.
  Sài Gòn P1
 
18/9/2014

 


Phần 1
 
                    Nhà Bè nước chảy chia đôi                            
                    Ai về  Gia Định Đồng Nai thì về.
                       Gió đưa cành trúc là đà  
               Tiếng chuông Xá Lợi, canh gà Thủ Thiêm
         ( Thay đổi cảnh quan Hà Nội tiếng chuông Trấn Võ , canh gà Thọ Xương  bằng  Xá Lợi tên một ngôi chùa ở trung tâm  Sài Gòn, Thủ Thiêm là một địa danh ở cạnh sông Sài Gòn đối diện cột cờ Thủ Ngữ )  
                      Ai về Bà Điểm Hóc Môn,      
                 Hỏi thăm người  ấy có còn hay không.
                        Để tôi kiếm  sợi chỉ hồng,
                Chờ ông Tơ bà Nguyệt kết vợ chồng đôi ta.
                      Chừng nào Chợ Lớn hết vôi,
                 Em đây hết đứng , hết ngồi với anh.
                       Đất Sài Gòn nam thanh nữ tú ,
                 Cột  cờ Thủ Ngữ  cao thiệt là cao .
                       Em thương anh vàng vỏ má đào,
                Tìm anh khắp chốn nhưng nào thấy anh.     
                       ( Ca Dao Miền Nam  về  Sài - Gòn )
                          Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn!
                            Ăn ở vui thú nơi nơi …
                   Dù võng nghênh ngang chợ Điều Khiển,
                     Quan quân  rầm rập cầu Khâm Sai .
                         Vào Chợ Qúan, ra Bến Nghé,                           
                       Xuống Nhà Bè, lên Đồng Nai.
                         Coi ngòai rạch Bà Nghè ,
                     Dòng trắng hây hây tờ quyến trải .
                          Ngó lên Giồng Ông Tố ,
                       Cây xanh mịt mịt lá chàm rai.  
                        Dưới Bến Nghé hát lẳng lơ ,
                       Giọng con đò, giọng con rỗi .
                           Cây da Thằng Mọi,
                    Coi bán đủ thuốc xiêm, cau mít .
            Cái  cầu Cao Mên ( Cầu  Bông thuở trước ),
                    Thấy làm  nguyên cột  vấp ván trai .
             Trên cây Da Còm (ở ngòai Chợ Đũi,  đường Chợ Lớn Bến Thành)
                        Nỡ để ông già gùi đội,
    Dưới đường Cầu Khắc ( nay là cầu Bà Châu)                     
                      Chi cho con  trẻ lạc lài.
    Đường Nước Nhỉ ( cũng có tên Xóm Lá Buôn) chảy tiu tiu,
                Người thương khách  lại qua hóng mát.   
   Quán Nước Lên( Ngã Tư  Rạch Lào  bây giờ) dòng dờn dợn,
                  Khách bộ hành tắm gội nghĩ ngơi ….  
         
   ( Trích Gia Định Vịnh, ghi lại một số địa danh Gia Định - Sài Gòn  thời xưa - Saigon d’autrefois, Trương Vĩnh Ký chép ra quốc ngữ, năm 1882 )  


 
         Vị Trí, địa lý ,  hành chánh
 
         Tháng 7 năm 1976 , Sài Gòn đổi tên thành Thành Phố Hồ Chí Minh ( TP HCM) , nhưng từ Sài Gòn vẫn thông dụng trong dân gian Việt Nam, trong nước hay các giới Việt Kiều.  Từ Sài Gòn hay dùng để  nói tới  các quận đô thị trấn không thuộc  Vùng Thành Phố nới rộng, không bao gồm các huyện nông thôn, đặc biệt là để chỉ Quận 1. Từ Sài Gòn có thể bắt nguồn   theo Hán Tự là Sài, có nghĩa là củi và Côn có nghĩa là  gậy, côn đánh  võ,  rồi dần dần việt hóa thành bông gòn, loại cây họ Gòn ta  Bombacacae, thường là lòai Bombax ceiba - Gòn rừng  hay Gạo rừng , một đại mộc thân luôn luôn có gai,  hoa hường hay đỏ, rụng lá mùa khô, hay lòai Ceiba( Bombax ) pentandra  là Gòn ta, Silk Cotton tree,  Kapokier, một đại mộc thân vỏ xanh, có gai hay không  hoa trắng, có hoa rồi mới rụng lá, cả hai không phải là cây Baobab  lòai Adansonia  grandidieri, một đại  mộc dạng như cây Gòn ta, hoa trắng nguồn gốc Phi Châu có đem về trồng ở Huế. Lâu ngày dân gian đọc ngắn lại thành từ Gòn, Sài Côn thành Sài Gòn ( ? ). Cũng có thể  đó là những cây bông gòn- kapokier , dân Miên xưa đem trồng  quanh một địa danh  Miên  gọi là Prey Nokor còn tìm thấy ở Miếu Thờ Cây Mai  và vùng lân cận. Theo Truong Mealy, Cựu Giám đốc Nội các Hòang gia vua Norodom Sihanouk, tên chánh thức của Prey Nokor là Preah Reach Nokor theo Miên là  Thành Phố Hòang Cung - Royal City,  lâu ngày biến đổi  thành Preykor, có nghĩa Miên là  rừng cây bông gòn - kapok forest  phát sinh ra từ Sài Gòn ( cây Kapok tiếng Miên và tiếng Chàm là Kor  và tiếng Việt là Gòn, bông gòn).  Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc Hội khóa 6 , chánh thức đổi tên  Sài Gòn  thành Thành phố Hồ Chí Minh, tiếng  Anh là HCMCity và tiếng Pháp là HCMville .           
  Sài Gòn - TP HCM nằm vào vùng Đông Nam nước  nhà, cách Hà Nội về phía Nam 1760  km ( 1 090 dặm Anh ).  Tọa độ là 10046’10” vĩ tuyến Bắc và 106040’55” kinh tuyến Đông.   Bắc giáp  hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương. Nam giáp Biển Đông với bờ biển dài 15km ( 9 dặm Anh ). Đông giáp   tỉnh Đồng Nai  và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Tây giáp  tỉnh Long An. Diện tích Sài Gòn là 2 095km2( 809 dặm Anh vuông), chiếm  0.63 % tổng diện tích Việt Nam ). Trải dài  đến huyện  Củ Chi  ( cách biên giới Căm Bốt  12 dặm Anh hay 19km  )  xuống đến Cần Giờ  cạnh Biển Đông. Khỏang cách từ  điểm xa nhất ở phía Bắc - điểm cực Bắc (  là xã Phú Hưng huyện  Củ Chi ) đến điểm cực Nam ( Xã Long Hòa , huyện Cần Giờ )  là 102km (  63 dặm Anh )  và từ điểm  cực Đông  ( phường Long Bình quận 9 )  đến điểm cực Tây  ( xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh )  là 47 km ( 29 dặm Anh ).


 
    Phân Chia Hành Chánh
 
   Sài Gòn là một thành phố xếp  ngang hàng các tỉnh Việt Nam Trung Ương quản trị. Từ tháng 12 năm 2003, Sài Gòn chia ra làm 24 đơn vị hành chánh.  5 đơn vị gọi là huyện ( quận huyện ? ) rộng tổng cọng  1601km2( 618 dặm Anh vuông ).  Đó là các huyện nông thôn: Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi  và Bình Chánh.  Số còn lại  rộng 494 km2 ( 191 dặm Anh vuông )  là các quận đô thị hay phụ đô thị từ quận 1, 2. 3... đến quận 9,  và các quận  Tân Bình, Bình Thạnh , Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân , Tân Phú và Gò Vấp.  Mỗi quận, huyện đều chia ra thành nhiều phường.  Tính đến tháng 12 năm 2006, Sài Gòn  gồm có 12 quận gọi số ( 1,  2… đến 11 , 12) , 6 quận tên địa danh cũ, 5 quận huyện ( ? ) nông thôn ngọai thành,  259 phường, 58 xã  và hai thị trấn. Đó là:   Quận 1  có 10 phường , diện tích 7,73 km2 năm  2006 , dân số  198032 người  tháng 10 năm 204, 180 225 tháng tư năm 2009,  187 435 năm 2010 và 185 715 năm 2011 ) ; Quận 2 ( 11 phường, 49.74 km2,  125 136 người năm 2004,   147 490 năm  2009 ,  140 621 năm 2010,  136 497 năm 2011 ) ; Quận 3 (  14 phường,  4.92 km2,  201 136 năm 2004, 190 553 năm 2009,  188 945 năm 2010,  188 898 năm 2011 ); Quận 4 ( 15 phường,  4.18 km2 ,  180 548 năm 2004 ,  180 980 năm 2009,   183 261 năm 2010 , 183 043 năm  2011 ); Quận 5   ( 15 phường, 4.27 km2, 170 367 năm 2004,  171452 năm 2009,  174154 năm 2010, 175 217 năm 2011 ); Quận 6  ( 14 phường, 7.19 km2 ,  241 379 năm 2004 ,  249   329 năm 2009 ,  253 474 năm 2010 , 2512 902 năm 2011 ); Quận 7 (  10 phường,  35.69 km2,  159 490 năm 2004,   244 276 năm 2009,  274 828 năm 2010,  265 997 năm 2011); Quận 8 (  16 phường , 19.18 km2,, 360 722  năm 12004 ,   408  772 năm 2009 ,  418 961 năm 2010 , 421 547 năm 2011);  Quận 9 (  13 phường,  114 km2,  202 948 năm 2004,  256 257 năm 2009, 263 486 năm  2010,  269  068 năm  2011); Quận 10 ( 15 phường , 5.72  km2,  235 231 năm 2004 , 226 854 năm 2009, 232  450 năm 2010 ,  234 188 năm 2011 ); Quận 11 ( 16 phường,  5.14 km2,  224  785 năm 2004,  226 854 năm 2009,  232  450 năm 2010,  238 188 năm  2011 ); Quận 12 ( 11 phường , 52.78km2, 290  129 năm 2004 ,    405 360 năm 2009 ,   4 27 083 năm 2010 ,  451 737 năm 2011) . Trong nội thành, còn có Quận  Gò Vấp ( 16 phường, 19.74 km2,   452 083 năm 20045 ,  522 690 năm 2009,   548  145 năm 2010,  561  068 năm 2011 ) :  Quận Tân Bình ( 15 phường ,  22.38 km2 ,  3987 569 năm 2004, 421  724 năm 2009 ,  430 436 năm 2010 ,  439 350 năm 2011 );  Quận Tân Phú(  11 phường, 16.06 km2, 366 399 năm  2004, 398 102 năm 2009, 407 924 năm 2010,  419 227 năm 2011);  Quận Bình Thạnh  ( 20 phường,  20. 76 km2,  423 896 năm 2004,  453  362 năm2009 ,   470 054 năm 2010,  479 733 năm 2011 );  Quận Phú Nhuận  ( 15 phường,  4.88 km2, 1765  293 năm 2004, 174 535 năm 2009, 175 175 năm 2010, 175  631 năm  2011 ); Quận Thủ Đức ( 12 phường,  47. 76 km2,  336 571 năm 2004,  442 177 năm 2009,  455 899 năm 2010,  474 547 năm 2011 );  Quận Bình Tân(  10 phường,  51. 89 km2,  398 712 năm 2004,  572 132 năm 2009,  595 335 năm 2010, 511 170 năm 2011 ).  Các  quận ngọai thành  ( hay huyện nông thôn ) là : huyện Củ Chi ( 20 xã  ,1 thị trấn, diện tích 434.5 km2,  288 279 người năm 2004,  343 155 năm 2009,   355 822 năm 2010,  362 454  năm 2011) ;  huyện Hóc Môn(  11 xã, 1 thị trấn , 109.18 km2,  245 4381 năm 2004, 349  065 năm 2009 ,  358 640 năm 2010,  363 171 năm 2011); huyện  Bình Chánh (  15 xã, 1 thị trấn, 252. 69 km2,  304 168 năm 2004, 420  409 năm 2009,  447 291 năm 2010, 465 248 năm  2011 ); huyện Nhà Bè  ( 6 xã, 1 thị trấn,  704.22km2, 72 740 năm 2004, 101 024 năm 2009, 103 793 năm 2010, 109 949 năm 2011 ); huyện Cần Giờ ( 6 xã, một thị trấn, 704.3 22 km2, 66 272  năm 2004,  68 846 năm 2009, 70 697 năm 2010,  70 499 năm 2011 )
   Như vậy  theo  Kiểm kê Dân số ngày  1 tháng 10 năm 2004, dân số Thành Phố là 6 117 251 người; 19 quận nội thành có 5 140 414 người  và 5 huyện nông thôn có  976 839 người.  Giũa năm 2007,   thành phố có   6 650 942 ; 19 quận nội thành có  5 564 975 và 5 huyện nông thôn có 1 885 967 người. Kiểm Kê Dân số năm 2009  cho thấy thành phố đã tăng lên đến 7 162 864 ngừời, nghĩa là 8.34 %   tổng số dân Việt Nam, dân số cao nhất nước . Đến cuối năm 2012  tổng số dân thành phố là  7 750 900 người , tăng thêm 3.1 % hơn năm 2011. Dân Kinh ( tộc dân Việt )  là đa số, chiếm đến 93.52 % tổng số dân Việt Nam.   Nhưng Sài Gòn - TP HCM  có tộc dân  Hoa ( Tàu ) đông nhất Việt Nam  chiếm đến 5.78 % tổng số. Chợ Lớn ở   quận 5 và  một phần các quận 6, 19 , 11  có cọng đồng Hoa - Tàu đông nhất Việt Nam.  Người Hoa nói nhiều thứ tiếng Tàu khác nhau như Quảng Đông - cantonnese,  Triều Châu - Chaozhou ), Phúc Kiến  ( Hokkien),  Hải Nam - HaiNan ,  Hẹ - Hakka, và rất ít ngươi hoa nói được tiếng quan thọai - mandarin .  Các tộc dân khác đáng kể khác là Khmer  chiếm 0.34 % và Chàm chiếm 0. 1% .                                                                        
Năm 2014 , ước lượng dân  số TP Sài gòn sẽ là 8 190 775 người ,  trên một diện tích là 2 095 km2 ( 809 .23 dặm Anh vuông ).  Diện tích Sài Gòn- TP HCM nếu bao gồm luôn cả Thủ Dầu Một , Dĩ An, Biên Hòa và môt phần các tỉnh bao quanh  sẽ  có trên 9 triệu người; hy vọng sẽ đạt 13.9 triệu người năm 2025.   
     
   Khí hậu , Thủy Văn
  
    Sài Gòn có khí hậu nhiệt đới, đặc thù hai mùa : mùa khô và mùa mưa. Ẩm độ khí trời  trung bình là  75 %. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1800mmm ( 71 ngón Anh ).  Mùa mưa, có 150 ngày mưa, thường bắt đầu từ tháng 5 đến cuối tháng 11. Mùa khô kéo dài từ tháng 12  đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình là 280C ( 82 0 F ). Nhiệt độ cao nhất  là 390C ( 1020F ) vào buổi trưa cuối  tháng 4. Nhiệt độ thấp nhất  có khi xuống dưới  160C ( 61 0 F )  vào sáng sớm cuối tháng 12 đến đầu tháng giêng.  Nhật chiếu hàng năm là  1486 giờ. . Tháng nhiều giờ nắng nhất là tháng 3 ( trung bình  272 .8 giờ) và tháng ít nắng nhất là tháng 9 (162 giờ).  
    Hai sông lớn  chảy  vào địa  phận Sài Gòn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn . Theo Đại Nam Nhất Thống Chí ( bản dịch  Pham Trọng Điềm và  Hòang Đổ sưu tập (2003 ): 1- Sông Đồng Nai tên cũ là sông Phước ( Phúc ) Long, còn có tên là sông Hòa Quí, ( là con sông duy nhất chảy hòan tòan trong lảnh thổ Việt Nam dài 635 km ) bắt nguồn từ các  động Man tỉnh Bình Thuận, hợp với sông Là Nha ( La Ngà ?  ) chuyễn  về phía Tây  qua núi Thần Qui , đến ngã ba sông Bé bẻ về phía Đông, vào huyện Phước Chánh, có nhiều nhánh sông hợp lại thành sông lớn, giữa sông nổi Hòa,  chảy xuống làm  sông Đồng Môn , hợp với sông  Bình Tân huyện Bình Tân , làm sông Phước Bình, vào phủ Phước Tuy  đến sông Ngã bảy, hợp với sông Kí huyện Long Thành  và sông Hương Phước  huyện Phước An mà ra biển ở  cửa Cần Giờ. Trước Biên Hòa ( nay là Bà Rịa ),  còn có sông Lai ở phía Đông Bắc  huyện Long Khánh, nguồn ra từ xã Bảo Chánh, chảy vào sông Xích Lam, sông Xích Lam thì ở phía Đông huyện Phước An, chảy ra cửa biển Xích Lam .  Tỉnh Gia Định  còn có 2  sông lớn  cũng bắt nguồn từ Cao Miên  tức là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, hai sông ấy  hợp với nhau, rồi hợp với sông Phước  Lộc từ sông An Thông chảy đến  mà ra cửa Sòai Rạp. Sông Đồng Nai ( tên  trước thời Pháp thuộc  là sông Phước- Phúc Long hay sông Hòa Quí  như vừa kể trên ) đã được mô tả nhiều ở hai bài khảo luận về các tỉnh Đồng Nai - Biên Hòa và  Bình Dương- Thủ Dầu Một, Lâm Đồng -Đà Lạt... rồi,  nên không nói thêm nữa .
  2- Sông Sài Gòn tức là sông An Thông, nguồn từ miền rừng núi  phía Đông nước Cao Miên, chảy về huyện  Bình Dương gọi là  sông Sài Gòn, có sông  Bình Dương  chảy vào thành sông Bến Nghé, cũng gọi  là sông Tân Bình, chuyễn về phía Bắc  rồi xuống phía Đông  đến ngã ba Nhà Bè  thành  sông Phước Bình mà ra cửa Cần Giờ;  đó là đường sông mà tàu bè từ cửa Cần Giờ theo để lên Sài Gòn.  Sông Sài Gòn đổ vào sông Nhà Bè ở khỏang giữa Tân Thuận và Nhà Bè. Ở đọan giữa, nghĩa là trong địa phận TP Sài Gòn, sông Sài Gòn  chảy giữa Củ Chi và Hóc môn (Gia Định ), Bến Cát và Lái Thiêu của tỉnh Bình Dương .Từ Lái Thiêu về đến Nhà Bè,  sông Nhà Bè chảy trong địa phận Gia Định qua các quận 12 ( An Phú Đông , Thạnh Lộc ), quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4( Tân Thuận ), quận 7 ( Nhà Bè ). Phụ lưu quan trọng  tả ngạn sông Sài Gòn là sông Thị Tính,  chảy trong địa phận Bến Cát ( Bình Dương ).  Hửu ngạn sông Sài Gòn  có những phụ lưu nhỏ và quan trọng là Rạch Láng The ở Củ Chi, nối liền  với hồ Dầu Tiếng  ( hồ nhân tạo  ở Tây Ninh rộng 27 000 ha ) bằng Kinh Đông của tỉnh Tây Ninh; Rạch Tra, ranh giới thiên nhiên giữa Củ Chi và Hóc Môn  nối liền với Rạch Trảng Bàng  của sông Vàm Cỏ Đông  qua Kính Xáng Thầy Cai; sông Vàm Thuật , ranh giới thiên nhiên giữa quận 12 ở phía Bắc và các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh ở  phía Nam.  Sông Vàm Thuật có 2 nguồn. Nguồn phía Bắc là Rạch Bến Cát  và nguồn phía Tây Nam là Rạch Bến Thượng. Nguồn Rạch Bến Thượng là Kinh Tham Lương; Rạch Thị Nghè có nguồn  là Kinh Nhiêu Lộc.  Rạch Bến Nghé và Kinh Đôi, nối liền  sông Sài Gòn  với  với sông Vàm Cỏ Đông qua Rạch Chợ Đệm và sông Bến Lức .Sông Bến Lức  và Kinh Chợ Đệm  tháo nước  vùng đầm lầy  Láng Le, Bàu Cỏ, Vườn Thơm,  Bà Vụ của quận Bình Chánh  ra sông Vàm Cỏ Đông nhờ một hệ thống  kinh rạch chằng chịt  ở phía Nam quận Bình Chánh …  
      Trên phương diện tài nguyên thiên nhiên  không thể không nhắc tới  vùng rừng sác , rừng ngập mặn quận-huyện  Cần Giờ nơi có hợp lưu các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai , sông Vàm Cỏ  sông Bé ( ? ) tạo   ra  hai sông   khá rộng  là sông Sòai Rạp chảy ra cửa Sòai Rạp và sông Lòng Tảo  chảy ra cửa Cần Giờ.  Nhắc lai là 291 000 ha tổng diện rừng ngập mặn trong thời gia Chiến Tranh Viêt Nam ( 1965 - 73 ? )  đã bị thuốc khai quang tàn phá nặng nề , mất  hết 100 500 ha.  Rừng sác  Cần  Giờ, năm 2000 còn tổng diện tích là 74 750 ha, trong đó  40 000 ha là rừng trồng lại  từ năm 1978 đến  1998.  Vùng rừng ngập mặn Cần Giờ  đã được UNESCO  công nhận là  Vùng Di sản  Sinh  cầu Thế giới - World Biosphere và  nay nhiều người xem đây là   phổi xanh - green lung  của TP Sài Gon City . Thật thế,  khu rừng Cần Giờ  đã kiểm kê được 127 lòai  cá tôm - nghêu -sò,  130 lòai chim, 30 lòai bò sát , 19 lòai động vật có vú và  52 loài thực vật. Vì là rừng ngập mặn,  lẽ dĩ nhiên là phải chứa nhiều lòai cây như mắm ( Mấm ) Avicennia sp. , vẹt  Bruguiera sp., bần Sonneratia sp. , đước Rhizophora sp.  …  Nhưng nổi  tiếng nhất  cho Lâm Viên Cần Giờ  là  có chừng 1000 con khỉ  ở  Đảo Khỉ  cách trung tâm Sài Gòn chừng 61 km và Cá sấu nước mặn - Salt water Crocodile .       
  
       Lịch sử Sài Gòn
    
  Từ đồn Prey Kor - Sài Côn 1623 đến  địa danh chánh thức Sài Gòn 1674 
      
      Vào  đầu thế kỷ thứ 17,  năm  1613  khi chúa Tiên Nguyễn Hòang từ trần, con là Chúa Sải Nguyễn Phúc( Phước ) Nguyên, lúc đó đã 51 tuổi ta, lên kế vị  cầm quyền Đàng Trong  từ 1613 đến 1635, theo di mệnh quyết tâm  xây dựng Đàng Trong thật mạnh  để chống lại chúa Trịnh Đàng Ngòai. Do đó ông giao hảo với các nước phương Nam  để củng cố vị thế .    Phía Nam nước ta lúc đó là Chiêm Thành và Chân Lạp.  Vua Chân Lạp  Chey Chetta (trị vì 1618- 1628 ) mới lên ngôi, cầu hôn với con gái chúa Sải công nương Ngọc Vạn, muốn kết thân  với Chúa Nguyễn để làm thế đối trọng với Xiêm ( Tiêm ) La ( Siam ,Thái Lan ngày nay ). Tưởng cũng nên nhắc lại là đế quốc Khmer hay Chân Lạp từ thế kỷ thứ năm đã bị những cuộc tấn công liên tiếp  của  các vua Xiêm La  Ayuthya là suy tàn. Bộ Đại Nam  liệt truyện tiền biên  đến mục  “ Ngọc Vạn”  ghi   rằng  Ngọc Vạn   là khuyết  truyện , nghĩa là không có tiểu sử. Nă m 1995, bộ gia phả  Nguyễn Phúc tộc thế phả, cho biết là vào năm  1620, chúa Sải  gả người con gái thứ nhì  là Nguyễn Phúc  Ngọc Vạn  cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II.  
   Ba năm sau ( 1623 )  cuộc hôn nhân  của Ngọc Vạn , chúa Sải  cử một sứ bộ sang Chân Lạp  xin vua Chey Chetta II , nhượng khu dinh điền  ở vùng Mô Xòai ( Mô Xuy ?), gần  Bà Rịa ngày nay.  Nhờ sự vận động của hòang hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp đồng ý  cho người Việt đến Mô Xòai canh tác . Đây là  lần đầu tiên,  Chân Lạp chánh thức nhận cho Việt Nam khai khẩn  trên đất Phù Nam, Chân Lạp  xem là thuộc địa lỏng lẻo của Chân Lạp. Sử ghi rằng năm 1665, có khỏang 1000 người Việt  vào lập nghiệp ở vùng đất mới này . Đồng thời chúa Sải cũng “ mượn “  đất Prey Nokor và Kas Krobei ( Bến Nghé ở quận 1 ngày nay )  lập đồn quân  và sở thuế bảo đảm an ninh  cho lưu dân Việt ở vùng Mô Xuy ( Theo LS Lưu Vĩnh Khương- 2006 ).  Prey kor đọc trại là Tài gòn- Sài Côn hay Sài gòn- Chợ Lớn ngày nay.  Theo Huỳnh Văn Lang- 2004, người Việt thật sự đã khai hoang lập ấp trước đó ba, bốn thập niên rồi. Theo  Pierre Dupont  ( B.S.E.I.-1949), nước Chân Lạp  cướp nước Phù Nam, nhưng chỉ  cướp được  cái phần đất  mà  nay là nước Căm Bốt  và  Nam Xiêm La  xưa mà thôi , còn từ  Nam Kỳ  ra tới Nha Trang, cũng là lảnh thổ Phù Nam  thì họ không bao giờ cướp đựợc cả . Nhà văn Bình Nguyên Lộc ( Tập san sử địa số19, 20 - 1970 )viết : vào giữa thế kỷ  thứ 1 7 cho đến năm 1900,  thì giữa Biên Hòa và Phan Thiết  là rừng rậm  của những bộ lạc  có con dân  làm nô lệ cho nước ta.  Đây là một vùng không có dân - nomansland , giữa 2 quốc gia Cao Miên và Chiêm Thành; cả hai  cố ý không khẩn hoang  một vùng rộng lớn để lấy rừng sâu  làm  thành lũy thiên nhiên, hầu chống xâm lăng. Các bộ lạc đó là Người Mạ, họ tự xưng là  Chi -au Mạ , sách biến âm Chi- au thành Châu, Châu Mạ ).  Không có tài liệu nào cho biết là   Chân Lạp chiếm  đất  Bà Rịa - Biên Hòa- Long Khánh cả thảy. Cứ lật hồ sơ hành chánh của Pháp, ta nhận ra rằng cho tới năm 1930, mà dân ta khẩn hoang chưa xong đất Đồng Nai- Củu Long, thì hẳn vào thế kỷ thứ 17, không có bao nhiêu  người Cao Miên  định cư ở vùng đất này. Trong tỉnh Biên Hòa đào được nhiều tượng Chàm, chớ không có  tượng Cao Miên nào hết. Trái với học giả tiền bối Trương Vĩnh Ký, những địa danh Việt Hóa ở Biên Hòa và Long Khánh mang dấu vết Mã Lai như Gia Ray ( Gia là sông , là nước nhà theo phương ngữ Mã Lai) không có địa danh nào  mang danh  tiếng  Cao Miên cả . Khác hẳn tên  Việt hóa từ tiếng Miên như Trà Vinh - Tra Peng,  Long Hồ - Longhor,  Mỹ Tho- Mêsor ...  
 Năm 1658,  khi vua Chân Lạp mất, nội bộ hòang gia Chân Lạp bất hòa, chú cháu tranh dành ngôi vua, sự việc không giải quyết được,  bèn sang cầu cứu  chúa Nguyễn. Chúa Hiền   sai tướng đem 3000 quân  đánh Mỗi Suy ( nay thuộc tỉnh Biên Hòa ), bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân( Ponhea Chan) đem về giam tại Quảng Bình  một độ, rồi tha cho về nước, nhưng phải hứa hàng năm triều cống và bảo vệ  người  Việt Nam lập nghiệp  trên đất  Nam Vang chiếm cứ. Năm 1674, nội bộ Chân Lạp lại có sự tranh chấp. Nặc Ông Đài ( Batom Reacha ? ) cầu viện  Xiêm La  đánh Nặc Ông Nộn ( Ang Non ). Nặc Ông Nộn  chạy sang dinh Thái Khang  ( tỉnh Khánh Hòa ngày nay ) cầu cứu. Chúa Hiền sai  các tướng Nguyễn Dương Lâm  và Nguyễn Đình Phái  sang đánh Nặc Ông Đài , phá được  các lũy Sài Gòn , tiến quân vây thành Nam Vang. Đây là lần đầu tiên  địa danh Sài Gòn thay vì Sài Côn  được dùng  trong  Chánh sử Việt. Con cháu  dòng thừa kế  là Nặc Ông Thu ( Ang Saur ) ra hàng, được lâp thành  Chánh Quốc Vương  đóng tại Long Úc. Riêng  Nặc Ông  Nộn( Ang Non )  được phong làm Phó Quốc Vương  đóng  tại Sài Côn . Cả hai đều được xem là chư hầu, hàng năm phải triều cống  chúa Nguyễn. Năm 1679, chúa Hiền cho quân tướng  Trần Thượng Xuyên  vào lập nghiệp tại  Lộc Dã - Bàn Lân,  thuộc Biên Hòa.  Năm  1698,  chúa Minh Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hửu Kính làm Kinh Lược đất Chân Lạp, lấy đất Đồng Nai  làm huyện Phước Long, và Sài Côn làm huyện Tân Bình, đặt dinh Trấn Biên - Biên Hòa và dinh Phiên Trấn -  Gia Định. Năm  1714,  quân của Nặc Ông Thâm, con của Nặc Thu,  chiếm thành La Bích, vây Nặc Ông Yêm con của Ông Nộn nguy cấp lắm.  Chúa Ninh Nguyễn Phước Trú sai Trần Thượng Xuyên phát binh sang đánh. Nặc Ông Thâm sợ hải bỏ  chạy. Trần Thượng Xuyên lập  Nặc Ông Yêm   lên làm vua Chân Lạp .  
     Theo Lâm văn Bé( Dòng Việt số 17 - 2005), lúc ban đầu, cuộc Nam Tiến là một  cộng cư giữa người  Việt, người Tàu  và người bản địa  ( Miên, Môn, Chàm ), để khẩn hoang một vùng đất vô chủ.  Sau đó đến thế kỷ thứ 18, những đất đai  vùng châu thổ Cửu Long và vùng ven vịnh Xiêm La  vua chúa Chân Lạp  lần lượt chuyễn nhượng, hoặc trực tiếp cho chúa Nguyễn, họăc gián tiếp qua tay dòng họ Mạc là những món quà đổi lại sự giúp đở  quân sự cho Chân Lạp, bảo vệ Chân Lạp  chống đỡ uy hiếp thường xuyên  của Xiêm La. Các đất đai  vua Miên  dâng tặng cho  chúa Nguyễn  không hẳn thuộc vua Miên, vì  từ sau khi Phù Nam tan rã, vùng đất này  chẳng bao giờ  được Miên kiểm sóat hay đặt bộ máy chánh quyền.  Đến năm 1768, cuộc Nam Tiến  coi như đã chấm dứt. Lảnh thổ Nam Kỳ  lúc này được chia ra  thành 3  ba vùng : Vùng Đồng Nai, bao gồm các tỉnh Miền Đông, Vùng Sài Gòn  bao gồm các  đất từ sông Sài Gòn  đến cữa Cần Giờ   và Vùng Long Hồ là đất các tỉnh miên Tây.
   Tháng 10 năm 1777, nghe tin Nguyễn Huệ  rút về Qui Nhơn, Nguyễn Phước Ánh thóat nạn ở  Long Xuyên  chạy ra tránh ở đảo Thổ chu ( Châu ),  cử binh tiến đến Sa Đéc , tháng 11,  đánh úp dinh Long Hồ và  tháng 12  chiếm lại Sài Côn.  Năm  1778, Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc lên ngôi hòang đế, niên hiệu là Thái Đức, phong Nguyễn Lữ làm tiết chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương  tướng quân. Đại Nguyên Súy  Nguyễn Phước Ánh lúc đó  mới 17 tuổi, sai đóng chiến thuyền  đắp lũy phong giữ Sài Côn, dựng nhà tông miếu, đặt công đường các dinh  Trấn Biên, Phiên Trấn ,Long Hồ , chứa lương thực Bắc Tiến đánh anh em Tây Sơn. Nguyễn Phước  Ánh tổ chức lại việc cai trị  đất Gia Định, chia vạch địa giới 3 dinh Trấn Biên  ( Biên Hòa sau này ), Phiên Trấn ( tỉnh  Gia Định và Đinh Tường)
 và Long Hồ ( An Giang và Vĩnh Long ). Dinh Phiên Trấn  chỉ có một huyện là Tân Bình gồm 4 tổng : Bình Dương,  Tân Long, Phước Lộc và Bình Thuận.  Năm 1789 , bắt được tướng Tây Sơn  là  Phạm văn Tham  ở Ba Thắc - Châu Đốc, Nguyễn Ánh  mới dẹp yên đất Gia Định. Năm 1790, sai  đắp thành Gia Định  xây theo kiểu bát quái xây dựng kỳ đài  ba tầng, tòa vọng đẩu  ban ngày kéo cờ , ban đêm  chong đèn  là hiệu lệnh cho các quân.  Thành xây theo kiểu Tây Phương  do Olivier de Puymanel và Theodore Lebrun trình bày. Trong thành có 8 con đường ngang dọc; ngòai thành là đường phố, chợ búa, dọc ngang la liệt, có thứ tự , hai bên đường  đều có trồng cây . Thật ra thì cuối đời chúa Nguyễn Phúc Thuần ( 1772) , Đại Phố Châu  ( Biên Hòa - Cù Lao Phố ) đã bị chúa Tây Sơn Nguyễn Nhạc tàn phá năm 1782,  hạ sát  tàn bạo, giết hơn  10 000  quân binh hay thường dân Minh Hương ( Lưu Vĩnh Khương  - 2006 ). Hoa thương đã rời bỏ  Đại Phố đến Bến Nghé( Chợ Lớn ), nơi  quân nhà Nguyễn trú đóng, dân cư đông đúc để được an ninh, dễ làm ăn hơn. Chúa Nguyễn đã  chỉ định vùng Sài Côn- Chợ Lớn ngày nay cho họ ở, lập phố xá buôn bán.  Từ đó Chợ Lớn mỗi ngày  mỗi phồn thịnh, trở thành  trung tâm thương mãi miền  Nam. Cũng theo Lưu Vĩnh Khương ( 2006 ) , năm 1821  một thương gia Anh ghé vào gia Định, “ không ngờ ở miền xa xôi này lại có một thành thị to rộng như thế, cách xếp đặt phố xá ở đây còn phong quang thứ tự  hơn nhiều kinh đô  châu Âu . Sĩ quan Pháp Francis Garnier  quả quyết là thị trấn Chợ Lớn do người Tàu lập lại vào năm 1778 : “ dân cư đông đúc , phố chợ san sát, nhà tường nhà ngói liên tiếp cùng nhau . Ghe tàu hải dương  đến buôn bán qua lại , cột buồm liền lạc, xứng là xứ đô hội  không đâu sánh bằng”. Liên hệ Pháp Việt đã có từ  thế kỷ  thứ 17  khi nhà  truyền giáo dòng tên Jesuit Alexandre de Rhodes đến Xứ Đàng Trong.  Phạm vi hoạt động của Pháp  và Tây Phương là buôn bán, thương mãi. Cho đến  năm 1787, Giám mục Bá Đa Lộc - Pigneau de Bihaine mộ được vài quân binh  giúp Nguyễn Phước Ánh  đánh Tây Sơn, tiếp tục chiến đâu  giúp Nguỹen Vương dù giám mục đã chết,  mãi cho đến 1802 khi Nguyễn Vương  lên ngôi vua Gia Long , lựa chọn kinh đô là Phú Xuân - Huế.  Vào đầu thế kỷ thứ19,  Pháp can thiệp sâu vào nội tình nước Việt nam , lấy cớ là bảo vệ  Hội Thừa sai Paris -  Foreign Mission .  Phần triều đình nhà Nguyễn Phước lại xem các nhà truyền giáo Cơ Đốc - Catholic missionaries  như thể là một mối đe dọa  chánh cho  quyền uy chánh trị , văn hóa , lễ nghĩa , phong tục... của triều đình và dân gian… :  tỉ như  Việt Nam đang theo chế độ đa thê- polygamy, trong khi  các linh mục, giáo sĩ lại nhấn mạnh đến độc thê- monogamy.  Năm 1858,  sau khi nhà ngọai giao Charles  de Montigny thất bại điều đình bải bỏ cấm đạo, Nã Phá Luân Đệ Tam - Napoleon III  phái đô đốc  Charles Rigault de Genouilly  sang Việt Nam  với sứ mệnh  ngăn chặn  việc đuổi bắt các giáo sỉ theo đạo Cơ Đốc  và cấm đạo của triều đình Huế.  Tháng 9 năm 1859, 14 tàu chiến Pháp, 3000 quân lính và  300 lính mộ Phi Luật Tân do Tây Ban Nha cung cấp, tấn công  đánh phá gây thiệt hại trầm trọng  ở Tourane ( nay là Đà Nẳng ) và chiếm cứ thị trấn này. Sau  vài tháng, Rigault  phải rời bỏ Tourane vì thiếu tiếp tế và lâm bịnh.  Rigault quay về Miền Nam,  phá tan đồn Kỳ Hòa,Nguyễn Tri Phương chống giữ yếu đuối , và chiếm giữ Sài Gòn ngày 18 tháng 2 năm 18 59.  De Genouilly bị chỉ trích về hành động xâm lược này  và được đô đốc Page thay thế tháng11 năm 1859, với chỉ thị là ký một  hòa ước với triều đình Huế bảo vệ truyền đạo ở Việt Nam và cố sức không tăng thêm xâm chiếm đất đai. Thế  nhưng, ngày 13 tháng tư năm 1862,  triều đình Huế bị bó buộc phải nhượng ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp.
 
     Sẽ tiếp theo phần II; Thiết lập Đông Pháp
 
              ( Irvine ,  Nam Ca Li- Hoa Kỳ, ngày 7 tháng 9 năm 2014 )
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640734 visitors (2134612 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free