Chuyên gia Phạm Thanh Khâm
Đối với nông nghiệp, mưa là yếu tố cần thiết cho việc canh tác, rừng núi xanh tươi. Nhưng dân chúng ở thành thị như tại Monrovia, mưa đang làm họ khốn đốn với nhà cửa rách nát đường sá lầy lội. Thiên nhiên không ưu đãi họ với lượng nước mưa hàng năm trên 4 thước. Sau hai ngày mưa to gió lớn, tờ báo mỏng giá bán 30 Liberian dollars (0.5 $US) đăng dày đặc sự ngập lụt và thiệt hại từng khu phố. Monrovia có nhiều khu phố mang những tên đặc thù như phố Congo town, Logan town v.v. tương tự như Ba Mươi Sáu Phố Phuờng ở Hà Nội, khu Bàn Cờ ở Sài Gòn. Ảnh dưới đây cho thấy khu phố chợ Ninh-Hòa vào thời ly loạn vẫn còn may mắn hơn.
Một khu phố đổ nát hậu quả sau 15 năm nội chiến tại Monrovia. Ảnh chụp từ trong xe vào ngày mưa 23/7/2008
Ngày nghỉ cuối tuần này cũng là một ngày mưa to gió lớn, không lẽ chỉ ngồi trong phòng nhìn mưa rơi, tôi quyết định đi “eat out” tại một tiệm ăn Tàu ở khu Paynesville. Đến tiệm không thấy đèn tôi tưởng họ đóng cửa, vừa lúc đó một cặp vợ chồng lái xe tới tiệm cùng ý định như tôi. Chúng tôi đẩy cửa vào, chủ tiệm nói thời tiết quá xấu, máy phát điện riêng trục trặc sao đó không chạy. Nếu chúng tôi muốn ăn, thức ăn có thể chuẩn bị chu đáo nhờ lò gas. Phòng ăn không có đèn điện nên các màng cửa sổ của tiệm được vén cao để lấy ánh sáng từ bên ngoài. Mưa ngoài trời tiếp tục rơi. Chỉ có một bàn có nhiều ánh sáng nên chúng tôi cùng ngồi chung với nhau.
Ngày mưa ở khu Paynesville, Monrovia. Ảnh chụp ngày 20/7/2008
Tiệm ăn chỉ có chúng tôi nên tha hồ muốn ngồi đến khi nào đi cũng được. Chúng tôi không xem thực đơn chỉ yêu cầu chủ tiệm đề nghị các món có thể làm được ngay. Qua vài câu giới thiệu xã giao và chờ thức ăn mang ra. Ông bạn thực khách mới quen tự giới thiệu mình là một nhà văn đã xuất bản nhiều sách đủ thể loại. Để minh chứng lời nói ông bạn mới quen ra xe lấy một quyển sách mới tái bản ghi giá bán 30 Mỹ kim. Đọc nhanh trên trang bìa thấy ghi xuất bản lần đầu bán được 50,000 quyển. Tôi không có thì giờ duyệt hết các trang sách để rõ qua nội dung chỉ nhìn trang đầu tôi biết viết về thần đạo học. Đoạn kế tiếp nói về tác giả. Anh là một nhà truyền giáo trẻ, chủ tịch tổ chức “The World Progressive Awareness Organization”. Đã xuất bản một tác phẩm khác nhan đề “The Hidden Path To Prosperity & Life”. Để quyển sách trên bàn chúng tôi trao đổi nhiều mẩu chuyện khác nhau
Mở đầu câu chuyện tôi hỏi ở Liberia thấy có rất nhiều nhà thờ, vậy số người sùng đạo chắc phải đông. Anh làm ngạc nhiên tôi với câu trả lời không chắc như vậy. Có lẽ anh đang chuẩn bị viết quyển sách mới, anh đề cập với tôi về cuốn phim “Roots” trình chiếu mấy mươi năm trước tại Mỹ đã gây xô xác đen trắng tại nhiều trường học. Tôi nói đã có xem phim này. Như một cơ hội hiếm có, anh bắt đầu hỏi tôi đưa nhận xét của người di dân mới đến định cư ở Mỹ, việc thích nghi vào dòng chính Hoa Kỳ (main stream) và vấn đề kỳ thị tại đất nước mới ra sao. Tôi nói câu hỏi quá rộng, không thể tóm lược trong những lời mạn đàm ngắn ngủi. Tôi chỉ kể vắn tắc sau 34 năm tôi ở những thành phố nào ở Mỹ. Cho con kiến học hành làm sao, những cố gắng làm việc để mưu sinh. Anh nói gia đình tôi có được phước lành. Đến lượt tôi hỏi anh.
Tôi và tác giả Franklin Todd cùng tác phẩm. Ảnh chụp ngày 20/7/2008
Anh cho biết anh sinh ra ở Mỹ và học tại Mỹ, anh có vợ là người Đài Loan. Anh muốn trở lại Monrovia để viết về “Black African Culture”, và nghiên cứu về thần học. Anh viết tặng tôi quyển sách để trên bàn. Tôi nói sẽ giữ kỷ niệm bút ký của anh vì biết anh đang tìm về nguồn cội, sẽ tìm hiểu them hậu duệ những người nô lệ trở về từ Mỹ và đề cập những người bị người da trắng vứt xác xuống biển Đại Tây Dương trong nhiều chuyến chuyên chở người nô lệ đến tân thế giới vào các thế kỷ trước.
Đề cập đến sự phát triển không đồng đều giữa người trắng và người đen ở Mỹ, anh đưa nhận xét rất tinh tế về cái vòng lẩn quẩn cho số người đen không tìm được việc làm, không có huấn nghệ hay học hành đến nơi đến chốn, không có lợi tức. Một số trẻ đen ở những khu nghèo tại thành phố Mỹ có khuynh hướng theo con đường “short cut” do từ nền tảng gia đình lỏng lẻo, Anh ca ngợi sắc dân Á châu ở Mỹ chú tâm đến việc học và huấn nghệ của con cháu.
Trở lại đất nước Liberia, anh chỉ đề cập đến vấn đề giáo dục. Anh vừa đưa ba ngón tay vừa nói họ cần có “good school, good road, good government”. Tôi cười và nói đã đọc mấy chữ này ở trong quyển sách dạy Anh Ngữ từ thuở xa xưa ở Sài-Gòn. Chúng tôi lại mở đầu nhiều câu chuyện đường xa khác. Mưa bên ngoài tiếp tục rơi. Đã hơn hai giờ, đến lúc phải ra về. Tôi từ giã vợ chồng anh, trao đổi địa chỉ email, hẹn sẽ đọc được tác phẩm tiếp theo của anh. Tôi được một ngày thoải mái nói chuyện nhiều thể loại với một nhà văn trẻ da đen, kiêm nhà truyền giáo.
Mưa tạnh trong chốc lát, tôi không quên dừng lại thăm bốn cây sã. Mỗi bên cửa ra vào 2 cây như ảnh dưới đây. Sau mùa mưa chắc chắn sẽ có đủ nhánh sã trồng một đám sã lớn.
Sã được trồng tháng 6/2008 tại Montrovia. Ảnh chụp ngày 23/7/2008
Như được viết trong bài “Trở lại Liberia”, cây sã đã gợi lại tôi nhiều kỷ niệm đẹp từ nhiều thập niên qua. Lần đi công tác Phi Châu này tôi có thêm dịp mở ra một trang mạng mang tên nơi xưa chốn cũ của quê hương mình. Thực hạnh phúc vừa ngồi viết vừa nghe tiếng đàn dương cầm của Trần Lộc, nghe độc tấu đàn tỳ bà củaNguyễn Thị Kim Loan. Ngừng viết trong chốc lát nghe lời giới thiệu của Thu Phương trong chương trình đọc chuyện, của Thi Thi trong chương trình ngâm thơ. Tiếp tục viết bài trên cái laptop, nghe tiếng hát của Trần Thị Minh Nguyệt, Lương Lệ Huyền Chiêu, Hà Thị Thu Thủy.
Để kết thúc bài tạp ghi đường xa mưa trên phố Monrovia vào ngày nghỉ cuối tuần, tôi đề nghị các bạn đọc bài “Có Ai Đó Đang Thức Khi Chúng Ta Đang Ngủ” củaThục Minh.
Viết tại Monrovia ngày nghỉ cuối tuần 26/7/2008
Phạm Thanh Khâm
|