19/10/2014
104-105
22h15’, xe vào 1 trạm dừng chân, để hành khách đi vệ sinh và ăn uống. Các Sư chỉ dùng nước và ngồi chơi, còn chúng tôi thì ai cũng thấy cần phải cho thứ gì vào bụng vì cả buổi chiều chưa có …1 hột cơm!
He he…đói bụng rồi phải hông, vô kiếm gì ăn đi!
Từ 12 giờ trưa các Sư theo Nam tông đều không ăn thêm thứ gì cả, có thể được phép ăn trái cây loại nhỏ, nhưng thường thì không ăn, chỉ uống nước. Biết các “đệ tử” không quen nhịn theo Sư, nên biểu mọi người vào trạm dừng kiếm…ăn!
Cũng tương tự như các trạm dừng bên Việt Nam, bán đủ các loại thức ăn, uống bình dân cho hành khách đi đường, đặc biệt không “chặt đẹp” như Tám Ri, Vân Mập…
Người Miến đang thay đổi, từ một quốc gia độc tài, quân phiệt, khép kín trở thành 1 đất nước mở cửa, tự do, dân chủ. Họ đã và đang thay đổi, họ dễ dàng thay đổi và thay đổi nhanh chóng, tôi tin thế, bởi vì họ đang có một dân tộc mà đại đa số không biết “độc ác”, không biết “tàn nhẩn” với đồng loại!
He he, anh bạn này chơi “nĩa 5 ngón”!
Ayunpa L. và Anh A. đang lựa chọn thức ăn.
Còn 2 kẻ thích lang thang thì chờ …2 dĩa cơm trứng chiên cho lành!
Sau khi ăn uống xong, chúng tôi trở ra xe, tiếp tục cuộc hành trình. Trời tối đen, qua lần cửa kính, tôi chỉ thấy lờ mờ rừng vắng và dường như đường ngày càng lên cao. Dẫu sao, tôi cũng đã ngủ được gần suốt cuộc hành trình, chỉ thỉnh thoảng có thức giấc, như 1 lần tại trạm thu phí đường bộ.
1 Cty vận tải khác, Mya Dadanar.
Đến khoảng hơn 5 giờ sáng thì xe dừng tại 1 thị trấn sáng đèn, đó là Kalaw, Sư nói… tới nhà rồi.
Một xe 7 chỗ của Phật tử có hẹn trước, đến chở chúng tôi về chùa, kết thúc cuộc hành trình tương đối êm ả. Đường Kalaw chập chùng lên xuống, chùa của Sư nằm trên một dốc cao, bây giờ là đêm tối, chúng tôi chẳng thấy gì, chỉ lo khuân vác hành lý theo Sư H.vào chùa. Sư dẫn chúng tôi đến 1 dãy nhà khoảng gần 20 căn đối diện nhau qua 1 thông hành, dành cho khách, tôi và bà xã được bố trí 2 phòng đầu tiên, bên tay phải, Sư nói, he he, bây giờ tạm thời tôi phải … “rẻ chia đôi trẻ”, bà phòng số 1, ông phòng số 2, tiếp tục ngủ thêm 1tiếng nửa cho khỏe, rồi ăn sáng.
Nói xong, Sư đi lên chánh điện, dường như đã bắt đầu 1 ngày mới “làm việc” của Sư trong chùa.
Theo Sư , mỗi ngày thức dậy lúc 03 giờ sáng, vệ sinh tắm rửa, 04h ngồi thiền, 05h ăn sáng, 06h-07h, ôm bình bát đi khất thực, sau đó về chùa sinh hoạt Phật sự, 11h-12h ăn cơm(ăn ngọ), từ đó đến chiều không nằm nghĩ, trừ lúc bệnh hay quá mệt, tối lên chánh điện giảng pháp, 21h Sư mới nghĩ, cho đến 03h sáng hôm sau.
Hi hi, hết ngày dài rồi lại đêm thâu… tôi thầm nghĩ, làm Sư nào có sướng! Vậy mà mỗi lần gặp mặt, tôi đều thấy Sư cười.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến Cha H. bạn tôi ở giáo phận Vĩnh Nhuận, Châu thành, Angiang. Khi chúng tôi tới nhà thờ của Cha chơi vào1 buổi chiều năm 2012, chung quanh là đồng không mông quạnh, trời gần tắt nắng, buồn thúi ruột, tôi nói Cha ở đây …buồn quá! Ông cười nhẹ và trả lời: ai biểu đi tu làm chi!
Vâng, phải có một ý chí và 1 dũng lực đáng kính, các vị ấy mới có thể vất bỏ tất cả để vững vàng đi trên đường Đạo.
Tôi thì xin chịu, cũng đi vững vàng trên đường…để rong chơi!
Trong ảnh này có 1 chi tiết rất quan trọng, khách sạn Winner, đó là cái mốc để lần sau có đến Kalaw, thì phải nhận ra chỗ này. Dường như tất cả các xe bus có hành trình xa hơn, đều xuống khách Kalaw dọc đường, tại đây.
Hôm nay, 01-11-2013, là ngày thứ 16 của cuộc rong chơi dài hơi, thực hiện bởi 2 kẻ thích lang thang này. Nói dài hơi, cũng có nghĩa là còn tiếp tục ít nhất là 10 ngày nửa, tối thiểu cũng hơn chuyến xuyên Đông Dương bằng xe gắn máy hồi năm 2012 một ngày. Và sau khoảng 1 giờ vừa ổn định chỗ ở, vừa nghĩ ngơi và vệ sinh…bây giờ, qua khung kính, thấy bình minh đã đến, tôi đẩy nhẹ cánh cửa sổ phòng, một không gian thoáng rộng bừng mở. Tôi thầm cảm ơn bạn mình, đã ưu ái dành cho một vị trí đặc biệt, để từ đó có thể hưởng trọn cái view tuyệt vời của thiên nhiên miền đất Phật.
Đây là “Thiền viện Shwe Oo Min Dhammadayada”, do Sư H. lập ra, để tu tập và tổ chức các khóa Thiền dành cho mọi người, kể cả các thiền sinh Âu, Mỹ… có lẽ theo mô hình của “Thiền viện Shwe Oo Min Dhammasukha” ở Yangon, do Hòa thượng Shwe Oo Min, Thầy của Sư H. làm Thiền Chủ.
Tôi mở bung cửa sổ, một ngạc nhiên thú vị bừng mở trước đôi mắt còn …thiếu ngủ!
Một bình minh mát lạnh đang chan hòa trên những mái nhà lô xô ngoài thị trấn. Kalaw ngay phía trước, rét căm trong nắng sớm, im lặng nơi xa xa, như đang chờ đợi những khám phá của kẻ tò mò mới đến từ miền đồng bằng nhiệt đới.
Tôi lấy máy ảnh ra, bấm vội mấy files đầu ngày vừa bắt gặp, như sợ vuột mất cái rực rỡ Kalaw đang phơi bày dưới trời xanh trong vắt!
Ngôi nhà sàn gỗ màu tối bên góc phải là nơi nghĩ của Sư H.
Thiền đường, chánh điện và nhà khách trên cao, “nhà” của Sư H. màu sẩm bên trái cành hoa bụp.
Đang loay hoay chụp ảnh thì tôi nghe tiếng Anh Ayunpa L. gọi đi ăn sáng từ ngoài hành lang. Bây giờ trời sáng tỏ, tôi thấy nhà khách này gồm khoảng 16 phòng, nằm trên 2 dãy, đối diện nhau qua 1 hành lang ở giữa. Hành lang liền với 1 cầu dẫn lót gỗ, có mái che, đưa lên phía trên, nơi bao gồm 2 nhà ăn lớn(chính và phụ), 1 thiền đường và 1 nhà nguyện, có lẽ là nơi Sư ngồi thiền định..
Nhà ăn là nơi để các Sư và những người đến tham gia các khóa học thiền, tới đây dùng bửa. Đó là 1 phòng lớn, rộng khoảng hơn100m2, sàn được lát gỗ sạch bóng, phân làm 2 khu vực, khoảng 1/5 phía trên, là dành cho các Sư, thiết kế cao hơn chừng 15cm.
Đây là hình minh họa cho bài viết, hình này chụp vào hôm 03-11-2013, nhằm Lễ Dâng Y, nên dãy bàn trên dành cho nhiều Sư đến dự.
Chúng tôi vào phòng bằng 1 cửa ngang hông, thấy các Sư đang ngồi ăn trên 1 bàn vuông nhỏ, vội vàng chắp tay xá. Sư H. cười hỏi …sao, mọi người có ngủ thêm được chút nào hông?
…Dạ…cũng sơ sơ…
Chúng tôi thấy, chung quanh bàn ăn thấp gần sát đất, ngoài các Sư H., Sư Th., Sư Hoa, thì còn 1 Sư nửa người da trắng mà sau này chúng tôi được biết là người Canada.
Chúng tôi, cũng 4 người gồm Anh A., Anh Ayunpa L. và 2 kẻ lang thang cùng ngồi quanh 1 mâm mà chị người phục vụ vừa chỉ, trên đó có sẳn thức ăn dành riêng cho 4 người, ngoài phần ăn chính còn có bánh “giò cháo quảy”, trái cây và 4 bọc cà phê sửa Trung Nguyên. Sư H. nói vọng qua, hôm nay ăn tạm như thế, ngày mai chùa đãi món…hủ tíu Nam Vang.
Trong phòng còn một người nửa, đang lặng lẽ ngồi ăn một mình bên bàn gần đó, sau này mới biết cô bé tên là Sandra, người Mexico, đang trên đường tìm hiểu về văn hóa phương Đông, chúng tôi cũng gật đầu chào làm quen.
Sandra, cô bé người Mexico, trên bước đường về phương Đông…
Bửa ăn thiệt ngon, nhất là món “giò cháo quảy” Miến Điện, giòn kháy!