.
  31 ngày lang thang p37
 
22/5/2014

B.7. Ngày 7, 23-10-2013, Thủ đô Bangkok, ngày thứ 3.

Sáng nay, bắt đầu ngày thứ 3 tại Bangkok, chúng tôi dự định sẽ đi “hú họa” theo một hướng khác, dọc theo đường Sam Sen, ngược với đường Chakrabongse. Nhưng bà xã cảm thấy không được ổn cái bụng, nên quyết định ở nhà “tịnh dưỡng”, buổi trưa nếu êm thì tính tới và thế là tôi phải đi “một mình ênh”. Tuy nhiên, trước khi đi, tôi phải tìm mua món gì đó để bà xã ăn sáng, vừa no, vừa lành, dĩ nhiên tôi cũng ăn theo. Đầu hẽm Trok Kai Chae, dọc theo phố Phra Sumen có rất nhiều chỗ bán thức ăn và tôi gặp hàng cháo gà rất ngon của 1 chị Hồi giáo đứng bán(người Hồi giáo không ăn thịt heo). Thịt gà được làm “lụn vụn” rất khéo, không còn xương, cháo trắng nấu nhừ nóng hôi hổi, nếu muốn, đập thêm trứng vào, chỉ 30 baht, thật ngon và rất an toàn!



Thau thịt gà được chế biến “lụn vụn” như thế này, màu xanh là do ánh sáng phản chiếu từ cây dù che nắng.

10h15’, tôi rời nhà trọ Apple GH 2, một mình đi “hú họa” về hướng đường Krachabongse, theo lộ trình như sau:



Sơ đồ “rong chơi” ngày 23-10-2013 tại Bangkok.

_ Đường màu đỏ là lượt đi, theo lộ trình chính là Phra Sumen, Sam Sen và các ngỏ phụ là : Sam Sen 5, Krung Kasem, Ayutthaya, Sam Sen 9 và cầu Krung Thon.
_Đường màu lam đậm là lộ trình lượt về : từ cầu Krung Thon theo đường Ratchawithi, Nakhon Ratchasima, Ayutthaya, Sam Sen, Sam Sen 1, Phra Sumen.
_3 ngôi chùa trong ô màu đỏ là 3 điểm đi thăm vào buổi chiều: Chùa Intharawihan, Benchamabophit và Saket.

Trước tiên từ đường Phra Sumen, tôi đạp xe đến đường Chakrabongse, rẻ trái lên cầu 2486, bắc ngang 1 con kinh nhỏ.





Đây cũng là con kinh đầu tiên mà chiều hôm qua tôi đã vượt qua, kinh Phadung Krung Kasem, Từ đây là bắt đầu đường Sam Sen, dọc theo 2 bên đường có những ngỏ nhánh được đánh số lẻ (1, 3, 5,…) bên tay trái và số chẳn (2, 4, 6,…) bên tay phải.
Bangkok nằm ở 13,45 độ vĩ Bắc, ngang với Qui Nhơn. Trước kia là một vùng dân cư nhỏ, gọi là Bang Makok, được coi như là “hậu phương” của cố đô Ayutthaya. Năm 1767, Miến Điện xâm chiếm và tàn phá Ayutthaya, 1 viên tướng Xiêm là Taksin đã đánh bại quân Miến và thống nhất đất nước. Vì Ayutthaya đã bị tàn phá, nên tướng Taksin đã chọn Thonburi làm kinh đô mới, thành lập vương triều Thonburi, trên hữu ngạn sông Chao Phraya, cách cố đô khoảng 70km về phía Nam. Năm 1782, triều đại Thonburi chấm dứt sau 15 năm, khi vua Taksin bị đảo chính do vị vua này trở nên bạo ngược, tàn ác. Vua Rama I lên ngôi, dựng nên Vương triều Chakri, kéo dài đến ngày nay với đương kim Quốc Vương Rama IX, Bhumibol Adulyadej Đại Đế. 
Vua Rama I cho xây dựng cung điện trên tả ngạn sông Chao Phraya và đổi tên là Krung Thep, kinh đô mới bao gồm cả khu vực Thonburi. 
Bangkok thật ra là để chỉ quận Thonburi, nhưng ngày nay đã chính thức là tên của thủ đô nước Thái.
Hôm nay, tôi muốn đi theo đường Sam Sen vừa để thâm nhập vào vài ngỏ ngách của Bangkok, cặp theo sông Chao Phraya, vừa để có một cái nhìn tổng quát về dòng sông này, ngỏ hầu một hôm khác, chúng tôi sẽ vượt sang bờ hữu ngạn, bên kia.





Với hơn 90% dân số theo đạo Phật, nên số lượng Chùa trên đất Thái rất nhiều. Riêng tại Bangkok, con số này là hơn 400, nên hầu như đi đâu ta cũng gặp chùa.





Để tiếp cận sông Chao Phraya, tôi rẻ trái vào các ngỏ nhánh của đường Sam Sen. Hôm nay tôi bắt đầu ở Sam Sen 5, cuối ngỏ này là 1 bến tàu du lịch chở khách ngoạn cảnh sông, từ đây tôi có thể nhìn thấy cầu Rama 8 thật đẹp phía tay phải.





Cầu Rama 8 tại Bangkok, nối liền 2 bờ sông Chao Phraya, được xây dựng trong 7 năm (1995-2002) dưới thời Vua Rama IX, nhằm giải quyết áp lực giao thông cho cầu Pin Klao kế cận, ở hạ lưu. Đây là cầu đẹp nhất ở thủ đô Thái Lan, cái vẻ đẹp mềm mại, rất dễ thương, như chính vị Vua mà nó mang tên, Rama VIII.
Vua Rama thứ 8, của Vương triều Chakri, tên thật là Ananda Mahidol, cháu nội của Vua Chulalongkorn, sinh tại Heidelberg, Đức khi cha mẹ ông học tập tại đây. Cuộc đời làm Vua cực ngắn của ông là một bi kịch! “Bị chọn” lên ngôi năm 1935, lúc mới 9 tuổi, suốt 10 năm “tại vị” tiếp theo chỉ biết vui chơi và học tập ở Thụy Sĩ, mãi đến năm 1945, ông mới chính thức về nước nhiếp chánh. Và bi kịch đã đến với vị Vua trẻ này vào ngày 9 tháng 6 năm 1946 bằng 1 phát súng bí ẩn mà lịch sử Thái Lan cũng không làm rõ được, chỉ biết đã có 3 bản án tử được thi hành với tội danh ám sát quốc vương, mà người chủ mưu thì không hề nhắc tới. Chúng ta nên nhớ rằng, từ thời này, Thái Lan đã là 1 nước quân chủ lập hiến, quyền hành không thuộc nhà Vua, mà do Quốc hội và Thủ tướng quyết định. Tôi cho rằng Vua Rama 8 dễ thương vì lúc đó ông chỉ là 1 thanh niên vừa mới lớn, học ngành luật và chắc chắn đang vô tư với những mơ mộng đầu đời. Có lẽ ông cũng chẳng ham gì cái ngai vàng, nếu được chọn, chắc chắn ông thích làm một Vương gia quyền quí hơn!








Rời dạ cầu Rama 8, tiếp tục rong chơi trên đường Sam Sen, tôi tới 1 con kinh thứ 2, đó là kinh Khu Muang Doem. Tôi rẻ trái theo đường Krung Kasem, cặp theo kinh, đầu đường, bên phải là 1 dãy cơ sở bán hoa kiểng giống như ở bên nhà, nhưng qui mô không bằng, có mấy anh xe ôm đang chờ khách. Tiến tới 1 chút, bên trái là ngôi chùa thứ 24 mà tôi đi qua, chùa Noranatsunthigaram.






 

 

Vẫn theo đường Sam Sen, tôi vượt qua cầu kinh Khu Muang Doem.





Vừa qua cầu kinh Khu Muang Doem là gặp ngay 1 chợ nhỏ nằm dọc theo 1 đoạn đường Luk Luang và Sam Sen, chợ “Fresh market”.



2 bên bờ kinh là chợ, bên trái bán hoa kiểng, bên phải bán hàng tươi sống.














Tiếp tục theo đường Sam Sen, tôi tới đường Ayutthaya, ngay đầu đường là thư viện quốc gia Thái Lan. Thư viện nằm trong 1 khu vườn rộng mênh mông, thật thích hợp cho nghiên cứu và thư giản!








Tiếp theo tôi gặp nhóm học sinh đang tụ tập trước 1 cửa hàng sách, có cái tên rất thân thiện, Book Smile! Thấy ông già chơi con xe đạp quá “xì tyl”, bọn trẻ xúm lại trầm trồ và xin chụp ảnh kỷ niệm!






Các học sinh Thái rất dễ thương.

 

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638756 visitors (2128238 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free