.
  Tuần lễ cuối...
 
1

 


 

 

   

Phạm Thanh Khâm

 

 

       Tiếp theo các chuyện dài á phiện ở A-Phú-Hãn, kim cương nhuộm đỏ ở bốn xứ Tây Phi Châu, chuyện đường xa kỳ này đề cập nguyên do bắn giết lẫn nhau vì Uranium ở xứ Niger, và lý do đưa đến đánh nhau ở Liberia.

 

        Như thường lệ ngày cuối tuần tôi đi “eat out” tại những nhà hàng khác nhau có an ninh cho thực khách. Royal Hotel có khung cảnh ấm cúng của một nhà hàng chuyên bán đồ ăn Nhựt Bổn. Tôi đến sớm; thực khách còn thưa; ba đầu bếp còn rảnh tay. Khi thấy tôi có mang chiếc máy ảnh, họ vui vẻ cho tôi vào bên trong để có ảnh dưới đây.

 



Ba đầu bếp tại sushi bar của Royal Hotel Monrovia .
Ảnh chụp ngày 27/7/2008

 

       Bên cạnh ghế ngồi của tôi có vài thực khách lần lượt đến. Chúng tôi chào hỏi xã giao và mỗi người thưởng thức cá tươi như salmon sashimi, cùng các món khác của xứ Phù Tang như dragon um, yellow tail sashimi… mang ra, thỉnh thoảng hỏi thăm vài chuyện lòng vòng. Tôi nghe thoáng môt thực khách nói có manh nha biến động tại Niger. Rời sushi bar trở về phòng, tôi vào đọc báo để biết tin tức thế giới trên internet. Niger cũng là nơi tôi đã từng đến làm việc, nên tìm vào đọc xem Niger ngày nay ra sao. Đọc được tin Reuters loan tải, tôi hình dung được nội tình không sáng sủa cho vùng này. Uranium thay vì mang lại phúc lợi cho họ. Con dân của nước Niger đang phải trả giá mắc hơn bằng xương máu của họ.

 

        Niger có mỏ uranium nhiều nhứt thế giới, chính phủ Niamey đã cấp 100 licenses khai thác, gồm hai hãng lớn của Trung quốc Sino-U và hãng Pháp France’s Areva. Nước nào trên thế giới muốn đeo đuổi chương trình hạt nhân đều dòm ngó đã làm giá tăng 900% trong năm năm qua. Hiện nay giá 1 pound quặng uranium là 135 $US. Niger đang sản xuất 3,500 tấn uranium hàng năm. Sắc dân Tuareg đòi chia từ 20 đến 30% số tiền bán chính phủ thu được vì số mỏ uranium lớn nằm trong vùng của họ. Nhà lãnh đạo của chính phủ trung ương không chịu. Thế là đánh nhau. Nào là nhân viên của hãng khai thác bị bắt cóc, nào là lực lượng chính phủ và phe Tuareg bắn giết lẫn nhau.

 

        Nhớ lại trong nhiều năm trước đây khi còn làm việc ở Niger, tôi thường gặp người của sắc dân Tuareg. Tuy họ chỉ chiếm 8% dân số Niger, nhưng sắc dân này có mặt ở Mali, Algeria, Burkina Faso, Libya với tổng số hơn 1.2 triệu người. Họ là dân du mục thường xuyên qua sa mạc Sahara buôn bán chà là, dầu thơm, đồ gia vị và buôn bán người nô lệ. Họ có khăn che miệng mũi màu xanh nên được gọi tên “ Blue men of the desert”.

 

        Tôi nhớ một lần ghé lại nơi ăn ở của một viên chức làm trong dự án. Anh là người Tuareg có màu da sáng hơn. Ở sở làm anh là một người cởi mở có kiến thức, vừa về đến nhà anh có ngay những người nô lệ trong nhà đến phục dịch từ việc tháo giày, cất mũ áo, phục dịch mọi việc nhà. Họ không phải là người giúp việc bình thường mà là những người nô lệ. Ngày nay chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại.

 

        Trở lại nước Liberia, nguyên do đánh nhau cũng vì tranh quyền lợi. Hậu duệ những người trở về từ Mỹ (Americo-Liberians ) thao túng chính trường và nắm hết quyền lợi kinh tế. Người bản xứ (indigenous peoples) nổi loạn đánh nhau chí tử. Liên Hiệp quốc vào can lập chính phủ chuyển tiếp cho Chairman Gyde Bryant (2003-2005). Từ 2006 chính phủ hiến định được dân bầu nữ Tổng Thống Ellen Johnson Sirleaf. Người lánh nạn ở các nước lân bang lần lượt trở về. Rải rác trong những bài viết ngắn gần đây tôi có phát họa một quốc gia Liberia phải tái thiết lại từ đầu. Viện trợ từ nhiều quốc gia đến chỉ cấp cứu không có tầm mức qui mô. Họ cần hàng tỷ đô-la mới phát triển nhanh. Số ngân khoảng lớn lao này phải đến từ các cơ quan tài chánh quốc tế như IMF, Ngân Hàng Thế Giới, IFAD, v.v.. Liberia còn mắc số nợ tích lũy chưa trả cho họ từ các chính phủ trước. Họ nêu nguyên tắc phải trả nợ cũ mới vay nợ mới. Liberia khánh tận lấy gì để trả nợ cũ. Hiện đang có dấu hiệu sẽ đi đến quyết định xóa số nợ cũ cho Liberia nộp đơn xin vay số tiền lớn để tái thiết.

 

        Tổng Thống Doe có nguồn gốc từ “indigenous peoples” cai trị gần 10 năm, bị giết để lại nhiều căn nhà hoang phế. Căn nhà có ảnh dưới đây cách Bộ Canh Nông chưa tới 200 thước, mỗi ngày đến sở, xe của tôi đều đi ngang.

 

 

Một trong nhiều căn nhà hoang phế gần 20 năm của cố Tộng Thống Doe ở Monrovia . Ảnh chụp từ trên xe ngày 29/7/2008


        Các Tổng Thống tiền nhiệm có nguồn gốc “Americo-Liberians”. Đương kim nữ Tổng Thống có màu da sáng, người dân nói có nguồn gốc hợp chủng Đức- Congo. Văn phòng của bà tạm đặt tại Bộ Ngọai Giao chờ sửa chữa dinh thự của quốc trưởng. Các nước ở lục địa đen không có nữ Tổng thống, ngoại trừ Liberia, nhưng đàn bà ở xứ của bà vẫn còn giới hạn quyền lợi cũng như quyền trước pháp luật. Chẳng hạn ở nông thôn Liberia, đàn bà không được quyền chia của cải của chồng. Luật của chính phủ mới ấn định được chia 1/3 tài sản của chồng. Luật mới nói con trai con gái thừa hưởng đồng đều đất đai của cha để lại, nhưng trên thực tế con gái nhận được rất ít so với con trai. Theo kết quả nghiên cứu năm 2006, tỷ lệ số con gái chỉ chiếm 25% tổng số học trò học hết chương trình tiểu học.

 

        Trên đây chỉ là vài nét tiêu biểu lấy trong các tập phúc trình dày cộm do FAO, Ngân Hàng Thế Giới, IFAD điều nghiên vào cuối năm 2006. Phần tôi, trong chuyến đi này vừa viết xong bản phúc trình Mission Report 110 trang để lại cho Bộ Canh Nông Liberia và soft copy cho cơ quan viện trợ Mỹ USAID. Trước khi đến hãng Brussels Airlines lấy vé máy bay trở lại Hoa Kỳ, tôi có ảnh dưới đây.

 

 



Ảnh của tôi chụp ngày 31/7/2008 để kỷ niệm những ngày tháng làm việc với một Bộ Canh Nông Liberia còn thiếu thốn từ nhân viên đến phương tiện làm việc.

 

       Chuyện đường xa xin tạm ngưng ở đây. Tôi trở lại nhà ở Houston trong vài ngày tới.

 

 

 

 

 

 

Viết tại Monrovia ngày chuẩn bị giã từ Liberia 1/8/2008
Phạm Thanh Khâm
 

 

 

 

 

1/5/2014


 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693449 visitors (2230984 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free