.
  31 ngày P 90-91
 
25/9/2014




Phần 90-91

Thật thế, hôm nay là ngày 29-10-2013, nhằm ngày 25 tháng 9 âm lịch, nhưng chùa ở Miến Điện dường như lúc nào cũng có khách đến cúng viếng, tuy không đông như những ngày rằm ở Việt nam, 1 phần ít trong số họ là du khách đến từ các nước. Phần còn lại chắc là khá nhiều người Miến, tôi nghĩ thế, bởi sự hiện diện của nhiều hàng quán bán đồ ăn thức uống như đã nói, chính người dân bản xứ mới là khách hàng thường xuyên của họ. Với chúng tôi, thực sự không dám dùng thử các loại hàng rong “không rõ nguồn gốc”, bởi nhu cầu ăn uống ở tuổi này không phải là quan trọng, hơn nữa, an toàn cho đường ruột phải là ưu tiên hàng đầu trên bước đường ngang dọc giang hồ. Thôi thì nhìn họ ăn cũng thú vị lắm rồi!










Chợt tôi thấy 1 chiếc Jeep lùn màu xanh đậm, được độ “tới bến”, nên mon men bước đến gặp chủ xe, vừa để chụp hình kỹ niệm, vừa để hỏi thăm tên chùa, chính xác đó là Chùa Kabar Aye.


Chiếc này "độ tới bến" nhưng không đẹp bằng những chiếc tôi gặp sau này.


Con jeep lùn tay lái nghịch, có hình đức Phật trên kính chắn gió, mà chủ sở hữu là chàng thanh niên này…




Bà xã vào chùa cũng hơi lâu khiến tôi sốt ruột, ngồi dựa bậc thềm chờ đợi.


Hình quá xá tệ, thôi kệ...chơi luôn!

Cuối cùng bả hí hửng bước ra nói anh vào thăm chùa đi, đẹp lắm. Thuận tay bả chụp cho file ảnh này…




Tôi,chân trần, sau khi lên hết các bậc cấp, bước dọc theo đường dẫn chính vào phía trong, 2 bên, nối tiếp nhau là những kiosque bán các loại hàng lưu niệm, hàng tiêu dùng thông thường và văn hóa phẩm, đặc biệt là các loại tượng Phật lớn, nhỏ bằng nhiều chất liệu như gỗ, nhựa, bạc, đồng …và nhất là đá(cẩm thạch, đá poly…) giá cả cũng không đắc lắm, nhưng nhớ lời Sư H. dặn, muốn mua tượng Phật thì hãy đợi Sư qua, nên bây giờ chỉ xem chơi thôi.


 
 
 
Tiếp tục…


Sau khi qua khỏi dãy bán hàng, tôi đến 1 khoảng sân rộng, tại đây tiếp tục có mấy lối dẫn với mái che, đi tới khu chánh điện, tọa lạc trên một nền cao hơn nửa. Đó là 1 khối nhà hình tròn, nằm trước một tháp vàng sáng rực phía sau.
Ở Miến Điện, chùa nào cũng có tháp, 1 hoặc nhiều cái, màu trắng hoặc nhủ vàng, có một số được thếp vàng y, như chùa Shwedagon nổi tiếng. Tháp vàng Chùa Kabar Aye thật lộng lẫy, nghe nói trong tháp này có xá lợi của Phật Thích ca. Còn chánh điện là 1gian hình tròn tại trung tâm khối nhà lớn, cũng hình tròn, nằm ngay lối chính đi vào, có tượng Phật Thích ca, đặt trên bệ cao, giữa 2 tán lộng. Kế tiếp là hành lang rộng bao quanh, có đặt các tượng Phật đứng trên tòa sen, phủ nhủ vàng rất đẹp. Vào giờ này, không thể đi xa hơn nên tôi chỉ bước lần theo vòng tròn khu chánh điện, nơi có nhiều Phật tử đang thành kính khấn vái.
 
 
Các tượng Phật đứng vòng quanh chánh điện.
Cận cảnh 1 tượng Phật đứng.


19h05’ ngày 29-10-2013, tôi thăm xong chùa Kabar Aye, cảm thấy đói bụng, nhưng không thể ăn được những thứ “không rõ nguồn gốc’, chúng tôi vào 1 quán cơm, cũng nằm trong sân chùa, có nhiều món lạ, nhưng nhìn thấy chẳng …thèm chút nào, bèn kêu đại 2 dĩa cơm trắng (cơm này nóng hổi)và 2 dĩa …hình như là cá, với yêu cầu là làm nóng lại, món này có vị cà ri, ăn cũng đủ no. Quán có bình nước uống miễn phí, bình này giống với các bình nước được đặt tại mấy cái “miếu” công cộng.
Vừa viếng chùa Kabar Aye.
Bửa ăn bụi tại quán cơm bình dân trong sân chùa Kabar Aye, Yangon, lúc 19h20’ ngày 29-10-2013.


19h50’ …đạp xe về khách sạn…chúng tôi rất thích thú kết thúc ngày thứ 2 trên đất nước Myanmar.
       Bây giờ, nhìn cảnh này thiệt…đứt ruột, đi theo tui chi ...cho cực khổ vậy …?!
B.14. Yangon, ngày thứ 2.
B.14.1. Buổi sáng.

Hôm nay, 30-10-2013, đúng ngày Sư H. hẹn gặp tại Yangon. Sáng sớm, tôi lên net để xem tin tức và check mail. Nhận được reply của Sư H.: Mừng cho 2 Ông Bà đã …tai qua nạn khỏi, vượt được “con đường đau khổ” ở Kawkareik, thôi thì hãy tìm ra chùa Shwedagon, lạy tạ Trời Phật đi… Rồi loanh quanh đâu đó, đợi “thổ địa” qua dẫn đi chơi. Cứ tới 7 Mile nhận phòng , nếu có trở ngại thì nhờ tiếp tân liên lạc với Zaw Min Oo theo số 95-1-539633, tôi sẽ đáp xuống phi trường vào rạng sáng ngày 31,hẹn gặp lại.
Tính đến hôm nay, cuộc hành trình của chúng tôi đã bước sang ngày thư 14 và là ngày thứ 3 đặt chân lên đất Myanmar. Như những gì đã kể, chúng tôi thật sự thú vị với cuộc rong chơi này. Tuy nhiên, những trãi nghiệm từ ngoài biên giới Myawaddy, dù thú vị nhưng là những “trãi nghiệm được lập lại”, ít nhiều tương tự như những chuyến đi trước đó, hoặc gần giống với những gì mình dự kiến qua các thông tin phong phú từ nhiều nguồn. Còn ngay khi vừa đặt chân lên đất nước Myanmar, đã chứng kiến những khác lạ đặc biệt như : văn hóa ăn trầu, phấn thoa thanakha, đường sá Yangon sạch bóng xe gắn máy… khiến sự mong muốn khám phá đất nước này càng thêm cháy bỏng. Và điều đó sẽ được giải quyết trong những ngày sắp tới. 
Bây giờ, chúng tôi sẽ trả phòng ở Highland Lodge để chuyển qua khách sạn 7 Mile. Nhưng vẫn còn 1 buổi sáng tạm cư tại đây, khoảng cách 2 nơi lại không xa nên chẳng cần phải vội. Bửa ăn sáng được phục vụ tận phòng vẫn chẳng thay đổi, sandwich, trứng chiên, bơ, mứt, chuối và cà phê sửa, cùng mấy gói trà Lipton.
Sau ăn, bà xã nói cái bụng không được tốt, tui ở nhà, ông đi chơi nhớ tìm mua thêm 10 gói men đường ruột, để phòng hờ. Vậy là … “một mình một ngựa” , tôi lên đường.
Sau khi đã qua Cambodia, Thái Lan, tôi đã gặp phải cái sự khó khăn trong việc tìm nhà thuốc. Ở Việt Nam, quán nhậu, quán cà phê, nhà trọ, nhà thuốc tây, thuốc lá, tràn ngập từ thành thị đến thôn quê, khi cần đến những nơi này chẳng hề khó khăn để tìm. Chưa ai tổng kết, nhưng tôi chợt nhận ra dường như có 1 tỉ lệ thuận của những loại hình kinh doanh đó. Nhà trọ, quán nhậu, cà phê (thứ này không độc hại) nhưng lại đi kèm với thuốc lá, phải chăng đã góp phần rất lớn trong sự gia tăng bệnh tật, khiến nhu cầu điều trị gia tăng và…chỉ cách một đoạn đường ngắn là đã có 1 nhà thuốc Tây. 
Bây giờ, theo như quan sát ban đầu, các con đường mà chúng tôi đã đi qua, chưa thấy có nhà thuốc nào hiện diện, muốn mua Probiolac hay Biolactin…chỉ còn một nơi tìm đến: Bệnh viện Nhi Parami.
Nhưng lần này thay vì chạy thẳng xuống Parami Road, tôi quyết rẻ vào đường Thalar Woddy(hay Waddy?), để hy vọng được len lỏi qua những cảnh đời thường dân dã. Như tôi đã nói, ngay gần đầu đường Thalar, có 1 bến xe đạp kè. Vì khoái cái con xe này, nên tôi lại thử cởi lần thứ 2, kỳ này còn có thêm chiếc nón mê đặc sản Miến Điện. Tôi không biết chiếc xe đạp này là loại xe cổ còn lại, hay là sản phẩm đặc biệt dành cho loại phương tiện vận tải công cộng độc đáo của Myanmar? Nó khá là chắc chắn, từ khung sườn đến bánh xe, nhưng đặc biệt tay cầm lái luôn là loại có tay thắng không dùng dây cáp như ta thường thấy, mà bằng hệ thống dẫn lực bằng kim loại, trực tiếp đến bộ càng, giống như loại xe đạp cổ thời Pháp thuộc ở nước ta. Loại này không hề sợ đứt thắng và chắc chắn bóp mạnh là …đứng ngay!
Sau này tôi thấy các tiệm xe đạp ở Myanmar đều có trưng bày loại này, nên tôi chắc không phải là đồ cổ và cũng không phải là hàng chỉ dành riêng cho xe kè, nó được dùng phổ quát như phương tiện vận chuyển cá nhân.











Cô Tây này chắc chê tôi không phải chuyên nghiệp, nên từ chối lời mời nhiệt tình, rồi quay sang tìm …chiếc taxi! He he, nếu cổ OK thì tôi …bàn giao lại cho người chủ. Không tìm được khách, tôi chạy 1 vòng rồi trả lại xe, không quên hoàn cho chủ chiếc nón mê, sau khi chụp 1 tấm ảnh kỹ niệm.





Qua khỏi bến xe, tôi đạp thêm chút xíu thì gặp khu chợ nhỏ lề đường, là 1 dãy duy nhất bên lề phải, gồm các sạp, kệ bày bán thực phẩm tươi sống, thịt cá, rau củ, gia vị, nước chấm…hàng hóa thì đầy mà người mua thì thưa thớt, nhưng chắc chẳng sao vì có vẻ như chợ bán cả ngày.





Tôi chợt chú ý đến 1 hàng thịt, treo lủng lẳng bộ đùi, sườn, chắc chắn không phải là heo(người Miến ít dùng thịt heo), vì nhìn cái cẳng chân có vẻ “tong teo” quá, nhưng không phải là chó…nên tôi phải hỏi thôi. 





Và được trả lời kèm theo nhiều tiếng cười rộ lên từ các hàng bên cạnh: đó là thịt con “gâu”.
Ô hô, bây giờ thì tôi mới vở lẽ …đúng là con “goat”, Yangon có số dân Ấn độ tương đối nhiều và cà ri dê là món ăn nổi tiếng, chẳng những ở chính quốc mà còn ở cả…Việt nam.



Con “gâu” có cái sừng như thế này nè!


Cũng như ở Thái, Cambodia, Lào, ngoài những khu phố, cửa hàng sang trọng, tôi thường tìm vào những xóm nhỏ, tiếp cận cái đời thường bình dị của người dân. Đó là một trong những sở thích mà tôi có khi đi du lịch, dù trong hay ngoài nước, nó cho tôi cái nhìn trực tiếp về một xã hội ít bị che dấu, tôi nghĩ thế. Nhờ vậy, tôi sẽ được cái cảm nhận nhiều chiều hơn, phong phú hơn; chốn sang trọng để mình mơ ước, ngưỡng mộ (người thường, ai cũng mong cầu điều đó) và chốn dân dã để cảm thông.








 



 

 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640482 visitors (2134324 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free