.
  Khác biệt giữa dân luật..
 
13/11/2014



                                                         
         Vụ án O.J. Simpson đã gây tiếng vang trên nước Mỹ vào năm 1994 với rất nhiều tranh luận.Toà hình sự bắt đầu từ 3/11/1994, kết thúc vào 3/10/1995 và O.J. Simpson được xử  vô tội.Toà dân sự bắt đầu từ 23/10/1995, kết thúc vào 4/2/1997, xử Simpson có tội, buộc bồi hoàn 8.5 triệu dollars cho cha của Ronald Goldman   - người bị giết khi đến nhà Simpson giao pizza - .Tại sao một toà thì có tội, toà kia lại vô tội! Có tội - tức giết người - , sao lại không bị tù gì mà chỉ bồi thường tiền? Chúng ta hãy tìm hiểu hai phiên xử khác nhau ở những diểm nào?
 
        Hình luật tìm cách ngăn chận tội phạm, bảo vệ cá nhân và tổ chức. Ăn cắp, hiếp dâm, hành hung, cướp của, giết người, say rượu hay dùng ma túy trong lúc lái xe…., đó là vài thí dụ về tội ác. Tội có tầm vóc quan trọng, ảnh hưởng rộng rãi trong nước sẽ được truy tố và xử tại toà án liên bang, còn tội trong giới hạn một tiểu bang sẽ được truy tố và xử tại toà án tiểu bang hay địa phương.
 
        Dân luật giúp giải quyết, hoà giải về các tranh luận, tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức, hay giữa tổ chức với tổ chức. Tranh luận trong ly dị, phân chia tài sản, dành giữ con cái, mạ lị nhau, bác sĩ bất cẩn đã định bịnh và chữa bịnh sai lầm, tranh chấp giữa chủ nhà và người thuê…, đó là vài thí dụ về tranh tụng thuộc dân sự.
 
        Chỉ sau khi có phán quyết từ toà, còn đang lúc xử, ở toà hình hay toà dân sự, không ai được xem là có tội cho dù đang nằm trong tình trạng tình nghi. Xong hết toà hình cũng chưa hẳn là đã kết thúc, bởi vì nếu có một người hay nhóm nào đó tiếp tục thưa kiện đòi bồi thường thiệt hại, trường hợp này sẽ lại được chuyển sang toà án dân sự xét xử. Hai lần xử trên hoàn toàn biệt lập, không liên hệ gì với nhau. Có sự khác biệt là trong hình sự, chính quyền hoàn toàn chủ động trong mọi sự từ lúc bắt giữ người tình nghi, tìm bằng chứng, truy tố, xét xử; còn trong dân sự, chính quyền  - cấp tiểu bang hay liên bang -  không khởi tố ai cả, chỉ là giữ vai trò xét xử, hoà giải giữa bên thưa và bên bị thưa. Simpson đã phải xét xử ở cả toà hình lẫn toà dân sự.
 
        Chứng cớ phải được trình bầy trước toà án. Tại toà hình, cá nhân người bị tình nghi có quyền giữ thái độ “im lặng” trước hỏi cung của cảnh sát hay công tố viện, cũng có thể từ chối đứng ra làm chứng (mọi việc do luật sư họ phụ trách), tuy thế, họ có thể nêu ra là mình bị bịnh tâm thần ảnh hưởng đến hành động của mình, hoặc giả do bảo vệ khi bị tấn công chẳng hạn. Chứng cớ mà công tố viện nêu ra phải thật rõ rệt, tối thiểu phải ở mức 98-99% xác xuất coi là phạm tội. Nói cách khác, trong hình sự, xét xử có tội thì “đúng là có tội” chứ không thể chỉ dựa trên suy đoán, giải thích mập mờ. Những năm về sau này, DNA đã giữ vai trò rất quan trọng trong các vụ xử thuộc hình sự. Vậy mà, dù dựa trên chứng cớ rõ rệt, cho đến nay thỉnh thoảng vẫn có những vụ được xem là xử oan, Nhiều năm sau vụ xử, do xét lại các chứng cớ trước đây, một số tù nhân đã được thả ra, nguyên nhân là do nhầm lẫn, sơ sót từ phía công lực (như chểnh mảng, cẩu thả từ nhân viên phụ trách phòng lab chẳng hạn) . Tại toà dân sự, bên thưa và bên bị thưa đều phải trình bầy, đối đáp, trả lời, trưng bằng cớ trước phiên toà, dĩ nhiên là dưới hướng dẫn của
                                                                                                                               (2)
         luật sư hai bên, Chứng cớ do hai bên nêu ra không nhất thiết phải đạt đến 98-99% xác xuất như ở toà hình; với trên (hay dưới) 50% thì kẻ thưa có thể xem là thắng (hay thua) kiện. Toà dân sự trong những vụ kiện lớn thường kéo dài nhiều năm, do đó ít người có đủ tiền để đi thưa và theo đuổi kiện cáo, thường chỉ là ký thoả hiệp với luật sư để thưa sự việc ra toà, nếu thắng thì chia cho luật sư tiền bồi hoàn nhận được theo một tỉ lệ nào đó, còn nếu thua thì mọi chi phí do luật sư lãnh chịu. Dựa theo kinh nghiệm trong nghề và tiên đoán phần thắng về mình, luật sư mới chịu tham gia, thoả hiệp!
 
         Nói về hình phạt, toà hình sự thường là phạt tù, tiền, hoặc nặng hơn thì là tử hình. Toà dân sự thì lại không có án tù hay tử hình, mà chỉ là buộc người thua kiện bồi hoàn bằng tiền hay tài sản, vật chất cho kẻ thắng. Điểm cần nói là sau khi toà hình đã phán quyết “vô tội” thì bị cáo sẽ không thể bị đưa ra một toà hình sự khác, với phán quyết là có tội, cho dù đó là tội nhẹ. Công tố viện cũng không thể “kháng cáo” lên toà trên một khi đã có bản án “vô tội”, tuy thế bị cáo thì lại có thể đệ đơn kháng cáo cho dù đã bị kết tội tại phiên toà xử. Dĩ nhiên là có thể chuyển việc xét xử từ toà hình sang toà dân sự như đã đề cập ở trên.Về dân sự, người thưa và kẻ bị thưa đều có quyền kháng cáo lên toà trên.
 
        Về biện hộ, tranh cãi tại toà hình, bị cáo có quyền mướn luật sư, hoặc giả nếu không đủ tài chánh để mướn luật sư riêng, chính quyền sẽ chỉ định luật sư “công” tranh cãi cho họ. Tại toà dân sự, người thưa và bị thưa phải tự đài thọ tuyển luật sư riêng cho mình, hoặc giả họ có thể tự mình biện hộ, tranh cãi, nhưng hoàn toàn không được toà chỉ định luật sư công để giúp bên này hay bên kia.
 
        Bồi thẩm đoàn thường có trong hầu hết các vụ xử về tội hình, số được chọn thường là 12 người. Về dân sự, việc phán quyết hầu hết là từ quan toà mặc dù tại một số phiên xử cũng có thể có sự hiện diện của bồi thẩm đoàn với số được chọn là 6-12 người. Vụ xử Simpson,  bồi thẩm đoàn gồm 12 người ở cả toà hình lẫn toà dân sự.
 
        Bản án sẽ được bồi thẩm đoàn thảo luận và quyết định , sau khi đã tham dự các phiên toà, nghe trình bầy, tranh cãi, và hướng dẫn từ quan toà. Điểm quan trọng là tại toà hình,  quyết định phải được thống nhất - có nghĩa là 12 bồi thẩm viên phải cùng đồng ‎lòng về bản án “có tội hay vô tội” - . Nếu chỉ một trong số 12 người nêu trên không đồng ý thì vụ xử xem như không thành, ở trường hợp này công tố viện có thể đề nghị xử lại trong một phiên toà khác, hoặc cũng có thể xin huỷ bỏ kết tội. Điển hình là vụ xử tại Illinois: vì là thống đốc, Rod Blagojevich có quyền bổ nhiệm người thay thế thượng nghị sĩ Obama
         vừa đắc cử Tổng Thống (nhiệm kỳ còn lại của Thượng nghị sĩ nói trên là 2 năm), do tham tiền, Blagojevich đã liên lạc người này người kia với tâm địa bán chức nói trên.Tại toà hình đầu tiên, bản án kết tội đã không có được sự đồng lòng của tất cả bồi thẩm viên, do đó công tố viện đã đề nghị một phiên xử thứ hai, và lần xử sau này bản án “có tội” đã được thông qua bởi đồng loạt toàn thể bồi thẩm viên. Cũng vì tầm quan trọng, cả hai vụ xử đã diễn ra tại các toà án liên bang.Toà dân sự thì lại không đòi hỏi sự “đồng lòng” của tất cả bồi thẩm viên. Bản án đưa ra chỉ cần dựa trên sự đồng ý của đa số hay hơn phân nửa trong số 6-12 bồi thẩm viên đã được chọn lựa.
                                                                                                                             
 
                                                                                                                                (3)
      Việc chọn bồi thẩm viên rất là quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả việc xử, nhất là đối với các toà hình. Chắc hẳn mọi người còn nhớ người Mỹ đen tên Rodney King đã bị 4 cảnh sát Mỹ trắng tại Los Angeles đánh đập tàn tệ vì lái xe trong lúc say rượu vào năm 1992! Toà hình tại Ventura trong đó bồi thẩm đoàn gồm 10 Mỹ trắng, 1 Á Châu, 1 Mễ đã xử “vô tội” cho 4 cảnh sát viên này. Ngay sau phiên toà trên, biểu tình chống kỳ thị đả xẩy ra trong 3 ngày liên tiếp gây cho 55 người chết và trên 2000 người bị thương. Trước áp lực trên, toà liên bang đã phải xét xử lại, đi đến kết luận là 2 trong số 4 cảnh sát viên đã phạm tội! Rodney King cũng được bồi hoàn nhiều triệu dollars! Trở lại vụ án xử Simpson  - một người Mỹ đen với nhiều thành tích trong các đội nhà nghề football -. Tại phiên toà hình, đa số (2/3) là Mỹ đen trong bồi thẩm đoàn! Và, tại toà dân sự, đa số lại là Mỹ trắng (3/4)! Nhìn xem! Nếu Simpson bị kết án “có tội” trong vụ xử đầu tiên tại toà hình, có ai nghĩ là sẽ không có biểu tình, chống đối về phía Mỹ đen? Biểu tình là cái chắc! Chống đối là cái chắc! Khi xử về dân sự, cho dù Simpson có phải bồi hoàn một phần nào từ gia sản của mình, ít có người Mỹ đen quan tâm, phản đối! Vậy thì, đâu cần để ý đến việc đa phần bồi thẩm viên là Mỹ trắng!
 
      Trong cả hình lẫn dân sự, quan toà sẽ phán quyết dựa trên bản án từ bồi thẩm đoàn, và trong ngày tuyên án, quan toà có thể gia giảm, hay tăng hình phạt dựa trên tiêu chuẩn đã viết trong bộ hình hay dân luật.  
 
      Trên chỉ là một vài khác biệt chính yếu giữa hình sự và dân sự. Luật pháp tại Hoa Kỳ rất chặt chẽ, rõ rệt. Phạm tội ác thì bị tù, phạt tiền, hay tử hình, còn hai bên kiện cáo thì bồi thường thiệt hại với nhau. Hình sự và dân sự thuộc hai luật hoàn toàn tách biệt, không cần đặt câu hỏi “tại sao” bởi vì “luật luôn là luật”, dù ở nước nào trên thế giới. Tuy nhiên, việc thi hành luật thường có ảnh hưởng ít nhiều từ chính trị. Dù công minh đến đâu đi nữa, cho dù không thực là kỳ thị, con người thường có những tình cảm thiên nhiều về mầu da, sắc tộc. Vụ án xử Rodney King, hay Simpson, đã chứng minh  điều này.
 
 
                                                           
                               
                                                          ---------------------------
 
 
                                                      
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 633198 visitors (2120656 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free