.
  Nỗi niềm của một y công
 
23/11/2014


Nỗi Niềm Của Một Y Công

Bs Nguyễn Thượng Chánh

 

Săn sóc bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, chẳng hạn như thay tã, thay quần thay áo, làm giường, giúp họ trong việc ăn uống, trong vấn đề vệ sinh, tắm rửa hằng ngày, v.v… là những công việc thường lệ của một y công (?).

Đây là một job không phải dễ, rất cực nhọc, đòi hỏi một sự chịu đựng và nhẫn nại hơn người.

Không phải ai cũng có thể làm được hết đâu.

* * *

3 Videos: Les réalités du métier - Préposé aux bénéficiaires

https://www.youtube.com/watch?v=TxuxF57paJE

Rôle du préposé 1

https://www.youtube.com/watch?v=UJ7yQMa22MY

Rôle du préposé 2

https://www.youtube.com/watch?v=Xq7CI_Pw_GI


Photo minh họa

Làm việc trong một khung cảnh đượm vẻ thê lương, nặng nề, và đầy rẫy âm thanh rên xiết suốt ngày suốt đêm, người y công cũng không dám nói là mình chai đá dửng dưng được trước cảnh đời quá phủ phàng, kiếp nhân sinh quá phù du hư ảo…

NNT là cháu kêu tác giả bằng dượng. Từ trên 10 năm nay, cháu là một y công (préposé aux bénificiaires) tại một bệnh viện lớn ở Montreal. Cậu ta làm việc tại một bộ phận hắc ám nhất. Đó là tầng săn sóc bệnh nhân cuối đời, gọi là unité de soins palliatifs. Đây là nơi nằm của các bệnh nhân hết thuốc chữa và chỉ chờ ngày « ra đi » mà thôi.

Sau đây là đôi dòng tâm sự của cậu ta.

«…Cuộc đời đưa đẩy tôi làm y công cho một bệnh viện ở Montreal.

Công việc của tôi là chăm sóc người bệnh, giúp cho họ có được những giây phút thoải mái để cuộc sống dễ chịu hơn trong những ngày cuối cùng của đời họ trên dương thế nầy.

Đó là những người bệnh già, bệnh nhân lú lẫn Alzheimer, những người bị ung thư vào giai đoạn cuối, những người mới vừa được mổ và những người bị bệnh tâm thần, v.v…

Bệnh nhân được tôi săn sóc nằm trong khoảng tuổi từ 18 đến 101 tuổi.

Có người còn rất trẻ, đâu trên dưới 20 tuổi mà phải chịu nằm chờ chết vỉ họ bị ung thư não. Có người bị cancer vú, mùi hôi thúi nồng nặc rất khó chịu, cần phải băng bó vết thương lại bằng những loại băng có chất than charbon activé cho đỡ hôi thúi. Họ không ngớt rên la cả đêm vì quá đau đớn và khó chịu. Họ thường năn nỉ để xin thuốc morphine nhằm giúp họ giảm đau.

Tôi thấy rất xót xa và cảm thương họ, nhưng biết làm sao bây giờ?

Biết chừng đâu một ngày nào đó mình cũng sẽ như họ?

Trước tình cảnh như thế, người ta tự hỏi chúng ta có nên giúp bệnh nhân chấm dứt sự đau đớn vô ích đó càng sớm càng tốt hay không? Nhưng đây chỉ là ý tưởng riêng tư của mỗi người mà thôi.

Luật pháp Canada cấm ngặt việc trợ tử.Vấn đề nầy hiện nay vẫn còn là một vấn đề tranh luận tại các xứ Tây phương!

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xem sự sống là thiêng liêng nên họ đều cấm triệt việc giúp đỡ bệnh nhân sớm kết liểu cuộc sống. Đây là một vấn đề cấm kỵ, còn đang được tranh luận.

Ngày nay chỉ có Hòa Lan, Thụy Sĩ và Bỉ và một vài xứ khác mới cho phép việc trợ tử theo ý muốn của bệnh nhân.

Tôi rất xót xa mỗi khi thấy những bệnh nhân còn quá nhỏ tuổi mà phải vô nằm trong soins palliatifs. Họ chưa hưởng được gì cả trong cuộc đời quá ngắn ngủi. Đối với các cụ lớn tuổi, 80- 90 tuổi trở lên thì dễ chấp nhận hơn vì họ đã thật sự sống cuộc đời họ rồi. Chết là sự giải thoát khỏi thân xác già nua xấu xí, khỏi bệnh tật, khỏi sự đau đớn của thể xác và tâm hồn…Các cụ đã sống quá đủ rồi.

Theo sự quan sát của mình, tôi thấy người bệnh rất sợ chết mà thân nhân cũng rất sợ xác chết nữa. Tôi muốn nói đến trường hợp của một cụ bà người Hoa, 85 tuổi. Con gái, 65 tuổi, của cụ bà thường phàn nàn sao đêm nào mẹ mình cũng không ngớt gọi mình làm mình không ngủ nghê gì được cả. Rồi có một đêm nọ, người con gái không còn nghe tiếng mẹ mình gọi nữa. Bà ta mới hỏi tôi và tôi cho biết là bà cụ đã đi rồi trong đêm qua. Người con mới xin tôi được mang găng tay và mặc áo blouse để vào nhìn mặt mẹ lần cuối cùng. Tôi nói bà cụ là mẹ thì cần gì phải mang găng và bận áo choàng làm chi. Bà cứ việc vô đi, không sao đâu, nhưng bà ta không dám, mà chỉ đứng ngoài cửa lấp ló ngó vào và run cầm cập. Mẹ mình mà mình cũng sợ!

Mỗi khi có người vừa mới tắt thở, bác sĩ liền được mời đến để chứng thật. Phận sự của tôi sau đó là tháo gỡ hàm răng giả của người chết ra và bỏ vào hộp. Thay bỏ quần áo cũ ra và bận vào xác chết một cái áo giấy, cuộn xác kỹ lưỡng vào một tấm nylon to. Để xác lên xe và đẩy xuống nhà xác. Thế là xong một kiếp người!

Mỗi khi có người quá vãng thì thân nhân đến viếng. @

Dân Haiti thường đến rất đông, khóc la thảm thiết, kế đến là người Ý cũng khá đông.

Người mình thì ít hơn. Đôi khi cũng có gia đình rước thầy đến tụng niệm kinh vãng sanh, bằng không thì cũng để cassette hoặc CD Nam Mô A Di Đà Phật, hoặc kinh Tây Tạng.

Làm việc lâu năm trong khu săn sóc cuối đời (soins palliatifs), đối mặt thường xuyên với cảnh bệnh hoạn và chết chóc, tôi phải tự tạo cho mình một cái vỏ khá cứng mới có thể chịu đựng được… » (ngưng trích NNT)


Bệnh nhân cuối đời (Internet)

Photo minh họa-Một cách di chuyển bệnh nhân cao tuổi vào phòng tắm (Photo internet)

Tâm trạng người sắp chết

Tiếp xúc với người sắp chết là việc rất khó và rất tế nhị. Chúng ta phải biết cảm thông với người bệnh vào giai đoạn cuối đời.

Nên ghi nhớ những điều sau đây:

- khuyến khích họ thố lộ ra những ưu tư, ước muốn và nói lên những tình cảm sâu kín của họ.

- Phải biết lắng nghe họ bằng đôi tai, bằng cặp mắt, và bằng cả con tim của mình và nhẹ nhàng nắm lấy tay họ.

- Nếu họ còn nói được, cần phải nhẫn nại, nên dùng những chữ đơn giản, có thể không dùng ngôn từ mà chỉ sử dụng cử chỉ để trao đổi với người bệnh.

- Phải biết tôn trọng bệnh nhân trong giai đoạn cuối đời. Không bao giờ nói với họ những câu như: ngày mai sẽ khá hơn, hãy mĩm cười, tất cả sẽ tốt đẹp, đừng có lo, mọi sự rồi sẽ trở nên ổn thoả hết...

- Đôi khi người sắp chết cần phải nói lên về sự chết hay về quá khứ của họ.

- Phải nể trọng họ và hãy lắng tai nghe họ nói.

- Chúng ta cũng cần phải tôn trọng sự im lặng của người sắp chết.

- Người sắp chết tuy nằm bất động nhưng họ vẫn còn nghe. Vậy tránh nói những lời không tốt đẹp hoặc đem chuyện gia đình ra gây gổ với nhau bên cạnh giường bệnh.

Người sắp chết thường phải trãi qua các tâm trạng sau đây:

Sự chối từ

Đây là một phản ứng tự nhiên. Họ không chấp nhận sự chẩn đoán chung quyết của bác sĩ. Họ rất lo sợ nên có phản ứng chối từ.

Sự giận dữ

Tại sao phải là tôi? Tại sao ngay bây giờ. Bệnh nhân cố ý không chấp nhận sự thật và trở nên hung dữ đối với tất cả mọi người.

Thương lượng với sự chết

«Nếu tôi có chết cũng không thể nào trước ngày đám cưới của con gái tôi được. hoặc không thể nào chết trước ngày ra đời của cháu nội tôi được»

Giai đoạn chán đời, trầm cảm

Bệnh nhân rơi vào trạng thái buồn rầu cực độ trước sự chết quá hiển nhiên của mình trong những ngày sắp tới. Họ phải xa lìa và bỏ lại hết tất cả những gì thân thương nhất trên cõi đời nầy.

Chấp nhận cái chết

Cuối cùng họ trở nên bình thản hơn và chịu chấp nhận sự ra đi của họ.

KẾT LUẬN


Xong một kiếp người (internet) 

Chết là điểm cuối cùng trong chu trình sanh lão bệnh tử.

Chết chỉ là một việc rất tự nhiên mà thôi.

Xã hội có khuynh hướng vui mừng hân hoan trước sự nhiệm mầu của sanh sản nhưng lại khắc khe chống đối sự chết. Tại sao? Tại vì con người quá tham lam, dệt quá nhiều ước mơ và quá nhiều hy vọng chăng?

Nói theo Phật giáo, thì chúng ta vì tâm luyến ái nên cố bám víu vào cuộc sống, và vì vô minh nên không biết đó là giả tạo, không có gì là thật cả!

Cố tình không bàn đến cái chết là cố tình không muốn biết đến lực lượng đông đảo bác sĩ, y tá, y công và thiện nguyện viên ngày đêm hy sinh, không quản ngại khó khăn, sát cánh bên nhau để giúp cho các bệnh nhân cuối đời có được những giây phút thoải mái trước khi thanh thản nhắm mắt về cõi vĩnh hằng./.

Tham khảo:

- Pierre Foglia- Caméra pas cachée-Préposées aux bénéficiaires des gens de cœur-

http://sante-prepose.blogspot.ca/2013/01/je-viens-de-trouver-un-article-qui.html

Bs Nguyễn Thượng Chánh

- Chết có thật đáng sợ không?

http://www.advite.com/ChetCoThatDangSoHayKhong.htm

Tự do cuối cùng-Quyền được chết trong phẩm giá

http://vietbao.com/p117a229542/tu-do-cuoi-cung-quyen-duoc-chet-trong-pham-gia

 

- St Joseph Rhehabilition and Nursing Care Center-Tel: 617-825-6320617-825-6320

http://www.stjosephrehab.com/vietnamese/index.php

Nơi nghỉ chân cuối đường

http://www.viendongdaily.com/phone/noi-nghi-chan-cuoi-duong-lNJgxaTU.html

- Hospice Care và sự giằng co lý trí – tình cảm trước cái chết

http://nguoiviettudoutah.org/2011/?p=50637

 

Montreal, 2014


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638884 visitors (2128671 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free