.
  31 ngày lang thang p15
 
2/3/2014

 
 


Phần 15
...
5 tháng 1
Hindu là tôn giáo mà các Vương triều Khmer theo, kể từ vì vua lập quốc Jayavarman II đến vua Suryavarman II, người cho xây dựng Angkor Wat.
Sau khi Suryavarman II băng hà, Vua Jayavarman VII lên ngôi, vì là 1 Phật tử, vương triều Khmer từ bây giờ cải đạo sang Phật Giáo, dấu ấn Phật giáo bắt đầu hiện diện trong các ngôi đền tháp này, thậm chí các vị thần trong Ấn giáo cũng dần được “cải đạo” theo! Tôi không rành lắm về tôn giáo, nhưng thấy rằng sự giao thoa “Ấn-Phật” này có lẽ cũng bởi nhờ sự tương đồng cơ bản về “hành trình đến giác ngộ”, về bản chất “hướng thiện” của giáo luật.
Ngày nay, Angkor Wat được thế giới biết đến và ngưỡng mộ bởi vì qui mô của 1 đền tháp bằng đá vĩ đại và nhất là bởi vì những phù điêu được tạc trên khắp các ngóc nghách của đền.
Còn Bayon, như đã nói, là đền tháp của những khuôn mặt Phật khổng lồ với nụ cười bí ẩn. 54 tháp Phật 4 mặt sắp xếp như một “ma trận” trong một khu đền do vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ 12.
Nàng Mona Lisa của Leonardo Da Vinci, chỉ một nụ cười mà đã làm chao đảo cả thế giới nghệ thuật; đền Bayon với 216 gương mặt cùng ngần ấy những nụ cười, mà không nụ cười nào giống nụ cười nào, đã để lại cho đời một “kiếm tìm” thú vị trong giới nghệ thuật lẫn các khoa học gia. 
216 khuôn mặt khổng lồ trên các tháp đá, tưởng là giống nhau, nhưng thật sự lại ẩn chứa những bí mật riêng của mỗi một nụ cười. Và gương mặt ấy là ai vẫn còn là một dấu hỏi, là hiện thân của vua Jayavarman VII hay của thần Lokesvara, là thần Shiva hay Quán Thế Âm Bồ Tác? Robert J.Casey, các nhà khoa học Trường Viễn Đông Bác Cổ, học giả Coedes chuyên về Angkor học…đều có đưa ra những giả thuyết của mình, như thế, nhưng …bí mật vẫn còn đó, như sự bí ẩn diệu kỳ của các nụ cười Bayon! 








Chúng tôi lần bước theo những lối đi hẹp len lỏi qua các tháp đá mang những khuôn mặt Bayon, thật sự khó thể định hướng được khi di chuyển trong cái “ma trận” kỳ lạ này. Và dường như ở chỗ nào chúng tôi cũng bị nhìn thấy bởi các đôi mắt Bayon, ở chỗ nào tôi cũng bắt gặp được 1, 2, 3…khuôn mặt với nụ cười bí hiểm. Mà theo tôi, thật sự có nụ cười nào mà không bí hiểm nếu nó chỉ là hình ảnh còn lại của chủ nhân nụ cười, nhất là những nụ cười hoàn toàn độc lập với “ngử cảnh” chung quanh. Chỉ có tác giả của nụ cười, là chủ nhân hay là người khắc họa nụ cười ấy, mới có thể giải thích cái ý nghĩa của nó. Nhưng thôi, chính cái sự “không rõ ràng” ấy, khiến nụ cười thành bí hiểm, chính cái sự không được giải thích ấy, khiến nụ cười trở thành một giá trị luôn được kiếm tìm, đó là điều thú vị mà người xưa để lại cho đời sau, điều thú vị khiến tất cả trở thành như bất tử!











Riêng tôi, trộm nghĩ như sau: Tôi đã nhìn thật lâu một khuôn mặt Phật, rồi nhìn thật lâu một khuôn mặt Phật khác. Dĩ nhiên cả 2 không thể giống nhau, ngay cả chính 1 khuôn mặt thôi, cũng đã khác đi sau 1 lần chớp mắt, sau một lần di chuyển góc nhìn. Vậy mà rồi, tôi, riêng tôi cũng “thấy” một giống nhau đến lạ lùng của toàn bộ những mặt Bayon mà tôi bắt gặp, đó là nét “từ bi” thể hiện tuyệt vời trên các khối đá vô tri!
Phải chăng đấy chính là cái bí ẩn mà người xưa đã cố tình để lại, một bí ẩn thật giản đơn giữa cái “ma trận” rối rắm của tháp đền; giống như cái “tánh bổn thiện” rất tự nhiên của con người vậy mà rất nhiều kẻ phải kiếm tìm hết sức mà không có được, trong cái thế giới ta bà đầy “ma mị” này!






Ánh mắt Bayon như nhìn thấy ta ở khắp nơi, với lòng từ bi…






…và với tôi, dù khi đã rời khỏi nơi này, vẫn chắc chắn nhớ hoài khuôn mặt Phật, hiền hòa và nhân hậu!



 
Còn tiếp

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693279 visitors (2230474 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free