.
  31 ngày lang thang 106-107
 
23/10/2014

 106-107

Chúng tôi rời phòng ăn khi trời vẫn còn mờ tối, chỉ mới 06h sáng, cùng nhau bước qua chỗ nhà kiết giới, còn gọi là Sima, theo Phật giáo Theravada, chùa bắt buộc phải có Sima để làm Tăng sự(không có Sima thì không là chùa). Từ đây chúng tôi thấy thị trấn Kalaw vẫn đang im lìm trong sương mai, lòng thầm khen Sư H. đã có tầm nhìn “chiến lược”, khi dừng chân hạ đặt Thiền viện tại địa điểm tuyệt vời này.

Tiếc rằng máy ảnh của tôi đã thuộc hàng đồ cổ, có cố hết mình cũng chỉ đạt được mức sau đây.

 

5 người chúng tôi, đứng tại cầu thang, mở lời làm quen và hẹn nhau chiều nay cùng tham gia 1 tour trekking ngắn vào rừng Kalaw nhờ sự hướng dẫn của cô bé Sandra. Bây giờ, thì tạm thời chia nhau đi vòng quanh khu Thiền viện, vừa thăm viếng cơ ngơi của Sư H. vừa ngắm cảnh núi đồi từ những góc nhìn khác nhau.

 

Thay vì là gác chuông, bên hông Thiền đường là …gác mõ, một chiếc mõ khổng lồ rất ấn tượng.



 

Đây là “Thiền viện Shwe Oo Min Dhammadayada”, do Sư H. lập ra, để tu tập và tổ chức các khóa dạy Thiền dành cho mọi người, kể cả các thiền sinh Âu, Mỹ… có lẽ theo mô hình của “Thiền viện Shwe Oo Min Dhammasukha” ở Yangon, do Hòa thượng Shwe Oo Min làm Thiền chủ, nơi mà trước đây Sư H. đã từng tu học và thọ giới Tỳ khưu.

 

Sư H. là đệ tử chót của Hòa Thượng Shwe Oo Min, Ngài xuất gia từ khi còn bé, sau đó học thiền với Hòa Thượng Mahāsi Sayādaw, rồi được Sư phụ giao trách nhiệm hướng dẫn thiền tập khi mới ngoài 30 tuổi. Hơn 10 năm sau, Sư rời chùa, vào núi tịnh tu suốt mấy mươi năm tiếp theo. Đến năm 1996, vì thương nhớ chúng sinh, nên khởi Đại Bi Tâm, Sư trở lại Yangon, mở trường Thiền dạy Đạo, lúc đó đã gần 80 tuổi. Ngày 20-11-2002, Hòa Thượng Shwe Oo Min nhẹ nhàng xả bỏ xác thân, để lại sự nghiệp cho các đệ tử kế thừa. So với hằng hà sa số kiếp, cuộc đời Ngài như chớp giật trên không, sắc bén giữa đêm đen rồi vụt tắt, nhưng đã để lại cho học trò, những người có cơ duyên thọ giáo, nỗi kính ngưỡng quý mến và sự nghiệp kế tục con đường hoằng hóa chúng sinh.

Trên đường trở lại dãy nhà khách, thấy Sư Th. lần bước lên chỗ bảo tháp của Thiền Viện, tôi cũng lẽo đẽo theo sau.

 

Về hình thức, tháp hay stupa(tiếng Phạn), là kiến trúc có tính cách biểu tượng của Phật giáo, luôn đi cùng với chùa chiềng, có sự khác biệt lớn giữa Bắc tông và Nam tông. Còn trong cùng hệ phái thì cũng có sự khác nhau tương đối, theo từng quốc gia: tháp chùa Việt Nam khác với chùa Trung quốc và cả 2 đều khác với tháp chùa Nhật bản.

Sau khi đã nhìn thấy tháp của Phra That Luang ở thủ đô Lào, thì tôi không thấy giống với tháp của Thái hoặc Cambodia, rồi khi qua đến Yangon, được viếng thăm 3 ngôi chùa lớn, nhìn thấy các tháp tiêu biểu, tôi lại thấy có sự khác biệt dù hơi khó nhận ra.

Về nguồn gốc, tương truyền, khi Đức Phật sắp viên tịch, các đệ tử có hỏi sẽ làm gì với nhục thân của Ngài? Không trả lời, Người chỉ gấp tư áo cà sa, úp bát khất thực lên và dựng đứng chiếc gậy trên cùng, rồi tịch. Từ đó, tháp trở thành nơi lưu giữ một phần thân xác Đức Thế tôn sau khi hỏa táng mà ta gọi là xá lợi. Về sau tại các nơi khác, tháp cũng dành để lưu tro của các Hòa thượng trụ trì (như ở Việt Nam, Trung quốc).

Tháp có thể đặc hoặc rỗng, như trường hợp của Thiền viện này, có đặt tượng Phật bên trong hoặc các hốc chung quanh.

 

Bảo tháp nhỏ gọn của Thiền viện Shwe Oo Min Dhammadayada dưới nắng sớm. 

Tôi theo đường dẫn trở xuống , ngang nhà bếp, thấy chị phục vụ đang chuẩn bị hoa để cúng Phật, đó là thứ không thể thiếu trên bàn thờ của người dân Miến.

 

Chợt một chú mèo trắng bông từ đâu chậm rãi bước ra sưởi nắng trên cầu dẫn, một xuất hiện bất ngờ thật đẹp đã làm tôi tốn hơn 10 lần bấm máy, bà xã tôi cũng chẳng kém hơn.

 

Lại thêm 1 chú chó thuần chủng Đức quốc, tên Nickey, bước đến “ra mắt” như muốn làm quen với khách lạ.

 

Chúng tôi trở về phòng, soạn lại quần áo mấy ngày nay dơ bẩn, đem giặt. 

B.16.2. Buổi đi rừng thú vị và cái lạnh nhớ đời. 

Trước giờ ăn cơm trưa, tôi phụ Sư soạn lại các hành lý mang qua từ bên Mỹ. Đó là những va-ly đầy ắp quần áo loại sale off và thuốc trị bệnh. Tôi không ngạc nhiên về điều này, vì trong những lần về nước, anh em gặp nhau tâm sự, Sư thường nói người dân Miến rất nghèo, lại thiếu thốn thuốc men, quần áo ấm, nên mỗi lần từ Mỹ qua, Sư thường dành gần hết phần trọng lượng cho phép của hãng hàng không để mang những món quà đó, dĩ nhiên chỉ đủ để giúp được một số người quanh khu vực. Thuốc men thường được Sư bỏ hết bao bì, cho vào đầy các bịt ny long, để được nâng thêm số lượng, vốn là bác sĩ nên Sư luôn biết những loại nào cần thiết nhất để tăng hiệu quả món quà mang theo.

Sư có 1 cậu “trợ lý” rất dễ thương tên là Koto, hiện đang là sinh viên Đại học Luật, luôn theo sát Sư trong những ngày trở lại Thiền Viện và có lẽ cũng là người thay mặt Sư trong những lúc Sư về Mỹ hay đi xa ngoài Myanmar, để coi sóc trong ngoài.

Ngày 03-11-2013, Thiền viện tổ chức Lễ Dâng Y, hôm nay Sư còn có nhiều việc phải làm trong thị trấn để chuẩn bị cho sự kiện này, Koto dùng Honda chở Sư đi công chuyện, sau bửa ăn trưa. Chúng tôi thì nghĩ ngơi cho khỏe, để chiều nay thực hiện chuyến đi rừng.

Trekking, loại hình du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa người thiểu số bản địa, bằng phương tiện duy nhất: đôi chân. Đó là cách rất tốt để chủng ta có thể tiếp cận gần nhất với thiên nhiên và con người của một địa phương nào đó, thường là những nơi gần với các điểm du lịch nổi tiếng.

Đến bang Shan, chắc chắn là người ta muốn đến thăm viếng hồ Inle. Kalaw là thị trấn nhỏ, nhưng là cửa ngỏ đường bộ(như chúng tôi vừa đi) lẫn đường không(phi trường Heho) của bang này, du khách khi tới đây thường được mời chào bởi các công ty du lịch Trekking, xuyên rừng núi để đến hồ Inle, thời gian thường mất từ 3 đến 4 ngày.

Chúng tôi đến vào ban đêm, rồi vô chùa thay vì vô khách sạn, nên chẳng có ma nào mời chào. May mắn thay, chúng tôi được cô bé Sandra, xung phong hướng dẫn 1 tour mini trekking miễn phí 3 giờ, đi thăm khu rừng Kalaw còn nhiều bí ẩn.

 

15h10’, theo sự hướng dẫn của Sandra, chúng tôi gồm 2 kẻ lang thang cùng anh A., anh Ayunpa L. bắt đầu rời Thiền Viện. Trời nắng thật tốt trong không khí mát mẻ của vùng cao nguyên Shan, khiến cho chuyến đi bộ khởi hành thật thuận lợi, dù phải vượt lên con dốc đầu tiên ngay khi rời khỏi cổng chùa.

 

Đây là hướng Tây, không phải dẫn đến hồ Inle (hướng Đông), nếu đi hoài theo hướng này thì chắc chắn có ngày sẽ tới…Ấn Độ! Có điều trước khi tới được nơi Đức Phật sinh ra, chúng tôi phải tạm thời “chinh phục” khu rừng trước mặt. Nhìn cái đoàn lữ khách “thành phố”, dưới nắng chiều trước mặt, không ba lô, không giày đặc chủng, …chẳng ai tin rằng họ sẽ tiến được quá sâu vào rừng.

Chợt như …từ dưới đất chui lên, khi sắp sửa hết dốc, thì một ông Tây lù lù xuất hiện, ông này người Australia, vừa đến Kalaw 2 ngày, mới trong rừng ra tới. Chúng tôi dừng lại hỏi thăm. Không biết ông nhận thông tin từ đâu, mà cũng hay rằng ngay03-10 chùa sẽ tổ chức lễ Dâng Y và bảo rằng sẽ tới dự.

 


Mọi người thật là vui vẻ qua sự gặp gỡ tình cờ nơi đất Phật, hoan hỉ như đã biết từ lâu.

Lối vào rừng không phải chằng chịt lùm buội, chuyến trekking không có vẻ mạo hiễm như thông thường, con đường đất đỏ, có dấu xe tải cày nát như báo hiệu một mặt nhựa hóa tương lai. Cũng dễ hiểu thôi, nơi đây không xa thị trấn, mà nhu cầu phát triển đang lộ rõ theo sự bùng nổ của du lịch Myanmar. Những đồi thông đang mọc lên rào chắn, bây giờ dường như tất cả đã có chủ, sẽ biến thành vàng trong thời điểm không xa.

 




Nhiều khu dân cư dường như vừa lập, một vài ngọn đồi đã có nhà mới mọc lên.

 


Tôi chắc chắn, trong điều kiện khí hậu tuyệt vời, với môi trường còn hoang dã, đẹp “lộng lẫy” thế này, nếu có một phương án xây dựng phù hợp thời đại, tôn trọng thiên nhiên, Kalaw sẽ trở nên một thành phố du lịch làm ngỡ ngàng mọi người khi bước đến!

 

7 năm về trước, vào thời điểm cả nước Miến Điện còn chìm trong bóng tối, khi đó do nhu cầu tu tập, Sư H.không hề nghĩ đến sự may mắn, thiệt hơn, thấy vị trí thích hợp, nên không ngại khó khăn bỏ tiền dành dụm sau mấy mươi năm dạy học ra mua đất lập chùa. Thật sự, trước đó, trong những lần về nước, Sư cũng đã từng nói với tôi rằng định tìm một khu đất trên cao nguyên Lâm Đồng để thực hiện ý nguyện. Nhưng sau cùng có lẽ do cơ duyên và cũng do trì chí, không ngại hiểm nguy, Sư đã trở về nơi thọ giới Tỳ Khưu lập chùa Thiền định!

 

Tuyệt vời ngôi stupa khiêm tốn của một Thiền viện do Sư Việt lập giữa rừng núi Myanmar. 

7 năm về trước chẳng ai nghĩ rằng Myanmar sẽ có ngày này, nếu Thiền viện không được lập vào lúc đó, thì bây giờ chắc phải vô tuốt trong rừng sâu mới may ra tìm được chỗ …cắm dùi!

Chúng tôi tiếp tục lang thang qua những rừng thông mát lạnh, những nương rẫy êm đềm bên dưới lũng sâu. Vài mái nhà đơn sơ của người dân quê bản địa, phênh tre làm vách, khiến tôi nhớ đến đâu đó ở Lâm Đồng, có điều khác là lớp phấn tanakha đặc thù trên má!

 

Đường vào rừng cứ lên cao xuống thấp, nương rẫy và đồi thông chen lẫn nhau, trong nắng chiều bóng đổ thật hay.

 


Càng vào sâu, quan cảnh càng ngoạn mục. Chắc chắn rồi đây khi các con đường hoàn chỉnh, những ngôi biệt thự vườn rừng sẽ làm nên một Kalaw nổi tiếng như Đà lạt Việt Nam.

 

Trong rừng, hiện nay chắc cũng có nhiều người sinh sống, tuy vậy chúng tôi chỉ thấy họ qua lại trên đường hoặc đang trồng trọt dưới lũng sâu, chưa thấy 1 nơi tập trung đông đúc như làng, bản bên nhà.

 




Chợt chúng tôi gặp 1 anh nông dân đang ngồi nghĩ mệt, trước mặt là 1 chiếc gùi đang chờ đợi về nhà, tôi chào và thử hỏi bằng tiếng Anh, không ngờ anh ta trả lời thật lưu loát. Mảnh đất anh đang ngồi trên đó là của gia đình, đang được làm rẫy để sinh nhai, anh cũng biết giá trị của nó trong tương lai...

 


...và hy vọng một cuộc đổi đời ngoài mong đợi!

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630192 visitors (2116038 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free