01/01/2015
Cảm quan đối với một hoàn cảnh, một sự kiện bên ngoài hoặc một tình trạng bên trong cơ thể đều tùy thuộc vào cách nhìn hay thái độ của mỗi người.
Vậy thì tâm trạng sướng hay khổ, buồn hay vui đều là những trạng thái tâm lý rất tương đối, tùy theo cách suy nghĩ cũng như tùy theo tâm tánh lạc quan hay bi quan của mỗi người.
Rượu được rót vào ly, có người thì cho rằng ly rượu chỉ được nửa lưng trong khi người khác thì nói rằng ly rượu được nửa đầy.
Nửa đầy hay nửa lưng?
***
Ai cũng có thể chuyển đổi một cảm giác phiền muộn, sầu não thành một trạng thái dễ chịu hơn, một biến cố ngoài ý muốn thành một dịp may, một thất bại thành một sự thành công nếu biết chấp nhận hoàn cảnh và thay đổi tư duy của mình.
Suy tư (photo NTC 2014)
*-Cách thứ nhứt:
Nên có thái độ biết lùi lại trước một chướng ngại. Lùi lại có nghĩa là chúng ta không để tâm sân hận xâm chiếm dẫn dắt ta, không để sự bực bội, giận dữ lôi kéo ta cũng như không để những tình cảm tiêu cực thí dụ như buồn bực, lo âu, sợ hãi, ghen tức, v.v...chi phối đầu óc chúng ta.
Trong giai đoạn nầy, chúng ta cần phải có một sự phân tách trong sáng về hoàn cảnh, về những nguyên nhân thật sự của vấn đề đã xảy ra? Đâu là những nguyên nhân chánh?
Thông thường thì chúng ta hay phản ứng lại một cách nhanh chóng dưới sự thúc đẩy của tình cảm và của thành kiến. Nên gỡ bỏ miếng da che mắt ngựa ra để có tầm nhìn rộng rãi và bao quát hơn.
Theo Phật giáo thì không có cái gì là thật cả, tất cả đều là giả, là vô thường mà thôi.
Phải biết buông xả!
Cần nên đặt mình vào một vị trí cao hơn những tình cảm nhất thời.
*-Cách thứ hai:
Nên nhớ rằng trước một vấn đề không phải chỉ có một cách giải quyết duy nhứt, mà có thể còn có rất nhiều cách khác nữa.
Tất cả đều tùy thuộc vào lăng kính, vào nhãn quan cũng như vào góc cạnh mà chúng ta đứng nhìn.
Nếu tư tưởng chỉ hướng đơn thuần vào một giải pháp duy nhất và chẳng may nếu giải pháp nầy tỏ ra xa vời thực tế, không thực hiện được thì lúc đó chúng ta sẽ buồn bực và vô cùng thất vọng.
Tinh thần sẽ trở nên căng thẳng tột độ.
Tùy theo cách suy nghĩ mà chúng ta sẽ cảm thấy bớt khổ, sẽ thấy dễ chịu và tâm sẽ trở nên thanh tịnh hơn.
*-Cách thứ ba:
Hãy can đảm tìm cách thay đổi.
Hãy thiết lập cách giải quyết vấn đề dưới dạng một cái thang có nhiều bậc đi từ dễ tới khó.
Chúng ta bắt đầu bằng cách dễ nhất để lần lần đi đến cách khó nhất.
Cần phải xác định những phương pháp, và kế hoạch hành động vào mục tiêu nhằm có thể giúp vào sự thay đổi nhưng không làm tổn hại đến một ai hoặc đến môi sinh.
Muốn điều khiển thiên nhiên thì phải tuân theo những định luật của thiên nhiên, bởi vậy người ta thường hay nói: “Việc tốt nhất có thể làm khi trời đang mưa lớn là cứ để cho nó mưa”
*-Cách thứ tư:
Phải biết chấp nhận những hoàn cảnh không tùy thuộc nơi mình, mình không thể nào thay đổi hay làm gì khác hơn được.
Dù muốn dù không thì chuyện cũng đã vẫn xảy ra rồi. Thí dụ như tình trạng bệnh tật, tuổi tác già nua, sự ra đi của người thân, bị cướp giựt ngoài đường, bị kẹt xe trong giờ cao điểm ngoài xa lộ, vân vân và vân vân.
Có những trường hợp, những hoàn cảnh, hoặc những con người mà chúng ta không thể nào thay đổi được...
Thí dụ có những cây con mà chúng ta có thể can thiệp làm cho nó mọc thẳng đứng lên, nhưng có những cây khác dù cho với tất cả lòng nhẫn nại và đức tin, chúng ta cũng vẫn không bao giờ làm cho nó mọc thẳng đứng lên đuợc mặc dù đó là những cây còn nhỏ.
Mỗi người chúng ta là mỗi cây riêng biệt và không giống nhau.
Nó có thể thay đổi theo chiều cao, về độ sâu, về bề ngang qua sự bung ra của lá cành xum xê và không theo một thứ tự có thể tiên đoán trước được.
Chấp nhận không có nghĩa là chúng ta đồng ý một cách miễn cưỡng với sự việc đã xảy ra.
Chấp nhận là nhìn nhận sự kiện trên có thể xảy ra cho tất cả mọi người dù cho chúng ta có đề phòng chu đáo cách nào đi nữa thì nó cũng vẫn xảy ra như thường.
Các thành phố kẹt xe nhất Canada (Photo AVB)
Thayđổi tư duy để cho bớt khổ
Tùy theo cách nhìn, có thể có hai trường hợp sau đây:
1) Tất cả mọi sự thay đổi trong cuộc sống hoặc trong tình trạng kinh tế xã hội đôi khi sẽ giúp chúng ta bớt bị ràng buộc cũng như giúp chúng ta có được nhiều sự tự do mới.
2) Tất cả mọi thay đổi có thể sẽ lấy đi mất đi những thói quen và áp đặt chúng ta phải tuân theo một cách sống mới khác hơn xưa. Chúng ta phải biết chấp nhận và cố chịu đựng.
Mỗi người chúng ta đều hoàn toàn có tự do trong cách suy nghĩ và chuộng theo hướng nào mà mình cảm thấy thích hợp cho mình nhất.
Kết luận
Nếu không thay đổi được hoàn cảnh như ý mình mong muốn, thì chúng ta đành phải chấp nhận nó vậy thôi.
Muốn bớt khổ, chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn vấn đề cũng như phải biết thích ứng vào hoàn cảnh hay vào tình thế mới.
Rồi, thời gian sẽ là liều thuốc hay giúp chúng ta quen dần với tình thế mới!
Tham khảo:
- Thượng Tọa Thích Nhất Chân. Ý nghĩa sướng khổ và Niết Bàn, nhìn theo quan điểm Phật Giáo
- Nguyễn Thượng Chánh
-Bến bờ hạnh phúc
-Tâm an trong nghịch cảnh
-Chấp nhận cuộc đời
-Hãy sống từng ngày một
-Bình thản trong tỉnh thức
Montreal Jan 1, 2015