.
  31 ngày lang thang p16
 
9/3/2014

 
 


Phần 16
 
8 tháng 1


Chúng tôi rời đền Bayon, trở lại chỗ dựng 2 chiếc xe đạp, không khóa và không người trông giữ, he he, vẫn còn nguyên một cặp. Thật tình mà nói, nếu là nơi nào đó ở trong nước, tôi không dám mạo hiểm bỏ 2 con bike nhỏ “dễ thương trị giá 200$ US” này ngoài tầm kiểm soát đến gần cả giờ như thế. Chúng quá nhẹ để ai cũng có thể bỏ vô cái bao rồi vác lên vai như các người móc bọc, cũng như quá nhẹ để đưa lên tuk tuk rồi chở đi đâu đó.Ở đây, trên đất nước Chùa Tháp này, điều đó không xảy ra, khiến làm quặn một nỗi đau âm ỉ trong lòng: dân ta sao giờ đây quá tệ, tham lam, gian dối…khắp nơi. Nghĩ cho cùng, bản chất người dân Việt không hề như vậy, nên vẫn hiên ngang tồn tại suốt 4.000 năm, mặc cho bao thế lực, cường quyền… biết bao lần thôn tính. Hồi tôi còn nhỏ, Quốc Văn Giáo khoa thư, đơn giản dạy học trò: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, …không cần phải khẩu hiệu “lên gân”, không cần phải “đấu tranh” sắc máu,…mà xã hội sao nhiều lòng nhân hậu, không giống như bây giờ, ngày nào cũng nhan nhản tin tức cướp của, giết người, chặt tay, đập đầu,…Nghèo khổ không hẳn là nguyên nhân chính, mà trách nhiệm của giáo dục (nói chung)… mới chính là nguyên nhân! 
Bà xã lấy hết “lương khô” mang theo ra nhai tiếp trong lúc tạm nghĩ chân. Một cậu thanh niên mon men bước tới, chào hỏi bằng một giọng Ăng lê khá tốt. Chúng tôi “giao lưu” cho cậu một gói bánh lạt AFC“Kinh đô”. Thì ra cậu ta là chủ xe tuk tuk đang đậu bên lề cạnh 2 con bike của tôi, 26 tuổi, độc thân, là trụ cột nuôi cha mẹ già và một em trai còn đi học, anh chị lớn đều đã có gia đình riêng.
Cậu ta đề nghị chở chúng tôi đi thăm vài ngôi đền còn lại rồi đưa luôn về khách sạn Saphir với giá 5$ US .
Bây giờ là 15h chiều, thật tình mà nói, từ sáng tới giờ chúng tôi đã tận dụng được 2 con bike một cách rất đáng đồng tiền bát gạo, nhưng đồng thời cũng đã “đày đọa” 2 cặp giò già rất đáng…bát gạo đồng tiền! Đã đạp lọc cọc hàng chục cây số, đã bang càng tôm thêm vài ngàn thước vào đền, rồi vừa leo vừa bò lên các nấc thang, len lỏi qua các hành lang …bây giờ, cứ nghĩ lại phải đạp tới thăm 1, 2 ngôi đền nửa, rồi tiếp tục 10 km quay về khách sạn, thì thiệt tình tôi thấy …ớn chè đậu trong lòng!





Mây Nimbostratus đang đè nặng trên bầu trời Angkor.

Còn điều này nửa, bầu trời giờ đây không còn “hanh nắng”, mà đang nặng nề một loại mây gây mưa, Thầy tôi, Trần Đăng H. dạy môn khí tượng hồi 45 năm trước, nói: mây Nimbostratus, ở độ cao khoảng 2.000 m, có màu xám nặng nề…báo hiệu cơn mưa có thể sắp xảy ra! …Bây giờ là lúc phải sử dụng chút kiến thức mà Thầy đã dạy, tiên đoán khí tượng để kịp thời ứng phó, chứ cứ “chơi bạo lấy tiếng…ngu”, tiếp tục tà tà đạp xe qua Ta Keo, Ta Prohm…rồi gặp mưa bất tử, chẳng xem được gì mà còn khổ sở…ướt mèm, thì đúng là ngu thiệt!
He he, vậy thì lên tuk tuk thôi!
Cậu lái xe mừng rở xếp phụ 2 con bike, đặt cẩn thận lên xe, khi chúng tôi yên vị, thì những giọt mưa đầu tiên cũng bắt đầu làm ướt đất, thiệt là may!
Từ đây ra khỏi cổng Angkor Thom cũng gần 2km, lại chạy tiếp về hướng Đông thêm 1.000m mới tới Ta Prohm.
Quyết định lên xe tuk tuk thật kịp thời, đúng lúc; dọc đường đi thấy 2 bạn Tây ba lô đang gò lưng trên con bike bự mà thấy…thương!





* Đền Ta Keo
Trước khi tới Ta Prohm, xe chạy ngang Ta Keo, nếu trời không mưa chắc chắn chúng tôi sẽ vào thăm đền này, bây giờ thì chỉ có thể nhìn từ xa.
Ta Keo, xây dựng vào khoảng từ năm 968 đến 1001, dưới thời vua Jayavarman V, trước cả Angkor Wat và Angkor Thom, có lẽ là ngôi đền còn tương đối nguyên vẹn, có thể do bởi số phận hẩm hiu vì là ngôi đền duy nhất chưa hoàn thành và chưa hề sử dụng. Người cho xây dựng nó, Vua Jayavarman V đột ngột qua đời, công trình vừa xong phần thô, chưa thi công phần chạm khắc, cũng dừng ngay việc hoàn thiện.
Dẫu sao nó cũng là một chứng tích, giải thích qui trình xây dựng các đền tháp Angkor, xếp đá xây đền trước, điêu khắc trang trí sau. Ngoài ra, chính cái thô của công trình dang dở lại đang bày ra sự vững chắc, vẻ đồ sộ và qua đó người đời sau mới hết lời khâm phục tài nghệ của các kiến trúc sư xưa! 





Qua khỏi Ta Keo một đổi là tới Đền Ta Prohm. 

* Đền Ta Prohm.

Do Vua Jayavarman VII xây dựng theo phong cách Bayon, đền Ta Prohm còn có tên là đền Rajavihara (nghĩa là đền Hoàng gia), nhằm tưởng niệm mẹ vua là Hoàng Hậu Jayarajachudanami.
Đền Ta Prohm thuộc loại đền phẳng, có kích thước 700x1000 mét, được xây dựng vào thời kỳ cực thịnh của đế chế Khmer, vì vua Jayavarman VII là một Phật tử Bắc Tông, nên đền cũng vừa là tu viện vừa là trường học Phật giáo. Đương thời nơi đây có khoảng 12.000 người sinh sống. Khi đế chế Khmer suy tàn, vương triều sụp đổ đền Ta Prohm cũng như các đền khác trong quần thể Angkor, bị bỏ quên giữa rừng già nhiệt đới, suốt mấy trăm năm dài.
Cậu lái xe dừng tại một cổng thả cho tôi xuống, rồi hẹn gặp lại tôi ở cổng phía bên kia, đó là qui trình thăm đền Ta Prohm, vào bằng một cổng và ra bằng cổng phía bên kia. Bà xã quyết định không thăm đền, chắc vì mỏi chân, vì trời đang mưa và vì…không an tâm khi bỏ lại 2 chiếc xe. Ôi có những nỗi sợ không biết từ bao giờ, nó đã thấm vào tâm một cách “quái quỉ” như thế, và thật thích biết bao khi sống trong một xã hội mà ai cũng có lòng tự trọng, khiến ta không phải bận tâm lo lắng chuyện “tầm phào” !
Trời mưa không lớn, nhưng đủ rả rít, thấm người nếu không có dù che, nhờ nó tôi có thể an tâm chụp ảnh mà không sợ ướt mình. Đường đi vào đền có khá nhiều du khách, sắc màu của dù, của áo,…khiến giữa cây rừng âm u như rực rỡ hẳn lên. Một dàn nhạc ngủ âm của những nghệ nhân Campuchia, vốn là nạn nhân của bom mìn thời chiến tranh Pol Pot, họ tấu lên những bản nhạc quen thuộc tiêu biểu cho quốc tịch của nhóm du khách đi ngang, để nhận được ít tiền do …làm cảnh để chụp hình kỷ niệm. Dẫu sao, đây cũng là một hình thức xin tiền có văn hóa và nhân hậu! Do trời mưa, nên có vẻ ban nhạc bị thất thu!



Ảnh này tôi mượn tạm trên net, xin chân thành cảm ơn tác giả.


Từ cổng vào đền cũng khá xa, con đường đất pha cát băng xuyên khu rừng đầy cổ thụ, hứa hẹn một một phế tích giữa chốn hoang sơ đang chờ nơi phía trước. Dù trời mưa, nhưng rất nhiều du khách vẫn đang hào hứng đến thăm đền…Trong khung cảnh hoang sơ của khu rừng già nhiệt đới, những cây Tung cổ thụ đang gây tò mò cho khách đến tham quan.








Một chiếc cầu gỗ bắc ngang qua con đường đá dẫn vào đền, nhằm bảo vệ cho di tích không tiếp tục bị bào mòn bởi hàng triệu, hàng triệu bước chân của du khách viếng mỗi năm. Đây là việc làm kịp thời để giữ gìn di sản thế giới!





Vừa bước chân qua khỏi cầu gỗ, bên tay trái, tôi chứng kiến ngay dấu tích một phần đền đá đổ sụp bên gốc cổ thụ già, trong khi bên phải vẫn còn nguyên một góc mái của ngôi đền phẳng Ta Prohm.






 
 
Theo một vài thông tin mà tôi biết, trong số những ngôi đền lớn tại khu vực này, Ta Prohm là đền bị tàn phá nặng nề nhất. Không hiểu sao, cùng mất tích dưới tán rừng sâu ẩm ướt, trong một khu vực tập trung gần nhau, vậy mà Ta Prohm lại bị tàn phá bởi thiên nhiên dữ dội như thế: những cây Tung, Knia khổng lồ, đã như những cánh tay bạch tuộc, bấu chặt lấy ngôi đền, bấu chặt đến nỗi dường như không thể nào thoát ra, bấu chặt đến nỗi làm vở tan những mảng tường đền lớn, dù đó là đá tảng cứng chắc và nặng nề! 





Đền Ta Prohm là hình ảnh tiêu biểu của sức mạnh thiên nhiên, sự vũng chắc của đền tháp, đã không chống chọi nỗi với thời gian và sức công phá của cây rừng! Tưởng rằng sự công phá ấy làm mất đi một công trình vĩ đại, sẽ phá hoại dần cái ngôi đền tồn tại suốt ngàn năm; nhưng may mắn thay, phát hiện của các nhà khoa học đầu thế kỷ 20 đã làm hồi sinh khu đền cũ và Ta Prohm bổng trở nên một tuyệt tác sáng tạo bởi con người và uy lực của thiên nhiên.
Giờ đây, cái cảnh hoang tàn đổ nát với những rễ cây khổng lồ, không thể gặp ở nơi nào như thế, trở thành điểm thu hút đặc biệt của biết bao du khách và các nhà nghiên cứu, các nhà làm nghệ thuật.




















Khu phế tích Angkor bổng trở nên ồn ào, náo nhiệt kể từ khi bộ Phim Tomb Raider, Bí mật ngôi mộ cổ, do diễn viên Angelina Jolie đóng, công diễn trên toàn thế giới . Ấy cũng bởi vì bối cảnh chính được quay là ngôi đền Ta Prohm hoang phế một cách kỳ dị này.
Giờ đây, “kẻ hủy hoại” lại đang được quan tâm chăm sóc “ngang hàng” cùng với đối tượng “bị hại”, cả hai phải “cộng sinh” để cho đời luôn có được một tác phẩm tổng hợp bởi sự sáng tạo của con người và tác động của thiên nhiên. Tác phẩm này là một tuyệt tác nghệ thuật khổng lồ, chắc chắn sẽ có những thay đổi sau vài thập kỷ bởi sự biến dạng chậm chạp, không ngừng của những cổ thụ rừng xanh. 





Bảo tồn di tích và bảo tồn cổ thụ là 2 nhiệm vụ chính mà các nhà quản lý và khoa học phải thực hiện song song, chiếc khiên và lưỡi kiếm, phải cùng tồn tại trong một cuộc chiến “sống, còn”. Một nhiệm vụ không hề đơn giản!
Trời mưa rả rít trên những hình tượng cổ quái trong một khung cảnh hoang tàn của đền tháp, khiến không khí càng thêm âm u, huyền bí. 
Bước chân tôi len qua những hành lang tối, những vách đá ẩm ướt rêu xanh, không thể tưởng rằng hồi gần ngàn năm trước, nơi này từng có vạn người nhộn nhịp tới lui, sinh sống trong một xã hội giàu có, thịnh vượng!
Cũng như nhiều nơi khác trong khu di tích, Ta Prohm đang dần được khôi phục những nơi hư hại nặng, dĩ nhiên không được thay đổi cái hồn xưa, làm nên giá trị của kỳ quan!



 Còn tiếp
 
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630126 visitors (2115745 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free