông thấy thiếu cũng có mặt, chừng đó Sư H. mới …an tâm và cười hả hả!



_...Hởi ơi, Sư H.,…ông đi đâu mà…nãy giờ tui tìm muốn chết vậy?….có ông mới đủ…chục 16! He he, thôi xuống thuyền …đi ông!


Lu bu quá, Sư H. nhớ trước quên sau, vậy mà trước khi thuyền rời bến, ông cũng không quên mua vài bịch thức ăn để …bố thí cho mấy con hải âu hồ Inlay, nhiệm vụ này Sư giao cho bác tài Ấn Độ.



_Mua giúp họ...cũng là một cách chia sẻ cho người nghèo!


Cuối cùng, thuyền cũng nổ máy, bắt đầu rời chợ Mingala, theo giòng kinh nhỏ Nyaungshwe, xuôi về hướng Nam để đến hồ Inle, cách 3km. Lúc này tôi mới thực sự thấy rõ qui mô và cách tổ chức của hoạt động du lịch tại đây, qua hình ảnh các bến và nhà bán vé, cũng như những con thuyền phục vụ đưa đón khách. Tất cả đều gọn ghẻ, trật tự, không có vẻ “chụp giựt”như các điểm du lịch nổi tiếng ở nước ta. Nhà đón khách thì rất hoàn chỉnh theo phong cách truyền thống, nằm dọc theo bờ kinh, phía dưới là san sát những con thuyền phục vụ đưa rước, về hình thức, không đẹp và thanh thoát như các vỏ tắc ráng của ta, càng thua xa những chiếc ca nô du lịch trên sông Kwae ở Thái Lan. Có thứ nhỏ gọn, chở khoảng 8, 10 người, mỗi người 1 băng có áo phao treo trên lưng ghế, đôi khi cũng có những chiếc lớn hơn với băng ghế hoàn chỉnh, màu sắc đẹp đẻ, dành cho những đoàn khách du lịch đông. Tuy nhiên, các thuyền đều có đáy sâu và be gió cao nên an toàn hơn, tất cả dường như đều được lắp máy công suất lớn, giống như vùng sông nước Miền Tây, cho nên đạt tốc độ khá cao. Hoạt cảnh các con thuyền xé gió băng đi giữa lòng kinh, tung bọt trắng xóa là thật sự rất ấn tượng, nếu tay nghề cao, người nghệ sĩ có thể săn cho mình những tấm ảnh đẹp, còn 2“lều nhiếp ảnh” miền Tây Nam bộ, với 2 con Cà nông tầm tầm, cũng cố hết sức bắn ít phát…mang về khoe mọi người!






http://www.phuot.vn/attachment.php?a...9&d=1410358729






Con kinh nhỏ Nyaungshwe thật sự dậy sóng trước mắt chúng tôi ngay khi chưa kịp rời xa khu vực chợ, những chiếc xuồng cao tốc tung bọt trắng xóa, xuôi ngược đan xen nhau, khiến mọi người ai nấy cũng đều thích thú, máy ảnh cứ đưa lên bấm lấy được những sôi động đang diễn ra trên làn nước đục ngầu. 



Bắt đầu xuôi kinh Nyaung Shwe đi xuống hồ Inle.



Con kinh Nyaungshwe với những xuồng cao tốc tung bọt trắng xóa!









Cảnh thanh bình trên kinh Nyaung Shwe.



Khoảng chừng10 phút sau thì thuyền ra khỏi kinh Nyaung Shwe, vào phần phía Bắc hồ Inlay, tại đây tôi thấy có nhiều nhánh nhỏ, chúng tôi đi thẳng nhánh trước mặt, trong lúc vài chiếc khác chạy chếch sang phải, len vào một rạch nhỏ, lúc bấy giờ tôi tự hỏi sao họ không đi thẳng ra, mà đâm đầu lại đất liền? Về sau tôi mới biết trước mặt tôi là những “đảo cỏ” bềnh bồng trên môi trường không ổn định được chia cắt bởi các luồng nước nhỏ chạy dọc ngang, và mảnh đất liền bên tay phải tôi đang uốn lượn lên xuống nhịp nhàng theo lượn sóng nhấp nhô không phải là đất liền.



Phía trước mặt là những “đảo cỏ”.


Nhìn sau lưng, 2 bên cũng là những “đảo cỏ”(tôi tạm dùng tên gọi này cho tiện), còn ở giữa là các con thuyền du lịch làm dậy sóng hồ Inlay.


Hồi còn làm việc ở Cần thơ, tôi cũng đã từng trồng những cây cam trong môi trường nước hoàn toàn có sục khí, trong những chậu che kín, để theo dỏi một số chỉ tiêu về dinh dưỡng, kỹ thuật hydroponics, cây sống mạnh khỏe bình thường, dù là cây thân mộc lớn. Về sau các thế hệ kế tiếp đã cãi thiện hay hơn rồi chuyển giao công nghệ ra đại chúng để sản xuất rau sạch. Bây giờ, tại đây, tôi đang chứng kiến một nông trường ứng dụng hydroponics truyền thống để sản xuất rau màu, thậm chí tôi còn thấy cả những vườn chuối phát triển tốt tươi trên nền “đất” thường xuyên uyển chuyển như những đường ren viền lai áo! Do đây là kỹ thuật tự phát của người Intha bản địa, nền “đất” trồng cây là sự kết hợp của những rác bả thực vật tích tụ lâu đời, bện chặt thành một khối dày, lúc nào cũng bảo hòa nước nhờ mao dẫn từ dưới hồ lên, nhờ vậy các loại rau màu ngắn hạn như cà chua, bí đỏ, các loại đậu…rất thích hợp để trồng trọt nơi đây. Trường hợp những cây chuối là một đặc biệt mà tôi chứng kiến!
Tôi không biết có phải đây là nông trại thủy canh lớn nhất trên thế giới không; nhưng chăc chắn sản phẩm trồng tại hồ Inlay này thì…sạch từ gốc đến ngọn!



Những vườn chuối trồng trên mảnh đất nổi được trên nước!



Một xóm cư dân sống trên mặt hồ Inlay, phía tay phải.


Bên tay trái, cặp theo "đảo cỏ" là một chiếc "tàu đò" chở những người Intha, Pa Oo... đi chợ về.




 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630233 visitors (2116308 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free