.
  Trở lại Liberia
 
17/8/2014

 

  TRỞ LẠI LIBERIA

         Phạm Thanh Khâm

 

 

 

Có Học Chưa Hành

        Nghỉ hưu trí từ đầu năm 2008, tôi dành thì giờ tiếp tay với con cháu làm nhiều việc nhà không tên. Vào một ngày trong lành, bạn Cao Hữu Dũng từ thủa xa xưa ở Võ Tánh Nha Trang, mang một trong số máy ảnh digital tốt của anh vừa bán “sale” cho tôi vừa rũ tôi gia nhập nhóm ảnh nghệ thuật của anh. Anh tiết lộ với chiếc máy ảnh này anh đã có nhiều ảnh đẹp và một trong số ảnh đã mang lại cho anh giải nghệ thuật trong năm. Để có một ít hiểu biết về ảnh nghệ thuật, tôi đã tham dự với anh trong một lớp chụp ảnh nghệ thuật do Hội Ảnh ở Houston tổ chức trước đây. Thêm nữa, tôi ghi tên học hai khóa học về Photoshop và Corel Draw vì tôi không muốn “trở về bến mơ” khi gặp một ông cựu giáo sư A-Phú-Hãn ở New York mang một lô các lọai máy ảnh về quê xưa của ông chụp nhiều hình ảnh đẹp (đựợc viết trong phần chót bài “Kabul Còn Khói Mù”). Mọi dự tính của tôi lại bị dỡ dang. Chỉ có học làm ảnh nghệ thuật mà chưa có hành, vì tháng 6/2008 tôi được mời trở lại làm việc cho một dự án của USAID (United States Agency for International Development).

Lên Đường

        Công việc chính là làm chuyên gia nông nghiệp trong khuôn khổ Viện trợ Hoa Kỳ (USAID Technical Assistance to the Ministry of Agriculture) cho nước Liberia. Trong một bài viết ngắn trước đây tại Kabul về chuyện “Kim Cương Nhuộm Đỏ” tôi đã tóm lượt về giá “blood diamond” của nước Liberia có Tổng thống đầu tiên là người nô lệ da đen trở về từ Mỹ. Những Tổng Thống sau lần lượt bị giết bởi những người tiền nhiệm. Tôi chỉ ghi dưới đây một phần được mục kích trong ngày đảo chánh của Trung sĩ Doe hai mươi tám năm về trước. Năm 1979, dân chúng xuống đường cướp gạo, tiếp theo mười lăm năm nội chiến triền miên đã biến tiểu quốc này khánh kiệt. Cơ sở hạ tầng bị phá hủy, vô số ngưởi chạy lánh nạn đến các xứ khác. Chánh phủ mới được tái lập. Để trấn an dư luận quần chúng và tránh cảnh cướp bóc lương thực như đang xảy ra trong 37 nước trên thế giới, đương kim nữ tổng thống Ellen Johnson Sirleaf tự trồng đám ruộng lúa sau vuờn cạnh ngôi nhà của bà vùng ngoại ô Monrovia.

        Dựa vào các kết quả điều nghiên của Ngân Hàng Thế Giới và FAO năm 2007, Cơ quan Viện Trợ Hoa Kỳ USAID nhận lãnh phần tái thiết nền nông nghiệp của đất nước này. Tôi lên đường đến Monrovia với một khế ước ngắn hạn. Có điều khác là lần này bác sĩ đã phải khám nghiệm kỹ cho một người cao niên như tôi trước khi lên đường đi Phi Châu, nhận thêm một mũi thuốc chủng sốt rét vàng (Yellow fever).

        Nhớ lại hai mươi tám năm về trước, vào một buổi sáng đẹp trời, tôi cũng đã đến Monrovia bằng chuyến bay hãng hàng không SABENA. Cùng xuống tàu với vài hành khách, tôi hết đổi ngạc nhiên vì không thấy bất cứ một viên chức nào làm việc, không ai kiểm soát passport, hành lý, không có phương tiện chuyên chở về downtown Monrovia, chỉ gặp rải rác vài người lính trong quân phục tác chiến đi lại trong hành lang. Tôi biết ngay có biến động gì đó đang xảy ra trên đất nước này. Muốn trở lên tàu rời phi trường ngay nhưng máy bay đã cất cánh. Hành lý của tôi chỉ có vài đồ dùng cá nhân cho ba ngày công tác đến Liberia. Tôi đi bộ ra khỏi phi trường chừng một cây số, bắt gặp một chiếc xe du lịch, tôi điều đình với chủ nhân chở tôi đến một hotel trong thủ đô.

        Quản lý khách sạn cho tôi biết Trung sĩ Doe đang đảo chánh. Vặn nghe đài BBC cũng loan tải như vậy. Tôi đã thoáng nghĩ việc đảo chính giết Tổng Thống, mang xử bắn một loạt các Ông Bộ Trưởng không ảnh hưởng đến mấy chục ký lúa giống cao năng xuất (high yielding rice varieties HYV)) mà tôi đã dàn xếp với Trung Tâm Khảo Cứu Lúa Gạo Quốc Tế Vùng Tây Phi Châu WARDA để mang về cho chương trình lúa gạo ONADER nước Guinea đầu thập niên 1980. Tôi đã lầm vì sáng ngày hôm sau tôi đến trụ sở WARDA gặp vị Tổng Giám Đốc. Mặt mũi Ông bí xị. Ông cho biết Ông như người bị liệt, đang thương lượng với cấp chỉ huy quân đội đảo chánh của Trung sĩ Doe hoàn trả tất cả xe cộ của WARDA cùng các xe của những nhà khảo cứu lúa gạo quốc tế làm việc tại trung tâm này. Ông xin lỗi tôi đã không cung cấp được lúa giống như đã hứa vì trường hợp bất khả kháng. Sau này tôi phải đi một chuyến thứ hai đến Trung Tâm Richard Tolls miền Bắc Senegal mang về Guinea 50 kí lô luá giống HYV.

        Lần này đến Monrovia cũng bằng hãng Brussels Airlines (SABENA cũ). Phi trường vẫn cũ kỹ như xưa không có thêm kiến trúc mới, và Liberia ngày nay thiếu thốn mọi thứ. Tháng 6/2008 lại là tiết mưa ngâu ở Monrovia. Cơ hội để tôi có dịp cho trồng vài cây sã. Điều này gợi cho tôi nhiều điều thú vị. Đọan viết sau đây là những tản mạn về sã để chia xẻ với đồng hương đọc giải trí cho vui. 


        Điều hành hay cố vấn cho các chương trình phát triễn nông nghiệp trong nhiều thập niên là những việc làm kỹ thuật. Nhưng việc trồng mít, trồng sã của tôi ở Phi Châu mang nhiều nét “văn hóa “ tha hương của tôi. Như chuyện “Mít” ở Cameroon cho tôi cảm tác mấy vần thơ nhớ cố hương. Việc trồng sã của tôi cũng mang sắc thái tương tự. Chỉ có khác là sã cho người trồng sản phẩm dùng được sau thời gian ngắn. Nhớ lại khi còn ở Guinea, tôi có mấy đám sã trồng trong vườn, những bà Việt Nam như Madame Diallo, Madame Barry… thường đến mang về nấu ăn cho các restaurants của họ. Mấy bà vợ Tây trắng của các đồng nghiệp mang về chuẩn bị thức uống sã nóng thay trà nóng hay cà phê sau mỗi bữa ăn.

        Hai hàng sã tại căn nhà của tôi ở Cameroon tuy đã biến mất theo thời gian vẫn còn lưu giữ trong tôi những kỷ niệm đẹp. Thay vì cho trồng hai hàng bông dọc theo lối đi từ cổng vào sân nhà, tôi cho trồng hai hàng sã. Nhìn kỹ căn nhà chỉ có mít và sã. Mười lăm cây mít tơ chưa ra trái (đầu thập niên 1990), nhưng hương thơm của sã và hoa rừng của đồi N’Kolbisson mang lại vào những buổi chiều vàng ngày cuối tuần cho tôi và những khách quí đến thăm một khung cảnh thơ mộng. Trong số khách quí có Anne thích hai hàng sã và mỗi khi ra về không quên mang theo các bó sã. Anne rời Việt Nam đến Bắc Âu lúc còn bé thơ qua một hội từ thiện để được giải phẫu một khuyết tật bẫm sinh và được một gia đình hào hiệp Bắc Âu nhận làm con nuôi. Anne tiếp nhận giáo dục bản xứ và trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Các chàng trai da trắng Bắc Âu không tìm được chỗ đứng trong tim Anne.

        Trong số người các nước Phi Châu được gởi đi tu nghiệp tại Bắc Âu, Anne có “love at first sight” ngay với một y sĩ màu da đen theo học cùng trường. Họ cưới nhau, dắt nhau về quê chồng, có chung nhau ba con gái kháu khỉnh và cùng mở phòng mạch để cứu người. Anne không tin duyên nợ, chỉ tin ở hiện tượng sinh học hình thành từ năm lên bảy lên tám như đã được dẫn chứng trong cuộc nghiên cứu sự kết đôi giữa người nam và người nữ tại các kibbutz nước Do Thái, vì đâu có “love at first sight”. Nhưng không may qua một tai nạn, người bạn đời vĩnh biệt Anne. Cô gái Việt nửa chừng xuân, vẫn còn xinh đẹp như nhân vật duyên dáng trong tác phẩm của Khái Hưng, gặp nhiều nan đề sau đám tang chồng.

        Số phận góa phụ đối với anh em trai nhà chồng: tái giá với họ theo tập tục? Anne khẳng định với từ ngữ nguyên văn: - Jamais (Không bao giờ). Gia đình nhà chồng cùng tập tục bộ lạc đối với tài sản chung của Anne và chồng: Chia? Anne cương quyết vẽ chiến tuyến: - C’est la guèrre (Vang động cả bộ lạc nhà chồng). Đang đêm có người muốn phá cửa cố xâm nhập gia cư để gặp góa phụ hay hôi của? Anne đi ngay vào phòng riêng mang cho tôi xem cây súng trường nạp đạn chờ bóp cò để sẵn ở đầu giường. Anne tự đặt câu hỏi ai sẽ chung sức cưu mang ba con, và Anne đưa ngay câu đáp: - Tìm châu đáy biển. Sinh lộ duy nhất đễ dùng khối óc và bàn tay là phải trở lại Bắc Au. Nhưng tại các cửa khẩu, nhà chồng đã dàn xếp không để có tên ba bé gái và Anne được đi qua. Nan đề gai góc này của Anne là bằng cách nào. “Out of Africa” có lẽ là tựa đề của Anne và ba bé gái lai Việt trong tự truyện họ có thể kể sau này. Nhân một dịp ghé Paris mấy năm sau, tôi gặp đồng nghiệp cũ trở về từ Cameroon cho biết Anne và ba con đã có mặt tại Bắc Âu.

        Nhớ lại những năm tháng còn ỏ Cameroon với nhiều lần ghé thăm Anne nơi làm việc hay tại nhà, Anne thường kể nhiều mẫu chuyện vừa thương tâm vừa dí dõm. Tại thành phố nơi làm việc của Anne, có khoảng hơn hai mươi người vợ da trắng gốc Đông Âu và Nga theo các đấng lang quân về quê chồng. Một số bị thương tích sau các cuộc tranh cãi vấn nạn đa thê của đức lang quân. Họ đến nhờ Anne săn sóc vết thương trên cơ thể. Tôi có hỏi thêm là họ có cầu cứu những ai khác hơn sự săn sóc của Anne. Câu trà lời dí dõm như sau: - Chánh án rất công minh nhưng họ ngại không may gặp một vị chánh án giống đức lang quân của họ thì chỉ thấy con kiến đi kiện cũ khoai!

        Tôi tin với sự dìu dắt của người mẹ can đảm, tư cách, ba cháu gái của Anne sau khi thành tài, chắc chắn sẽ tìm về cội nguồn quê cha ở Phi Châu, quê mẹ ở Việt Nam.

        Nhìn mấy cây sã ở Monrovia nhờ mưa ngâu bén rễ lên xanh tốt, tôi có được mấy câu thơ mở đầu trang tạp ghi của mùa hè 2008:

 Ở Liberia

 Lại trồng sã

 Chờ nấu thế trà

 Nhớ người phương xa.

        Chuyện cây sã và chuyến công tác trở lại Liberia còn dài. Xin hẹn các bạn một dịp khác.

 

Viết tại Monrovia, ngày nghỉ cuối tuần 22/6/2008
Phạm Thanh Khâm

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638667 visitors (2128099 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free