.
  Gò Công
 
13/11/2014




  
1.      Mở đầu
 
 
Gò Công hiện nay gồm 3 huyện và một thị xã: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông[1] và Thị xã Gò Công, là một vùng đất được thành lập cổ xưa và là một cửa ngõ quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng đến một thành phố lớn nhứt nước - thành phố Sài Gòn. Vùng đất này tùy theo từng giai đọan lịch sử có lúc là một tỉnh có khi một quận hay huyện, nhưng Gò Công vẫn là Gò Công muôn thuở, có những nét đặc thù địa phương không thay đổi nhiều với thời gian.
Vùng đất Gò và cả ĐBSCL có khí hậu tương đối điều hòa, không thường bị bão lũ tàn phá mỗi năm như Miền Bắc và Miền Trung, nhưng cũng trải qua một trận bão khủng khiếp xảy ra năm Giáp Thìn 1904 làm thiệt hại vô số tài sản, vật chất và hơn 5.000 mạng người. Đất Gò có vị trí ưu đãi so với một số nơi khác ở Nam Bộ, nhờ tiếp cận với Biển Đông, Sài Gòn, Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Long An, sông Tiền và một bộ phận của tỉnh Tiền Giang. Dù thế, vùng đất này không được phát triển mạnh trong gần bốn thập niên qua so với các huyện khác của tỉnh, do địa thế cô lập bởi sông ngòi và biển cả, cũng như thiếu hạ tầng cơ sở cần thiết để đất Gò có cơ hội tiến lên đồng bộ với các huyện hoặc tỉnh, thành phố lân cận.                                           Tuy nhiên, tiềm năng đất Gò rất lớn đang chờ những bàn tay khéo léo và những bộ óc lãnh đạo năng động nhiệt tình để giúp người dân có đời sống mới, tiến bộ và phồn thịnh hơn trong khi dân số ngày càng tăng trên một vùng đất khô cằn và hạn hẹp.
 
2.   Vị Trí Địa Lý và Địa Hình
 
 
 
Vị trí địa lý: Gò Công ngày nay thuộc tỉnh Tiền Giang, nằm kề Biển Đông với bờ biển dài 32 cây số, trên bờ Bắc sông Tiền của ĐBSCL, chỉ cách Sài Gòn 45 cây số đường chim bay và 58 cây số với Quốc lộ 50.
 

Hình 1: Bản đồ Gò Công và Tiền Giang
 
Năm 2005, do công văn số 4973/VPCP-ĐP ngày 03/9/2005 của Văn phòng Chính phủ thông báo tỉnh Tiền Giang gồm có Gò Công Đông và Gò Công Tây được bổ sung gia nhập vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm 7 tỉnh và thành phố: Vũng Tàu-Bà Rịa, Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn, Tây Ninh, Bình Phước, Long An.
Gò Công gồm có 4 đơn vị cấp Huyện: Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông, 2 Thị trấn: Vĩnh Bình (Gò Công Tây) và Tân Hòa (Gò Công Đông), và 32 xã.
             Diện tích đất thiên nhiên là 862,98 km2, chiếm 34% tỉnh Tiền Giang; dân số 454.563 người (2009) gồm Thị xã Gò Công 53.699 người, Gò Công Đông 190.177 người, Gò Công Tây 167.761 người và Tân Phú Đông 42.926 người; chiếm 27% cả tỉnh và mật độ khá cao: 527 người/km2. Tổng số diện tích đất thiên nhiên của tỉnh Tiền Giang là 2.481,8 km2 với tổng dân số 1.670.216 người (2009) và mật độ 706 người/km2.
 
Ranh giới hành chánh: Gò Công giáp với Biển Đông và Thành phố Sài Gòn phía Đông; huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An phía Bắc; huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang phía Tây; và tỉnh Bến Tre phía Nam. Tọa độ địa lý từ 10o12’20" đến 10o35’26" vĩ độ Bắc và từ 106 o58’68’’ đến 106o73’28" kinh độ Đông (Hình 1).
Hiện nay, vùng đất Gò Công gồm có 3 huyện, 1 thị xã, 2 thị trấn, 5 phường và 37 xã:
Thị Xã Gò Công nằm giữa Gò Công Tây và Gò Công Đông, là một trung tâm hành chánh, kinh tế, văn hóa, giáo dục và thương mại của vùng đất Gò. Thị xã gồm có 5 phường và 7 xã.
Huyện Gò Công Đông: Phía Bắc giáp với huyện Cần Đướchuyện Cần Giuộc của tỉnh Long An; Nam giáp huyện Tân Phú Đông cùng tỉnh; Tây giáp huyện Gò Công Tâythị xã Gò Công; Đông Bắc giáp sông Soài Rạp ngăn cách với huyện Cần Giờ của thành phố Sài Gòn; Đông giáp Biển Đông. Về hành chánh, huyện gồm có thị trấn Tân Hoà và 12 xã.
Huyện Gò Công Tây: Bắc giáp sông Tra - một nhánh của sông Vàm Cỏ, ngăn cách với huyện Châu Thành của tỉnh Long An; Nam giáp sông Cửa Tiểu, ngăn cách với huyện Tân Phú Đông cùng tỉnh; Tây giáp huyện Chợ Gạo cùng tỉnh; Đông giáp huyện Gò Công Đôngthị xã Gò Công. Về hành chánh, huyện bao gồm thị trấn Vĩnh Bình và 12 xã.
Huyện Tân Phú Đông: Năm 2008, do Nghị Định Số: 09/2008/NĐ-CP Huyện Tân Phú Đông được thành lập ở cù lao Lợi Quan (giữa vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại), gồm có 6 xã được lấy từ huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây.
 
Địa hình: Gò Công không có đồi núi, đất đai khá bằng phẳng, xen kẽ với các giồng đất cát, độ cao khoảng 0,4 - 0,8m trên mặt biển và độ dốc nhẹ dưới 1% từ hướng Tây qua Đông.
Gò Công giới hạn từ phía Đông kinh Chợ Gạo đến biển Đông, có cao độ biến thiên từ 0,8m và thấp dần theo hướng Đông Nam, ra đến biển Đông chỉ còn từ 0,4 đến 0,6m. Có hai vùng trũng cục bộ tại xã Thạnh Trị, Yên Luông, Bình Tân (Gò Công Tây) và Tân Điền, Tân Thành (Gò Công Đông). Do tác động bồi lắng phù sa từ cửa Soài Rạp đưa ra, khu vực ven biển phía Bắc (Tân Trung, Tân Phước, Gia Thuận, Vàm Láng) có độ cao hơn hẳn khu vực phía Nam.
Tại vùng này, còn có rất nhiều giồng cát biển hình cánh cung có cao độ phổ biến từ 0,9 đến 1,1m nổi hẳn lên trên các đồng bằng chung quanh, nơi trồng nhiều lọai cây ăn quả và rau cải nhờ có nước ngọt trong lòng đất quanh năm.
 
3.   Khí Hậu (1)
Một cách tổng quát, Gò Công có những đặc tính của khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm có 2 mùa mưa và nắng rõ rệt; cho nên, rất thuận lợi cho phát triển ngành nông ngư nghiệp.
            Nhiệt độ: Do vị trí vùng ở gần xích đạo nên nhiệt độ tương đối ổn định, nóng ẩm, không khác biệt theo mùa rõ rệt. Nhiệt độ trong năm tương đối cao từ 15o C - 39o C, trung bình khoảng 27,9o C.
Mưa: Vũ lượng trung bình hàng năm 1.200 mm, giảm nhẹ từ Gò Công Tây qua Gò Công Đông. Mùa nắng bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, thường trùng với gió Đông Bắc mang đặc tính khô lạnh xen kẽ gió Đông Nam (gió Chướng) làm thời tiết mát mẻ, và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 với gió Tây Nam (gió mùa), tốc độ trung bình 2,5 - 6m/s.
            Ẩm độ: Trong năm ẩm độ trung bình là 79,2%, cao nhất là 98% mùa mưa, thấp nhất 48% mùa khô, nước bốc hơi mạnh vào mùa nắng và thấp nhất vào mùa mưa, gây ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sinh trưởng và phát triển của thảo mộc.
 
4.      Thổ Nhưỡng (2)
Gò Công có 3 nhóm đất chính:
-          Nhóm đất phù sa: Gồm một phần đất của huyện Gò Công Tây do phù sa sông Tiền Giang (Cửu Long) bồi đắp, có nước ngọt rất phù hợp cho phát triển nông nghiệp lâu đời. Thành phần đất đai nhẹ rất thích hơp cho trồng cây ăn quả và làm nương rẫy cung cấp rau cải cho các thị trấn.
-          Nhóm đất mặn: Nhóm đất này chiếm 34.143 ha hay 14,6% diện tích thiên nhiên tỉnh, bao gồm phần lớn diện tích huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công, Gò Công Tây và một phần huyện Chợ Gạo. Lọai đất đai này thuận lợi như nhóm đất phù sa, nhưng bị nhiễm mặn từng thời kỳ hoặc thường xuyên. Nếu được rửa mặn, loại đất này sẽ thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp với cây trồng tương đối đa dạng hoặc có thể phát triển nuôi trồng thủy sản (tôm sú, cá, sò, ốc, nghêu…). Nhóm đất mặn được chia làm 4 đơn vị đất:
i)        Đất mặn dưới rừng ngập mặn (Mm) ở cửa Soài Rạp, Cửa Đại chiếm 3.263 ha hay 1,4%.
ii)      Đất mặn nhiều (Mn) ở nơi có địa hình thấp ven biển dọc theo các cửa sông có diện tích tự nhiên là 5.747 ha hay 2,5%. Đất mặn là do nước mặn thấm từ lòng đất lên mặt đất.
iii)    Đất mặn trung bình (M) ở trên đất cao và xa biển, sông rạch có diện tích tự nhiên là 13.232 ha hay 5,2%.
iv)    Đất mặn ít (Mi): đất mặn được cải tạo do canh tác nhiều năm có diện tích thiên nhiên là 12.902 ha hay 5,5%.
 
             Đất rừng ngập mặn và đất mặn nhiều thường khó cải tạo nên được khai thác nuôi trồng thủy sản. Còn đất mặn ít và trung bình được trồng lúa vào mùa mưa hay những loại cây chịu mặn. Vùng này, đặc biệt Gò Công Đông đã được ngọt hóa nên nông dân có thể trồng 2 hoặc 3 vụ lúa và rau cải mỗi năm.
-   Nhóm đất cát giồngchiếm 3,1% diện tích tự nhiên với 7.336 ha, phân bổ rải rác ở huyện Gò Công Tây và tập trung nhiều nhất ở huyện Gò Công Đông. Đất cát giồng có địa hình cao, mầu mỡ, có mạch nước ngọt quanh năm, thành phần đất cát nhẹ; nên chủ yếu được dùng làm đất thổ cư và canh tác cây ăn trái, rau hoa. Các giồng đất nổi tiếng như gò Sơn Quy (Tân Trung), gò Khổng Tước gò Tre (Thị xã Gò Công), gò Cát (xã Yên Luông), giồng ông Huê (xã Vĩnh Bình), giồng Tháp (xã Tân Tây), giồng ông Nguyên (xã Tân Tây), giồng ông Nâu (xã An Hòa), giồng Chùa, giồng Lãnh (xã Tân Đông), giồng Bà Lẫy (xã Tăng Hòa), giồng Đình (xã Tân Thành), giồng Bà Canh, giồng Lức (xã Tân Đông), giồng Trôm (xã Bình Long), giồng Ông Đi (xã Thạnh Nhựt)...
Tóm lại, phần lớn đất đai của cả ba huyện Gò Công đã được khai thác triệt để trong các ngành nông, lâm và ngư nghiệp; đó là nhờ thực hiện các chương trình ngọt hóa, phát triển thủy hải sản và công nghiệp hóa; nhưng còn rất hạn chế. Riêng nông nghiệp, phần lớn nông dân trồng lúa 2-3 vụ mỗi năm, làm vườn cây ăn trái và sản xuất rau hoa, mang về lợi tức đáng kể cho các gia đình nông dân. Tuy nhiên, vì hệ thống thị trường còn nhiều bất cập, giá cả bất định và sự thao túng của các thương lái nên đời sống nông dân và nông thôn chưa được cải thiện nhiều.
 
5.      Thủy Văn và Nguồn Nước
 
 
- Thủy văn: Gò Công nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đồng đều từ biển Đông, mực nước cao nhất vào các tháng triều cao (tháng 10, 11), thấp nhất vào các tháng triều thấp (tháng 6, 7). Hàng năm khả năng xâm nhập mặn vào khu vực phía Bắc và Nam của Huyện Gò Công Đông theo hệ thống kênh với độ mặn trung bình trên 4,5 g/lít.
- Nguồn nước: Trước kia, Gò Công Đông chỉ có nguồn nước trời vào mùa mưa, khi mùa nắng dân làng sống nhờ nước ao và sông rạch. Giữa thập niên 1990s, Huyện này có thêm nguồn cung cấp nước ngọt từ hệ tưới chảy tràn, theo hệ thống kênh mương của Chương trình ngọt hóa Gò Công. Nhìn chung hệ thống kênh mương tương đối đầy đủ cung cấp lượng nước ngọt cho đồng ruộng vào các tháng mùa khô, nhưng vài nơi đang xuống cấp cần phải tu bổ và các kênh chính cần nạo vét.
            Đối với Gò Công Tây, phần lớn đất đai may mắn có nguồn nước ngọt quanh năm cung cấp từ sông Tiền Giang; cho nên Huyện này có những vườn cây trái và nương rẫy tươi tốt và đời sống của người dân thôn ấp từ lâu tương đối sung túc hơn Gò Công Đông, nhứt là trước thập niên 1990. Những nơi bị nhiễm nước mặn vào mùa khô đã được cải thiện nhờ chương trình ngọt hóa.
 
6.      Sông Ngòi (2 và 3)
- Sông Soài Rạp
Sông bắt đầu từ xã Phú Xuân, Nhà Bè và xã Bình Khánh, Cần Giờ theo hướng Nam đổ ra biển Đông ở cửa Soài Rạp. Sông là ranh giới thiên nhiên giữa Gò Công Đông và thành phố Sài Gòn. Sông này được chính thức khai thông luồng tàu biển mới từ Vũng Tàu vào cảng nước sâu Hiệp Phước ở Nhà Bè và Sài Gòn, song song với sông Lòng Tàu đã được sử dụng hơn thế kỷ qua. Sông có chiều dài 40 cây số, khúc rộng lớn nhứt của sông này là 3.750 m nằm giữa Lý Nhơn, Cần Giờ và xã Gia Thuận, Gò Công Đông. Khúc hẹp nhứt là 750 m. Độ sâu bình quân là 8,5 m, luồng tàu tương đối hẹp và có nhiều uốn khúc. Cửa sông rộng 2.420 m. Chiều sâu khi nước lớn là 9,2 m, khi nước ròng là 7,2 m, tàu có trọng tải nhỏ ra vào dễ dàng. Công tác nạo vét lòng sông Soài Rạp đến 12 m chiều sâu đang tiến hành để các tàu có trọng tải 50.000 tấn (70.000 tấn khi nước lớn) có thể lưu thông dễ dàng đến cảng nước sâu Hiệp Phước (sẽ thay thế cảng Sài Gòn).
Sông Soài Rạp rất nguy hiểm cho ghe thuyền lưu thông trên khúc Vàm Bao Ngược (đoạn tiếp giáp với sông Vàm Cỏ), nhưng rất hữu ích cho chuyên chở hàng hóa và giao thông từ ĐBSCL lên Sài Gòn.
Một là sang ngang Bao Ngược[2],
Hai là vượt sông Vàm Tuần[3] 
Anh đi ghe lúa Gò Công,
 
 
 
Trở về Bao Ngược bị dông đứt buồm.
 
Đứt buồm nước chảy có cuồn,
Anh đi qua đó dựng buồm chạy luôn. (Ca dao)
- Sông Vàm Cỏ
 
 
 
 
Sông làm ranh giới thiên nhiên giữa hai huyện Gò Công Đông - Tây với tỉnh Long An. Sông Vàm là một dòng sông của đồng bằng sông Cửu Long, với 2 nhánh bắt nguồn từ Campuchia có rất nhiều đọan uốn khúc, nước từ thượng nguồn đổ về hai nhánh Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, đến gần Cần Đước 2 nhánh nhập một (ở ngã ba Bần Quỳ, huyện Tân Trụ, Long An) rồi đổ ra Biển Đông qua cửa Soài Rạp. Sông Vàm Cỏ có chiều dài 39 km chảy trong địa phận của Gò Công (từ vàm sông Tra, một chi nhánh của sông Vàm Cỏ ở Bình Xuân, Gò Công Đông) trước khi đổ vào cửa Soài Rạp để ra biển Đông. Sông rộng từ 420 m (gần vàm sông Tra) đến 3.100 m (chỗ hợp lưu với sông Soài Rạp), sâu 6 - 10 m, tốc độ chảy 0,4 - 1 m/giây, các ghe tàu có trọng tải lớn lưu thông được. Lượng nước chảy qua sông vào mùa lũ tại Tân An trung bình từ 1.000 đến 1.200 m3/s, cao nhất khoảng 2.300 m3/s.
Hầu hết sông, rạch trên địa bàn Gò Công chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều. Đặc biệt vùng cửa sông có hoạt động thủy triều rất mạnh, biên độ triều tại các cửa sông từ 3,5 - 3,6m, tốc độ truyền triều 30km/h (gấp 1,5 lần sông Hậu và 3 lần sông Hồng), tốc độ chảy ngược trung bình 0,8 - 0,9m/s, lớn nhất lên đến 1,2m/s và tốc độ chảy xuôi đến 1,5 - 1,8m/s.
Trong mùa lũ, một phần lượng nước từ sông Tiền chảy tràn vào Đồng Tháp Mười và thoát ra biển qua sông Vàm Cỏ Tây, nhưng khả năng tháo lũ của sông nầy rất kém vì có quá nhiều đoạn uốn khúc. Nước đổ về vào đầu và giữa mùa lũ thường là nước nhiễm phèn vì chảy qua Đồng Tháp Mười. Vào mùa cạn, hầu như toàn bộ sông Vàm Cỏ hoàn toàn bị thủy triều bán nhật của Biển Đông chi phối, nước biển dễ dàng lấn sâu về phía thượng nguồn. Sông Tra, rạch Gò Công, và rạch Vàm Tháp là chi nhánh của sông Vàm Cỏ.
 
Ước chi anh như đám dừa xanh cuối sông Vàm cỏ
 
Như rặng trâm bầu đón gió cửa Cửu Long
 
Để được sống bên em giữa muôn trùng sóng vỗ
 
Ơi người anh yêu, người con gái Gò Công.
 
- Sông Tiền
Sông là một nhánh thuộc vùng hạ lưu của lưu vực sông Cửu Long[5] và là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho nông nghiệp và nước uống. Đọan cuối của sông Tiền thuộc huyện Gò Công Đông và Tây được gọi là sông Cửa Tiểu dài 34 km, rộng từ 800 đến 1.000 m, lòng sông sâu có nhiều tàu lớn qua lại (7).
Sông Tiền chảy 115km qua lãnh thổ Tiền Giang gồm cả Gò Công Tây và Gò Công Đông, độ cao đáy sông từ -6m đến -16m, bình quân -9m, độ dốc đáy đoạn Cái Bè - Mỹ Thuận khá lớn (10 - 13%) và lài hơn về đoạn hạ lưu Gò Công (0,07%). Sông có chiều rộng 600 - 1.800m, tiết diện ướt vào khoảng 2.500 - 17.000m2 và chịu ảnh hưởng thủy triều quanh năm. Lưu lượng mùa khô (tháng 4) khoảng 130 - 190m3/s (3).
 
Sông Tiền cá lội huyên thuyên
 
Lòng anh muốn bắt con cá lội riêng một mình
 
Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy
Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng
Ai về Mỹ Thuận Tiền Giang
Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa.
Sông Tiền cùng 2 nhánh của nó có liên quan đến tỉnh Tiền Giang là sông Cửa Tiểu, sông Cửa Đại và hệ thống kinh rạch trong tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ chế độ bán nhật triều không đều của Biển Đông. Trong 1 ngày có 2 lần nước lớn (triều cao) với một đỉnh thấp và một đỉnh cao hơn và 2 lần nước ròng với một chân thấp và một chân cao hơn. Hàng tháng có 2 lần nước rong (kỳ triều cường) và 2 lần nước kém (kỳ triều kém).
Khi thủy triều lên sẽ tạo dòng chảy ngược về phía thượng lưu. Nếu lượng nước từ thượng nguồn đổ về thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nước biển lấn sâu vào nội địa. Như vậy mùa cạn, đặc biệt vào tháng 4 dl, là thời gian mà nước biển dễ dàng xâm nhập sâu về phía thượng nguồn. Thành phố Mỹ Tho, các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Châu Thành và phần cực Đông của 2 huyện Cai Lậy, Tân Phước là vùng chịu ảnh hưởng mặn hàng năm từ sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Nói chung từ cuối tháng 12 dl độ mặn nước sông tại khu vực gần cửa sông bắt đầu tăng lên, thời gian độ mặn ≥ 4 gNaCl/l trên sông Cửa Tiểu tại Vàm Kinh (cách cửa sông 3 km) là gần 8 tháng (đầu tháng 1 đến hạ tuần tháng 8 dl), tại cửa rạch Vàm Giồng (cách cửa sông 26,50 km) là 3 tháng (tháng 3, 4, 5 dl), tại vàm Kỳ Hôn (cách cửa sông  42,50 km) là gần 1 tháng. Hiện nay, nhiều đập được xây dựng ở thượng nguồn sông Cửu Long, làm cho nước biển lấn sâu vào lục địa ngày càng trở nên trầm trọng. Năm quốc gia nằm trong lưu vực của sông này cần phải đảm bảo dòng chảy thuận lợi cho người dân trong khu vực.
- Sông Mỹ Tho (Cửa Đại)
 
Sông là một trong 9 cửa sông Cửu Long chảy đổ ra biển Đông dọc theo phía Nam của huyện Tân Phú Đông, giáp ranh với tỉnh Kiến Hòa, dài 30 km, rộng từ 2.000 đến 2.500 m. Lòng sông có nhiều cồn lớn, nhỏ và ngầm, như cồn Thầy Thiện, cù lao Cậu, cù lao Cô, cù lao Bà Nở (7).
 
 
 
- Rạch Gò Công
Rạch Gò Công là một con sông rộng nhất trong các kinh, rạch ở 3 huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang, chạy từ rạch Vàm Giồng ở phía Nam Thị xã Gò Công, xuyên qua Quốc lộ 50 tại cầu Long Chánh và Quốc lộ 50 mới (tuyến tránh thị xã Gò Công) tại cầu Gò Công (mới xây xong năm 2004), sau đó đổ vào sông Vàm Cỏ ở phía Bắc. Chiều dài 16,9 km, nơi rộng nhất 190 m tại cửa rạch, nơi hẹp nhất 40 m gần chỗ giáp với rạch Vàm Giồng, độ sâu trung bình 7 m - 8 m so với mặt đất tự nhiên. Rạch Gò Công có những nhánh phụ như rạch Sơn Quy, rạch Công Lương, rạch Giá, rạch Băng, rạch Rầm Vé, rạch Gò Gừa. Do thông lưu với sông Vàm Cỏ nên vào mùa cạn nước trong rạch bị nhiễm mặn với nồng độ cao, từ tháng 1 dl đến giữa tháng 7 dl nước luôn có độ mặn lớn hơn 4 g NaCl/l. Năm 1988, nhà nước xây cống cùng tên để ngăn nước mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng. Hai năm 1996, 1997 đắp đê ngăn mặn chạy dọc theo 2 bờ từ cống Gò Công đến cửa rạch, đồng thời cũng xây hàng loạt cống ngăn mặn tại đầu các nhánh của rạch nầy.
Ngoài ra, con kinh Gò Công chạy dài xuyên qua thị xã, phân chia bên xóm Chợ và bên xóm Đạo, có thể giúp Thị xã xây dựng một công viên với cây cối xanh tươi hai bên bờ kinh tạo nên một khu thắng cảnh sinh thái đẹp nổi bật trong lòng Thị xã!
- Rạch Vàm Giồng (còn gọi rạch Vàm Rồng, rạch Rồng)
 
Rạch chảy từ sông Cửa Tiểu theo hướng Nam-Bắc rồi rẽ về phía Đông qua Thị trấn Vĩnh Bình của huyện Gò Công Tây và đổ vào rạch Gò Công tại vị trí gần thị xã Gò Công. Rạch có chiều dài 18 km, bề rộng từ 15 m tại chỗ tiếp giáp rạch Gò Công đến 25 m tại khúc gần vàm, độ sâu trung bình 4 m so với mặt đất tự nhiên. Phần lớn chiều dài rạch thuộc huyện Gò Công Tây. Rạch Vàm Giồng cũng là một đoạn trong trục dẫn nước chính cấp cho vùng ngọt hóa Gò Công, đã được vét vào năm 1999. Tại cửa rạch đã xây một cống thủy lợi cùng tên vào năm 1991. Trước khi có cống, từ đầu tháng 3 dl đến cuối tháng 5 dl nước mặn xâm nhập với nồng độ lớn hơn 4 g NaCl/l từ sông Cửa Tiểu chảy vào rạch và ảnh hưởng đến trên 9.000 ha diện tích thuộc lưu vực rạch nầy.
 
 
 
- Kinh 14
 
Cũng là một đoạn trong trục dẫn nước chính của vùng ngọt hóa Gò Công, kinh 14 nối liền từ rạch Vàm Giồng, chỗ gần vàm, chạy theo hướng Đông - ĐôngBắc ngang qua huyện Gò Công Tây, xã Long Hoà của Thị xã Gò Công và thông với kinh Salisetti. kinh dài 16,5 km, rộng 27 m, và sâu 4,50 m.
 
 
 
- Kinh N8 - Rạch Lớn
Kinh N8 còn gọi là Rạch Lớn, là kinh cấp 1, nhánh của Kinh 14, chạy từ kinh nầy lên phía Bắc đổ vào rạch Gò Công và nằm gọn trong địa phận huyện Gò Công Tây. Kinh gồm có 3 đoạn liền nhau: Đoạn đầu là Rạch Lớn từ Kinh 14 chạy về phía Bắc thông với rạch Vàm Giồng, đoạn giữa từ rạch Vàm Giồng nối với kinh Tham Thu tại vị trí đầu Kinh N8 và đoạn cuối là Kinh N8. Hai đoạn đầu và cuối là kinh có sẵn được vét sâu và mở rộng vào năm 1991 và 1993, đoạn giữa được đào mới năm 1991. Cả ba đọan hợp thành một tuyến dẫn nước từ Kinh 14 ở phía Nam cấp cho phần đất phía Bắc Quốc lộ 50 từ lộ Đồng Sơn đến rạch Gò Công. Kinh cắt ngang Quốc lộ 50 tại cống Thạnh Trị, tại đầu phía Bắc đã xây cống ngăn mặn Rạch Sâu năm 1996. Kinh dài tổng cộng 13,4 km; đoạn Rạch Lớn rộng 12 m, sâu 3 m; đoạn N8 rộng 9 m, sâu 3 m.
- Kinh Tham Thu (Tên khác: Kinh lộ 24)  
Kinh Tham Thu còn gọi là kinh Lộ 24, dài 19 km, ở phía Bắc và chạy theo hướng Tây - Đông song song với tỉnh lộ 24 (nay là Quốc lộ 50). Kinh được đào vào đầu thập niên 1970 để dẫn nước được bơm từ trạm bơm Tham Thu (phía Tây; nguồn nước lấy từ Kinh Cả Hôn) đến ao trữ của Nhà máy nước Thị xã Gò Công (phía Đông, cũng gọi là ao Tham Thu), đồng thời tưới cho một phần diện tích canh tác dọc kinh.
Sau đó, vào 1976 - 1977 trạm bơm Bình Phan với lưu lượng thiết kế lớn hơn đã được xây dựng kề bên trạm Tham Thu nhằm mở rộng diện tích tưới và tăng lượng nước cấp cho thị xã Gò Công. Kinh  Tham Thu cũng đã được đào rộng ra với bề rộng đáy là 13 m, bề rộng mặt trung bình 22 m. Lúc đầu đáy kinh chỉ sâu trung bình 1,50 m dưới mặt đất tự nhiên, 2 bờ kinh được đắp cao khoảng 2m trên mặt đất tự nhiên để khi bơm có thể nâng mực nước trong kinh cao hơn mặt ruộng từ 1m đến 1,50m (kinh nổi), đủ sức tưới chảy tràn cho các ruộng xa qua các kinh nhánh và cống điều tiết đầu kinh mà không cần sử dụng thêm bơm nhỏ.
 
Sau nầy kinh Tham Thu lần lượt được vét sâu thành kinh chìm: Vào năm 1993, 2004 vét đoạn từ cống Đồng Sơn (dưới lộ Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) đến ao Tham Thu, năm 1999 vét đoạn từ trạm bơm đến lộ Đồng Sơn, cả hai đều vét sâu đến 3 m. Năm 2001 xây cống điều tiết Bình Phan tại vị trí gần trạm bơm, từ đây trạm bơm ngưng hoạt động, nước vào kinh Tham Thu qua cống nầy, dân tự sử dụng bơm nhỏ để đưa nước vào ruộng. 
 
 
 
- Kinh Salisetti – Kinh Champeaux
 
Kinh Salisetti được đào năm 1869 và kinh Champeaux được đào năm 1870. Hai kinh khá rộng nối liền nhau và là một đoạn trong trục dẫn nước chính của vùng ngọt hóa Gò Công. Tuyến kinh chạy song song với đường tỉnh 862, nối từ rạch Vàm Giồng, phía Nam thị xã Gò Công, đến xã Tân Thành của huyện Gò Công Đông, chỗ gần đê biển. Hai kinh dài 13 km, rộng trung bình 18 m, sâu 3 m và đã được vét nhiều lần, gần đây nhất vào năm 1999 vét đoạn kinh Champeaux từ Tân Hòa đến Tân Thành.
 
 
 
- Kinh Trần Văn Dõng
 
Kinh nầy là đoạn cuối của trục dẫn nước chính cho vùng ngọt hóa Gò Công, nối từ kinh Salisetti chạy theo hướng Đông - ĐôngBắc cắt ngang qua đường huyện 13 tại cầu Vạn Thắng rồi rẻ thẳng về hướng Đông thông ra Biển Đông sau khi qua cống rạch Bùn. Kinh dài 10,5 km, rộng 25 m, sâu 4 m so với mặt đất tự nhiên. Kinh đã được vét gần đây nhất năm 1987.
 
 
 
- Kinh Xóm Gồng
 
Đây là kinh cấp 1, nhánh của kinh chính Trần Văn Dõng, chạy từ kinh nầy về phía Bắc và thông với sông Vàm Cỏ. Tại đầu phía Bắc đã xây cống cùng tên vào năm 1991-1992. Kinh được hình thành vào năm 1991-1992 bằng việc đào nối các đoạn kinh đã có sẵn để cấp nước cho khu vực thường bị hạn hán ở cuối nguồn của vùng ngọt hoá Gò Công như các xã Tân Phước, Gia Thuận, Vàm Láng, Kiểng Phước, Tân Tây, Tân Đông của huyện Gò Công Đông. Kinh dài 12,8 km, sâu 3 m, rộng 13 m - 15 m. Kinh đã được vét lại năm 1998.
 
 
 
- Ao Trường Đua
Ao có tên nầy vì vào thời thuộc địa ao được bao bọc bởi một đường đất rộng 5 m chạy theo tuyến hình tròn chu vi 3.000 m do người Pháp cho đắp để đua ngựa. Về sau trường đua bị dẹp bỏ, ao dùng trữ nước mưa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của dân thị xã Gò Công. Trước khi có nhà máy nước Gò Công và kinh Tham Thu, vai trò của ao Trường Đua rất quan trọng vì khi ấy nước trong kinh, rạch quanh thị xã Gò Công bị nhiễm mặn phần lớn thời gian trong năm. Ao hình vuông, mỗi cạnh dài 100 m, hiện nằm trong phạm vi thị xã, kề bên đường tỉnh 862 đi Tân Hòa, Tân Thành.
 
Text Box:           Hình 3: Ao Trường Đua (Ảnh Lễ-An)Ao Trường Đua.JPGSau 1975, dân cư đông đảo hơn trong khi nhà máy nước không đủ sức cung cấp nên vào mùa khô các xe đổi nước vẫn đến ao Trường Đua chuyên chở liên tục. Thiếu quản lý, nước ao ô nhiễm nặng và lúc ấy chẳng hiểu sao người ta lại cho chặt bỏ những cây dương già bao bọc quanh ao! Bờ ao trống trải, ai đi ngang qua cũng thấy man mác buồn tiếc như thiếu vắng điều gì vốn đã rất ràng buộc, thân thiết. Về sau, Thị xã chỉnh trang, đường phố rộng đẹp và ao Trường Đua được khởi công nạo vét, xây dựng bờ kè, lát gạch vỉa hè và trồng cây xanh trở lại. Năm 1999, bờ ao đã được lát đá hộc, quanh ao xây lan can. Năm 2005, bờ ao lại được lát gạch mới…!
 
 
 
- Ao Vàm Láng
Ao được đào năm 1993 ngay phía Bắc đường tỉnh 871, cách chợ xã Vàm Láng huyện Gò Công Đông 1.400 m về phía Tây, kinh phí do Cộng đồng Châu Âu tài trợ. Ao dài 200 m, rộng 100 m, sâu 3 m nhằm trữ nước mưa và nước ngọt lấy từ kinh Xóm Gồng cấp cho khu vực đông dân ở trung tâm xã. 
 
7.      Biển (2)
Gò Công tiếp giáp biển Đông (Gò Công Đông) với bờ biển dài 32km nằm giữa các cửa sông lớn là Soài Rạp (sông Vàm Cỏ) và cửa Đại (sông Tiền). Độ thoải của bãi biển từ 1- 0,3%, bờ biển hàng năm bị sạt lở có nơi từ 15 - 20m, độ bồi chỉ xảy ra ở cửa sông Tiền, độ phù sa từ 239 - 324 gram/m3. Mùa lũ chính độ phù sa khoảng 880 gram/m3, hàng năm hướng bồi đắp tương đối lớn.
Sóng biển có độ cao cực đại (bình quân 1,25m và tối đa 3m) vào các tháng 10 đến tháng 02 khi có ảnh hưởng rõ nét của gió Đông Bắc (gió chướng). Ngoài ra, chế độ thủy triều khu vực biển Gò Công Đông chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều biển Đông.
Vùng ven biển, thuộc hệ thống các cửa sông giáp biển nên từ lâu đã thiết lập được hệ thống rừng trồng ngập mặn với diện tích 2.028ha gồm các loại bần, đước, mắm, dừa nước, phi lao. Thực vật dưới tán lá rừng ngập mặn rất phong phú gồm 75 loài thuộc 35 họ. Bờ biển có một bãi biển cát xám gọi là biển Tân Thành thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.
Khu vực ven biển được phù sa bồi đắp quanh năm, hiện quá trình bồi đắp đang hình thành các cồn ven biển:
Cồn Vân Liễu - cồn Ông Mão: Nằm tiếp giáp với vùng đất liền thuộc xã Tân Thành (Gò Công Đông), có chiều dài 7km, rộng 5km với diện tích 4.055ha. Độ cao đường bình độ từ 0,6 đến 6,0m, vùng ven bờ nổi lên khi triều kém.
Cồn Ngang: Nằm tiếp giáp phía Đông cù lao Tân Thới thuộc xã Phú Tân (Gò Công Đông), có chiều dài 5,5km, rộng 2,5km với diện tích 1.617ha. Độ cao đường bình độ từ -1,1 đến 0,6m, nổi một phần diện tích khi triều kém. Hiện một số khu vực cao trên cồn đã trồng được phi lao, mắm ...
Cồn Vượt: Nằm cách 1,5km về phía Đông Nam cồn Ngang, có chiều dài 10km, rộng 3km, với diện tích 3.188ha. Độ cao đường bình độ từ -2,3 đến 6,1m, ngập hoàn toàn.
Với điều kiện nằm giữa các cửa sông nên rất thuận lợi cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Thủy sản nước lợ: gồm con giống và con non sinh sản, di chuyển vào sâu trong bờ, trữ lượng hàng năm ước tính về tôm, cua, cá, sò, nghêu ... tại các vùng cửa sông là 156.000 tấn. Hải sản: tiềm năng hải sản khá dồi dào với trữ lượng hàng năm về sinh vật nổi lên đến 12.000 triệu tấn thực vật phiêu sinh, 5,96 triệu tấn động vật phiêu sinh, 4,7 triệu tấn sinh vật đáy và hơn 1 triệu tấn cá.
 
8.    Hệ Thống Giao Thông Gò Công (2 và 3)
Trong nhiều năm qua, ngành giao thông Gò Công không ngừng xây dựng nâng cấp các hệ thống giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các lực lượng vận tải theo cơ chế thị trường, đầu tư mở rộng nâng cao khả năng sản xuất cấp huyện… góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội địa phương.
Đến nay, Gò Công đã có một hệ thống giao thông thủy, bộ tương đối khá tốt bảo đảm lưu thông đến mọi nơi trong huyện tỉnh, giúp việc chuyển chở sản phẩm hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhưng kết nối với TP. HCM còn chậm chập cho đến khi cầu Mỹ Lợi đươc hoàn tất và Quốc lộ 50 được mở rộng tiện nghi. Dự án cầu Mỹ Lợi đã được chấp thuận từ 2009, nhưng đến nay (2012) công trình xây cất cầu chưa thực hiện do thiếu ngân khoản!
-   Đường sông: Mạng lưới giao thông thủy trong vùng Gò Công không nhiều, nhưng sông Vàm Cỏ, Soài Rạp, Cửa Tiểu và Mỹ Tho (sông Tiền) có tầm quan trọng lớn cho đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn tổng thể tỉnh Tiền Giang, có nhiều ưu thế, mật độ khá nhiều, và là địa bàn trung chuyển từ các tỉnh miền Tây đi TP.HCM qua các tuyến chính như sông Tiền, kinh Chợ Gạo, sông Vàm Cỏ, sông Soài Rạp và nhiều tuyến sông, kinh liên tỉnh, liên huyện: rạch Gò Công, kinh Salisetti, kinh Champeaux, rạch Vàm Giồng, sông Cửa Tiểu, sông Mỹ Tho…
-   Đường bộ: Hệ thống giao thông đường bộ gồm có Quốc lộ 50, 7 tỉnh lộ, 31 huyện lộ và nhiều hương lộ, v.v. (Bảng 1). Hầu hết các hương lộ, đường liên xã, liên ấp được trải nhựa hoặc đúc bê tông, mặc dù công tác này được thực hiện hơi muộn so với các vùng phía Bắc! Hiện nay, đất Gò đã không còn các lọai cầu tre, cầu khỉ, nhưng nguồn nước sạch chưa được cải thiện nhiều.
Quốc lộ 50(hay con đường sứ[6]) đi từ Quận 8, TP HCM đến Thành phố Mỹ Tho, dài 94,2 km cùng với quốc lộ 60 tạo nên tuyến đường duyên hải song hành với quốc lộ 1A đi qua các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hệ thống giao thông này tạo cho đất Gò một vị thế cửa ngõ quan trọng của các tỉnh miền Tây về Thành phố và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam khi được hòan tất.
 
Bảng 1: Quốc lộ, Tỉnh lộ và Huyện lộ đi qua Gò Công
 
 
 
Số TT
 
Tên đường
Số hiệu đường bộ
Điểm đầu
Điểm cuối
Chiều dài (km)
Ghi chú
1
Quốc lộ 50
QL.50
Điểm đầu phà Mỹ Lợi (TX. Gò Công)
Điểm cuối ranh giới huyện GC Tây và Chợ Gạo, Tiền Giang
45,000
 
(Tổng Cộng: 94,200)
TPHCM:
12,000 Đến TX Gò Công:40,900
Đến TP Mỹ Tho: 41,300
2
Đường tỉnh 862
ĐT.862
QL.50
(xã Long Chánh cạnh Bến xe TX. Gò Công)
Đèn đỏ
(xã Tân Thành)
20,754
 
3
Đường tỉnh 871
 
ĐT.871
 
QL.50
(Phường 2, TX. Gò Công)
Vàm Láng
15,000
 
4
Đường tỉnh 872
 
ĐT.872
 
QL.50
(Ngã ba Hòa Đồng - thị trấn Vĩnh Bình)
 
ĐT.877
(Ngã ba Bến đò Cả Chốt – xã Vĩnh Hựu)
 
7,360
 
 
5
 
 
Đường tỉnh 873
 
ĐT.873
 
QL.50
(Ngã ba xã Thành Công và xã Long Chánh)
QL.50
(xã Bình Đông)
 
13,540
 
6
Đường tỉnh 873B
 
ĐT.873B
 
QL.50
(xã Long Chánh)
 
ĐT.871
(xã Tân Tây)
 
 
11,705
 
7
Đường tỉnh 877
 
 
ĐT.877
ĐT.862
(thị xã Gò Công)
 
QL.50
(Ngã ba An Thạnh Thủy)
 
28,200
 
 
8
Đường tỉnh 877B
 
 
ĐT.877B
xã Tân Thới
 
Giáp biển Đông
(xã Phú Tân)
 
35,304
 
 
 
-          Đường tỉnh gồm có: 862, 871, 872, 873, 873B, 877, 877B.
-          Đường huyện Gò Công Tây: Số 7, 8, 9, 10, 11, 12, 12B, 13, 13B, 14, 15, 15B, 15C, 16, 16B, 16C, 17, 18, 19, 20, 21. 
-          Đường huyện Gò Công Đông: Số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 13A, 15, 18.
-          Đường huyện Tân Phú Đông: Số 10.
 
 
 
9.    Nguồn Tài Nguyên Thiên Nhiên
Gò Công không có các mỏ khoáng sản thiên nhiên, nhưng có tài nguyên hiếm quý: đất, nước, Biển Đông và rừng phòng hộ.
-          Đất:Gò Công có tổng số diện tích đất thiên nhiên là 862,98 km2, gồm chủ yếu 3 nhóm đất chính như: nhóm đất phù sa, nhóm đất mặn và nhóm đất cát giồng (Xem thêm Thổ nhưỡng).
-          Nước: Các sông, rạch và kênh cung cấp lưu thông vận tải và phục vụ sản xuất Nông Lâm Ngư nghiệp. Sông Tiền Giang cung cấp nước ngọt cho nông nghiệp và nước uống. Sông Vàm Cỏ và Soài Rạp giúp vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL lên Sài Gòn và thoát nước cho Đồng Tháp Mười trong mùa mưa lũ.
-          Biển Đông: Vùng biển này có nguồn cá vô tận, nhưng chưa được khai thác đúng tầm mức. Hiện nay chỉ có Xóm Lăng (xã Tân Phước) Vàm Láng, Kiểng Phước, Tân Thành, Cửa Tiểu và Cửa Đại đã hành nghề đánh cá biển lâu đời, nhưng vẫn còn phạm vi gia đình và phát triển đánh cá xa bờ chưa đáng kể. Ngoài ra, còn có các mỏ dầu khí đốt xa bờ nằm dưới lòng đáy biển.
-          Rừng phòng hộ: Dọc theo bờ biển có rừng cây ngập mặn, thuở xưa dày đặc, còn gọi là rừng phòng hộ Gò Công hay rừng chắn sóng ven biển, gồm các loại bần, mắm, đước, dừa nước, phi lao. Thực vật dưới tán lá rừng ngập mặn rất phong phú gồm 75 loài thuộc 35 họ.
Dãy rừng này đã bị hủy diệt gần hết bởi thuốc khai quang trong thời chiến tranh (1960s), nay phục hồi, nhưng còn thưa và thấp, có nhiệm vụ thiên nhiên chắn sóng và thủy triều của Biển Đông để không làm xói bờ biển và bảo đảm cho khu ngọt hóa Gò Công Đông và Gò Công Tây. Tuy nhiên, sự lạm dụng khai thác làm cho khu rừng ngày càng mỏng đi, hiện nay chỉ còn 1.600 ha. Trong đó có 350 ha rừng phòng giữ, chắn che cho tuyến đê ngăn mặn dài 21 km. Theo thống kê, trong 15 năm qua khu rừng phòng hộ Gò Công bị mất 15 ha/năm. Điều đó đang đặt khu rừng này và tuyến đê vào tình trạng nguy hiểm trong mùa mưa bão hàng năm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn khai thác bừa bãi kịp thời, nước mặn xâm thực, thủy triều có thể phá vỡ con đê ngăn mặn và ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt hóa và sự trồng trọt của ít nhứt 7.800 ha đất tự nhiên và trên 23.000 dân (5).
Trong 4-5 năm nay, dân cư dọc theo ven biển Đông đã bắt đầu khai thác nuôi tôm sú và thủy sản khác, làm thay đổi tình trạng kinh tế của vùng ven biển, từ nghèo khó trở nên phát đạt. Cần lưu ý, theo kinh nghiệm của Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc và gần đây ở Cà Mau, Bạc Liêu cho biết rằng ngành nuôi tôm thường bị xuống dốc và sụp đổ sau 3-4 năm khai thác, nếu không theo đúng qui trình kỹ thuật, nhứt là tình trạng vệ sinh môi trường và hệ thống thoát nước ô nhiễm không được thiết lập đúng tiêu chuẩn. Do đó, việc nuôi tôm dọc ven biển cần phải theo dõi cẩn thận để vừa có thể khai thác công nghiệp nuôi tôm và các loài cá khác được vững bền vừa bảo tồn rừng chắn thiên nhiên để chống đỡ thiên tai, xâm nhập nước mặn và xói mòn bờ biển.
 
10.   Kết Luận
 
 
Vùng Gò Công có tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, địa hình bằng phẳng, không bị ảnh hưởng của bão tố và lũ lụt hàng năm. Ngoài ra, vùng đất này còn có vị trí địa dư ưu đãi, gần Biển Đông và nằm ngay cửa ngõ thành phố Sài Gòn, nhưng thôn quê vẫn còn nghèo khó và đa số nông dân chưa hưởng được đời sống phồn thịnh của thời hiện đại. Dường như Gò Công còn đang nằm ngủ trong khi các huyện khác của tỉnh Tiền Giang, cũng như Long An kề cận đang sôi động từng ngày với các dự án đầu tư công nghiệp, dịch vụ và du lịch, bởi vùng đất địa linh nhơn kiệt còn thiếu hạ tầng cơ sở cần thiết để phát triển thị trấn, hiện đại hóa, thiếu các khu công nghiệp quan trọng, thiếu cây cầu Mỹ Lợi để tăng tốc lưu thông vận tải hàng hóa và thiếu nhân lực có chất lượng cao trong lãnh đạo, quy hoạch và quản lý.
 
 
 
Tài Liệu Tham Khảo:
 
1.      Quy hoạch sử dụng đất đai xã Tân Phước - huyện Gò Công Đông thời kỳ 2005-2015: Xã Tân Phước: Điều Kiện Thiên Nhiên.
2.      Tiền Giang: Địa chí Tiền Giang/ Địa lý tự nhiên
(http://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp?cap=3&idcha=2150&id=2246).
3.      Tiền Giang: Điều kiện thiên nhiên.
 
(
 
4.      Huyện Gò Công Tây
(http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?).
 
 
5.      Huyện Gò Công Đông
(http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?).
 
 
 
6.      Tấn Vũ. 2006. Rừng Mỏng dần - Đê nguy hiểm. Tin Tức Sự Kiện, Tiền Giang
7.      Huỳnh Minh. 1969. Gò Công Xưa và Nay, Nxb Xuân Thu, Cali, Hoa Kỳ, 222 trang.
8.      Hứa Hoành.1999. Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ: Gò công, nơi phát tích các dòng họ quý tộc. NXB Văn Hóa, Houston, USA, 262 trang.
 


[1] Huyện Tân Phú Đông: mới thành lập ở cù lao Lợi Quan (giữa vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại) vào năm 2008, gồm có 6 xã được lấy từ huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây (do Nghị Định Số: 09/2008/NĐ-CP). Trong bài viết này, thông tin Gò Công Đông và Gò Công Tây gồm cà huyện mới này do chưa có thông tin riêng rẽ.
[2] Sông Bao Ngược là chỗ gặp nhau giữa hai sông Vàm Cỏ và Sòai Rạp khi chảy vào địa phận Gò Công, khúc sông này có dòng nước chảy rất mạnh thường gây tai nạn thuyền bè.
 
 
[3] Sông Vàm Tuần là một nhánh sông ở xã Lý Nhơn, Cần Giờ.
 
 
Tên Vàm Cỏ: Các tài liệu của Pháp gọi sông Vàm Cỏ là “Vaïco”. “Vaïco” bắt nguồn từ tiếng Khmer “piăm vaïco”, nghĩa là “vàm (piăm) đánh/lùa (vaï) bò (co)”. Điều này cho biết sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây chính là con đường lùa trâu bò thuở xưa của người Khmer (http://vn.360plus.yahoo.com/lecongly83/article?mid=194).
[5]Sông Cu Long hay Mêkông (ch Lào có nghĩa là sông m) bt ngun t vùng núi tuyết trên cao nguyên Tây Tng đ cao 5.000 m. Sông Cu Long chy qua năm quc gia: Trung Quc, Miến Đin, Lào, Thái Lan, Campuchia và Vit Nam. Cu Long là con sông dài nht Đông Nam Á. So vi nhng con sông ln trên thế gii nó được xếp vào hàng th 10 v lượng dòng chy (475 t m3/năm) và chiu dài (4.200 km) đng th 5 v din tích lưu vực (795.000 km2).
 
[6] Con đường sứ:Vua T Đc (1848-83) cho đp “con đường s” ni t Gia Đnh xung ging Sơn Quy đ liên lc vi quê ngoi (Bà Từ Dụ). Người ln tui đây thường nói rng “nghe ông bà k li hi đp con đường này, bt dân chúng phc dch lao kh đ phá rng, đào mương đp l, bc cu trong hoàn cnh đt đai hoang vu đy mui mòng, rn rít, thú d và sơn lam chướng khí, nên b bnh và chết rt nhiu”. Gia thế k 20, di tích “con đường s” vn còn, là con đường tri đá ni tnh l Gò Công ra bến Bc M Li đ đi Cn Giuc, Ch Ln. Nh con đường s, nhiu công văn, tin tc liên lc vi quý tc h Phm, được liên tc. Ngày nay, “con đường s” đã tr thành liên tnh l 5 (Quốc lộ 50 bây giờ), ni Gò Công vi Ch Ln, qua phà M Li (Hứa Hoành, 1999).
 
 
 


 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693443 visitors (2230949 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free