.
  31 ngày P 114 - 115
 
6/11/2014




Phần 114-115

Cao nguyên Shan nằm ở phía Đông Bắc Myanmar, bao gồm các bang Shan, Kayah, Kayin. Do người Shan chiếm đa số(khoảng trên 6 triệu người) nên dùng làm tên gọi của bang, với diện tích 155.800km2, bang Shan là bang lớn nhất Miến Điện. 

Thủ phủ Taunggyi, có dân số khoảng hơn 200.000 người, là thành phố lớn thứ 4 của Myanmar, nằm trên cao độ 4.712 ft (1.436m) , bên cạnh, về hướng Đông là một ngọn núi lớn, nên thành phố được đặt tên là Taunggyi, theo tiếng Miến có nghĩa là “ngọn núi lớn”.
Cũng giống như nhiều thành phố vùng cao ở các nơi khác, trong đó có Việt Nam, Taunggyi có sự hiện diện của nhiều sắc dân thiểu số, mà trang phục luôn là đặc điểm để nhận diện. Và thường thì sắc màu là thể hiện rõ nét nhất. Tuy nhiên, với tôi, chắc chắn không phải việc phân biệt các sắc tộc là điều đáng quan tâm, bởi vì rất khó khi là lần đầu tiên tiếp cận. Điều quan trọng chính là sự phong phú của sắc màu trang phục, nó mới khiến chúng tôi thích thú để chụp những tấm ảnh tươi vui trong nắng lạnh vùng cao.



Con đường chính dẫn vào thành phố, đường Ah Wai Yar, nhìn qua kính cửa sau.


Bác tài người Ấn cho xe ngừng ngay phía trước Ngân hàng IKBZ.




Chiếc gùi có lẽ là một đặc trưng “miền núi” chung cho các dân tộc khu vực Đông Nam Á này, có thể khác nhau chút ít về hình thức nhưng vẫn tương tự nhau về nguyên liệu và cách làm, một loại ba lô tre độc đáo!





Xuống xe xong thì Thầy trò tạm thời chia tay, Sư H. cùng đệ tử Koto đi mua sắm thực phẩm để chuẩn bị bửa cơm chùa cho lễ Dâng Y ngày mai, nhóm 6 người còn lại thì cũng đi chợ, nhưng là đi chơi. Tôi chắc chắn đây là dịp để mình có thể tiếp cận những sắc màu cao nguyên đặc thù trên đất Miến.





Hình ảnh đầu tiên là những cậu học sinh vùng cao với những túi vải nhiều màu trông khá đẹp. Và một điều rất đặc biệt, các túi vải thật xinh xắn và nhẹ nhàng trên bờ vai nhỏ, khiến tôi nhớ lại cái thuở khoảng 50 năm trước, khi còn là những học sinh tiểu học, trung học, chúng tôi cũng chỉ cần những túi, cặp nhỏ, thậm chí chỉ là những quyển tập mỏng cầm trên tay, với thước và viết, là đã đủ để ghi lại những bài học mà Thầy, Cô giảng dạy trước lớp. Lúc đó, chúng tôi đâu phải nặng nhọc, còng lưng vác chiếc ba lô đầy nhóc sách vở, luôn phải thay đổi vì cải cách, như con cháu mình ngày hôm nay.
He he, tôi lại chợt nghĩ, nếu như hồi đó mà học trò phải vác ba lô đi học nặng nhọc như bây giờ, thì nhà thơ Phạm Thiên Thư làm gì có:
….
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài…
Để nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:
….
Em tan trường về, 
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở,
Gót giày lặng lẽ đường quê…







Sư Th. đã từng du học tại Myanmar, nên cũng đã tới thành phố này, hôm nay chắc Sư đang ngạc nhiên về những thay đổi mới.



Sư H. cùng đệ tử Koto đi chợ Taunggyi.



Còn nhóm 6 người thì đi chơi…chợ Taunggyi.

Trên lề đường là một chị bán đồ gốm đất nung, những bình chậu lủ khủ, những chân đèn nến…thật bình dân và ngộ nghĩnh, y như mấy chợ nhỏ ở quê mình. Một chút lề đường với sắc màu bình dị, dễ thương; nhưng cũng dễ gây nên nỗi cám cảnh, khi nhìn lên từ nơi kiếm sống, thấp tè, sát đất! 






Bang Shan với diện tích bằng phân nửa Việt Nam, có 3 thành phố đáng kể là Lashio, Kengtung và thủ phủ Taunggyi. Nhưng nếu chợ lớn nhất là đây thì phải nói là “vô cùng khiêm tốn” bởi nó chẳng hơn cái chợ phường ở thành phố Long Xuyên. Nhưng tôi thật sự thấy thích bởi cái “chân quê” và “sắc màu” của nó. 
Một đầu của chợ nằm trên trục đường chính Ah Wai Yar, đầu kia có một tháp đồng hồ, nằm trên con đường song song với đường chính này. Hai bên hông chợ cũng giống như các nơi khác, là 2 con đường để một số người bán bày hàng trên các sạp hoặc ngay trên lề đường, 2 dãy phố là những cửa hàng buôn bán lớn.
Sáu Thầy trò chúng tôi đi một vòng quanh chợ, không mua bán gì, chỉ là để ngắm, xem và chụp ảnh, ngoại trừ Anh A.và Sư Dhamma Nanda, 4 người còn lại ai cũng có 1 con camera 10 chấm, tạm đủ để ghi lại những cảnh đời thường của 1 vùng cao, rừng núi bang Shan, Myanmar.





Phố chợ không đông, nhưng chắc cũng là nơi mà cư dân quanh đây, trên các lưng đồi, sườn núi …tìm đến để trao đổi hàng hóa, mua bán nông sản và sẳn dịp vui chơi. Có lẽ do điều kiện khí hậu mát mẻ mà màu sắc trang phục của người dân nơi này thường rất sặc sở và rất…nóng. 





Để phân biệt các dân tộc thiểu số vùng cao, người ta thường dựa vào sự khác biệt của trang phục, về kiễu mẫu và nhất là màu sắc, thể hiện rõ nhất là trên chiếc khăn đội đầu của phụ nữ. Tuy nhiên, ở đây tôi thấy dường như còn thể hiện trên cả chiếc nón nữa, thường là nón lá trên đó có thêu hoa văn với màu sắc đặc trưng.



Có một nhóm người mặc longyi màu sẩm, áo trắng với nón lá thêu màu xanh da trời, tiếc là ảnh chụp quá xa, không thấy rõ.


Chúng tôi đi cặp theo chợ, về phía chiếc tháp đồng hồ. Thiệt là ngộ, có lẽ đây là một mặc định có từ lúc người ta chế ra cái phương tiện báo thời gian này, nên hầu như chợ lớn nào cũng có một chiếc đồng hồ thiệt bự, thường thì gắn trên đầu hồi ở 4 cửa vào nhà lồng chợ, hoặc đặt trên 1 tháp cao với 4 đồng hồ quay ra 4 hướng. Chắc là để nhắc các bà nội trợ mua hàng xong rồi về cho kịp giờ nấu cơm, dù rất nhiều trường hợp đồng hồ …chết ngắc từ lâu!



1 shot selfie lấy Tháp đồng hồ chợ Taunggyi làm kỹ niệm.

Chợt một gia đình “sắc tộc” châu Âu, đang cùng nhau viếng chợ, tôi vội ghi lấy để làm bằng chứng…cãi cọ sau này!





Mặt sau của chợ, có lẽ tập trung các quầy mua bán nông sản, tươi sống…phục vụ cho bửa ăn hàng ngày. Cao nguyên Shan mênh mông không có nhiều sông suối ngoài sông Thanlwin phát nguyên từ Tây Tạng chảy vào qua các hẻm núi hẹp, nên cá là mặt hàng rất hiếm, nhưng thủ phủ Taunggyi chỉ cách hồ Inlay khoảng 50km nên cá nước ngọt dễ dàng được bày bán ở đây. Cá rất ngon, thường được trộn với gia vị làm món gỏi, hoặc quấn trong lá chuối để nướng trên than hồng. Dĩ nhiên, có cá thì cũng có khô, một “phó sản” được chế biến từ cá thừa hay cá chết! Nhưng chắc chắn khô Miến Điện thua đứt khô cá sặt, cá lóc, hoặc cá tra phồng An Giang!








Ngoài ra, người bang Shan còn dùng thịt heo, gà, bò, trâu nước hoặc các loại thú rừng do thợ săn bẫy được, tất cả đều có nguồn gốc tự nhiên, chứ không phải là sản phẩm công nghiệp.





Trong thành phần bửa ăn hàng ngày của người bang Shan không thể thiếu rau củ quả, ăn sống hoặc nấu chín, phần lớn chúng là sản phẩm tự canh tác trong vườn nhà, một số dư thừa được mang ra chợ bán cho các thị dân.



Trái táo thì chắc là hàng Tàu, còn loại đậu này thì tôi không biết, nhưng có lẽ rất ngon, chỉ tội cho cháu bé phải vất vả cùng mẹ giữa phiên chợ đầy nắng sáng, rất may nắng ở đây lạnh…


...lạnh như màu tím ngọt ngào thật lạ của trái bắp Taunggyi!



 
 
Nào, bây giờ xin mới các bạn tiếp tục theo chân chúng tôi rảo bước chung quanh chợ “Tháp Đồng hồ”. Chợ là nơi mua bán hàng hóa tiêu dùng, là nơi các bà nội trợ mua sắm thực phẩm chuẩn bị cho bửa ăn gia đình. Chợ cũng là nơi các ông tìm 1 góc cà phê “tám chuyện”, nhưng nơi đây tôi vẫn chưa thấy 1 quán cà phê nào, không giống như tại Việt Nam, hầu như góc đường nào cũng có. Nhưng cũng giống như ở Việt nam, vẫn có những hàng ăn “ghế đẩu” , nơi ưa thích của những cô gái hay các bà nội trợ vừa có chỗ nghĩ chân vừa ăn được bửa lót lòng thuận tiện.



Còn đây là những cô gái, không biết thuộc tộc gì, nhưng ăn mặc hiện đại, đang ngồi ghế đẩu thưởng thức bửa điểm tâm mang sắc màu …chợ búa! Chợ “Tháp Đồng hồ” Taunggyi cũng không ngoại lệ khi có những quầy bán thức uống và đồ ngọt như rau câu, chè…





Hoa tươi là mặt hàng không thấy thiếu trong các chợ ở Miến Điện, điều này rất giống với Việt Nam, vì là một thứ mà hàng ngày các gia đình hay mua để cúng Phật.











Tiếp tục lại là các quầy bán rau củ quả…











…đồ nhựa…





 
 
Lẫn quẫn phía sau một hồi, chúng tôi vòng qua phố bên kia để trở ra đường Ah Wai Yar, nơi đây có một dãy cửa hàng đang xây dựng dang dở.





Khi sắp ra phố chính tôi gặp một đôi, không biết là dân tộc gì với khăn đội màu đỏ rực rất ấn tượng, nhưng cái mà tôi vừa chợt thấy mới thực sự làm tôi chú ý, đó là chiếc gùi đong đưa sau lưng cô gái, nó hoàn toàn khác với gùi của dân tộc Tây nguyên và miền núi xứ ta. Gùi đan rất khéo, phối màu giản đơn, không có 2 dây đeo cứng cáp để mang lên vai, thay vào đó là một sợi dây màu mềm mại luồn ngang lưng chừng gùi trước khi vòng lên choàng qua vai xuống hông. Rõ ràng đây là loại gùi “làm duyên” của các cô gái, chỉ có thể chứa các loại hàng hóa nhẹ nhàng, để các cô nàng từ trên núi xuống đây…dạo phố!





Và tôi tiếp tục bám theo để có được tấm ảnh sau, tạm ghi một chút sắc màu mà tôi nghĩ rằng sẽ bắt gặp nơi đây.





Và sau đây xin mời xem thêm một số “sắc màu Taunggyi”.





















 




 

6/11/2014
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 641189 visitors (2135126 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free