Động vật thượng đẳng đều có bộ răng để nhai, cắn, xé, gậm, v.v. thực phẩm trước khi nuốt. Mỗi răng hay nhóm răng, ở hàm trên hay hàm dưới, có chức năng khác nhau, nên có cơ cấu khác biệt. Mỗi loài động vật đều khác nhau về bộ răng.
Bộ răng ở loài người
Ở loài người, trẻ nít mới sanh đến 7-8 tháng không có răng vì chúng bú sữa hay thức ăn lỏng, nên chưa cần có răng.
Sau 7-8 tháng tuổi, răng sữa (milk teeth hay deciduous teeth) mới mọc vì chúng bắt đầu ăn thức ăn đặc, cứng cần phải nhai, cắn hay xé. Trong bộ răng có 3 nhóm răng chính: nhóm răng cửa (incisors) có nhiệm vụ cắn, xé; nhóm răng nanh (canines, cuspid) để táp cắn; và nhóm răng hàm (răng cấm, molars) dùng để nhai, nghiền thức ăn cứng.
Bộ răng trẻ nít
Trẻ nít từ 7 tháng đến 11 tuổi có bộ răng sữa, gồm 20 cái răng trên 2 hàm, mỗi hàm có 2 răng cửa giữa (central incisor), 2 răng cửa bên (lateral incisor), 2 răng nanh (canine, cuspid), 2 răng hàm thứ 1 (first molar) và 2 răng hàm thứ 2 (Second molar).
|
Hàm trên
|
Hàm dưới
|
Răng
|
Tuổi răng mọc (tháng)
|
Tuổi răng rụng, thay răng mới (năm)
|
Tuổi răng mọc (tháng)
|
Tuổi răng rụng thay răng mới (năm)
|
Cửa giữa
|
9.6
|
7.0
|
7.8
|
6.0
|
Cửa bên
|
12.4
|
8.0
|
11.5
|
7.0
|
Nanh
|
18.3
|
11.0
|
18.2
|
9.5
|
Hàm thứ 1
|
15.7
|
10
|
15.1
|
10.0
|
Hàm thứ 2
|
26.2
|
10.5
|
26.0
|
11.0
|
Bộ răng người lớn
Đến 7-8 tuổi, con nít bắt đầu rụng răng sữa (tuổi sún răng) và sau đó mọc răng mới, chắc chắn, suốt đời. Chẳng may bị rụng (vì tai nạn, nhổ răng, tuổi già răng rụng) thì không còn dịp mọc răng mới nữa. Vì vậy ở loải người chỉ có 2 bộ răng, bộ răng sữa ở tuổi thơ ấu và bộ răng người lớn, và chỉ thay răng 1 lần.
Hình 1. Bộ răng trưởng thành
Răng số
|
Tên tiếng Việt
|
Tên tiếng Anh
|
Hàm trên
|
Hàm dưới
|
1, 16
|
17, 32
|
Răng khôn (răng hàm thứ 3)
|
Wisdom tooth (third molar)
|
2, 15
|
18, 31
|
Răng hàm thứ 2 (răng hàm 12 tuổi)
|
2nd molar (12-year molar)
|
3, 14
|
19, 30
|
Răng hàm thứ 1 (răng hàm 6 tuổi)
|
1st molar (6-year molar)
|
4, 13
|
20, 29
|
Răng tiền hàm thứ 2
|
2nd bicuspid (2nd premolar)
|
5, 12
|
21, 28
|
Răng tiền hàm thứ 1
|
1st bicuspid (1st premolar)
|
6, 11
|
22, 27
|
Răng nanh
|
Cuspid (Canine, eye tooth)
|
7, 10
|
23, 26
|
Răng cửa bên
|
Lateral incisor
|
8, 9
|
24, 25
|
Răng cửa giữa
|
Central incisor
|
Ở tuổi 13, khi răng hàm mọc lên lần thứ hai thì trong khoang miệng tổng cộng có 28 chiếc răng, trong đó có 8 chiếc răng cửa, 4 chiếc răng nanh và 8 chiếc răng hàm hai đỉnh và 8 chiếc răng hàm nghiền. Răng khôn (wisdom tooth), hay răng hàm thứ 3, mọc khi con người đạt hình thể trưởng thành, 17-21 tuổi. Không phải ai cũng mọc răng khôn. Răng khôn vô dụng, vì không cần thiết, có thể nhổ bỏ đi mà không ảnh hưởng gì tới chuyện ăn uống. Đây là tiến trình tiến hóa của loài Người. Người cổ đại ăn thức ăn sống, cứng như thịt, xương, thực vật nhiều xơ nên cần nhiều răng hàm. Vì vậy, xương hàm người cổ đại rộng phình ra, có chỗ để mọc thêm răng hàm thứ 3 (tức răng khôn). Kể từ khi tìm ra lửa và biết trồng trọt cách đây 10.000 năm, con người biết cách nấu chín, chọn thực phẩm ít xơ cứng, ít nhai nên xương hàm nhỏ hơn ở tuổi trẻ, phải chờ đến trưởng thành bộ hàm mới có chỗ trống cho răng khôn mọc. Nếu ai có bộ hàm nhỏ sẽ không mọc răng khôn, và nếu có mọc thì rất là đau đớn, cần nha sỉ nhổ đi.
Bộ răng ở các loài động vật
Bộ răng được tiến hóa qua nhiều triệu năm ở nhiều loại động vật. Cá, động vật lưởng thể (amphibians), bò sát, loài có vú đều có răng, nhưng bộ răng biến thiên theo từng loài vì cách bắt mồi, cách ăn và thực phẩm khác nhau. Chẳng hạn Cá có tới hàng mấy trăm cái răng nhỏ và mủi nhọn hướng vào trong nên mồi chỉ có một con đường chạy vào bụng cá mà không cần nhai (Hình 2, trái), ngược lại bộ răng cá vạm vở (Hình 2, phải) có thể đập vở con mồi trước khi nuốt.
Hình 2. Hai loại bộ răng ở Cá
Động vật càng tiến hóa thì số răng càng giảm, và răng có cấu trúc khác nhau để thực hiện các chức phận khác nhau. Chẳng hạn ở Cá có tới mấy trăm răng nhưng chỉ có một loại răng. Động vật có vú hạ đẳng có 44 răng, còn động vật có vú thượng đằng, như con người có 28-32 răng, gồm có răng cửa, răng nanh và răng hàm.
Động vật có vú thường có 2 bộ răng (diphyodonty) gồm bộ răng sữa và bộ răng trưởng thành và chỉ có một lần thay răng, như ở con Người. Tuy nhiên có nhiều ngoại lệ. Cá Voi (động vật có vú) chỉ có một bộ răng (tức không có thay răng), con Chuột có 2 bộ răng, nhưng thay răng khi còn trong bụng mẹ, còn con Voi có tới 6 bộ răng, thay 5 lần răng, và nếu bộ răng cuối cùng rụng, con Voi chết đói vì không ăn được thực phẩm.
Động vật có vú cũng có răng khôn như con Người, đó là răng hàm mọc thêm ở trong cùng.
Con người có thể mọc răng trở lại khi rụng?
Như đã nói ở trên, con Người chỉ thay răng một lần, thay thế răng sữa bằng răng trưởng thành. Nếu răng này rụng, đành phải trồng răng giả hay bộ răng giả (denture) để nhai cắn thức ăn. Nhưng con Voi có thể thay răng 5 lần. Đặc biệt, Cá Sấu (Alligator) thay răng tới 50 lần.
Hình 3. Bộ răng Cá Sấu
Tại sao con người không có thể thay răng nhiều lần như Voi hay Cá Sấu? Các nhà khoa học đang tìm hiểu cơ nguyên mọc răng mới ở loài Cá Sấu để áp dụng cho loài người.
Ngày 8/5/2013, trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America nhóm 11 nhà khoa học thuộc học viện Howard Hughes Medical Institute/University of California, Los Angeles, CA, nghiên cứu hiện tượng thay răng mới ở Cá Sấu. Nhóm này cho biết bộ răng cá sấu tương tự như bộ răng người và họ khám phá được làm cách nào cá sấu có khả năng thay răng nhiều lần trong đời. Tại mỗi vị trí, có 3 loại răng: trên cùng là răng trưởng thành (adult tooth), kế dưới là răng non (baby tooth) và dưới cùng là tế bào gốc (stem cell) của răng. Khi răng trưởng thành rụng, răng non mọc thành răng trưởng thành, tế bào gốc tạo răng non, và dưới cùng vẫn là tế bào gốc. Cứ như vậy tiếp diễn. Ở người, dưới lớp răng sữa có tế bào gốc, khi răng sữa rụng, tế bào gốc sinh ra răng trưởng thành, nhưng dưới răng trưởng thành không còn tế bào gốc, và như vậy con người chỉ thay răng một lần mà thôi.
Ở con người, khi tóc rụng tóc mới mọc ra được ở chỗ cũ, nhưng răng trưởng thành rụng thì không không mọc răng mới. Động vật hạ đẳng có khả năng tái tạo cơ quan bị đứt mất, chẳng hạn như con cua mọc càng mới khi bị rụng, thằn lằn rụng đuôi thì mọc đuôi mới. Bộ di truyền DNA ở người cũng chứa đủ các gen chi phối việc mọc răng hay mọc lại cơ quan như ở các động vật hạ đẳng, nhưng vì lý do gì đó, khả năng này không biểu hiện. Một lý do khác là con người có ít tế bào gốc chuyên biệt bằng động vật hạ đẳng. Các nhà khoa học nay tập trung vào việc nghiên cứu cấy tế bào gốc của răng vào chân răng, giúp nó tồn tại và phát triễn để có thể tái tạo răng mới. Đây chỉ là bắt đầu trên đoạn đường nghiên cứu còn dài, nhưng chúng ta hy vọng là một ngày nào đó người già vẫn có bộ răng thật như thời trẻ chứ không phải mang bộ răng giả như ngày nay.
Reading, 7/2014.
Trần- Đăng Hồng, PhD
|